Lưu ý khi dùng thuốc Standacillin 500mg

Thuốc Standacillin 500mg có thành phần chính là ampicillin thuộc nhóm thuốc kháng sinh. Thuốc được chỉ định dùng để điều trị nhiễm trùng do các vi khuẩn nhạy cảm gây ra. Vậy thuốc Standacillin 500mg có tác dụng gì, chỉ định như thế nào và cần phải lưu ý gì khi dùng thuốc?

1. Thuốc Standacillin 500mg là thuốc gì?

Thuốc Standacillin 500 mg là sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm, được bào chế dưới dạng viên nang cứng. Hộp gồm 10 viên x 100 vỉ.

Standacillin có thành phần chính là Ampicillin thuộc nhóm thuốc kháng sinh chỉ định dùng để điều trị nhiễm trùng do các vi khuẩn nhạy cảm gây ra: Viêm đường hô hấp trên, lậu, nhiễm Listeria, viêm màng não,...

Ampicillin là kháng sinh phổ rộng thuộc họ Beta-lactamines, nhóm Penicilline type A, độc tính thấp. Thuốc có tác dụng vào quá trình nhân lên của vi khuẩn, ức chế sự tổng hợp mucopeptid của màng tế bào vi khuẩn.

2. Công dụng của thuốc Standacillin 500mg

Thuốc Standacillin 500mg được chỉ định điều trị nhiễm trùng do các vi khuẩn nhạy cảm gây ra:

  • Viêm đường hô hấp trên do Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae và Streptococcus pyogenes. Ampicilin có hiệu quả trong việc điều trị các bệnh viêm xoang, viêm nắp thanh quản,... do các chủng vi khuẩn nhạy cảm gây ra.
  • Bệnh lậu
  • Viêm màng não do Haemophilus influenzae, Pneumococcus và Meningococcus
  • Nhiễm Leptospira
  • Do có hiệu quả tốt trên một số vi khuẩn khác, bao gồm cả liên cầu beta nên Ampicilline dùng rất tốt trong điều trị nhiễm khuẩn huyết ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thường được kết hợp với aminoglycosid.

3. Liều dùng thuốc Standacillin 500mg

3.1. Liều dùng

Cách dùng: Uống thuốc trước khi ăn ít nhất 30 phút hoặc dùng sau bữa ăn khoảng 2 tiếng. Liều dùng thuốc sẽ phụ thuộc vào loại bệnh, mức độ nặng nhẹ và chức năng thận của người bệnh. Người suy thận nặng sẽ được giảm liều.

Liều dùng:

Đối với người lớn:

  • Thường sử dụng liều: 0,25g - 1g ampicillin/lần, cứ 6 giờ một lần
  • Tình trạng bệnh nặng có thể uống 6 - 12g/ngày.
  • Điều trị lậu không biến chứng do những chủng nhạy cảm với ampicilin, thường dùng liều 2,0 - 3,5g, kết hợp với 1g probenecid, uống 1 liều duy nhất. Đối với phụ nữ có thể dùng nhắc lại 1 lần nếu cần.

Đối với trẻ em:

  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp hoặc ngoài da: Trẻ cân nặng ≤ 40 kg sử dụng liều 25 - 50 mg/kg/ngày chia đều nhau, cách 6 giờ/lần.
  • Viêm đường tiết niệu: liều dùng là 50 - 100 mg/kg/ngày, cách 6 giờ/lần.
  • Thời gian điều trị sẽ phụ thuộc vào loại và mức độ nặng của nhiễm khuẩn. Đối với đa số nhiễm khuẩn tiếp tục điều trị ít nhất 48 - 72 giờ sau khi người bệnh hết triệu chứng, ngoại trừ lậu

Đối với người suy thận

  • Độ thanh thải creatinin 30 ml/phút hoặc cao hơn: Không cần thay đổi liều thông thường ở người lớn.
  • Độ thanh thải creatinin 10 ml/phút hoặc dưới: Cho liều thông thường cách 8 giờ/lần.
  • Người bệnh chạy thận nhân tạo phải dùng thêm một liều ampicilin sau mỗi thời gian thẩm tích.

Lưu ý: Liều dùng Standacillin 500mg trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng Standacillin 500mg cụ thể sẽ tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có liều dùng phù hợp,

3.2. Xử trí khi quên liều, quá liều

Quá liều

Trong trường hợp sử dụng thuốc Standacillin 500mg quá liều so với quy định và có những biểu hiện bất thường, cần liên hệ ngay đến trung tâm cấp cứu 115 hoặc cơ sở y tế gần nhất.

Quên liều

Trường hợp quên liều thuốc Standacillin 500mg, hãy sử dụng liều quên khi nhớ ra vào lúc sớm nhất. Tuy nhiên, nếu khoảng cách giữa liều quên và liều tiếp theo quá gần nhau hãy bỏ qua liều quên. Người bệnh không nên sử dụng gấp đôi liều thuốc Standacillin 500mg, vì có thể gây ra tình trạng quá liều thuốc.

4. Tác dụng phụ của thuốc Standacillin 500mg

Tác dụng phụ thường gặp của Standacillin 500mg là:

  • Thường gặp: Tiêu chảy, da mẩn đỏ.
  • Ít gặp: Thiếu máu, giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu và mất bạch cầu, viêm miệng, viêm lưỡi, buồn nôn, nôn, viêm đại tràng, viêm đại tràng giả mạc, mày đay.
  • Hiếm gặp: Viêm da tróc vảy, phản ứng phản vệ và ban đỏ đa dạng.

Trên đây không phải là danh sách đầy đủ các tác dụng phụ khác có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Standacillin 500mg. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn, đánh giá và hỗ trợ xử trí kịp thời.

5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Standacillin 500mg

5.1. Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng thuốc Standacillin 500mg cho bệnh nhân trong các trường hợp quá mẫn với penicillin hay bất kỳ thành phần nào của thuốc.

5.2. Lưu ý khi sử dụng thuốc

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc với người có tiền sử dị ứng chéo với cephalosporin hoặc penicillin
  • Tuyệt đối thận trọng khi dùng ampicilin cho người đã bị mẫn cảm với cephalosporin.
  • Cần cho bệnh nhân kiểm tra và theo dõi chức năng gan và thận thường xuyên khi điều trị thuốc Standacillin 500mg trong thời gian dài (hơn 2 - 3 tuần)
  • Thuốc Standacillin 500mg hầu như không ảnh hưởng đến công việc lái xe và vận hành máy móc
  • Tuy hiện nay chưa ghi nhận những trường hợp xảy ra phản ứng có hại đối với thai nhi nhưng chỉ nên sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai khi thật sự cần thiết.
  • Cần sử dụng thận trọng cho đối tượng phụ nữ đang cho con bú để đảm bảo an toàn cho bé.

6. Tương tác thuốc Standacillin 500mg

  • Thức ăn có thể làm giảm tốc độ và mức độ hấp thu ampicilin
  • Các penicilin đều tương tác với probenecid và methotrexat. Ampicilin làm giảm sự thải trừ của methotrexat.
  • Dùng đồng thời thuốc với allopurinol làm tăng khả năng mẩn đỏ ở da.
  • Các kháng sinh kìm khuẩn như tetracyclin, chloramphenicol, erythromycin làm giảm khả năng diệt khuẩn của ampicilin.
  • Ampicilin có thể làm sai lệch kết quả test glucose niệu sử dụng đồng sulphat (như thuốc thử Clinitest, Benedict).

Standacillin 500mg có thành phần chính là Ampicillin, có tác dụng điều trị nhiễm trùng do các vi khuẩn nhạy cảm gây ra. Để đảm bảo hiệu quả điều trị, người dùng cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

950 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan