Lưu ý khi phối hợp kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn bệnh viện

Nhiễm khuẩn bệnh viện là những tình trạng nhiễm khuẩn mắc phải trong thời gian bệnh nhân điều trị tại bệnh viện mà không có dấu hiệu hoặc nằm trong giai đoạn ủ bệnh khi mới nhập viện. Trong một số trường hợp, việc phối hợp kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn là cần thiết để ngăn ngừa những biến chứng, tiên lượng xấu cho bệnh nhân.

1. Nguyên nhân và đối tượng nguy cơ

Nhiễm khuẩn bệnh viện là tình trạng nguy hiểm, không chỉ xảy ra ở bệnh nhân mà còn có thể gặp ở nhân viên y tế và những người chăm sóc người bệnh. Do vậy việc thực hiện những biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng ngừa và tập trung điều trị nhiễm khuẩn (khi mắc) rất quan trọng.

1.1. Đối với bệnh nhân

Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện ở người bệnh:

  • Yếu tố nội sinh: là yếu tố khởi nguồn từ bản thân người bệnh như: mắc bệnh lý mãn tính, bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch, trẻ sơ sinh thiếu tháng, người cao tuổi, những người dùng thuốc kháng sinh kéo dài...
  • Yếu tố ngoại sinh: môi trường, không khí, nước, chất thải, dụng cụ y tế, nằm ghép, các thủ thuật xâm lấn...

1.2. Đối với nhân viên y tế

Nhân viên y tế dễ mắc nhiễm khuẩn bệnh viện trong trường hợp tai nạn nghề nghiệp, bị phơi nhiễm với các tác nhân gây bệnh qua đường máu trong quá trình chăm sóc người bệnh. Ví dụ như:

  • Chạm vào kim tiêm hoặc vật sắc nhọn bị nhiễm khuẩn.
  • Trong quá trình thủ thuật bị bắn máu hoặc dịch từ bệnh nhân vào niêm mạc mắt, mũi, miệng....
  • Tiếp xúc với máu hoặc dịch sinh học chứa tác nhân gây bệnh qua da tay không lành lặn.
Lấy thuốc thuốc
Nhân viên y tế cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong y tế

2. Các nhiễm khuẩn bệnh viện thường gặp

Nhiễm khuẩn bệnh viện thường liên quan đến khoa điều trị tích cực, trong đó phổ biến nhất là nhiễm trùng phổi, nhiễm khuẩn huyết rồi đến nhiễm trùng tiết niệu và nhiễm trùng vết mổ.

  • Viêm phổi bệnh viện:nhiễm khuẩn bệnh viện có tỷ lệ mắc từ 15-20%. Nguyên nhân gây ra viêm phổi rất đa dạng, có thể là do virus, vi khuẩn, nấm...
  • Nhiễm khuẩn vết mổ:nhiễm khuẩn bệnh viện với tỷ lệ mắc cao chỉ sau nhiễm khuẩn đường hô hấp. Nguyên nhân thường do yếu tố ngoại sinh như không khí, dụng cụ y tế, do phẫu thuật viên hoặc nhân viên y tế. Hay yếu tố nội sinh như vi khuẩn trên da, tại vị trí phẫu thuật hoặc hiếm hơn là máu được truyền trong quá trình phẫu thuật.
  • Nhiễm khuẩn vết bỏng: bệnh nhân bỏng thường có bề mặt da nhạy cảm dễ bị tổn thương, kết hợp với việc tương tác xâm lấn trong quá trình điều trị rất dễ bị nhiễm khuẩn bệnh viện, tụ cầu vàngPseudomonas.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: thường do trực khuẩn Gram âm (như Escherichia coli, Klebsiella spp, Proteus mirabilis và P.aeruginosa, ngoài ra còn có thể gặp Enterococci và Enterobacter spp) hoặc nấm Candida.
  • Các loại nhiễm khuẩn bệnh viện khác: nhiễm trùng huyết, nhiễm khuẩn dạ dày, ruột, nhiễm khuẩn mắt và kết mạc, viêm màng nội mạc tử cung...

Nhiễm khuẩn bệnh viện thường làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian điều trị và cả chi phí điều trị, gây nhiều khó khăn cho cả bác sĩ lẫn bệnh nhân và thân nhân gia đình.

3. Lưu ý phối hợp kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn

Trong đa số các ca phẫu thuật, sử dụng 1 kháng sinh đã đủ để dự phòng nhiễm trùng vết mổ. Phối hợp kháng sinh trong điều trị chỉ được khuyến cáo cho những bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng sẵn có.

Lưu ý khi lựa chọn kháng sinh theo kinh nghiệm để điều trị nhiễm khuẩn:

  • Định hướng loại vi khuẩn theo vị trí nhiễm bệnh.
  • Kháng sinh phổ rộng bao phủ được tác nhân gây bệnh.
  • Kháng sinh thấm tốt vào tổ chức bị nhiễm bệnh. Một số vị trí như dịch não tủy, tuyến tiền liệt, cơ xương...có thể khó thấm nên cân nhắc lựa chọn dạng bào chế kháng sinh phù hợp, tác dụng toàn thân hoặc tại chỗ cho người bệnh.
  • Phù hợp với cơ địa từng bệnh nhân: trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người có cơ địa dị ứng, người bị suy giảm chức năng gan, thận...
Kê đơn, bác sĩ chỉ định uống thuốc
Bác sĩ là người quyết định việc phối hợp kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn

Có thể phối hợp kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn theo nguyên tắc:

  • Cùng nhóm cùng tác dụng (cùng kìm khuẩn hoặc cùng diệt khuẩn).
  • Không tác động hay gây độc lên cùng 1 cơ quan.
  • Không gây kích thích đề kháng của vi khuẩn.
  • Tham khảo các trường hợp phối hợp kháng sinh đã đạt hiệu quả trên thực tế lâm sàng.

Phối hợp kháng sinh thường được khuyến nghị cho những trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng như:

  • Người bệnh nhiễm khuẩn do P. aeruginosa kèm suy hô hấp và sốc nhiễm khuẩn.
  • Sốc nhiễm khuẩn do S. Pneumoniae.
  • Sốt giảm bạch cầu, nhiễm khuẩn đường huyết nặng.
  • Bệnh nhân khó điều trị, có các tác nhân đa kháng (MDR) như Acinetobacter Spp và Pseudomonas Spp.

Sau 48-72 giờ, bác sĩ sẽ đánh giá hiệu quả của phác đồ kháng sinh kết hợp theo dõi các triệu chứng để đưa ra quyết định ngừng hay tiếp tục duy trì kháng sinh. Nhìn chung, việc phối hợp kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn là một quá trình phức tạp và đòi hỏi nhiều kiến thức y khoa kết hợp kinh nghiệm lâm sàng. Để tránh những rủi ro và biến chứng không đáng có, người bệnh và gia đình không nên tự ý kết hợp và dùng các loại kháng sinh khác nhau để điều trị nhiễm khuẩn mà không có sự chỉ định hoặc hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa.

Nếu bản thân từng tiếp xúc với nguy cơ nguồn bệnh lây nhiễm, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và có hướng can thiệp kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan