Phác đồ điều trị viêm kết mạc dị ứng

Viêm kết mạc dị ứng gây ra nhiều đau đớn, phiền toái trong cuộc sống thường ngày của người bệnh. Thậm chí có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách. Dưới đây là phác đồ điều trị viêm kết mạc dị ứng.

1. Phác đồ điều trị viêm kết mạc dị ứng

1.1. Tổng quan hình thái của viêm kết mạc dị ứng

Tương tự như những bệnh lý dị ứng khác, viêm kết mạc dị ứng cũng xảy ra khi hệ thống miễn dịch xác định một tác nhân vô hại như là chất gây dị ứng. Điều này sẽ khiến hệ thống miễn dịch phản ứng lại quá mức và sản xuất ra những kháng thể, được gọi là globulin miễn dịch (IgE). Toàn bộ kháng thể này đi tới các tế bào, sau đó giải phóng các hoá chất trung gian và gây ra phản ứng dị ứng.

Tại đất nước có khí hậu nóng ẩm như nước ta, tỷ lệ bị viêm kết giác mạc dị ứng là rất cao. Không chỉ vậy, 90% người bệnh còn kèm theo các bệnh dị ứng tại những cơ quan khác như: Viêm mũi - viêm xoang dị ứng, hen suyễn... kèm theo những triệu chứng ngứa mắt, khó thở, hắt hơi, sổ mũi... Trong đó chỉ có 10% “may mắn" chỉ bị dị ứng đơn thuần tại vùng mắt.

Những hình thái lâm sàng của bệnh viêm kết mạc dị ứng gồm có: Viêm kết mạc mùa xuân, viêm kết mạc theo mùa, viêm kết mạc có nhú khổng lồ và viêm kết mạc cơ địa. Trong số đó:

  • Viêm kết mạc theo mùa là hình thái phổ biến nhất và thường có xu hướng phát triển thành mạn tính, quanh năm, đi kèm với viêm mũi dị ứng.
  • Viêm kết mạc dị ứng mùa xuân diễn biến dai dẳng và khó điều trị nhất, thường xuất hiện ở các bé trai từ 5 - 7 tuổi, có tiền sử bị chàm hoặc trong gia đình có tiền căn dị ứng.
  • Viêm kết mạc có nhú khổng lồ thường xuất hiện ở những người có tiếp xúc cơ học trực tiếp của kết mạc mi với các dị vật như mắt giả, kính áp tròng, chỉ khâu... gây ra tổn thương dạng nhú to tại mi mắt, dễ dàng thấy được thông qua thăm khám lâm sàng.
  • Viêm kết mạc cơ địa thường xuất hiện kèm với bệnh viêm da cơ địa, gây giảm thị lực.

1.2. Triệu chứng và chẩn đoán viêm kết mạc dị ứng

Đặc biệt, theo kinh nghiệm chữa viêm kết mạc dị ứng bệnh thường đi kèm với tình trạng khô mắt. Mối liên hệ bệnh lý của chúng khá phức tạp, gây khó khăn trong việc phân biệt đâu là nguyên nhân, đâu là hậu quả. Chính vì thế mà biểu hiện chủ quan của bệnh khá đa dạng, chẳng hạn như: Nhìn mờ tạm thời, khó mở mắt vào buổi sáng, gây cảm giác khô rát, bất ổn khi sử dụng kính áp tròng, ra gỉ nhiều, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, cảm giác như có sạn trong mắt, ngứa, dễ kích thích....

Trong đó có 80% người bệnh có triệu chứng ngứa, buộc phải day dụi hoặc gãi mắt. Đây cũng là điểm then chốt giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh. Một số trường hợp còn kèm theo biểu hiện toàn thân như mệt mỏi, viêm mũi, viêm họng, sốt nhẹ, nổi hạch trước tai, đau họng mỗi khi nuốt nước bọt.

Khi thăm khám, bác sĩ có thể phát hiện ra những tổn thương từ nhẹ cho tới nặng, tuỳ thuộc vào hình thái lâm sàng, đã gây biến chứng hay chưa. Tình trạng nhẹ thì bị phù kết mạc hoặc cương tụ kết mạc khu trú, thường là tại mi dưới, ngoài ra có thể có bọng mắt kết mạc. Trường hợp nặng hơn là phù toàn bộ diện kết mạc sụn, đồng thời có nhú viêm.

Mặt khác, giác mạc cũng có thể viêm ra vùng rìa, có tân mạch, viêm loét vô khuẩn hình viêm. Nó sẽ gây biến chứng là làm giảm thị lực bởi sẹo hoặc loét giác mạc. Vì thế, nếu người bệnh dùng thuốc không kiểm soát lại có thể gây phản tác dụng, dẫn tới nhiều tình huống nguy hiểm cho mắt, đôi khi là không thể cứu chữa như: Đục thuỷ tinh thể, glocom do corticoid, nhiễm khuẩn cơ hội hay phối hợp.

Các triệu chứng trên có thể xảy ra đơn lẻ hoặc xuất hiện cùng viêm mũi dị ứng và thường diễn ra trong một thời gian ngắn, sau khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Những triệu chứng gây ra bởi dị ứng theo mùa sẽ có xu hướng tiến triển xấu đi nếu tác nhân là các chất gây dị ứng trong nhà như lông động vật hay mạt bụi. Tuy nhiên, chúng có thể giảm dần nếu người bệnh dùng thuốc chống dị ứng, giúp ngăn chặn những phản ứng dị ứng.

Việc chẩn đoán đúng chính là bước đầu giúp người bệnh tìm ra giải pháp làm giảm cảm giác khó chịu do viêm kết giác mạc dị ứng. Một bác sĩ được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm dày dặn sẽ dễ dàng xác định chính xác nguyên nhân gây ra các triệu chứng và xây dựng được phác đồ điều trị viêm kết mạc dị ứng phù hợp.

1.3. Quản lý và điều trị viêm kết mạc dị ứng

Trong trường hợp viêm kết mạc dị ứng gây ra bởi các nguyên nhân trong nhà thì tránh tiếp xúc chính là chìa khoá để điều trị. Người bệnh nên hạn chế mở cửa sổ hay nuôi thú cưng, sử dụng máy hút bụi và máy lọc không khí để loại bỏ các tác nhân có thể gây dị ứng.

Trong trường hợp dị ứng với phấn hoa hoặc các tác nhân gây dị ứng theo mùa khác, bạn có thể tham khảo qua một số gợi ý sau đây:

  • Sử dụng mũ rộng vành, khăn che chắn để giảm các chất gây dị ứng tiếp xúc với mắt.
  • Đeo kính bảo vệ mắt.
  • Sử dụng nước muối nhỏ vào mắt sau khi ra ngoài để loại bỏ các chất gây dị ứng.

Các loại thuốc kháng sinh histamin không kê toa và thuốc nhỏ mắt thường được chỉ định để điều trị những triệu chứng viêm kết mạc dị ứng. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kéo dài không phải là phương án hay, bởi nó có thể khiến cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ sẽ kê toa thuốc mạnh hơn nếu các triệu chứng kéo dài mà không thuyên giảm.

Bên cạnh đó, thuốc nhỏ mắt corticoid mang lại hiệu quả cao nhưng thường gây ra tác dụng phụ, ngay cả khi người bệnh chỉ sử dụng trong thời gian ngắn. Chính vì vậy, việc sử dụng những loại thuốc này nên được chỉ định và quản lý bởi bác sĩ nhãn khoa, nhằm hạn chế gây tác dụng phụ.

2. Lưu ý khi điều trị viêm kết mạc dị ứng

Người bệnh nên lưu ý một số vấn đề sau đây để quá trình điều trị viêm kết mạc dị ứng diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn:

  • Sử dụng riêng các vật dụng cá nhân tại nhà riêng cũng như nơi làm việc, học tập, đảm bảo rằng các vật dụng cá nhân đều được làm sạch trước khi dùng.
  • Không dùng tay hoặc các vật dụng khác để dụi mắt, khi hắt hơi cần che miệng, mũi.
  • Dùng nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn hàng ngày để rửa tay sạch sẽ.
  • Khi sử dụng kính áp tròng cần được thăm khám và nhận sự tư vấn bởi các bác sĩ, đặc biệt là khi có các triệu chứng khó chịu ở mắt.
  • Trong quá trình sử dụng thuốc điều trị, nếu thấy bệnh không thuyên giảm hoặc xuất hiện các triệu chứng lạ, người bệnh nên liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn cách xử lý kịp thời và phù hợp.
  • Khi ra ngoài cần mang kính bảo vệ mắt, nhất là tại những nơi có môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, hóa chất...
  • Tăng cường bổ sung thêm các loại vitamin A, C, E vào thực đơn hàng ngày.

Trên đây là phác đồ điều trị viêm kết mạc dị ứng chi tiết, mặc dù không quá nguy hiểm nhưng người bệnh vẫn nên tới các cơ sở uy tín để thăm khám, tránh để bệnh tiến triển xấu hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan