Những lưu ý khi dùng thuốc Statin hạ mỡ máu

Tăng mỡ máu là 1 tình trạng nguy hiểm có thể gây các biến chứng tim mạch như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, suy tim, đột quỵ... Hiện nay các thuốc hạ mỡ máu như thuốc nhóm Statin được nhiều người sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên cần lưu ý dùng đúng liều lượng, chỉ định của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.

1. Tổng quan về thuốc nhóm Statin

1.1. Thuốc Statins là gì?

Tình trạng Cholesterol trong máu cao có thể tạo thành các mảng xơ vữa động mạch, tích tụ lâu dài sẽ khiến động mạch xơ cứng và hẹp lại. Các huyết khối nếu hình thành trong các động mạch này có thể gây nhồi máu cơ tim hoặc các cơn đột quỵ nguy hiểm. Nhóm thuốc Statin bao gồm các loại thuốc hoạt động bằng cách ức chế hoạt động của các enzyme gan (HMG-CoA), có nhiệm vụ sản xuất ra cholesterol, giúp điều trị rối loạn mỡ máu và giảm các nguy cơ liên quan. Nhóm thuốc này còn có tên gọi là “thuốc ức chế men khử HMG-CoA”.

Hiện nay trên thị trường, các thuốc Statins được chấp thuận sử dụng cho điều trị bao gồm:

  • Lovastatin (Mevacor hoặc Altocor)
  • Pravastatin (Pravachol)
  • Fluvastatin (Lescol)
  • Atorvastatin (Lipitor)
  • Simvastatin (Zocor)
  • Rosuvastatin (Crestor)

1.2. Các tác dụng của thuốc nhóm Statin

  • Tăng HDL (Cholesterol tốt)
  • Giảm LDL (Cholesterol xấu) và Cholesterol toàn phần.
  • Giảm chỉ số Triglycerid trong máu.
  • Ổn định và làm chậm phát triển các mảng xơ vữa động mạch,

Như vậy, thuốc nhóm Statin thường được chỉ định điều trị cho người tăng mỡ máu và được duy trì ngay cả khi lượng cholesterol máu đã về mức bình thường để dự phòng tiên phát các biến cố mạch vành (giảm nguy cơ hình thành huyết khối, nhồi máu cơ tim, giảm nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch...).

HDL và LDL Cholesterol
Thuốc nhóm Statin giúp tăng HDL và giảm LDL trong máu người bệnh

2. Tác dụng không mong muốn của nhóm thuốc Statin

Tuy có nhiều ưu điểm nhưng sử dụng thuốc nhóm Statin vẫn có thể gặp một số tác dụng không mong muốn.

2.1. Tác dụng phụ thường gặp

  • Các vấn đề tiêu hóa (5%): Tiêu chảy, táo bón, đau bụng, đầy hơi, buồn nôn hoặc nôn...
  • Nhức đầu (4-9%), chóng mặt, nhìn mờ (2-5%), buồn ngủ, mệt mỏi.
  • Đau cơ: đau nhức chân tay, viêm gân gót chân, chuột rút (vọp bẻ).
  • Phát ban (nổi mẩn đỏ).

2.2. Tác dụng phụ nghiêm trọng

Trong những trường hợp hiếm hoặc sử dụng sai cách, thuốc nhóm Statin có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng như:

  • Viêm cơ: thường xảy ra khi dùng kết hợp thuốc Statin với một số nhóm thuốc khác, ví dụ như Fibrate - một nhóm thuốc hạ mỡ máu khác sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương cơ hơn so với dùng thuốc Statin đơn độc.
  • Tăng nguy cơ đái tháo đường, tổn thương gan (do men gan tăng cao) hoặc giảm trí nhớ, đục thủy tinh thể.
  • Tăng nhẹ CK (Creatine Kinase): Đây là một enzyme định lượng được ở trong máu. Người bệnh có thể bị đau cơ, viêm cơ hoặc cơ thể yếu mệt.
  • Suy thận cấp, thậm chí tử vong cũng đã được ghi nhận khi sử dụng statin kết hợp với thuốc nhóm Fibrate hoặc thuốc chống nấm (dẫn xuất Azole), Cyclosporin hoặc các thuốc kháng sinh nhóm Macrolid như Erythromycin...
  • Nhiễm độc cơ vân. Thường tăng nguy cơ ở nhóm đối tượng: người cao tuổi, nhẹ cân, vừa trải qua phẫu thuật, có nhiều bệnh lý đi kèm.
  • Tiêu cơ vân: là tình trạng các bắp cơ toàn thân đau nhức và suy yếu do viêm và tổn thương ở mức độ nghiêm trọng. Cơ bị ly giải và giải phóng protein vào máu, các protein này sẽ tập trung vào thận và gây tổn thương thận, cuối cùng dẫn đến suy thận và tử vong. Tuy nhiên đây là biến chứng hiếm gặp với tỷ lệ dưới 1/10000, vì thế bạn không nên quá lo lắng.

Hiện vẫn chưa có phương pháp đặc trị các tổn thương cơ do thuốc nhóm statin gây ra trừ việc ngưng dùng thuốc. Những người có ý định dùng thuốc nhóm statin nên thực hiện xét nghiệm nồng độ men cơ trước khi dùng thuốc và kiểm tra lại khi có biểu hiện đau nhức cơ để phát hiện sớm những tác dụng phụ nghiêm trọng.

Tiêu cơ vân
Người bệnh có thể gặp tình trạng tiêu cơ vân sau khi dùng thuốc Statin

3. Những lưu ý khi dùng thuốc Statin hạ mỡ máu

3.1. Trường hợp chống chỉ định

Theo khuyến cáo, những trường hợp chống chỉ định dùng thuốc Statin hạ mỡ máu gồm có:

  • Người mẫn cảm với các chất ức chế HMG-CoA reductase hoặc bất kỳ thành phần nào có trong thuốc nhóm statin.
  • Người có chỉ số transaminase huyết thanh tăng dai dẳng không rõ nguyên nhân hoặc bị bệnh gan tiến triển, xơ gan, suy gan, bệnh lý đường mật (sỏi, viêm, tắc mật...))
  • Phụ nữ đang mang thai: do thuốc Statins làm giảm tổng hợp cholesterol và có nhiều chất khác dẫn xuất từ cholesterol nên có thể gây hại cho thai nhi.
  • Phụ nữ đang cho con bú: nhiều Statin ảnh hưởng tới sữa và gây tác dụng phụ cho trẻ nhỏ đang bú sữa mẹ, vì thế nên chống chỉ định dùng thuốc nhóm Statin.

3.2. Làm gì để gia tăng hiệu quả của thuốc Statin?

Để gia tăng tác dụng của thuốc statins, hãy duy trì một lối sống lành mạnh và khỏe mạnh, ví dụ như:

  • Chế độ ăn hợp lý, cân đối và ưu tiên thực phẩm khỏe mạnh cho tim (không ăn thịt đỏ, mỡ, tôm, nội tạng động vật...).
  • Duy trì hoạt động thể lực, thể thao đều đặn.
  • Không hút thuốc lá.
  • Hạn chế rượu bia.

Nhìn chung, lợi ích khi sử dụng các nhóm thuốc statin vẫn vượt trội so với nguy cơ và tác dụng phụ. Tuy nhiên để phòng ngừa và giảm thiểu những tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh không tự ý dùng thuốc Statins để điều trị và cũng không tự ý ngưng thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ. Đồng thời trao đổi với bác sĩ ngay nếu có dấu hiệu đau gân cơ hoặc mệt mỏi khi dùng thuốc statins.

Ngoài ra, bệnh nhân mỡ máu cao nên đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra các chỉ số mỡ máu và có biện pháp điều trị kịp thời, hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

32.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan