Công dụng thuốc Zalysée

Zalysée là thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị triệu chứng cơn đau thắt ngực ổn định mãn tính cùng một số vấn đề liên quan khác. Để tìm hiểu rõ về loại thuốc này, đặc biệt là liều dùng và cách dùng đúng đắn nhất, các bạn hãy tham khảo một số thông tin ngay dưới đây.

1. Zalysée là thuốc gì?

Zalysée có chứa thành phần chính là Ivabradin (dưới dạng Ivabradin HCl) 5mg. Đây là hoạt chất được biết đến với khả năng ức chế có chọn lọc và đặc hiệu đối với các kênh phụ thuộc nucleotide vòng hoạt hóa quá phân cực trong nút xoang của mô tim. Từ đây chúng sẽ gây gián đoạn dòng ion If, kéo dài quá trình khử cực tâm trương, góp phần làm chậm quá trình dẫn truyền trong nút xoang để làm giảm nhịp tim hiệu quả.

2. Chỉ định và chống chỉ định

Thuốc Zalysée được sử dụng trong điều trị triệu chứng đau thắt ngực mạn tính ổn định ở bệnh nhân mạch vành có nhịp xoang bình thường nhưng không dung nạp hoặc chống chỉ định với chẹn beta.

Ngoài ra, thuốc Zalysée cũng được sử dụng phối hợp với chẹn beta trên những bệnh nhân chưa được kiểm soát đầy đủ với chẹn beta và có nhịp tim ở mức trên 60 nhịp/phút.

Thuốc Zalysée chống chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân quá mẫn với hoạt chất Ivabradine.
  • Kiểm tra nhịp tim người bệnh khi nghỉ ngơi dưới 70 nhịp/phút.
  • Người bị sốc tim hoặc mắc nhồi máu cơ tim cấp, suy tim cấp tính hoặc đau thắt ngực không ổn định.
  • Kiểm tra huyết áp hạ thấp nghiêm trọng (< 90/50 mmHg).
  • Bệnh nhân được chẩn đoán mắc suy gan nặng.
  • Bệnh nhân mắc hội chứng xoang bệnh lý, block nút xoang, block nhĩ thất độ 3.
  • Phụ nữ mang thai, cho con bú và phụ nữ đang có ý định mang thai.

3. Cách dùng và liều dùng

Thuốc Zalysée được sử dụng qua đường uống, chia thành hai lần dùng vào buổi sáng và vào buổi tối trong bữa ăn.

3.1. Liều dùng Zalysée dành cho người lớn

Zalysée điều trị triệu chứng cơn đau thắt ngực ổn định mãn tính

  • Bệnh nhân dưới 75 tuổi sử dụng liều dùng khởi đầu dưới 5 mg x 2 lần/ngày.
  • Sau 3-4 tuần điều trị, nếu bệnh nhân vẫn còn triệu chứng, kiểm tra nhịp tim lúc nghỉ vẫn trên 60 nhịp/phút, lúc này có thể tăng liều lên liều cao hơn nhưng không vượt quá 7,5 mg x 2 lần/ngày.
  • Nếu thuốc không hiệu quả sau 3 tháng điều trị, người bệnh nên ngừng điều trị bằng Zalysée.
  • Nếu trong quá trình sử dụng thuốc và nhận thấy nhịp tim giảm xuống dưới 50 nhịp một phút (bpm) khi nghỉ ngơi hoặc có dấu hiệu nhịp tim chậm như chóng mặt, mệt mỏi hoặc hạ huyết áp... Lúc này, liều dùng cần được giảm xuống kể cả liều thấp nhất 2,5 mg x 2 lần/ngày.
  • Không tiếp tục dùng thuốc điều trị nếu nhận thấy nhịp tim vẫn dưới 50 nhịp/phút hoặc các triệu chứng nhịp tim chậm không được khắc phục dù đã giảm liều.

Zalysée điều trị suy tim mãn tính

  • Chỉ bắt đầu sử dụng Zalysée khi nhịp tim ở bệnh nhân suy tim ổn định.
  • Liều khởi đầu thông thường được khuyến cáo là 5 mg x 2 lần/ngày. Sau hai tuần điều trị, bệnh nhân có thể sử dụng liều 7,5 mg x 2 lần/ngày nếu nhịp tim lúc nghỉ liên tục trên 60 bpm. Trong trường hợp nhịp tim nghỉ liên tục dưới 50 bpm hoặc có dấu hiệu như chóng mặt, mệt mỏi hoặc hạ huyết áp, bệnh nhân cần giảm liều xuống 2,5 mg x 2 lần/ngày.
  • Nếu trong quá trình sử dụng thuốc Zalysée, nhịp tim giảm liên tục dưới 50 nhịp mỗi phút (bpm) khi nghỉ ngơi hoặc bệnh nhân xuất hiện triệu chứng liên quan đến nhịp tim chậm, lúc này liều dùng cần được điều chỉnh thấp hơn tiếp theo ở bệnh nhân dùng 7,5 mg/ 2 lần mỗi ngày hoặc 5 mg/ 2 lần mỗi ngày.
  • Trong trường hợp nhịp tim tăng liên tục trên 60 nhịp mỗi phút khi nghỉ ngơi, liều dùng có thể tăng lên liều trên tiếp theo ở những bệnh nhân dùng 2,5 mg/ 2 lần mỗi ngày hoặc 5 mg/2 lần mỗi ngày.
  • Nếu nhịp tim vẫn dưới 50 bpm hoặc các triệu chứng của nhịp tim chậm vẫn còn, người bệnh cần ngưng điều trị bằng thuốc.

3.2. Liều dùng Zalysée cho một số đối tượng khác

  • Chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả của Zalysée trong điều trị suy tim mãn tính ở trẻ em dưới 18 tuổi nên cần tránh dùng thuốc cho đối tượng này.
  • Bệnh nhân suy thận và độ thanh thải creatinin trên 15 ml/phút không cần điều chỉnh liều dùng.
  • Bệnh nhân suy gan nhẹ không cần điều chỉnh liều dùng, tuy nhiên cần cẩn trọng khi sử dụng Zalysée cho bệnh nhân suy gan trung bình và không dùng thuốc cho bệnh nhân suy gan nặng.

4. Tác dụng phụ của Zalysée

Trong quá trình sử dụng Zalysée, một số tác dụng phụ có thể xảy ra gồm:

  • Tác dụng phụ thường gặp: Tăng huyết áp, tim đập chậm, rung nhĩ, mắt chói sáng thoáng qua (phosphenes).
  • Tác dụng phụ ít gặp: Phù mạch, nhìn đôi, hạ huyết áp, ngứa, nổi ban, ngất, xoắn đỉnh, rung thất, chóng mặt, suy giảm thị lực.
  • Tác dụng phụ hiếm gặp: Block tim hoặc ngừng xoang nhĩ.

5. Tương tác thuốc

  • Không dùng Zalysée đồng thời với các loại thuốc kéo dài QT nhóm tim mạch và không thuộc nhóm tim mạch do có thể gây giảm nhịp tim.
  • Không dùng Zalysée đồng thời với thuốc lợi tiểu làm giảm kali (thuốc lợi tiểu thiazid và thuốc lợi tiểu quai) do làm tăng nguy cơ loạn nhịp tim.
  • Sử dụng chất ức chế CYP3A4 cùng lúc có thể làm tăng nồng độ ivabradine trong huyết tương.

6. Thận trọng khi dùng Zalysée

  • Zalysée không có khả năng điều trị hoặc phòng ngừa rối loạn nhịp tim và có sẽ mất tác dụng khi xảy ra rối loạn nhịp nhanh (với những trường hợp nhịp nhanh thất hoặc trên thất).
  • Cần thận trọng sử dụng Zalysée ở những bệnh nhân bị viêm võng mạc sắc tố, người mắc hội chứng kéo dài QT bẩm sinh hoặc đang sử dụng các sản phẩm thuốc kéo dài QT.
  • Bệnh nhân suy tim mãn tính khi sử dụng thuốc cần theo dõi huyết áp trong khoảng thời gian thích hợp.

Trên đây là một số thông tin về thuốc Zalysée mà bạn đọc có thể tham khảo. Trong quá trình sử dụng, người bệnh cần chú ý tuân thủ theo đúng chỉ dẫn từ phía bác sĩ để đảm bảo thuốc có thể mang đến hiệu quả điều trị cao nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

25 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan