Những lưu ý khi sử dụng Nattokinase trong các bệnh lý tim mạch

Bài viết của Dược sĩ Dương Thanh Hải - Dược sĩ Lâm sàng - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Nattokinase thường được sản xuất dưới dạng thực phẩm chức năng và sử dụng phổ biến ở những người mắc các bệnh lý tim mạch như đột quỵ, đau thắt ngực, huyết khối tĩnh mạch sâu, xơ vữa động mạch...

1. Nattokinase là gì?

Nattokinase là enzym tự nhiên được chiết xuất từ ​​một loại thực phẩm có tên là Natto - món ăn truyền thống từ đậu nành của người Nhật Bản. Natto cũng được xem là một phương thuốc dân gian chữa các bệnh về tim và mạch máu.

Natto là thực phẩm giàu protein, vitamin và khoáng chất, nhưng hầu hết các lợi ích sức khỏe của Natto cũng như mùi vị khác biệt của nó là nhờ vào enzym nattokinase. Enzym này được tạo ra trong quá trình lên men Natto bởi một loài vi khuẩn có tên là Bacillus subtilis.

2. Thực phẩm chức năng Nattokinase có tác dụng gì?

Các nghiên cứu trên mô hình động vật thực nghiệm và trong phòng thí nghiệm cho thấy, nattokinase có tác dụng tiêu sợi huyết, ức chế kết tập tiểu cầu dẫn đến làm loãng máu và tan các cục máu đông. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cũng cho thấy dịch chiết natto có tác dụng chống xơ vữa mạch và giảm mỡ máu. Một số nghiên cứu khác cho thấy Nattokinase có thể giúp giảm huyết áp.

Nattokinase thường được sản xuất dưới dạng thực phẩm chức năng và được sử dụng phổ biến ở những người mắc các bệnh lý tim mạch như bệnh tim, tăng huyết áp, mỡ máu, đột quỵ, đau thắt ngực, huyết khối tĩnh mạch sâu, xơ vữa động mạch, trĩ, giãn tĩnh mạch và bệnh lý động mạch ngoại vi (PAD). Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu lâm sàng chứng minh hiệu quả của nattokinase trên các bệnh lý này.

Có khoảng 10 nghiên cứu lâm sàng đã và đang được thực hiện để đánh giá hiệu quả của nattokinase. Nghiên cứu lâm sàng đầu tiên thực hiện đánh giá tác động tiêu sợi huyết ở người tình nguyên khỏe mạnh, tiếp theo là một nghiên cứu khác ở Nhật đánh giá hiệu quả của nattokinase trong việc ngăn ngừa sự tiến triển đột quỵ ở những bệnh nhân bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ cấp tính. Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy tác dụng có lợi của nattokinase. Một nghiên cứu khác cho thấy bổ sung nattokinase làm giảm nguy cơ đông máu sau các chuyến bay dài và giúp giảm hẹp động mạch. Ngoài ra, cũng có một số nghiên cứu lâm sàng khảo sát tác dụng hạ huyết áp, tác dụng chống xơ vữa động mạch và hạ mỡ máu của Nattokinase. Do số lượng các bằng chứng từ nghiên cứu lâm sàng còn hạn chế nên vẫn chưa thể kết luận đầy đủ về hiệu quả của nattokinase.

3. Cách sử dụng Nattokinase

Về cách dùng nattokinase, hiện nay liều tối ưu cũng chưa được xác định rõ ràng cho các tình trạng bệnh lý nêu trên. Thông thường liều nattokinase dùng đường uống là 100 – 200 mg/ngày. Bên cạnh đó, chất lượng và thành phần hoạt tính trong các sản phẩm chức năng có thể khác nhau, tùy từng nhà sản xuất. Điều này dẫn đến rất khó để khuyến cáo được một liều lượng tiêu chuẩn.

Nattokinase
Người bệnh nên uốngNattokinase theo hướng dẫn của bác sĩ

4. Nattokinase có nguy cơ gì?

Cho đến nay, không có mối lo ngại nào về độc tính ở người dùng nattokinase. Các dữ liệu về sử dụng nattokinase đường uống cho thấy có thể sử dụng an toàn trong tối đa 6 tháng.

Tuy nhiên, cần thận trọng trên một số nhóm người sau:

  • Phụ nữ mang thai và cho con bú: Không có đủ thông tin đáng tin cậy về sự an toàn của việc dùng Nattokinase, nên tránh sử dụng.
  • Rối loạn chảy máu: Nattokinase có thể làm cho rối loạn chảy máu trầm trọng hơn.
  • Người có huyết áp thấp: Nattokinase có thể làm giảm huyết áp nên cần hết sức thận trọng.
  • Người bệnh phẫu thuật: Nattokinase có thể làm tăng nguy cơ chảy máu quá nhiều trong hoặc sau khi phẫu thuật. Ngoài ra cũng có thể khiến huyết áp khó kiểm soát trong quá trình phẫu thuật. Nên ngừng dùng nattokinase ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật.

Ngoài ra, do nattokinase làm giảm đông máu, nếu dùng đồng thời với một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ bầm tím và chảy máu như: aspirin, clopidogrel (Plavix), thuốc chống viêm giảm đau NSAIDs, thuốc chống đông máu enoxaparin (Lovenox) heparin, warfarin... Do đó, nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn biện pháp quản lý phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

108.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan