Hướng dẫn cách dùng và lưu ý sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường nhóm Biguanide (Metformin)

Metformin là thuốc điều trị đái tháo đường nhóm Biguanid đang được sử dụng rất nhiều hiện nay. Chính vì vậy, việc hiểu và sử dụng đúng loại thuốc này là rất quan trọng.

1. Nhóm thuốc Biguanide (Metformin)

Thuốc metformin là loại thuốc uống có tác dụng kiểm soát đường huyết và không gây tăng cân. Thuốc thường được kê đơn cho những đối tượng thừa cân, béo phì, tuy nhiên hiệu quả của thuốc vẫn tương đương với những người không béo phì. Thuốc hoạt động theo cơ chế làm giảm lượng đường trong máu bằng cách ức chế sự tân tạo glucose.

Thuốc metformin được chỉ định trong điều trị bệnh lý đái tháo đường không phụ thuộc insulin (tiểu đường tuýp 2): Dùng đơn trị liệu khi không thể điều trị tăng đường huyết bằng chế độ ăn uống đơn thuần. Bên cạnh đó, có thể dùng metformin đi kèm với nhóm thuốc sulfonylurea, đồng thời kết hợp chế độ ăn uống kiêng cử. Trên thực tế, nếu chỉ dùng metformin hoặc sulfonylurea đơn thuần sẽ không có hiệu quả kiểm soát glucose huyết một cách đầy đủ.

Bàn chân đái tháo đường
Thuốc được chỉ định điều trị bệnh lý đái tháo đường

2. Hướng dẫn cách dùng thuốc điều trị đái tháo đường nhóm Biguanide (metformin)

Thuốc metformin thường được bác sĩ cho phép sử dụng với các liều dùng sau đây:

2.1. Metformin dạng giải phóng tức thời Immediate Release (IR)

  • Khởi trị: 50mg 2 lần/ngày hoặc 850mg 1 lần/ngày;
  • Tăng liều: Tăng dần dần 500mg mỗi tuần hoặc 850mg trong 2 tuần;
  • Liều duy trì: 2000mg/ngày;
  • Liều tối đa: 2500mg/ngày.

Lưu ý: Nên sử dụng nhóm Biguanide sau bữa ăn sáng và tối, nuốt nguyên viên, không nghiền, không nhai.

2.2. Metformin dạng giải phóng kéo dài Extended Release (ER)

  • Khởi trị: 500 - 1000mg 1 lần/ngày;
  • Tăng liều: Tăng từ từ 500mg mỗi tuần;
  • Liều duy trì: 2000mg/ngày;
  • Liều tối đa: 2500mg/ngày.

Lưu ý: Nếu sử dụng dạng phóng thích kéo dài nhưng không đạt được mức đường huyết mong muốn, cần xem xét việc chia liều. Nếu cần dùng mức liều cao hơn, nên phối hợp với dạng giải phóng tức thời.

>> Xem thêm: Các nhóm thuốc điều trị đái tháo đường

Uống thuốc
Dùng thuốc điều trị đái tháo đường cần tuân thủ đúng phác đồ điêu trị của bác sĩ

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc Biguanide (metformin) trong điều trị đái tháo đường

3.1. Những tác dụng không mong muốn của thuốc metformin

Trong quá trình sử dụng thuốc có thể xảy ra những tác dụng không mong muốn, cụ thể như sau:

  • Rối loạn tiêu hóa (thường gặp ở khoảng 5% - 20% bệnh nhân): đau bụng, co thắt, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn, đầy mụn, chán ăn, đôi khi có cảm giác có vị kim loại trong miệng,... Các phản ứng này thường xuất hiện khá sớm trong quá trình sử dụng thuốc metformin điều trị đái tháo đường, nhưng sẽ hồi phục và giảm dần nếu tăng liều hợp lý, từ từ và uống thuốc vào cuối bữa ăn;
  • Giảm hấp thu vitamin B12: đối với nhiều trường hợp, bệnh nhân cần được bổ sung vitamin này để cơ thể không thiếu đi cobalamin dẫn đến thiếu máu, mệt mỏi và rối loạn cảm xúc;
  • Phản ứng trên da (hiếm gặp): nổi mề đay, ngứa và có ban đỏ.

3.2. Nhiễm toan lactic (rất hiếm gặp - có tỉ lệ tử vong lên tới 50%)

Bệnh nhân có biểu hiện chuột rút, yếu cơ nặng, đau vùng bụng hoặc ngực. Đây là trạng thái nhiễm toan chuyển hóa do giải phóng H+ từ acid lactic.

Nguyên nhân được chẩn đoán là do cơ chế của metformin ức chế quá trình tân tạo glucose từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có lactat. Sự tích lũy metformin có thể làm trầm trọng hơn những nguyên nhân khác, như suy thận, suy gan, các bệnh lý thiếu oxy, kiểm soát đường máu kém,...

Chính vì vậy, metformin chống chỉ định đối với các trường hợp sau đây:

  • Rối loạn chức năng thận;
  • Suy tim sung huyết cần điều trị bằng thuốc;
  • Dị ứng với metformin;
  • Nhiễm toan chuyển hóa cấp tính hoặc mãn tính;
  • Suy giảm chức năng gan;
  • Phụ nữ đang mang thai và cho con bú.
Mang thai
Phụ nữ đang mang thai thuộc nhóm đối tượng chống chỉ định dùng thuốc

Những người bị nghiện rượu được chỉ định là phải hết sức thận trọng khi dùng thuốc metformin. Metformin cũng không phải là lựa chọn phù hợp trong điều trị cho đối tượng người cao tuổi vì nhóm tuổi này thường dễ bị suy giảm chức năng thận. Do đó, đối với bệnh nhân cao tuổi, phải kiểm tra chỉ số creatinin huyết thanh kỹ trước khi bắt đầu điều trị.

3.3. Tương tác thuốc - thuốc

  • Đối với thuốc cản quang có chứa iod (khả năng gây độc thận, tăng nguy cơ nhiễm toan acid): Phải tạm ngưng dùng metformin đối với trường hợp cần tiêm các thuốc cản quang chứa iod (khoảng 48 giờ trước và sau tiêm) do nguy cơ dẫn đến suy thận và nhiễm toan lactic. Tương tự, nếu cần thực hiện phẫu thuật gây mê, bệnh nhân cần tạm ngừng sử dụng metformin;
  • Các thuốc ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa glucose, làm tăng chỉ số đường huyết, bao gồm clorpromazin, glucocorticoid, progesteron liều cao và các thuốc có tác động giao cảm;
  • Do mức độ liên kết với protein huyết tương thấp, metformin thường không tương tác mạnh với các thuốc liên kết mạnh với protein huyết tương (như salicylat, sulfonamid, probenecid,..). Mặt khác, metformin có khả năng tương tác gián tiếp (qua cơ chế cạnh tranh) với các thuốc thải trừ ở ống thận dưới dạng cation (bao gồm một số thuốc như amilorid, morphin, quinidin, ranitidin, trimethoprim, vancomycin, ...). Trên thực tế, các phân tử có dạng cation này cũng đồng thời thải trừ qua ống thận, do đó có thể cạnh tranh với metformin. Hiện tượng này gây ra hiện tượng tăng nồng độ metformin trong huyết tương, do đó làm tăng nguy cơ nhiễm toan lactic;
Dược sĩ tư vấn sử dụng thuốc tại Nhà thuốc Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec
Tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng thuốc

  • Phải giám sát kỹ lưỡng khi sử dụng đồng thời thuốc metformin với các thuốc nhóm lợi tiểu, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc giảm huyết áp, insulin, sulfamid, các thuốc kháng nấm nhóm azol và các chế phẩm thuốc có chứa cồn. Ngoài ra, đòi hỏi phải hiệu chỉnh liều của metformin tùy thuộc vào diễn biến lâm sàng và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng (creatinin huyết thanh, transaminase,...).

Tất cả bệnh nhân sử dụng thuốc metformin điều trị đái tháo đường cần tuân thủ điều trị, thực hiện kiểm tra, theo dõi định kỳ theo hướng dẫn:

  • Mỗi 3 tháng: Xét nghiệm HbA1c (đánh giá mức đường huyết trong 3 tháng gần nhất), theo dõi huyết áp, cân nặng;
  • Hàng năm: Kiểm tra khu vực đáy mắt, xét nghiệm creatinin máu, micro-albumin niệu, đánh giá điện giải đồ, kiểm tra vùng bàn chân, theo dõi lipid máu.

Việc điều trị bệnh tiểu đường là một quá trình lâu dài và đòi hỏi phải kiên trì, không chỉ dựa vào điều trị nội khoa với các thuốc điều trị đái tháo đường mà cần phối hợp thay đổi lối sống và điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

74.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan