Công dụng thuốc Zhekof HCT

Xu hướng điều trị tăng huyết áp hiện nay là kết hợp thuốc để tăng hiệu quả và hạn chế tác dụng phụ. Một trong những sản phẩm kết hợp giữa chẹn thụ thể angiotensin II và lợi tiểu Thiazid là Zhekof HCT. Vậy thuốc Zhekof-HCT là gì và chỉ định sử dụng như thế nào?

1. Zhekof HCT là thuốc gì?

Thuốc Zhekof-HCT 40/12.5 là sản phẩm của Công ty TNHH Dược phẩm Đạt Vi Phú, thành phần bao gồm 2 hoạt chất là Telmisartan 40mg và Hydroclorothiazid 12.5mg. Sản phẩm thuốc Zhekof-HCT 40/12.5 được chỉ định trong điều trị tăng huyết áp nguyên phát.

2. Công dụng của thuốc Zhekof-HCT 40/12.5

Zhekof HCT được sử dụng điều trị các trường hợp tăng huyết áp nguyên phát không được kiểm soát đầy đủ chỉ với đơn trị liệu bằng Telmisartan 40mg (Zhekof 40mg)

Zhekof HCT là chế phẩm phối hợp liều cố định của một hoạt chất nhóm đối kháng thụ thể angiotensin II là Telmisartan và một hoạt chất nhóm lợi tiểu thiazid là Hydroclorothiazid. Hai hoạt chất này mang lại tác dụng hiệp đồng điều trị và giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả hơn so với việc chỉ dùng một trong hai.

3. Đặc điểm dược lý của thuốc Zhekof-HCT

Telmisartan là hoạt chất đối kháng thụ thể angiotensin II với cấu trúc hóa học thuộc dẫn chất benzimidazol, không peptid. Telmisartan đối kháng đặc hiệu thụ thể AT1 của angiotensin II ở cơ trơn mạch máu và tuyến thượng thận. Trong hệ thống renin-angiotensin, angiotensin II tạo thành từ angiotensin I thông qua xúc tác của enzym chuyển (ACE). Angiotensin II gây co mạch, kích thích vỏ thượng thận tổng hợp và giải phóng aldosteron và kích thích tim. Hoạt chất Telmisartan trong Zhekof HCT ức chế có chọn lọc sự gắn của Angiotensin II vào thụ thể AT1, từ đó giãn mạch và hạn chế tác dụng của aldosteron."

Ưu điểm của Telmisartan so với nhóm thuốc ức chế enzym chuyển không ức chế giáng hóa bradykinin, do đó không gây ho khan dai dẳng (một tác dụng thường gặp khi điều trị huyết áp bằng thuốc ức chế enzym chuyển). Ở người, liều 80mg telmisartan có thể ức chế gần như hoàn toàn tác dụng tăng huyết áp của angiotensin II, đồng thời Zhekof HCT có thể duy trì tác dụng hạ huyết áp trong 24 giờ và nồng độ Telmisartan trong máu vẫn có thể được phát hiện sau 48 giờ sử dụng.

Thành phần còn lại trong Zhekof HCT là Hydroclorothiazid, thuộc nhóm lợi tiểu thiazid. Tác dụng của lợi tiểu thiazid là kích thích bài tiết natri, clorid và kéo theo nước thông qua ức chế tái hấp thu ống lượn xa. Hydroclorothiazid có tác dụng hạ huyết áp, có thể do giảm thể tích huyết tương và dịch ngoại bào liên quan đến sự bài tiết natri qua nước tiểu. Sau đó việc duy trì sử dụng thuốc giúp Hydroclorothiazid mang lại tác dụng hạ huyết áp thông qua giảm sức cản ngoại vi do các mạch máu thích nghi dần với tình trạng giảm nồng độ natri máu. Do đó, tác dụng hạ áp của Hydroclorothiazid thường xuất hiện chậm sau 1 - 2 tuần. Ngoài ra, một đặc điểm quan trọng là Hydroclorothiazid làm tăng tác dụng của các thuốc hạ huyết áp khác, bao gồm Telmisartan. Do đó, sự kết hợp 2 hoạt chất trên trong thuốc Zhekof-HCT vừa hạn chế được tác dụng hạ kali của của hydroclorothiazid vừa làm tăng hiệu quả kiểm soát huyết áp.

4. Liều dùng của thuốc Zhekof-HCT 40/12.5

Zhekof HCT bào chế để sử dụng bằng dùng đường uống, mỗi ngày 1 lần cùng với nước và thời điểm dùng có thể trước hoặc sau ăn. Về liều lượng sử dụng Zhekof HCT, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Người bệnh chỉ nên dùng viên kết hợp liều cố định như Zhekof HCT khi không thể kiểm soát huyết áp đầy đủ chỉ bằng Telmisartan 40mg (Zhekof 40mg). Khuyến cáo nên chỉnh liều Telmisartan và hydroclorothiazid riêng lẻ theo đáp ứng của bệnh nhân trước khi chuyển sang Zhekof HCT;
  • Liều thông thường: 1 viên Zhekof HCT 40/12.5mg, 1 lần duy nhất mỗi ngày.

Một số lưu ý về việc sử dụng Zhekof HCT ở các đối tượng đặc biệt:

  • Người suy thận cần được theo dõi chức năng thận định kỳ khi dùng Zhekof HCT;
  • Suy gan: Liều tối đa là 1 viên Zhekof HCT 40/12.5mg uống mỗi ngày cho người suy gan nhẹ đến trung bình. Không chỉ định thuốc Zhekof-HCT cho bệnh nhân suy gan nặng;
  • Người cao tuổi: Không cần chỉnh liều Zhekof HCT ở đối tượng này;
  • Trẻ em: Mức độ an toàn và hiệu quả của Zhekof HCT khi dùng cho trẻ dưới 18 tuổi chưa được thiết lập.

Hướng dẫn xử trí quá liều Zhekof HCT:

  • Biểu hiện quá liều Telmisartan thường gặp nhất là hạ huyết áp quá mức và nhịp tim nhanh, đôi khi gặp nhịp tim chậm, choáng váng, nôn ói, tăng creatinin huyết thanh và suy thận cấp;
  • Quá liều hydroclorothiazid bao gồm hạ kali huyết hoặc giảm thể tích tuần hoàn lợi tiểu quá mức. Biểu hiện triệu chứng quá liều thường gặp nhất là buồn nôn, buồn ngủ, tình trạng hạ kali máu có thể gây co thắt cơ và/hoặc loạn nhịp tim (khi dùng đồng thời digitalis glycosid hoặc các thuốc chống loạn nhịp);
  • Điều trị: Telmisartan không thể loại bỏ bởi thẩm tách máu, do đó bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ kết hợp biện pháp điều trị hỗ trợ triệu chứng phù hợp. Cách xử trí tùy thuộc vào thời gian kể từ khi uống quá liều Zhekof HCT và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, có thể bao gồm gây nôn và/hoặc rửa dạ dày, đôi khi sử dụng than hoạt tính. Đồng thời người bệnh cần được theo dõi thường xuyên nồng độ các chất điện giải và creatinin huyết thanh. Người bệnh hạ huyết áp quá mức có thể xử trí bằng cách đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa kèm bù nước và điện giải nhanh chóng.

5. Tác dụng phụ của Zhekof HCT

Tác dụng không mong muốn được báo cáo thường gặp nhất của Zhekof HCT là choáng váng và một số biểu hiện ít gặp khác như sau:

  • Hạ kali huyết;
  • Lo lắng;
  • Ngất, dị cảm;
  • Chóng mặt;
  • Nhịp tim nhanh hay loạn nhịp tim;
  • Hạ huyết áp quá mức, hạ huyết áp tư thế;
  • Khó thở;
  • Tiêu chảy, khô miệng, đầy hơi;
  • Đau lưng, co thắt cơ, đau cơ;
  • Rối loạn chức năng cương dương;
  • Đau ngực;
  • Tăng acid uric huyết.

Một số tác dụng phụ hiếm gặp khi sử dụng Zhekof HCT:

  • Viêm phế quản, viêm họng, viêm xoang;
  • Khởi phát hoặc làm nghiêm trọng hơn bệnh lupus ban đỏ hệ thống;
  • Hạ natri niệu;
  • Trầm cảm;
  • Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ;
  • Nhìn mờ, rối loạn thị giác;
  • Suy hô hấp (có thể do viêm phổi và phù phổi);
  • Đau bụng, táo bón, khó tiêu, nôn ói, viêm dạ dày;
  • Bất thường chức năng gan;
  • Phù mạch (có thể gây tử vong), ban đỏ, ngứa, phát ban, tăng tiết mồ hôi, mày đay;
  • Biểu hiện giống bệnh cúm;
  • Tăng creatinin huyết, tăng creatine phosphokinase huyết, tăng enzym gan.

Zhekof HCT có thể gây ra các tác dụng không mong muốn khác khi sử dụng. Người bệnh cần theo dõi chặt chẽ và nhanh chóng thông báo cho bác sĩ những biểu hiện bất thường gặp phải khi sử dụng thuốc Zhekof-HCT.

6. Chống chỉ định của thuốc Zhekof-HCT

Zhekof HCT 40/12.5 chống chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Người có cơ địa mẫn cảm với Telmisartan hoặc Hydroclorothiazid hoặc các thành phần khác có trong thuốc;
  • Người quá mẫn với các dẫn xuất sulfonamide (do hydroclorothiazid là một dẫn xuất sulfonamide);
  • Phụ nữ mang thai 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ;
  • Người có hiện tượng ứ mật hoặc tắc nghẽn đường mật;
  • Suy gan mức độ nặng;
  • Suy thận nặng (Cl-Cr dưới 30 ml/phút);
  • Hạ kali hoặc, tăng calci máu kéo dài;
  • Chống chỉ định dùng đồng thời Zhekof HCT với các chế phẩm có chứa aliskiren ở bệnh nhân đái tháo đường hoặc suy thận (GFR dưới 60 ml/phút/1.73m2 da).

7. Một số thận trọng khi sử dụng Zhekof HCT

Những đối tượng sau đây cần đặc biệt thận trọng khi dùng Zhekof HCT:

  • Phụ nữ mang thai: Không nên khởi trị tăng huyết áp ở đối tượng này bằng nhóm đối kháng thụ thể angiotensin II (như Telmisartan trong Zhekof HCT), trừ khi việc điều trị là thật sự cần thiết. Bệnh nhân có ý định mang thai nên được chuyển sang liệu pháp điều trị an toàn cho thai kỳ. Phụ nữ đang dùng Zhekof HCT và phát hiện mang thai cần ngừng điều trị bằng Zhekof HCT ngay, sau đó xem xét chuyển sang một thuốc thay thế phù hợp;
  • Suy gan: Không sử dụng Zhekof HCT cho bệnh nhân ứ mật, tắc nghẽn đường mật hoặc suy gan nặng do Telmisartan được thải trừ qua mật và dẫn đến giảm thanh thải ra khỏi cơ thể;
  • Tăng huyết áp do hẹp động mạch thận: Nguy cơ hạ huyết áp và suy giảm chức năng thận nặng tăng lên ở người hẹp động mạch thận hai bên (hoặc hẹp một bên) khi điều trị với các thuốc tác động lên hệ renin-angiotensin-aldosteron như Zhekof HCT;
  • Suy thận và ghép thận: Không nên dùng Zhekof HCT cho bệnh nhân suy thận nặng (Cl-Cr dưới 30ml/phút). Đồng thời chưa có kinh nghiệm về việc sử dụng Telmisartan Hydroclorothiazid ở bệnh nhân mới ghép thận gần đây. Kinh nghiệm về việc sử dụng Zhekof HCT ở bệnh nhân suy thận nhẹ đến trung bình còn hạn chế, điều này đòi hỏi phải theo dõi định kỳ kali, creatinin và acid uric máu;
  • Giảm thể tích tuần hoàn: Hạ huyết áp có triệu chứng, đặc biệt là sau khi dùng liều đầu tiên thuốc Zhekof-HCT, có thể xảy ra ở người có giảm thể tích tuần hoàn và/hoặc giảm natri máu do sử dụng lợi tiểu mạnh, chế độ ăn hạn chế muối, tiêu chảy hoặc nôn ói;
  • Các tình trạng kích thích hệ RAAS khác: Người có trương lực mạch máu và chức năng thận phụ thuộc chủ yếu vào hoạt tính của hệ RAAS (như suy tim sung huyết nặng, bệnh lý thận sẵn có, hẹp động mạch thận, hẹp van động mạch chủ hoặc van hai lá) khi sử dụng các thuốc ảnh hưởng đến hệ này như Zhekof HCT có thể dẫn đến hạ huyết áp cấp, tăng urê huyết, thiểu niệu hoặc đôi khi suy thận cấp;
  • Bệnh nhân cường Aldosteron tiên phát thường không đáp ứng với các thuốc chống tăng huyết áp tác dụng thông qua ức chế hệ renin-angiotensin, do đó việc sử dụng Zhekof HCT không có mang lại hiệu quả;
  • Tác dụng trên chuyển hóa và nội tiết: Sử dụng lợi tiểu thiazid có thể làm giảm dung nạp glucose, hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị với insulin hoặc các thuốc điều trị đái tháo đường và Telmisartan. Do đó, người dùng Zhekof HCT nên cân nhắc theo dõi đường huyết để điều chỉnh liều insulin hoặc các thuốc điều trị đái tháo đường cho phù hợp;
  • Rối loạn điện giải: Tương tự việc sử dụng các thuốc lợi tiểu khác, người dùng Zhekof HCT nên được kiểm tra điện giải máu định kỳ;
  • Hạ kali huyết: Mặc dù hạ kali huyết có thể xảy ra khi sử dụng các thuốc lợi tiểu thiazid nhưng tác dụng này có thể giảm bớt khi điều trị đồng thời với Telmisartan;
  • Tăng kali huyết: Ngược lại tác dụng đối kháng thụ thể angiotensin II của Telmisartan có thể dẫn đến tăng kali huyết. Mặc dù ý nghĩa lâm sàng chưa được ghi nhận khi sử dụng Zhekof HCT, nhưng các yếu tố nguy cơ làm tăng kali huyết nghiêm trọng bao gồm suy thận và/hoặc suy tim và đái tháo đường;
  • Tương tự các thuốc điều trị tăng huyết áp khác, việc sử dụng Zhekof HCT có thể dẫn đến nguy cơ hạ huyết áp mạnh, đột ngột ở người mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ hoặc bệnh thiếu máu não, điều này có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Một số cảnh báo và thận trọng khác khi sử dụng thuốc Zhekof HCT:

  • Bệnh nhân loét dạ dày tá tràng tiến triển hoặc bệnh dạ dày, ruột khác cần thận trọng khi dùng sản phẩm này vì nguy cơ chảy máu dạ dày ruột sẽ tăng lên;
  • Thận trọng khi sử dụng Zhekof HCT cho người có tiền sử phù mạch có hoặc không liên quan đến nhóm ức chế men chuyển hoặc chẹn thụ thể angiotensin II;
  • Telmisartan có thể gây rối loạn chuyển hóa porphyrin, do đó chỉ dùng Zhekof HCT khi không có các thuốc khác an toàn hơn để thay thế;
  • Tác dụng hạ huyết áp của Zhekof HCT (do Hydroclorothiazid) tăng lên ở người cắt bỏ thần kinh giao cảm;
  • Người thường xuyên lái xe hay vận hành máy móc cần phải thận trọng khi dùng Zhekof HCT do tác dụng phụ chóng mặt và buồn ngủ đôi khi xảy ra đột ngột;

Sử dụng Zhekof HCT cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai:

  • Khuyến cáo không nên sử dụng Zhekof HCT 40/12.5 trong 3 tháng đầu thai kỳ và chống chỉ định tuyệt đối trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ;
  • Chưa có dữ liệu đầy đủ về việc sử dụng Zhekof HCT cho phụ nữ mang thai, tuy nhiên các nghiên cứu trên động vật cho thấy độc tính sinh sản;
  • Sử dụng các thuốc đối kháng angiotensin II (như Telmisartan trong Zhekof HCT) trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ có thể gây độc tính, như giảm chức năng thận, thiểu ối, chậm cốt hóa xương sọ, độc tính ở trẻ sơ sinh (như suy thận, hạ huyết áp, tăng kali huyết);
  • Kinh nghiệm về việc sử dụng Hydroclorothiazid trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ còn hạn chế. Các nghiên cứu trên động vật chưa đầy đủ. Hoạt chất Hydroclorothiazid có thể đi qua nhau thai, dựa trên cơ chế tác dụng có thể thấy việc dùng Hydroclorothiazid trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ sẽ gây giảm tưới máu đến phôi thai và gây ra các tác động trên thai nhi và trẻ sơ sinh như vàng da, rối loạn cân bằng điện giải và giảm tiểu cầu.

8. Tương tác thuốc của thuốc Zhekof-HCT 40/12.5

Lithi: Đã có các báo cáo về việc tăng nồng độ và độc tính của Lithium (có hồi phục) khi dùng đồng thời với các thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II (bao gồm Telmisartan). Do đó, không khuyến cáo kết hợp lithium và Zhekof HCT.

Các chế phẩm gây mất kali máu (như lợi tiểu thải kali khác, thuốc nhuận tràng, corticosteroid, ACTH, Amphotericin, Carbenoxolon, Penicillin G, Acid salicylic): Nếu dùng đồng thời với Zhekof HCT cần theo dõi nồng độ kali huyết tương thường xuyên do chúng có thể làm tăng tác dụng hạ kali máu của Hydroclorothiazid.

Các chế phẩm làm tăng kali huyết (như ức chế men chuyển, lợi tiểu tiết kiệm kali, các chế phẩm bổ sung kali, muối thay thế có chứa kali, Cyclosporin): Nếu dùng đồng thời với Zhekof HCT cần theo dõi nồng độ kali huyết tương. Việc kết hợp các thuốc làm giảm hoạt tính hệ renin-angiotensin với các chế phẩm nêu trên có thể dẫn đến tăng kali máu, do đó không khuyến cáo sử dụng.

Các thuốc bị ảnh hưởng bởi tình trạng rối loạn kali huyết: Khuyến cáo theo dõi định kỳ kali huyết thanh và điện tâm đồ khi dùng Zhekof HCT với các thuốc có thể bị ảnh hưởng bởi rối loạn kali huyết thanh (như digitalis, thuốc chống loạn nhịp) và các thuốc có nguy cơ gây xoắn đỉnh, bao gồm:

  • Thuốc chống loạn nhịp nhóm Ia như Quinidin, Hydroquinidin, Disopyramid;
  • Thuốc chống loạn nhịp nhóm III như Amiodarone, Sotalol, Dofetilide, Ibutilide;
  • Thuốc chống loạn thần như Thioridazin, Clopromazin, Methotrimeprazin, Trifluoperazine, Cyamemazine, Sulpirid, Sultoprid, Amisulpride, Tiaprid, Pimozide, Haloperidol, Droperidol;
  • Những thuốc khác như Bepridil, Cisaprid, Diphemanil, Erythromycin tiêm mạch, Halofantrin, Mizolastine, Pentamidin, Sparfloxacin, Terfenadin, Vincamin tiêm mạch;
  • Digitalis glycosid;

Digoxin: Đã có báo cáo tăng nồng độ đỉnh và nồng độ đáy trong huyết tương của Digoxin khi dùng đồng thời với Telmisartan. Do đó khi khởi đầu cần chỉnh liều Telmisartan, đồng thời khuyến cáo theo dõi nồng độ Digoxin máu để duy trì nồng độ thuốc ở trong khoảng trị liệu.

Các thuốc hạ huyết áp khác: Zhekof HCT có thể làm tăng tác dụng hạ huyết áp của các thuốc điều trị tăng huyết áp khác.

Các thuốc điều trị đái tháo đường (đường uống và insulin): Có thể cần chỉnh liều các thuốc điều trị đái tháo đường khi kết hợp với Zhekof HCT.

Metformin: Thận trọng khi sử dụng metformin đồng thời với Zhekof HCT do nguy cơ nhiễm toan lactic do suy giảm chức năng thận do hydroclorothiazid.

Cholestyramin và nhựa colestipol có thể làm giảm hấp thu hydroclorothiazid trong Zhekof HCT.

Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) có thể làm giảm tác dụng lợi tiểu, thải natri và tác dụng điều trị tăng huyết áp của thuốc Zhekof-HCT

Amin tăng huyết áp (như norepinephrine): Tác dụng của các amin tăng huyết áp có thể giảm khi kết hợp với Zhekof HCT.

Thuốc giãn cơ vận động không phân cực (ví dụ: Tubocurarine) tăng tác dụng khi kết hợp với Hydroclorothiazid.

Các thuốc độc tế bào (như Cyclophosphamid, Methotrexat): Các thiazid có thể làm giảm thải trừ các thuốc độc tế bào qua thận và làm tăng tác dụng ức chế tủy xương của những thuốc này.

Ngoài ra rượu, barbiturat, thuốc gây nghiện hoặc thuốc chống trầm cảm có thể làm nặng thêm tác dụng hạ huyết áp tư thế của Zhekof HCT.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

28.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan