Công dụng và tác dụng phụ của thuốc Mixtard 30

Thuốc Mixtard 30 có chứa thành phần chính là Insulin human (rDNA) 30mg, có tác dụng trong điều trị bệnh lý đái tháo đường. Thuốc được bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm chứa trong bút tiêm bơm sẵn và có màu trắng đục.

1. Thuốc Mixtard 30 là thuốc gì? Thành phần của thuốc Mixtard 30

Thuốc Mixtard 30 là thuốc với công dụng điều trị bệnh đái tháo đường. Thuốc Mixtard 30 thành phần bao gồm:

  • Insulin người (30% insulin hòa tan và 70% insulin isophane), rDNA (được sản xuất bằng kỹ thuật ADN tái tổ hợp trong tế bào của Saccharomyces cerevisiae).
  • Ngoài ra, còn có một số tá dược khác với lượng đủ 10ml.

Dạng bào chế: Thuốc Mixtard 30 được bào chế dạng hỗn dịch tiêm.

Nhóm thuốc: Thuốc thuộc nhóm điều trị bệnh lý tiểu đường.

2. Tác dụng của thuốc Mixtard 30

2.1. Chỉ định sử dụng thuốc Mixtard 30

  • Ðiều trị bệnh lý đái tháo đường typ I ( đái tháo đường phụ thuộc vào insulin ).
  • Điều trị bệnh lý đái tháo đường typ II khi điều trị bằng các loại thuốc chống đái tháo đường tổng hợp không còn hiệu quả.
  • Ổn định bệnh đái tháo đường ban đầu và đặc biệt dùng cho những trường hợp cấp cứu của bệnh lý tiểu đường.
  • Trẻ em gầy yếu, kém ăn, suy dinh dưỡng, nôn nhiều và rối loạn quá trình chuyển hóa đường trong máu ( thường truyền glucose kết hợp với insulin).
  • Gây cơn shock insulin để điều trị bệnh lý tâm thần( tạo cơn hạ glucose huyết đột ngột và mạnh).

2.2. Dược lực học của thuốc Mixtard 30

Thuốc Mixtard 30 được sử dụng trong điều trị bệnh lý đái tháo đường. Insulin và analogue insulin dạng tiêm, tác dụng trung gian kết hợp với tác dụng nhanh, insulin (người).

Hiệu quả của thuốc Mixtard 30 làm giảm glucose huyết của insulin là do làm cho sự hấp thu glucose dễ dàng hơn sau khi insulin gắn kết vào thụ thể ở tế bào cơ và tế bào mỡ, đồng thời ức chế khả năng sản xuất glucose từ gan.

2.3. Dược động học của thuốc Mixtard 30

  • Thuốc Mixtard là loại insulin tác dụng kép. Bắt đầu tác dụng trong vòng 1⁄2 giờ, đạt hiệu quả tối đa trong vòng 2 - 8 giờ và thời gian tác dụng kéo dài 24 giờ.
  • Khả năng hấp thu: nồng độ cao nhất trong huyết tương của insulin tác dụng nhanh đạt được trong vòng 1.5 - 2.5 giờ từ khi tiêm dưới da.
  • Khả năng phân bố: Không gắn mạnh với protein huyết tương, ngoại trừ kháng thể kháng insulin trong tuần hoàn (nếu có.
  • Khả năng chuyển hóa: Insulin người được báo cáo bị thoái biến bởi insulin protease hoặc enzyme thoái biến insulin và có thể do protein disulfide isomerase
  • Khả năng thải trừ: Thời gian bán hủy cuối cùng được xác định bởi tốc độ hấp thu từ mô dưới da. Vì vậy, thời gian bán hủy cuối cùng (t1/2) được xem là thước đo sự hấp thu hơn là sự thải trừ trên mỗi giây của insulin từ huyết tương (insulin trong máu có t1/2 vài phút). Các thử nghiệm cho thấy thời gian bán hủy cuối cùng khoảng 5 - 10 giờ.

2.4. Tác dụng của thuốc Mixtard 30

  • Trên chuyển hoá glucid: Thuốc Mixtard 30 có thành phần chính là Insulin có tác dụng làm giảm đường máu do insulin giúp glucose dễ xâm nhập vào tế bào đặc biệt là những tế bào gan, cơ và mô mỡ.
  • Trên quá trình chuyển hoá lipid: tăng tổng hợp và dự trữ lipid ở gan, ngăn cản phân giải mỡ và ức chế tạo các chất cetonic nhờ ức chế hoạt tính của lipase nhạy cảm với hormone, làm giảm nồng độ acid béo tự do và glycerol trong huyết tương.
  • Trên quá trình chuyển hoá protid: thúc đẩy quá trình đồng hoá protid bằng cách làm acid amin dễ xâm nhập vào tế bào để tổng hợp protein. Đặc biệt ở thành mạch, insulin tham gia vào quá trình cấu tạo glycoprotein cấu trúc, do đó nếu thiếu hụt insulin gây ra tình trạng thành mạch dễ bị tổn thương.

3. Tác dụng phụ của thuốc Mixtard 30

Hạ đường huyết là một tác dụng không mong muốn thường gặp trong điều trị bằng thuốc Mixtard 30 hay insulin. Những dấu hiệu của tình trạng hạ đường huyết thường xuất hiện đột ngột, bao gồm:

  • Đổ mồ hôi;
  • Da xanh và lạnh;
  • Bồn chồn, run rẩy, cảm giác lo âu, mệt mỏi bất thường;
  • Rối loạn tâm thần như hay nhầm lẫn, khó tập trung, lơ mơ, đói dữ dội;
  • Giảm thị lực tạm thời;
  • Đau nhức đầu, buồn nôn, hồi hộp và đánh trống ngực.
  • Hạ đường huyết nghiêm trọng có thể dẫn đến bất tỉnh, có thể làm suy giảm chức năng não tạm thời hay vĩnh viễn hoặc thậm chí có thể dẫn đế đe dọa đến tính mạng.

Khi bắt đầu điều trị bằng liệu pháp insulin có thể gặp tình trạng phù và bất thường về khúc xạ có thể xảy ra khi bắt đầu dùng liệu pháp insulin. Khi điều trị với thuốc Mixtard 30 tác dụng phụ này thường thoáng qua và biến mất nhanh chóng.

Một số tác dụng không mong muốn khác có thể gặp khi điều trị với thuốc Mixtard 30:

  • Các phản ứng quá mẫn cảm tại chỗ như đỏ, nóng, sưng và ngứa tại vị trí tiêm.
  • Các phản ứng quá mẫn cảm toàn thân như phát ban toàn thân, ngứa, đổ mồ hôi, rối loạn tiêu hóa, phù mạch thần kinh, khó thở, đánh trống ngực và hạ huyết áp.
  • Loạn dưỡng mỡ có thể thấy ở chỗ tiêm nguyên nhân do không thay đổi vị trí trong vùng tiêm hay tiêm một vị trí trong nhiều ngày.

4. Cách dùng và liều dùng của thuốc Mixtard 30

4.1. Cách sử dụng thuốc Mixtard 30

Thuốc Mixtard 30 dùng theo đường tiêm dưới da. Hỗn dịch insulin không bao giờ được sử dụng dưới đường tiêm tĩnh mạch. Về cách tiêm thuốc Mixtard 30 cần chú ý những điểm sau:

  • Thuốc Mixtard được dùng tiêm dưới da vào vị trí vùng đùi hoặc thành bụng hay vùng mông hoặc vùng cơ delta cũng có thể tiêm được.
  • Tiêm dưới da vào thành bụng bảo đảm sự hấp thu nhanh hơn so với tiêm vào các vị trí tiêm khác.
  • Tiêm vào nếp gấp da được véo lên tác dụng nhằm giảm thiểu nguy cơ tiêm bắp không định trước. Nên giữ kim tiêm dưới da ít nhất 6 giây để đảm bảo toàn bộ liều tiêm insulin đã được tiêm.
  • Thay đổi vị trí tiêm trong cùng một vùng tiêm để giảm thiểu nguy cơ loạn dưỡng mỡ.
  • Thuốc Mixtard được đóng kèm trong hộp với một tờ hướng dẫn sử dụng chi tiết để người dùng có thể tuân theo.
  • Thận trọng, bạn nên luôn mang theo một bút tiêm insulin dự phòng trong trường hợp FlexPen bị mất hoặc hư hỏng.

4.2. Liều dùng của thuốc Mixtard 30

  • Thuốc Mixtard 30 là loại insulin tác dụng kép. Đây là một công thức gồm hai pha là Insulin tác dụng nhanh và insulin tác dụng kéo dài. Thuốc insulin pha trộn sẵn thường được dùng một hoặc hai lần/ngày khi cần có tác dụng khởi đầu nhanh, cùng với tác dụng kéo dài hơn.
  • Liều lượng sử dụng tùy thuộc vào từng cá nhân và được xác định theo nhu cầu của từng người. Nhu cầu insulin của từng cá nhân trung bình từ 0,3 - 1,0 IU/kg/ngày. Nhu cầu insulin hàng ngày có thể cao hơn ở người kháng insulin (ví dụ trong tuổi dậy thì hoặc do béo phì) và thấp hơn ở người sản xuất được lượng insulin nội sinh thặng dư. Bạn nên chú ý, chuẩn bị bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ chứa carbohydrate trong vòng 30 phút sau mỗi lần tiêm.

Lưu ý về liều điều trị: Liều dùng như ở trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều điều trị cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn biến bệnh của từng người. Để có liều điều trị phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị hoặc chuyên viên y tế.

4.3. Trường hợp quá liều/ quên liều

Trong trường hợp quá liều: hạ đường huyết có thể phát triển qua các giai đoạn liên tiếp nếu dùng liều quá cao so với nhu cầu insulin của bệnh nhân:

  • Giai đoạn hạ đường huyết nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng cách dùng glucose uống hay các sản phẩm có đường. Vì vậy, người bị mắc bệnh đái tháo đường được khuyên luôn mang theo người những sản phẩm có đường.
  • Giai đoạn hạ đường huyết nặng, khi bị bất tỉnh, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng glucagon (0.5 - 1 mg) tiêm bắp hay tiêm dưới da do một người đã được hướng dẫn về cách tiêm thuốc hoặc sử dụng glucose tiêm truyền tĩnh mạch do một nhân viên y tế thực hiện. Phải dùng glucose đường tĩnh mạch nếu không đáp ứng với glucagon trong vòng 10 - 15 phút. Khi tỉnh lại cần cho dùng thức ăn có chứa carbohydrate để phòng ngừa tái phát.

Trong trường hợp quên liều: Nếu bạn quên một liều thuốc Mixtard 30, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu thời gian liều đã quên gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và sử dụng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Lưu ý rằng tuyệt đối không được sử dụng thuốc với liều gấp đôi liều đã quy định.

5. Tương tác của thuốc Mixtard 30

Một số loại thuốc điều trị có tương tác với quá trình chuyển hóa glucose. Những chất sau đây có thể làm giảm nhu cầu insulin của mỗi người

Những chất sau đây có thể làm tăng nhu cầu insulin của người dùng:

  • Thuốc tránh thai dưới dạng uống, thiazide, glucocorticoid, hormone tuyến giáp, cường giao cảm, hormone tăng trưởng và danazol.
  • Thuốc chẹn beta có thể làm ẩn các dấu hiệu hạ đường huyết và làm chậm sự phục hồi sau hạ đường huyết.
  • Lanreotide có thể làm tăng hay giảm nhu cầu sử dụng insulin.
  • Rượu có thể làm tăng hoặc giảm nhu cầu sử dụng insulin.

6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Mixtard 30

Trước khi sử dụng thuốc Mixtard 30 bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo thông tin bên dưới.

6.1. Chống chỉ định khi dùng thuốc Mixtard 30

Thuốc Mixtard 30 được chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Quá mẫn hay nhạy cảm với hoạt chất chính hoặc với bất kỳ tá dược nào của thuốc.
  • Người bị hạ đường huyết.

6.2. Thận trọng khi sử dụng thuốc Mixtard 30

  • Việc chuyển đổi thuốc từ insulin có nguồn gốc động vật sang thuốc tái tổ hợp có thể phải thay đổi liều điều trị nguyên nhân do đáp ứng với cơ thể là khác nhau. Thông thường, bác sĩ điều trị sẽ giảm liều trong trường hợp này.
  • Việc điều trị thuốc không đủ liều hoặc không liên tục, đặc biệt trong đái tháo đường typ 1, có thể dẫn đến tăng đường huyết.
  • Trong đái tháo đường typ 1, các trường hợp tăng đường huyết không được điều trị cuối cùng sẽ dẫn đến nhiễm ceton acid do đái tháo đường, có khả năng gây ra nguy cơ tử vong.
  • Khả năng lái xe và vận hành máy móc: Khả năng tập trung và phản ứng của người có thể bị suy giảm do hậu quả của hạ đường huyết. Điều này có thể gây ra nguy hiểm khi đang lái xe hoặc vận hành máy móc.
  • Thận trọng khi sử dụng đối với những người mắc hội chứng Cushing, ưu năng tuyến giáp hoặc bệnh lý u tủy thượng thận.
  • Thời kỳ mang thai: Không có sự hạn chế về điều trị đái tháo đường ở phụ nữ có thai, vì insulin bản chất là protein không qua được hàng rào nhau thai. Khuyến cáo tăng cường kiểm soát lượng đường trong máu và theo dõi phụ nữ có thai bị đái tháo đường trong suốt thai kỳ và khi dự định mang thai. Nhu cầu về insulin thông thường giảm trong thời gian 3 tháng đầu thai kỳ và sẽ tăng dần trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ.
  • Sau khi sinh, nhu cầu insulin nhanh chóng trở lại mức độ bình thường trước khi có thai.
  • Thời kỳ cho con bú: Không có sự hạn chế sử dụng thuốc trong thời kỳ cho con bú. Việc điều trị bằng insulin đối với những bà mẹ cho con bú không có nguy cơ gì cho bé. Tuy nhiên, bác sĩ có thể phải điều chỉnh liều, chế độ dinh dưỡng hàng ngày hoặc cả hai.

Thuốc Mixtard 30 có chứa thành phần chính là Insulin human (rDNA) 30mg, có tác dụng trong điều trị bệnh lý đái tháo đường. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

71.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Hasanbose 100
    Công dụng thuốc Hasanbose 100

    Hasanbose 100 là thuốc hocmon, nội tiết tố có tác dụng trong việc trị đái bệnh tháo đường typ 2. Thuốc thường được dùng theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn. Vì thế, trước khi dùng người bệnh cần ...

    Đọc thêm
  • banner natives image QC
    Giải pháp hỗ trợ điều trị và dự phòng xơ vữa động mạch

    Nattokinase trong sản phẩm vừa có tác dụng phân giải cục máu đông, vừa có tác dụng kích hoạt các enzyme

    Đọc thêm
  • Công dụng thuốc Pranstad 1
    Công dụng thuốc Pranstad 1

    Thuốc Pranstad 1 là thuốc điều trị đái tháo đường type 2 không phụ thuộc insulin, có thành phần chính là Repaglinide. Thuốc được sử dụng cho đối tượng bệnh nhân có glucose huyết cao, không kiểm soát được bằng ...

    Đọc thêm
  • Agilizid
    Công dụng thuốc Agilizid

    Thuốc Agilizid là sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược phẩm Agimexpharm, với thành phần chính là Gliclazid, được dùng trong điều trị đái tháo đường. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về tác dụng của thuốc Agilizid trong bài ...

    Đọc thêm
  • metdia
    Công dụng thuốc Metdia

    Thuốc Metdia thuộc nhóm thuốc hormon, nội tiết tố, được chỉ định điều trị đái tháo đường type 2. Vậy thuốc Metdia sử dụng như thế nào? Tìm hiểu bài viết dưới đây để có những thông tin cần thiết ...

    Đọc thêm
  • Công dụng thuốc Baxotris
    Công dụng thuốc Oramep

    Thuốc Oramep được chỉ định kết hợp với chế độ ăn uống, luyện tập trong điều trị đái tháo đường không phụ thuộc insulin... Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý khi sử dụng thuốc Oramep qua bài ...

    Đọc thêm