Công dụng thuốc Zinbryta

Thuốc Zinbryta là một kháng thể đơn dòng ảnh hưởng tới các hoạt động của hệ thống miễn dịch của cơ thể. Thuốc được chỉ định trong điều trị các dạng tái phát của bệnh đa xơ cứng. Vậy công dụng thuốc Zinbryta là gì?

1. Thuốc Zinbryta chữa bệnh gì?

Thuốc Zinbryta chữa bệnh gì? Zinbryta là một kháng thể đơn dòng ảnh hưởng tới các hoạt động của hệ thống miễn dịch của cơ thể. Những kháng thể đơn dòng được tạo ra nhằm mục tiêu và chỉ tiêu diệt một số tế bào nhất định trong cơ thể. Điều này có thể giúp bảo vệ các tế bào khỏe mạnh khỏi bị hư hại. Zinbryta được sử dụng để điều trị các dạng tái phát của bệnh đa xơ cứng.

Bên cạnh những công dụng trên, thuốc Zinbryta có thể còn được sử dụng điều trị một số bệnh lý khác mà không được liệt kê ở trên. Do vậy, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc để được tư vấn cách sử dụng thuốc sao cho hiệu quả.

2. Cách dùng và liều lượng sử dụng thuốc Zinbryta

2.1 Cách dùng thuốc Zinbryta

Thuốc Zinbryta được bào chế dưới dạng thuốc pha tiêm, và được tiêm dưới da tại các vị trí như đùi, bụng và mặt sau của cánh tay trên. Bạn có thể được hướng dẫn cách sử dụng thuốc tiêm tại nhà. Tuy nhiên, cần lưu ý phân loại rác thải y tế và vứt bỏ kim tiêm đã qua sử dụng đúng cách.

Zinbryta thường được tiêm mỗi tháng một lần. Thuốc có thể được bảo quản trong tủ lạnh vì vậy trước khi tiêm cần bỏ thuốc ra khỏi tủ lạnh và để ở nhiệt độ phòng trong 30 phút. Không đun thuốc bằng lò vi sóng hoặc bằng nước nóng, cũng như không đặt lại tủ lạnh sau khi đã để ở nhiệt độ phòng. Không sử dụng thuốc nếu có màu đục hoặc có các hạt trong đó.

Mỗi ống tiêm hoặc bút tiêm bơm sẵn dùng một lần chỉ dành cho một lần sử dụng, hãy vứt bỏ sau lần sử dụng đó, ngay cả khi vẫn còn một ít thuốc bên trong. Chỉ sử dụng kim tiêm và ống tiêm dùng một lần. Hãy dùng thuốc đều đặn để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất.

2.2 Liều lượng sử dụng

Liều lượng sử dụng thuốc thông thường được khuyến cáo cho người lớn trên 17 tuổi trong điều trị bệnh đa xơ cứng là 150mcg tiêm dưới da một tháng một lần. Nếu một liều bị bỏ lỡ trong vòng 2 tuần so với liều dự kiến, nên tiêm ngay và lặp lại lịch dùng thuốc hàng tháng ban đầu. Nếu quên một liều và cách liều dự kiến hơn 2 tuần, thì nên bỏ liều thuốc đã quên và phải tiếp tục lịch dùng thuốc ban đầu.

3. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Zinbryta

Một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Zinbryta bao gồm:

  • Triệu chứng cảm lạnh như nghẹt mũi, đau xoang, đau họng,...
  • Triệu chứng cúm như sốt, đau nhức cơ thể, đau họng, sưng hạch,...
  • Ho, tức ngực
  • Đau miệng
  • Tâm trạng chán nản
  • Phát ban hoặc ngứa
  • Da khô bong tróc
  • Xét nghiệm chức năng gan bất thường

Tác dụng phụ nghiêm trọng như đau bụng dữ dội, tiêu chảy ra nước hoặc có máu, da xanh xao, lú lẫn, yếu ớt, dễ bị bầm tím, chảy máu bất thường, đi tiểu rát, khó thở, vấn đề về gan như chán ăn, đau bụng, mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu, phân màu bã cà phê, vàng da,..., tình trạng nhiễm trùng (suy nhược đột ngột hoặc cảm giác ốm, sốt, ớn lạnh, sưng hạch, lở miệng, khó nuốt, các triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm), triệu chứng bệnh trầm cảm (như buồn bã, khó tập trung, tức giận, hung hăng, cảm thấy vô vọng hoặc cáu kỉnh, có ý nghĩa về việc tự tử hoặc làm tổn thương bản thân),...

Trước khi kê đơn thuốc, bác sĩ luôn cân nhắc lợi ích và hiệu quả mà thuốc Zinbryta đem lại nhiều hơn nguy cơ mắc tác dụng phụ. Tuy nhiên, một số trường hợp khi dùng Zinbryta vẫn có thể xảy ra tác dụng không mong muốn. Vì vậy, khi có những dấu hiệu bất thường sau khi uống thuốc đặc biệt là khi xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng có kèm theo những dấu hiệu như chóng mặt nghiêm trọng, khó thở, vùng mặt, cổ họng và lưỡi sưng, phát ban hoặc ngứa,... Trong trường hợp này, người bệnh hoặc người nhà cần thông báo ngay cho nhân viên y tế để được xử trí ngay lập tức.

4. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Zinbryta

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Zinbryta bao gồm:

  • Thông báo cho bác sĩ biết về tiền sử quá mẫn, dị ứng với Zinbryta hay bất kỳ dị ứng nào khác. Zinbryta có thể chứa các thành phần của thuốc không hoạt động và có thể gây ra phản ứng dị ứng hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác.
  • Thông báo các loại thuốc bạn đang sử dụng bao gồm thuốc được kê đơn, thuốc không kê đơn, thảo dược và thực phẩm chức năng, các loại thực phẩm, chất bảo quản hay thuốc nhuộm.
  • Không nên sử dụng thuốc Zinbryta ở người mắc bệnh gan hoặc đã từng bị viêm gan.
  • Thông báo tiền sử bệnh lý đặc biệt một bệnh nhiễm trùng đang hoạt động bao gồm cả bệnh lao, các vấn đề về gan như viêm gan B, viêm gan C, một số vấn đề về da như bệnh chàm hoặc bệnh vảy nến,...
  • Thực hiện xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, chức năng gan thận trong quá trình điều trị và sau khi ngừng sử dụng thuốc.
  • Thuốc Zinbryta có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh nhiễm trùng hoặc các vấn đề về hệ thống miễn dịch. Do vậy, hãy thông báo với bác sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng như phát ban trên da, sốt, sưng hạch, tiêu chảy, đau dạ dày, có máu trong phân hoặc bất kỳ triệu chứng mới hay bất thường nào.
  • Không nên tiêm vaccin sống giảm độc lực trong khi sử dụng thuốc Zinbryta và ít nhất 4 tháng sau liều cuối cùng. Các loại vaccin sống bao gồm vaccin sởi, quai bị, rubella, bại liệt, virus rota, thương hàn, sốt vàng da, thủy đậu, zona và vaccin cúm,...
  • Đối với phụ nữ có thai và đang cho con bú chưa có đầy đủ nghiên cứu nào về vấn đề gây ảnh hưởng cho thai nhi và trẻ bú mẹ. Vì vậy, trước khi dùng thuốc bác sĩ sẽ phải cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích mà thuốc đem lại.
  • Không tự ý sử dụng thuốc quá liều bởi vì có thể làm tăng tác dụng không mong muốn với những triệu chứng nghiêm trọng như buồn nôn, nôn, đau bụng, suy nhược,...

5. Tương tác thuốc

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi cách hoạt động của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng. Một số loại thuốc không nên được sử dụng tại hoặc xung quanh thời điểm điều trị bằng thuốc Zinbryta. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, 2 loại thuốc khác nhau có thể được sử dụng cùng nhau ngay cả khi chúng có thể xảy ra tương tác. Những trường hợp này bác sĩ cần thay đổi liều lượng hoặc có các biện pháp phòng ngừa khác. Do đó, hãy thông báo cho bác sĩ biết những loại thuốc và thực phẩm chức năng bạn đang sử dụng

Zinbryta có thể gây hại cho gan, tác dụng này tăng lên khi sử dụng đồng thời với một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc chữa lao, thuốc chống nấm, thuốc tránh thai hoặc liệu pháp thay thế hormone, một số loại thuốc chống trầm cảm, thuốc tim và huyết áp, thuốc điều trị cholesterol, thuốc động kinh và một số loại thuốc giảm đau hoặc viêm khớp bao gồm acetaminophen, tylenol, advil, motrin, aleve,...

6. Cách bảo quản thuốc Zinbryta

Thuốc Zinbryta có thể được bảo quản trong thùng carton ban đầu ở nhiệt độ phòng lên đến 30 ngày. Hoặc có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, tránh ánh nắng và nhiệt độ cao. Không làm đông lạnh thuốc và không sử dụng thuốc nếu bị đóng băng. Khi thuốc được bảo quản trong tủ lạnh mà bỏ ra ngoài và đạt đến nhiệt độ phòng thì không nên cho thuốc trở lại tủ lạnh. Mỗi loại thuốc khác nhau sẽ có những cách bảo quản khác nhau, vì vậy hãy đọc kỹ hướng dẫn bảo quản thuốc Zinbryta trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Để thuốc Zinbryta tránh xa tầm với của trẻ em và thú nuôi trong gia đình. Khi thuốc đã quá hạn sử dụng hoặc đã bị hỏng không thể dùng được nữa hãy xử lý thuốc đúng quy trình. Không được tự ý vứt thuốc Zinbryta vào môi trường như đường ống dẫn nước hoặc toilet trừ khi có yêu cầu. Hãy tham khảo thêm ý kiến của công ty môi trường xử lý rác thải hoặc dược sĩ về cách tiêu hủy thuốc Zinbryta an toàn để giúp bảo vệ môi trường.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

26 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan