Công dụng thuốc Zinobaby

Kẽm là nguyên tố vi lượng thiết yếu của cơ thể, khi thiếu hụt có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe đáng kể. Ngoài việc bổ sung kẽm từ chế độ dinh dưỡng hàng ngày, bệnh nhân thiếu kẽm còn có thể bổ sung thông qua sản phẩm thuốc Zinobaby. Vậy thuốc Zinobaby có tác dụng gì?

1. Thuốc Zinobaby là thuốc gì?

Thuốc Zinobaby là sản phẩm của công ty liên doanh MEYER - BPC, có thành phần chính là kẽm gluconat với hàm lượng 70 mg (tương đương 10mg kẽm nguyên tố). Thuốc Zinobaby được chỉ định trong phòng ngừa và điều trị thiếu kẽm do chế độ ăn uống bổ sung thiếu kẽm hoặc các bệnh lý làm kém hấp thu kẽm.

Thuốc Zinobaby sản xuất và bào chế dạng thuốc cốm pha hỗn dịch uống với quy cách đóng gói mỗi hộp 30 gói x 1 g/gói.

2. Thuốc Zinobaby có tác dụng gì?

Chế phẩm thuốc Zinobaby được dùng với mục đích bổ sung, dự phòng thiếu kẽm hoặc hỗ trợ điều trị các trường hợp sau:

  • Bệnh còi xương, suy dinh dưỡng hoặc chậm tăng trưởng ở trẻ em;
  • Phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú;
  • Chế độ ăn kiêng cử hoặc mất cân đối, bệnh nhân nuôi ăn lâu dài qua đường tĩnh mạch;
  • Thuốc Zinobaby dùng trong tiêu chảy cấp và mãn tính;
  • Rối loạn tiêu hóa như chán ăn, ăn chậm tiêu, táo bón nhẹ, buồn nôn và nôn khi mang thai;
  • Nhiễm trùng hô hấp, tiêu hóa hoặc da tái diễn;
  • Da khô, vết thương chậm lành (như bỏng, loét do nằm lâu);
  • Khô mắt, loét giác mạc, quáng gà.

Người thiếu kẽm nặng được đặc trưng bởi các triệu chứng tổn thương trên da và niêm mạc, điển hình như viêm ruột, viêm da đầu chi, loạn dưỡng móng (móng nhăn, có vệt trắng, chậm mọc), khô mắt, viêm quanh lỗ tự nhiên (âm hộ, hậu môn) và tiêu chảy.

3. Đặc điểm dược lý của thuốc Zinobaby

Kẽm là nguyên tố vi lượng cấu tạo nên nhiều loại enzym quan trọng như Carbonic anhydrase, carboxypeptidase A và B, glutamic dehydrogenase, lactic dehydrogenase và một số loại enzyme khác. Bên cạnh đó, kẽm là nguyên liệu cần thiết để tổng hợp acid nucleic, glucid hay protid. Ngoài ra, kẽm còn có khả năng bảo vệ cho sự toàn vẹn của các mô.

Đặc điểm dược động học của thuốc Zinobaby:

  • Kẽm hấp thu qua đường tiêu hóa không hoàn toàn, mức độ hấp thu suy giảm khi có sự hiện diện đồng thời của một số chất thuộc nhóm phytates có trong ngũ cốc, ngô, đậu và gạo. Quá trình hấp thu kẽm tại tá tràng suy giảm khi có sự hiện diện của một số chất khác như oxylat, phosphat, calci, đồng và tăng lên khi có sự hiện diện của glucose, các amino acid và các chất tạo phức chelat. Sinh khả dụng đường uống của thuốc Zinobaby đạt từ 20% đến 30%;
  • Sau hấp thu kẽm sẽ phân bố khắp cơ thể với nồng độ cao nhất ghi nhận ở trong cơ, xương, da, mắt và tuyến tiền liệt;
  • Thuốc Zinobaby đào thải theo đường ruột, đa số thải ra ngoài qua phân (90%), chỉ một lượng nhỏ đào thải qua ống thận và qua mồ hôi.

4. Hướng dẫn sử dụng thuốc Zinobaby

Thuốc Zinobaby bào chế để dùng bằng đường uống, thời điểm dùng tốt nhất là trước bữa ăn.

Liều dùng thuốc Zinobaby cụ thể như sau:

  • Liều bổ sung kẽm tùy thuộc theo độ tuổi:
    • Trẻ em 6-12 tháng: 1⁄2 gói thuốc Zinobaby mỗi ngày;
    • Trẻ 1-3 tuổi: 1⁄2 đến 1 gói thuốc Zinobaby uống mỗi ngày;
    • Trẻ em 3-10 tuổi: 1 gói thuốc Zinobaby mỗi ngày;
    • Trẻ em trên 10 tuổi: ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 1 gói thuốc Zinobaby.
  • Liều điều trị thiếu kẽm của thuốc Zinobaby phụ thuộc theo hướng dẫn của bác sĩ, có thể uống 1 gói thuốc Zinobaby x 2 lần/ngày. Tuy nhiên khi các triệu chứng thiếu kẽm đã cải thiện thì nên xem xét giảm liều và ngừng thuốc.

Nhu cầu kẽm nguyên tố mỗi ngày theo từng tuổi:

  • Trẻ em từ 4 - 8 tuổi: 5mg kẽm nguyên tố (tương đương 35 mg kẽm gluconat);
  • Từ 9 - 13 tuổi: 8mg kẽm nguyên tố (tương đương 56 mg kẽm gluconat);
  • Từ 14 - 18 tuổi: 11mg kẽm nguyên tố (tương đương 77 mg kẽm gluconat);
  • 19 tuổi trở lên: 11mg kẽm nguyên tố (tương đương 77 mg kẽm gluconat).

Quá liều thuốc Zinobaby và cách xử trí:

  • Bệnh nhân sử dụng Zinobaby liều quá cao (trên 15 gói/ngày) có thể xảy ra tình trạng ức chế thay vì kích thích chức năng miễn dịch;
  • Khi bổ sung kẽm nguyên tố nồng độ cao kéo dài sẽ dẫn đến thiếu một nguyên tố khác là đồng (do kẽm làm giảm hấp thu), từ đó dẫn đến thiếu máu do thiếu hồng cầu và giảm số lượng bạch cầu trung tính. Để loại trừ kẽm trong máu, bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng các thuốc tạo chelat (EDTA);
  • Trường hợp ngộ độc kẽm cấp tính, kẽm gluconat bị ăn mòn dần do sự hình thành kẽm clorua trong môi trường acid dạ dày. Khi đó biện pháp xử trí phù hợp là cho bệnh nhân uống sữa, cacbonat kiềm hoặc than hoạt tính và nên tránh dùng biện pháp kích thích nôn hoặc rửa dạ dày.

Nếu quên dùng một liều thuốc Zinobaby, bệnh nhân hãy bổ sung càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần đến thời điểm uống gói tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên và quay lại lịch dùng thuốc bình thường.

5. Tác dụng phụ của thuốc Zinobaby

Khi sử dụng thuốc Zinobaby, bệnh nhân vẫn có nguy cơ gặp phải một số tác dụng không mong muốn. Trong đó hay gặp nhất là những triệu chứng liên quan đến dạ dày ruột, bao gồm đau bụng, ăn uống khó tiêu, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, kích thích niêm mạc dạ dày và viêm dạ dày. Những tác dụng phụ này của thuốc Zinobaby dễ xảy ra hơn nếu uống lúc đói (dạ dày rỗng) và có thể cải thiện khi người bệnh uống thuốc sau ăn.

Khi gặp các biểu hiện bất thường trong thời gian sử dụng thuốc Zinobaby, bệnh nhân hãy ngưng thuốc và nhanh chóng thông báo cho bác sĩ để được hướng dẫn.

6. Chống chỉ định của thuốc Zinobaby

Thuốc Zinobaby chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc Zinobaby, bao gồm một số tá dược như lactose, aspartam, vàng tartrazin, sunset yellow, bột mùi cam;
  • Bệnh nhân suy chức năng gan, thận hoặc suy tuyến thượng thận mức độ nặng;
  • Bệnh nhân có tiền căn bệnh sỏi thận không nên dùng thuốc Zinobaby.

7. Một số thận trọng khi sử dụng thuốc Zinobaby

  • Hạn chế sử dụng thuốc Zinobaby trong giai đoạn bệnh viêm loét dạ dày tá tràng đang tiến triển hoặc bệnh nhân đang mắc các bệnh lý gây nôn ói cấp tính;
  • Tránh sử dụng thuốc Zinobaby đồng thời với chế phẩm có đồng, sắt, canxi để hạn chế xảy ra tương tác làm giảm hấp thu kẽm. Nếu phải sử dụng đồng thời thì nên uống các thuốc trên cách xa nhau khoảng 2-3 giờ;
  • Bổ sung kẽm lâu dài ở liều cao có thể dẫn đến thiếu hụt đồng, bệnh thiếu máu do thiếu sắt và giảm bạch cầu trung tính;
  • Thuốc Zinobaby không ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc của người dùng;
  • Sử dụng thuốc Zinobaby trong thời kỳ mang thai: Có thể bổ sung kẽm theo chỉ định của bác sĩ;
  • Sử dụng thuốc Zinobaby trong thời kỳ cho con bú: Bổ sung nhu cầu kẽm hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ.

8. Tương tác thuốc của Zinobaby

  • Mức độ hấp thu thuốc Zinobaby có thể sụt giảm khi dùng chung với Penicillamin, Tetracyclin và các chế phẩm có chứa sắt, phospho. Bổ sung kẽm bằng thuốc Zinobaby có thể làm giảm hấp thu đồng, sắt, kháng sinh nhóm quinolon, penicillamin và tetracyclin;
  • Tránh dùng thuốc Zinobaby chung với các chế phẩm có chứa calci hay nhóm điều trị loãng xương biphosphonat.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan