Công dụng thuốc Zikafix

Thuốc Zikafix là thuốc gì? Zikafix là thuốc giảm ho hiệu quả dùng cho cả người lớn cà trẻ nhỏ. Thuốc dạng siro ngọt nên dễ dùng đối với các bé. Tuy nhiên, loại thuốc này có khả năng gây tương tác với nhiều thuốc/nhóm thuốc khác. Đồng thời, người bệnh cần tuân thủ liều dùng, thời gian điều trị để tránh lệ thuộc vào Zikafix.

1. Công dụng của thuốc Zikafix

Thuốc Zikafix có thành phần chính là Dextromethorphan HBr, Clorpheniramin maleat và Guaifenesin. Các thành phần trên kết hợp với nhau đem lại hiệu quả cao trong việc điều trị các bệnh ho khan, bị ho do dị ứng phấn hoa, lông vật nuôi, ho do cảm cúm, cảm lạnh.

Mặt khác, các trường hợp dưới đây, Zikafix không được phép kê đơn nhằm tránh các tác dụng phụ, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe:

  • Người bệnh dị ứng với bất cứ thành phần Dextromethorphan HBr, Clorpheniramin maleat và Guaifenesin hay tá dược nào của thuốc.
  • Bệnh nhân đang lên cơn hen
  • Người mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt
  • Bệnh nhân Glocom góc hẹp
  • Tắc cổ bàng quang
  • Người mắc bệnh về đường tiêu hóa như loét dạ dày, tắc môn vị - tá tràng
  • Chị em đang cho con bú
  • Người bệnh trong giai đoạn điều trị bằng thuốc ức chế MAO

2. Liều dùng và cách dùng của Zikafix

Thuốc Zikafix được hướng dẫn dùng bằng đường uống. Người bệnh có thể uống trực tiếp, không cần pha loãng với nước hay chất lỏng khác. Thuốc chỉ sử dụng cho trẻ em trên 2 tuổi và người lớn.

Liều dùng của Zikafix sẽ được điều chỉnh theo độ tuổi và tình trạng ho của người bệnh. Cụ thể:

  • Trẻ em từ 2 - 6 tuổi được chỉ định liều dùng 5ml/ lần (tương đương với 1 thìa cà phê)
  • Trẻ em từ 7- 12 tuổi có thể tăng liều lượng thuốc lên 10ml/ lần (tương đương với 2 thìa cà phê)
  • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi có thể điều chỉnh liều dùng lên 15ml/ 1 lần (tương đương với 3 thìa cà phê)
  • Giữa các lần uống thuốc cách nhau 6 - 8 giờ. Thời gian uống thuốc không được kéo dài để tránh lạm dụng thuốc. Thông thường chỉ từ 5- 10 ngày.

Trong thời gian điều trị, nếu lỡ quên 1 quên liều, người bệnh cần nhanh chóng uống liều quên sớm nhất có thể. Bạn tuyệt đối không được uống gấp đôi liều để bù cho liều đã quên, để tránh quá liều. Lưu ý, nếu ở gần thời điểm dùng liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục sử dụng thuốc theo kế hoạch.

Đã ghi nhận trường hợp quá liều Dextromethorphan hydrobromide trong thuốc, mặc dù thành phần này được cho là có độc tính thấp. Tuy nhiên,tác dụng phụ do quá liều có thể tăng lên khi uống đồng thời với rượu và thuốc hướng thần. Một số triệu chứng quá liều thuốc có thể kể đến như: Ảo giác, rối loạn tâm thần, mất điều hòa, chóng mặt, rối loạn nhịp tim, hội chứng Serotonin, buồn ngủ, run, suy nhược thần kinh trung ương, buồn nôn, nôn... thậm chí là hôn mê, suy hô hấp, co giật.

Để xử trí tình trạng này, người bệnh được chỉ định uống thuốc giải độc đặc hiệu là Naloxone, kết hợp điều trị triệu chứng, có thể cân nhắc tiến hành rửa dạ dày.

3. Tác dụng phụ của Zikafix

Mỗi thành phần trong thuốc Zikafix đều có thể gây ra một số tác dụng phụ bất lợi cho sức khỏe người bệnh. Các phản ứng phụ thường gặp có thể kể đến như:

  • Thành phần Dextromethorphan gây ra các tác dụng phụ: Kích động, trạng thái bối rối, lệ thuộc thuốc, mất ngủ, đau bụng, tiêu chảy, nôn.
  • Thành phần Guaifenesin xảy ra phản ứng phụ như: Đau bụng trên, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, ngứa và mày đay, phát ban, thiếu máu tan máu, rối loạn chức năng tế bào máu.

4. Các tương tác thuốc

Tương tác thuốc xảy ra giữa Zikafix với các loại thuốc khác có thể làm gia tăng tác dụng phụ hoặc giảm hiệu quả của thuốc điều trị.

  • Dùng kết hợp thuốc Zikafix với thuốc ngủ, thuốc an thần có thể làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương.
  • Dùng chung thuốc Zikafix với thuốc ức chế chuyển hóa Phenytoin có thể dẫn đến ngộ độc Phenytoin.
  • Kết hợp hai loại thuốc Zikafix và MAOIs gây nguy cơ mắc hội chứng Serotonin (sốt, ảo giác, kích thích thần kinh mạnh hoặc hôn mê, tăng huyết áp, loạn nhịp tim).
  • Thành phần Dextromethorphan của thuốc này có thể bị giảm hiệu quả khi sử dụng đồng thời với thuốc CYP2D6. Đồng thời, tạo điều kiện cho thuốc phát huy độc tính, gây hại cho sức khỏe.
  • Uống thuốc Zikafix có thể gây sai số kết quả xét nghiệm nước tiểu trong vòng 24 giờ từ khi dùng thuốc.

Để tránh các tương tác bất lợi ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và đảm bảo an toàn, người bệnh hãy thông báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang điều trị. Từ đó, bác sĩ sẽ cân nhắc việc tăng/giảm hoặc tạm dừng liều dùng của từng loại thuốc đó.

5. Lưu ý khi sử dụng và cách bảo quản thuốc Zikafix

  • Phụ nữ mang thai chỉ sử dụng thuốc này khi thật sự cần thiết và có sự kê đơn của bác sĩ. Bởi trước khi kê đơn, bác sĩ đã cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và rủi ro mà thuốc đem lại trên đối tượng này.
  • Đối với chị em đang cho con bú nếu được kê đơn thuốc Zkafix này cần cho trẻ ngưng bú mẹ. Bởi. thành phần Chlorpheniramine maleate có thể gây ức chế tiết sữa, đồng thời có thể tiết qua sữa mẹ.
  • Một số tác dụng phụ của thuốc như buồn ngủ, chóng mặt, mờ mắt... gây cản trở ít nhiều đến khả năng vận hành máy móc và lái xe của người bệnh. Do đó, nhóm đối tượng này cần thận trọng khi dùng Zikafix.
  • Nhóm đối tượng sau đây cần được cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và rủi ro mà thuốc đem lại trước khi kê đơn, đó là bệnh nhân viêm phế quản mãn tính hoặc khí phế thũng, hoặc ho có kèm theo dịch tiết quá mức.

Người bệnh lưu ý, lạm dụng thuốc trong thời gian dài sẽ tăng nguy cơ nhờn thuốc, ngay cả đang trong phác đồ điều trị. Nếu sau 7 ngày điều trị, các triệu chứng bệnh không giảm nhẹ hoặc có dấu hiệu trầm trọng hơn, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ để được điều chỉnh liều lượng hoặc đổi thuốc có cùng công dụng tương tự.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan