Công dụng thuốc Vitaroxima

Thuốc Vitaroxima được sản xuất bởi Công ty Vitrofarma S.A Plant 6 và đăng ký bởi Công ty Cổ phần Dược phẩm Duy Tân. Vitaroxima thuộc nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn, trị ký sinh trùng, kháng nấm và kháng virus. Vậy tác dụng thuốc Vitaroxima là gì?

1. Vitaroxima là thuốc gì?

Thuốc Vitaroxima có thành phần chính là hoạt chất Cefuroxim (dưới dạng Cefuroxim natri) với hàm lượng 750mg cùng với tá dược vừa đủ 1 viên. Thuốc được bào chế dưới dạng bột pha tiêm, trình bày dạng hộp gồm 10 lọ.

2. Tác dụng thuốc Vitaroxima

Hoạt chất Cefuroxim có trong Vitaroxima là 1 loại kháng sinh bán tổng hợp có phổ rộng, thuộc nhóm Cephalosporin, thuốc tiêm dưới dạng muối của natri. Cefuroxim axetil là tiền chất của Cefuroxim, khi chưa bị thủy phân để trở thành Cefuroxim trong cơ thể sau khi đã được hấp thu, chất này vốn có rất ít hoạt tính kháng khuẩn. Hoạt tính kháng khuẩn của Cefuroxim có được do có sự ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn bằng cách gắn vào các protein đích thiết yếu (là các protein có thể gắn với penicillin). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc có thể do có sự biến đổi của các protein gắn với penicillin hoặc có thể do các vi khuẩn tiết ra enzyme cephalosporinase. Hoạt chất Cefuroxim có hoạt tính kháng khuẩn rất đặc trưng và hữu hiệu có thể chống nhiều tác nhân gây bệnh thông thường, kể cả các chủng tiết Cephalosporinase/ Beta – lactamase của cả các vi khuẩn gram âm và gram dương.

Thuốc Vitaroxima được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Điều trị trong nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như: Viêm xoang, viêm họng, viêm tai giữaviêm amydale.
  • Điều trị trong nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới như: Viêm phế quản cấp tính và mạn tính và viêm phổi.
  • Điều trị trong nhiễm khuẩn đường tiết niệu – sinh dục như: Viêm niệu đạo, viêm bàng quangviêm bể thận.
  • Điều trị trong nhiễm khuẩn da và mô mềm như mủ da, bệnh nhọt và chốc lở.
  • Điều trị trong nhiễm khuẩn sản phụ khoa, bệnh lậu như: Viêm cổ tử cung và viêm niệu đạo cấp không có biến chứng do lậu.
  • Điều trị trong nhiễm khuẩn xương khớp, viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết.
  • Dùng để dự phòng nhiễm khuẩn trong các cuộc phẫu thuật.

3. Cách dùng và liều dùng của thuốc Vitaroxima

3.1. Cách dùng thuốc Vitaroxima

Thuốc Vitaroxima được bào chế dưới dạng bột pha tiêm.

  • Chỉ sử dụng trong trường hợp người bệnh có tình trạng nhiễm khuẩn nặng hoặc đã có biến chứng.
  • Quá trình sử dụng thuốc Vitaroxima nên được tiến hành và giám sát bởi bác sĩ hoặc viên y tế có chuyên môn.
  • Thuốc có thể được sử dụng để tiêm bắp sâu, tiêm tĩnh mạch chậm từ 3 – 5 phút hoặc dùng trong truyền tĩnh mạch.

3.2 Liều dùng thuốc Vitaroxima

  • Ở người lớn: Thông thường, dùng liều 750mg, ngày 3 lần. Trong các trường hợp nhiễm khuẩn nặng hơn: Có thể dùng đến liều 1,5 gam/ lần, dùng 3 đến 4 lần/ ngày.
  • Ở bệnh nhân lậu, sử dụng với liều duy nhất có hàm lượng 1,5g tiêm bắp. Có thể chia làm 2 mũi với liều mỗi mũi 750mg, tiêm vào các vị trí khác nhau ví dụng như vào 2 mông.
  • Trong nhiễm khuẩn huyết, sử dụng liều 1,5gam/ lần, ngày 3 lần.
  • Trong dự phòng phẫu thuật, sử dụng liều 750mg trước mổ 30 đến 60 phút, sau mổ nên sử dụng liều 750mg mỗi 8 giờ trong 24 – 48 giờ. Trong phẫu thuật thay khớp toàn bộ, có thể trọn Cefuroxim với hàm lượng 1,5gam với xi măng Methyl methacrylate.
  • Đối với trẻ em lớn hơn 3 tháng tuổi: Sử dụng liều 50 – 100mg/ kg cân nặng/ ngày, chia từ 3 đến 4 lần.
  • Đối với bệnh nhân suy thận: Cần tiến hành giảm liều phù hợp với từng đối tượng bệnh:
    • Độ thanh thải Creatinine từ 10 – 20ml/ phút: Dùng liều như người lớn thông thường 750mg, ngày 2 lần.
    • Độ thanh thải Creatinine dưới 10 ml/ phút, dùng liều 750mg, ngày 1 lần.
    • Đối với bệnh nhân đang thẩm tách máu, dùng liều 750mg vào cuối mỗi lần thẩm tách xong. Còn đối với trường hợp người bệnh đang lọc máu động mạch – tĩnh mạch định kỳ và đang thẩm tách màng bụng định kỳ thì sử dụng với liều tích hợp hàm lượng 750mg, ngày 2 lần.
  • Trong viêm màng não do các chủng vi khuẩn nhạy cảm: Người lớn cần tiêm tĩnh mạch với liều 3 gam, ngày 3 lần. Ở trẻ em và trẻ còn rất nhỏ có thể tiêm tĩnh mạch với liều có hàm lượng 200 – 240mg/ kg cân nặng/ ngày, chia làm 3 – 4 liều nhỏ. Sau 3 ngày điều trị hoặc khi có những cải thiện trên lâm sàng, có thể tiến hành giảm liều tiêm tĩnh mạch xuống còn 100 mg/ kg cân nặng/ ngày. Còn đối với trẻ sơ sinh, tiêm tĩnh mạch với liều 100 mg/ kg cân nặng/ ngày, giảm liều xuống hàm lượng 50 mg/ kg cân nặng/ ngày khi có các chỉ định trên lâm sàng.

Người bệnh cần phải tuân thủ tuyệt đối liều chỉ định của bác sĩ, không được tự ý áp dụng, tính toán hay thay đổi liều thuốc khi chưa được sử cho phép.

3.3 Quá liều và xử trí khi quá liều

Thông thường, sẽ rất ít có khả năng bệnh nhân gặp phải tình trạng quá liều Vitaroxima. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp lỡ sử dụng quá liều Vitaroxima thì người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như: Buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Ở những người suy thận có thể gặp phải các phản ứng tăng kích thích thần kinh cơ và có các cơn co giật.

Khi phát hiện sử dụng quá liều Vitaroxima, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và đến ngay các cơ sở y tế để được hỗ trợ cấp cứu. Đầu tiên cần làm là bảo vệ đường hô hấp của người bệnh, hỗ trợ thông thoáng khí đồng thời truyền dịch. Nếu phát hiện có tình trạng co giật thì cần sử dụng các liệu pháp chống co giật nếu có các chỉ định về lâm sàng. Để loại bỏ thuốc khỏi máu, có thể sử dụng phương pháp thẩm tách máu, nhưng phần lớn việc điều chỉ là giải quyết các triệu chứng hoặc hỗ trợ.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Vitaroxima

Trong quá trình sử dụng thuốc Vitaroxima, người bệnh có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường nhẹ và thoáng qua trong 1 thời gian ngắn. Các tác dụng phụ thường gặp như:

  • Rối loạn tiêu hóa bao gồm: Nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy.
  • Sốt và phát ban,
  • Viêm âm đạo.
  • Thiếu máu.
  • Viêm ruột.
  • Rối loạn chức năng gan thận.
  • Động kinh.
  • Xuất huyết.
  • Viêm đại tràng giả mạc.

Thông thường, các tác dụng ngoại ý sẽ mất đi khi bệnh nhân ngưng sử dụng thuốc Vitaroxima. Tuy nhiên, khi gặp các dấu hiệu bất thường bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn xử lý và điều trị kịp thời.

5. Tương tác thuốc Vitaroxima

  • Không trộn chung ống tiêm với thuốc Aminoglycosid.
  • Không sử dụng chung với Probenecid.
  • Thuốc độc thận.
  • Trong thời gian sử dụng thuốc Vitaroxima, người bệnh cần tránh hoặc hạn chế sử dụng chung với thuốc lá, rượu bia, đồ uống có cồn hoặc đã lên men vì các tác nhân này có thể gây ra tình trạng biến đổi các thành phần của thuốc, ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

6. Chú ý khi sử dụng thuốc Vitaroxima

6.1. Chống chỉ định của thuốc Vitaroxima

Không dùng Vitaroxima cho người bệnh có tiền sử quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc, bao gồm Cefuroxim, các kháng sinh nhóm Cephalosporine.

6.2. Thận trọng khi sử dụng thuốc Vitaroxima

Thận trọng khi sử dụng thuốc Vitaroxima trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh có tiền sử về bệnh tiêu hóa, viêm đại tràng và kết tràng.
  • Phụ nữ có thai và đang cho con bú. Cần cân nhắc giữa hiệu quả điều trị mà thuốc mang lại và các bất lợi có thể gặp phải.
  • Bệnh nhân suy thận, suy gan, người già, trẻ em dưới 15 tuổi, viêm loét dạ dày, nhược cơhôn mê gan.

7. Bảo quản thuốc Vitaroxima

Người bệnh cần đảm bảo tuân thủ theo nguyên tắc bảo quản thuốc. Để thuốc Vitaroxima ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời hoặc nhiệt độ cao để tránh làm chuyển hóa các thành phần hoạt chất có trong thuốc. Để Vitaroxima xa khu vực vui chơi của trẻ nhỏ, tránh tình trạng sử dụng nhầm thuốc ở đối tượng này.

Hạn dùng của Vitaroxima là 30 tháng, người bệnh cần xem kỹ hạn sử dụng trước khi dùng. Không dùng thuốc khi đã quá hạn sử dụng hoặc có sự thay đổi về màu sắc, tính chất của thuốc.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Vitaroxima, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Vitaroxima điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

33 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan