Liều dùng Voltaren 75mg

Thuốc Voltaren 75mg chứa hoạt chất natri diclofenac được chỉ định trong điều trị viêm và sưng đau sau phẫu thuật hoặc chấn thương, viêm đau xương khớp, viêm phần phụ, đau bụng kinh... Cùng tìm hiểu liều dùng của thuốc Voltaren 75mg qua bài viết dưới đây để sử dụng thuốc an toàn.

1. Công dụng của Voltaren 75mg

1.1. Thuốc Voltaren 75mg được dùng trong trường hợp nào?

Thuốc Voltaren 75mg được chỉ định trong các bệnh lý sau đây:

  • Tình trạng viêm, sưng đau và các dạng thoái hóa của bệnh khớp bao gồm: Viêm cứng khớp đốt sống, viêm khớp dạng thấp, hội chứng đau cột sống, viêm khớp đốt sống và viêm xương khớp, bệnh thấp ngoài khớp;
  • Viêm, đau và sưng sau phẫu thuật hoặc sau chấn thương như phẫu thuật chỉnh hình, phẫu thuật về răng;
  • Viêm và đau trong phụ khoa như viêm phần phụ, đau bụng kinh nguyên phát.

1.2. Dược lực học

Hoạt chất Diclofenac có tác dụng làm giảm rõ rệt các triệu chứng và dấu hiệu của cơn đau bao gồm đau khi nghỉ ngơi, cứng khớp buổi sáng, đau khi vận động, sưng khớp, đồng thời giúp cải thiện chức năng của khớp. Trong các tình trạng viêm sau phẫu thuật và chấn thương, Voltaren giúp giảm triệu chứng đau tự phát và đau khi chuyển động, giảm phù do vết thương và giảm sưng viêm.

Thuốc Voltaren 75mg được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như Voltaren 75mg bôi ngoài da, viên nén thông thường và viên nén phóng thích kéo dài. Trong đó dạng phóng thích kéo dài rất phù hợp và thuận tiện cho người bệnh dùng liều 75mg/ngày. Liều dùng duy nhất trong ngày giúp cho quá trình điều trị dài hạn được đơn giản và tránh nhầm lẫn về liều lượng. Voltaren hàm lượng 75mg cũng cho phép dùng liều tối đa là 150mg chia làm 2 lần uống trong ngày.

1.3. Dược động học

  • Quá trình hấp thu: Thuốc Voltaren 75mg bào chế dưới dạng phóng thích kéo dài nên nồng độ đỉnh trong huyết tương thấp hơn so với nồng độ đỉnh quan sát được khi dùng ở dạng viên nén không tan trong dạ dày ở liều dùng tương đương. Dược động học của thuốc không thay đổi đáng kể khi dùng liều lặp lại và không xảy ra hiện tượng tích tụ thuốc giữa các liều dùng theo khuyến cáo. Thức ăn không làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và hiệu lực toàn thân của viên thuốc Voltaren phóng thích kéo dài.
  • Quá trình phân bố: Khoảng 99.7% liều thuốc liên kết với protein huyết tương (chủ yếu là albumin chiếm 99.4%). Thể tích phân bố biểu kiến khoảng 0.12 – 0.17 L/kg. Hoạt chất diclofenac đi vào hoạt dịch, đạt nồng độ tối đa sau 2 – 4 giờ đạt nồng độ tối đa tại huyết tương.
  • Quá trình chuyển hóa: Xảy ra một phần là do sự glucuronide hóa phân tử nguyên vẹn và chủ yếu là do thủy phân, methoxyl hóa một lần hoặc nhiều lần tạo ra chất chuyển hóa phenolic. Phần lớn các chất chuyển hóa này đều chuyển thành glucuronide liên hợp. Trong đó có hai chất chuyển hóa phenolic có hoạt tính sinh học, nhưng hoạt tính sinh học yếu hơn so với diclofenac.
  • Quá trình thải trừ: Khoảng 60% hoạt chất diclofenac được thải trừ qua đường nước tiểu dưới dạng glucoronide liên hợp phân tử nguyên vẹn và dưới dạng chất chuyển hóa. Sau đó tất cả các chất này cũng được chuyển thành glucuronide liên hợp. Ít hơn 1% hoạt chất được bài tiết ở dạng chưa chuyển hóa, phần còn lại được thải trừ ở dạng chuyển hóa qua mật theo phân.

2. Liều dùng

Liều dùng Voltaren 75mg phụ thuộc vào tình trạng bệnh và mức độ hấp thu của người bệnh. Liều thuốc cần được chỉ định bởi bác sĩ điều trị, mọi liều dùng khuyến cáo chỉ mang tính chất tương đối. Người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Liều dùng khuyến cáo của Voltaren 75mg như sau:

Nhóm người bệnh chung:

  • Liều khởi đầu được khuyến cáo là 100 – 150mg/ngày;
  • Trường hợp triệu chứng nhẹ và cần điều trị kéo dài, liều dùng khuyến cáo là 75 – 100mg/ngày;
  • Trường hợp người bệnh có triệu chứng nặng hơn vào ban đêm hoặc sáng thì nên uống viên nén phóng thích kéo dài Voltaren 75mg hoặc 100mg vào buổi tối.

Nhóm người bệnh đặc biệt:

  • Trẻ em: Thuốc Voltaren 75mg và 100mg phóng thích kéo dài không được chỉ định ở trẻ em và thanh thiếu niên;
  • Người cao tuổi: Không cần hiệu chỉnh liều khởi đầu ở người bệnh cao tuổi;
  • Người mắc bệnh lý tim mạch hoặc có yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng: Không khuyến cáo điều trị bằng thuốc Voltaren ở những đối tượng này. Trong trường hợp cần thiết chỉ dùng liều nhỏ hơn 100mg/ngày;
  • Người bệnh suy thận: Chống chỉ định sử dụng thuốc ở người bệnh suy thận nặng. Thận trọng khi dùng Voltaren ở người bệnh suy thận nhẹ đến trung bình;
  • Người bệnh suy gan: Chống chỉ định sử dụng thuốc ở người bệnh suy gan nặng. Thận trọng khi dùng Voltaren ở người bệnh suy gan nhẹ đến trung bình.

3. Tác dụng phụ của thuốc Voltaren 75mg

Thuốc Voltaren 75mg có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

  • Rối loạn hệ thần kinh như chóng mặt, nhức đầu;
  • Rối loạn tai và tiền đình: Chóng mặt;
  • Rối loạn dạ dày – ruột: Tiêu chảy, buồn nôn, khó tiêu, nôn, đầy hơi, đau bụng, chán ăn;
  • Rối loạn về gan mật: Tăng nồng độ transaminase máu;
  • Rối loạn về da, mô dưới da: Phát ban.
  • Rối loạn về tim như suy tim, nhồi máu cơ tim, đau ngực, đánh trống ngực.

Trường hợp gặp phải tác dụng phụ, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

4. Lưu ý khi sử dụng

4.1. Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng thuốc Voltaren 75mg trong các trường hợp sau đây:

  • Người bệnh dị ứng với bất kỳ thành phần nào của Voltaren;
  • Người bệnh đang bị viêm, loét dạ dày, chảy máu hoặc thủng dạ dày – ruột tiến triển;
  • Phụ nữ mang thai 3 tháng cuối thai kỳ;
  • Người bệnh suy gan nặng;
  • Người bệnh suy thận nặng, suy tim;
  • Tương tự như các thuốc kháng viêm không steroid khác (NSAID), chống chỉ định sử dụng thuốc Voltaren 75mg ở người bệnh hen phế quản, người bị mày đay hoặc viêm mũi cấp tính khi sử dụng thuốc NSAID hoặc acetylsalicylic.

4.2. Thận trọng khi sử dụng

  • Ảnh hưởng trên đường tiêu hóa: Voltaren nói riêng và các thuốc NSAID khác nói chung đã được báo cáo về nguy cơ gây loét, chảy máu hoặc thủng dạ dày ruột. Nguy cơ dẫn đến tình trạng này tăng lên ở người cao tuổi. Trường hợp có chảy máu, loét dạ dày ruột ở người bệnh điều trị bằng Voltaren thì cần ngưng sử dụng thuốc, nên dùng liều khởi đầu và liều duy trì ở liều thấp nhất có hiệu quả. Trong một số trường hợp, nên xem xét việc kết hợp điều trị các thuốc bảo vệ (misoprostol hoặc chất ức chế bơm proton) ở những người bệnh này.
  • Ảnh hưởng trên tim mạch: Điều trị bằng Voltaren nói riêng và các thuốc NSAID nói chung trong thời gian dài (đặc biệt với liều cao) có liên quan đến nguy cơ gia tăng các biến cố huyết khối tim mạch nghiêm trọng (bao gồm đột quỵ và nhồi máu cơ tim). Nói chung không khuyến cáo sử dụng thuốc Voltaren ở người có bệnh lý tim mạch.
  • Ảnh hưởng trên huyết học: Người bệnh cần được theo dõi công thức máu định kỳ khi điều trị trong thời gian dài bằng NSAID.
  • Ảnh hưởng trên hô hấp: Các phản ứng với thuốc NSAIDs như mày đay, phù Quinck, cơn hen kịch phát thường gặp ở người bệnh đã từng xuất hiện cơn hen trước đó. Vì vậy cần chú ý đặc biệt đối với người bệnh này.
  • Ảnh hưởng trên hệ gan mật: Voltaren sử dụng ở người bệnh suy giảm chức năng gan cần được theo dõi chặt chẽ do thuốc làm tăng nguy cơ gây suy gan.
  • Ảnh hưởng trên thận: Điều trị bằng diclofenac và các thuốc NSAID có thể gây phù và giữ dịch, vì vậy cần đặc biệt chú ý khi điều trị ở người bệnh có tổn thương chức năng tim hoặc thận, người bệnh có tiền sử tăng huyết áp, người bệnh đang điều trị đồng thời bằng thuốc lợi tiểu hoặc các loại thuốc gây ảnh hưởng đến chức năng thận...
  • Ảnh hưởng trên da: Các phản ứng nghiêm trọng như viêm da tróc vảy, hoại tử biểu bì nhiễm độc, hội chứng Stevens – Johnson đã được ghi nhận ở một số hiếm người bệnh điều trị bằng NSAID.
  • Người cao tuổi: Thận trọng khi sử dụng thuốc Voltaren ở người cao tuổi. Đặc biệt cần khuyến cáo dùng liều thấp nhất có hiệu quả ở người bệnh già yếu hoặc người nhẹ cân.
  • Thuốc có khả năng che lấp các dấu hiệu nhiễm khuẩn.
  • Phụ nữ đang mang thai: Hiện chưa có đầy đủ dữ liệu về tính an toàn khi sử dụng thuốc diclofenac ở phụ nữ đang mang thai. Vì vậy, không nên sử dụng thuốc trong 3 tháng đầu và 3 tháng giữa thai kỳ (trừ trường hợp lợi ích lớn hơn nguy cơ). Chống chỉ định khi sử dụng thuốc ở phụ nữ đang mang thai 3 tháng cuối thai kỳ.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Diclofenac có khả năng bài tiết vào sữa mẹ một lượng nhỏ. Vì vậy không nên dùng thuốc ở phụ nữ đang cho con bú để tránh các tác dụng không mong muốn.

5. Tương tác thuốc

Thuốc Voltaren 75mg có thể xảy ra một số tương tác khi kết hợp với một số thuốc/nhóm thuốc như:

  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Sử dụng phối hợp cùng diclofenac có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa. Vì vậy, không sử dụng kết hợp các thuốc NSAID;
  • Thuốc lợi tiểu và điều trị tăng huyết áp: Sử dụng đồng thời với diclofenac có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp của thuốc;
  • Glycosid tim: Làm nặng thêm tình trạng suy tim, suy giảm chức năng thận và tăng nồng độ glycoside huyết tương;
  • Thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc chống đông máu: Thận trọng khi sử dụng kết hợp với diclofenac vì làm tăng nguy cơ chảy máu;
  • Kháng sinh nhóm quinolone: Có thể dẫn đến nguy cơ co giật;
  • Lithi: Voltaren làm tăng nồng độ của lithi trong huyết tương. Vì vậy cần theo dõi nồng độ lithium trong huyết thanh;
  • Methotrexate: Voltaren làm ức chế sự thanh thải của methotrexate trong uống thận, từ đó làm tăng nồng độ của methotrexat, tăng nguy cơ gây độc tính;
  • Cyclosporin: Tăng độc tính trên thận của cyclosporin;
  • Digoxin: Diclofenanc làm tăng nồng độ của digoxin trong huyết tương;
  • Phenytoin: Cần theo dõi nồng độ của phenytoin trong huyết tương khi sử dụng kết hợp với diclofenac.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

202.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan