Công dụng thuốc Zidocat

Thuốc Zidocat được biết đến là thuốc có tác dụng điều trị tích cực trong các tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn tiết niệu và da. Thuốc chứa thành phần chính là Cefuroxim với hàm lượng 125mg và 500mg. Do đó, Zidocat có hai hàm lượng Zidocat 500 và Zidocat 125. Đọc ngay bài viết dưới đây để có thêm những thông tin hữu ích về công dụng của dòng thuốc này.

1. Công dụng thuốc Zidocat

Thành phần Cefuroxime trong Zidocat là một loại kháng sinh bán tổng hợp phổ rộng. Thuốc thuộc nhóm kháng sinh cephalosporin.

Cefuroxime axetil là tiền chất của cefuroxim, chất này có rất ít hoạt tính kháng khuẩn khi chưa bị thuỷ phân thành cefuroxim trong cơ thể sau khi được hấp thu.

Cefuroxim có hoạt tính kháng khuẩn do ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn bằng cách gắn vào các protein đích thiết yếu ( các protein gắn penicillin ).

Do đó, Zidocat được chỉ định trong các trường hợp nhiễm khuẩn từ nhẹ đến trung bình như:

  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới với các biểu hiện viêm phổi, viêm phế quản cấp và mạn.
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như nhiễm khuẩn tai, mũi, họng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm amidan, viêm họng.
  • Nhiễm khuẩn niệu- sinh dục: viêm bể thận, viêm bàng quang, viêm niệu đạo, nhiễm khuẩn da và mô mềm như mụn nhọt, mủ da, chốc lở.
  • Bệnh lậu
  • Nhiễm khuẩn da như: Nhọt, bệnh mủ da, chốc lở.

Mặt khác, thuốc này không được chỉ định kê đơn cho trường hợp người bệnh mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.

2. Liều dùng và cách dùng của thuốc Zidocat

Thuốc Zidocat được khuyến cáo dùng bằng đường uống. Liệu trình điều trị thông thường là 7 ngày, nếu sau thời gian này, tình trạng bệnh không chuyển biến hoặc có dấu hiệu trầm trọng hơn, người bệnh cần thông báo với bác sĩ.

Liều dùng của thuốc sẽ thay đổi dựa vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe của người bệnh cũng như mục đích điều trị. Người bệnh có thể tham khảo liều dùng dưới đây:

Liều dùng đối với người lớn:

  • Điều trị viêm họng, viêm amidan hoặc viêm xoang hàm do vi khuẩn nhạy cảm, liều dùng 250mg/ lần. Ngày uống 2 lần.
  • Để điều trị các đợt kịch phát cấp tính của viêm phế quản mạn hoặc viêm phế quản cấp nhiễm khuẩn thứ phát hoặc trong nhiễm khuẩn da và mô mềm không biến chứng uống 250mg hoặc 500mg/lần. Ngày uống 2 lần.
  • Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu không biến chứng chỉ định liều dùng 125mg hoặc 250mg, ngày uống 2 lần.

Liều dùng đối với trẻ em:

  • Để điều trị viêm họng, viêm amidan: uống 20mg/kg/ ngày (tối đa 500mg/ngày) chia thành 2 liều nhỏ.
  • Điều trị viêm tai giữa, chốc lở: 30mg/kg/ngày (tối đa 1g/ngày) chia làm 2 liều nhỏ.

Nếu bệnh nhân quên dùng 1 liều thuốc Zidocat, hãy sử dụng ngay khi nhớ ra. Trong trường hợp sắp đến liều dùng kế tiếp, người bệnh hãy bỏ qua và dùng liều sau đúng như dự kiến.

Đã ghi nhận trường hợp quá liều thuốc Zidocat với các triệu chứng như: buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng... Một số trường hợp xảy ra phản ứng kích thích thần kinh với các cơn co giật. Tình trạng này thường xuất hiện ở bệnh nhân suy thận mắc các bệnh nhiễm khuẩn.

Khi rơi vào tình trạng này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc, có thể sử dụng liệu pháp chống co giật nếu có chỉ định về lâm sàng. Thẩm tách máu có thể loại bỏ thuốc khỏi máu, nhưng phần lớn việc điều trị là hỗ trợ hoặc giải quyết triệu chứng.

3. Tác dụng phụ của thuốc Zidocat

Trước khi kê đơn, bác sĩ đã xem xét những lợi ích và rủi ro mà thuốc đem lại cho người bệnh, tuy nhiên, Zidocat vẫn có nguy cơ gây ra các tác dụng ngoại ý. Các phản ứng phụ đó là:

  • Thường gặp: Tiêu chảy, Ban da dạng sần...
  • Ít gặp: Phản ứng phản vệ, nhiễm nấm Candida, giảm bạch cầu trung tính, thử nghiệm Coombs dương tính, nổi mày đay, ngứa...
  • Hiếm gặp: Sốt, thiếu máu, tan máu, viêm đại tràng màng giả, vàng da ứ mật, tăng nhẹ AST, ALT....

Theo báo cáo, các tác dụng phụ thông thường có xu hướng tự biến mất sau khoảng vài ngày hoặc vài tuần. Trong khi đó, những phản ứng nghiêm trọng có thể phát triển và đe dọa đến sức khỏe của người dùng. Với các tác dụng phụ nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh điều trị để cải thiện tình hình.

4. Tương tác thuốc Zidocat

Đã ghi nhận tình trạng tương tác thuốc giữa Zidocat với một số thuốc như Ranitidin, Natri bicarbonat, Cefuroxim acetil, Probenecid, Aminoglycosid...

Tình trạng này được hiểu là sự tác động qua lại giữa thuốc này với thuốc khác. Kết quả của quá trình này sẽ làm cho thuốc tăng hoặc giảm tác dụng điều trị, hoặc làm phát sinh một số tác dụng không mong muốn gây bất lợi cho người bệnh.

Để tránh tình trạng này, người bệnh chủ động thông báo các loại thuốc đã sử dụng cho bác sĩ trước khi kê đơn. Từ đó, bác sĩ sẽ quyết định có kê đơn thuốc Zidocat hay không. Trường hợp kê đơn thì cần thay đổi liều lượng hoặc thời gian uống thuốc của các loại thuốc này.

5. Thận trọng khi dùng thuốc Zidocat

Sử dụng thuốc an toàn giúp phát huy công dụng tối đa của thuốc trong quá trình điều trị các triệu chứng nhiễm khuẩn. Do đó, người bệnh cần “nằm lòng” các lưu ý sau:

  • Khai thác, xem xét khả năng dị ứng của người bệnh với Cephalosporin, penicillin hoặc thuốc khác. Vì Zidocat có khả năng lây nhiễm chéo.
  • Trong quá trình điều trị thuốc Zidocat, người bệnh cần theo dõi, đánh giá chức năng thận thường xuyên, nhất là đối với trường hợp dùng liều thuốc tối đa. Đồng thời, cần thận trọng sử dụng Zidocat với các loại thuốc lợi tiểu để giảm nguy cơ ảnh hưởng bất lợi đến chức năng thận.
  • Zidocat chỉ nên được sử dụng trong thời gian 7 ngày. Nếu lạm dụng thuốc dài ngày sẽ tạo điều kiện cho các chủng không nhạy cảm phát triển quá mức. Trường hợp bội nhiễm nghiêm trọng trong khi điều trị, phải ngừng sử dụng thuốc.
  • Sử dụng kháng sinh phổ rộng Cefuroxim tăng nguy cơ xuất hiện tình trạng viêm đại tràng giả mạc.
  • Đã ghi nhận tăng nhiễm độc thận khi dùng đồng thời các kháng sinh Aminoglycosid và Cephalosporin.
  • Chị em đang trong giai đoạn thai kỳ có thể sử dụng Cefuroxim an toàn.
  • Thuốc Zidocat có thể đi vào đường sữa ở nồng độ thấp. Phụ nữ đang cho con bú vẫn có thể điều trị bằng thuốc này. Tuy nhiên, cần theo dõi các biểu hiện tiêu chảy ở trẻ nhỏ.
  • Luôn bảo quản thuốc đúng cách để không làm giảm hiệu quả điều trị bệnh. Theo đó, mỗi loại thuốc sẽ có những cách bảo quản khác nhau nên người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn thông tin bảo quản thuốc ghi trên vỏ hộp và đọc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Tránh tiếp xúc trực tiêp với ánh nắng hoặc nhiệt độ cao sẽ có thể làm chuyển hóa các thành phần ở trong thuốc Zidocat.

Tóm lại, Zidocat là thuốc kê đơn cần được sử dụng đúng chỉ định của bác sĩ. Khi xuất hiện bất cứ dấu hiệu nào bất thường nghi ngờ do dùng thuốc, bạn cũng cần tham vấn ý kiến của bác sĩ để được giải đáp thắc mắc cũng như có biện pháp xử trí kịp thời.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

56 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan