Công dụng thuốc Zeposia

Thuốc Zeposia được sử dụng trong điều trị bệnh đa xơ cứng, nó giúp ngăn chặn các tế bào của hệ thống miễn dịch tấn công các dây thần kinh trong não và tuỷ sống. Ngoài ra, thuốc Zeposia còn được sử dụng để điều trị 1 số bệnh đường ruột như tiêu chảy, chảy máu trực tràng, đau dạ dày,...

1. Thuốc Zeposia có tác dụng gì?

Thuốc Zeposia có tác dụng trong điều trị bệnh đa xơ cứng, giúp ngăn chặn các tế bào của hệ thống miễn dịch tấn công các dây thần kinh trong não và tuỷ sống của bạn. Thuốc Zeposia giúp giảm số lần tái phát và có thể ngăn ngừa tình trạng bệnh nặng lên. Ngoài ra, thuốc Zeposia cũng được sử dụng để điều trị một số bệnh đường ruột như viêm loét đại tràng, tiêu chảy, chảy máu trực tràng và đau dạ dày.

2. Cách dùng và liều lượng sử dụng thuốc Zeposia

Thuốc Zeposia được bào chế dưới dạng viên nang, dùng bằng đường uống. Bạn cần sử dụng thuốc thường xuyên để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất. Liều lượng thuốc sẽ dựa trên tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng với phác đồ điều trị. Bạn không nên tự ý tăng liều Zeposia nhiều hơn so với quy định vì điều này có thể gây ra tình trạng quá liều và làm tăng tác dụng không mong muốn.

3. Tác dụng không mong muốn của thuốc Zeposia

Một số tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Zeposia bao gồm:

  • Đau lưng;
  • Chóng mặt, choáng váng;
  • Suy yếu hệ thống miễn dịch: Tăng nguy cơ nhiễm trùng trong quá trình điều trị và 3 tháng sau liều cuối cùng;
  • Phản ứng dị ứng: Phù, ngứa, phát ban, khó thở, chóng mặt,...
  • Tác dụng phụ nghiêm trọng như ngất, khó thở, mệt mỏi, nhạy cảm ánh sáng, thay đổi thị lực, thay đổi tâm thần, co giật và đau đầu dữ dội,...

Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Zeposia và thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.

4. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Zeposia

Một số lưu ý trong quá trình dùng thuốc Zeposia bao gồm:

  • Bạn cần thông báo cho bác sĩ biết về tiền sử quá mẫn với Zeposia hay bất kỳ dị ứng nào khác. Zeposia có thể chứa các thành phần của thuốc không hoạt động và có thể gây ra phản ứng dị ứng hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác.
  • Bạn cần liệt kê các loại thuốc đang sử dụng cho bác sĩ nắm được bao gồm như thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, các chất được bảo quản, thảo dược và thực phẩm chức năng, các loại thực phẩm, thuốc nhuộm,...
  • Thông báo tiền sử bệnh lý đặc biệt là các vấn đề về hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản, khí phế thũng, ngừng thở khi ngủ, nhiễm trùng bao gồm cả viêm gan và bệnh lao, đái tháo đường, một số vấn đề về mắt như phù hoàng điểm, viêm màng bồ đào, vấn đề về tim như nhịp tim chậm, suy tim, cơn đau tim trước đó, đau ngực, huyết áp cao, các vấn đề về gan, hút thuốc và đột quỵ,...
  • Thuốc Zeposia có thể làm tăng huyết áp. Do vậy cần phải theo dõi huyết áp thường xuyên.
  • Thuốc Zeposia hiếm khi gây ra bệnh gan nghiêm trọng nhưng cần lưu ý khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào như buồn nôn, nôn, chán ăn, đau dạ dày, đau bụng, vàng mắt, vàng da và nước tiểu sẫm màu,...
  • Zeposia có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch trong thời gian điều trị thuốc và 3 tháng sau liều cuối cùng. Điều này có thể khiến cho bạn dễ bị nhiễm trùng hơn hoặc làm trầm trọng thêm bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào hiện tại. Do vậy, tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh thủy đậu, sởi, cúm và cần theo dõi đặc biệt các dấu hiệu nhiễm trùng như đau họng, ho không khỏi, khó thở, sốt, ớn lạnh, triệu chứng cảm lạnh,vết loét, mụn nước. Không dùng thuốc zeposia khi đang nhiễm trùng.
  • Thuốc Zeposia có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng não hiếm gặp (bệnh não đa ổ tiến triển PML). Do đó, hãy liên hệ y tế ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ triệu chứng mới hoặc trầm trọng hơn kéo dài trong vài ngày như vụng về, các vấn đề về sức mạnh, thăng bằng, lời nói, thị lực hoặc suy nghĩ.
  • Thực hiện tiêm các loại vắc-xin cần thiết trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc Zeposia. Nếu tiêm loại vắc-xin sống giảm độc lực thì cần tiêm ít nhất 1 tháng trước khi bắt đầu, tránh tiêm trong thời gian điều trị và trong 3 tháng sau liều Zeposia cuối cùng.
  • Trong quá trình sử dụng thuốc Zeposia nên tránh một số loại thực phẩm và đồ uống có nhiều Tyramine bởi vì chúng có thể làm tăng huyết áp như thịt khô, xúc xích, pho mát, cá đóng hộp, các loại thực phẩm có chứa một lượng lớn men như bim bim, bột chua, dưa cải bắp, kim chi, nước tương, đậu phụ, rượu vang đỏ, bia,...
  • Trước khi bắt đầu dùng thuốc Zeposia bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm các xét nghiệm như tổng phân tích tế bào máu, xét nghiệm chức năng gan thận, điện tâm đồ, huyết áp,...
  • Đối với phụ nữ có thai và những người dự định có thai thì không nên dùng thuốc Zeposia. Bởi vì thuốc có thể gây hại cho thai nhi. Hãy tham khảo các hình thức tránh thai hiệu quả.

5. Tương tác thuốc

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi cách hoạt động của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng. Một số loại thuốc không nên được sử dụng tại hoặc xung quanh thời điểm điều trị bằng thuốc Zeposia. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, 2 loại thuốc khác nhau có thể được sử dụng cùng nhau ngay cả khi chúng có thể xảy ra tương tác. Những trường hợp này bác sĩ cần thay đổi liều lượng hoặc có các biện pháp phòng ngừa khác. Do đó, hãy thông báo cho bác sĩ biết những loại thuốc và thực phẩm chức năng bạn đang sử dụng.

Một số loại thuốc có thể tương tác với Zeposia bao gồm:

  • Thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch hoặc tăng nguy cơ nhiễm trùng như Natalizumab, Rituximab và Alemtuzumab,...
  • Chất ức chế MAO như Isocarboxazid, Linezolid, Metaxalone, Xanh methylen, Moclobemide, Phenelzine, Procarbazine, Rasagiline, Safinamide, Selegiline và Tranylcypromine,...

Để tránh tình trạng tương tác, trước khi được kê đơn Zeposia thì người bệnh nên thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, kể cả thực phẩm chức năng. Bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để kê đơn Zeposia phù hợp.

6. Bảo quản thuốc zeposia

Thuốc Zeposia được bảo quản tại các cơ sở y tế với điều kiện bảo quản thuốc như:

  • Bảo quản ở nhiệt độ phòng;
  • Tránh ánh sáng;
  • Tránh những nơi ẩm ướt;
  • Không bảo quản Zeposia ở nơi ẩm thấp hay trong ngăn đá.

Vì mỗi loại thuốc Zeposia sẽ có cách bảo quản khác nhau do vậy hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và cách bảo quản. Ngoài ra, hãy để thuốc Zeposia tránh xa tầm với của trẻ em và thú nuôi trong gia đình. Sau khi thuốc đã hết hạn sử dụng hoặc đã bị hỏng không thể dùng được nữa thì nên xử lý theo đúng quy trình. Không được tự ý vứt thuốc Zeposia vào môi trường như đường ống dẫn nước hoặc toilet trừ khi có yêu cầu. Hãy tham khảo thêm ý kiến của công ty môi trường xử lý rác thải hoặc dược sĩ về cách tiêu hủy thuốc Zeposia an toàn để giúp bảo vệ môi trường.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

234 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan