Công dụng thuốc Vibramycin

Thuốc Vibramycin là kháng sinh thuộc nhóm tetracyclines. Vibramycin được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Thông tin chi tiết của thuốc Vibramycin được trình bày trong bài viết dưới đây.

1. Vibramycin là thuốc gì?

Thành phần Doxycycline trong thuốc Vibramycin là kháng sinh thuộc nhóm tetracyclines. Thuốc được bào chế dưới dạng:

  • Viên nang, hàm lượng 50mg, 100mg dùng theo đường uống.
  • Bột pha tiêm, hàm lượng 100mg, 200mg dùng theo đường tiêm, truyền tĩnh mạch.

Cơ chế của thuốc: Doxycycline tiêu diệt vi khuẩn bằng cách liên kết với tiểu đơn vị 30S của ribosom, ức chế tổng hợp protein của vi khuẩn. Doxycycline có hoạt tính kìm khuẩn chống lại nhiều loại vi khuẩn Gram âm và Gram dương.

2. Thuốc Vibramycin có công dụng gì?

Vibramycin được sử dụng để điều trị hoặc ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, như:

3. Liều dùng của thuốc Vibramycin

Liều lượng Vibramycin phụ thuộc theo tính chất và mức độ nặng của nhiễm khuẩn.

Người lớn:

  • Liều uống thông thường: ngày đầu tiên 200 mg/ ngày, uống chia 2 lần, sau đó 100 mg x 1 lần /ngày. Nếu bị nhiễm khuẩn nặng: duy trì liều 200 mg/ ngày
  • Điều trị bệnh lậu không có biến chứng: Uống 100 mg x 2 lần/ ngày, trong 7 ngày; hoặc uống 1 lần 300 mg, sau đó 1 giờ uống thêm 1 liều 300 mg nữa.
  • Điều trị giang mai: Uống 100 - 200 mg x 2 lần/ ngày, trong ít nhất 14 ngày. Với người đã mắc giang mai trên 1 năm: 100 mg x 2 lần/ ngày trong 28 ngày.
  • Phòng bệnh do xoắn trùng (leptospirosis): Uống 200 mg x 1 lần/ tuần, trong thời gian ở vùng có nguy cơ , trong 21 ngày và uống 200 mg khi rời khỏi vùng đó.
  • Phòng sốt rét: Uống 100 mg x 1 lần/ ngày, bắt đầu uống 1 - 2 ngày trước khi đến vùng sốt rét, tiếp tục uống hàng ngày, và 4 tuần sau khi rời vùng sốt rét.
  • Điều trị sốt rét do falciparum kháng cloroquin: Uống 3 mg/ kg x 1 lần /ngày, trong 7 ngày, phối hợp cùng quinin.
  • Điều trị brucella: Uống 100 mg x 2 lần/ ngày, trong 6 tuần, cùng với rifampin hoặc streptomycin.
  • Điều trị viêm nha chu: Uống 20 mg x 2 lần/ ngày.
  • Phòng bệnh than ở người mẫn cảm với penicillin hoặc ciprofloxacin: 100 mg x 2 lần/ ngày, trong 60 ngày. Kết hợp cùng 1 - 2 thuốc kháng khuẩn khác.
  • Điều trị viêm niệu đạo không do vi khuẩn lậu: Uống 100 mg x 2 lần/ ngày, trong 7 ngày.
  • Điều trị viêm phần phụ, viêm nội mạc tử cung, viêm phúc mạc: Tiêm tĩnh mạch 100 mg x 2 lần/ ngày, cùng với cefoxitin 2g mỗi 6 giờ, trong 4 ngày và tiêm thêm 48 giờ sau khi tình trạng bệnh được cải thiện. Sau đó tiếp tục uống 100 mg x 2 lần/ ngày, trong 10 - 14 ngày.
  • Điều trị Chlamydia không có biến chứng: Uống 100 mg x 2 lần/ ngày, trong ít nhất 7 ngày.
  • Điều trị bệnh Lyme (do xoắn khuẩn Borrelia burgdorferi), bệnh tularemia (do Pasteurella tularensis), bệnh sốt Q (do Coxiella burnetii): Uống 100 mg x 2 lần/ ngày, trong 14 - 21 ngày.
  • Điều trị bệnh rickettsia: Uống 100 mg x 2 lần/ ngày, trong 7 - 14 ngày.
  • Điều trị bệnh mũi đỏ: Uống 40 mg x 1 lần/ ngày.
  • Liều tiêm truyền tĩnh mạch: ngày thứ nhất 200 mg, chia 1 - 2 lần, những ngày sau 100 mg - 200 mg.

Trẻ em:

  • Liều thông thường: Trẻ em trên 8 tuổi nặng dưới 45 kg: ngày đầu tiên uống 4 - 5 mg/ kg/ ngày, chia 2 liều, sau đó uống 2 - 2,5 mg/ kg x 1 lần/ ngày (tối đa 200 mg/ ngày). Với bệnh nặng, uống liều 2 - 2,5 mg/ kg x 2 lần/ ngày. Ở trẻ trên 8 tuổi nặng trên 45 kg: Liều dùng như người lớn.
  • Phòng sốt rét ở trẻ em trên 8 tuổi: Uống 2 mg/ kg/ ngày (tối đa 100 mg/ ngày), bắt đầu uống 1 - 2 ngày trước khi đi vào vùng bệnh, tiếp tục uống hàng ngày và 4 tuần sau khi rời khỏi vùng bệnh.
  • Phòng bệnh than ở trẻ em dưới 8 tuổi và trẻ trên 8 tuổi nặng dưới 45 kg: 2,2 mg/ kg x 2 lần/ ngày, trong 60 ngày. Ở trẻ trên 8 tuổi nặng hơn 45 kg: liều dùng như người lớn.
  • Liều tiêm truyền tĩnh mạch: Trẻ cân nặng dưới 45kg 4,4 mg/ kg trong ngày thứ nhất, sau đó giảm liều.

Đối tượng khác:

  • Suy thận: không cần giảm liều, vì doxycyclin ngoài thải trừ qua thận còn thải trừ qua gan, đường mật và đường tiêu hóa.

4. Cách dùng của thuốc Vibramycin

Dạng viên uống: uống Vibramycin với một cốc nước lọc đầy. Tốt nhất là uống khi bụng đói, ít nhất 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau bữa ăn. Nuốt toàn bộ viên thuốc, không nghiền nát, nhai hoặc mở thuốc.

Dạng bột pha tiêm: dùng tiêm, truyền tĩnh mạch. Không dùng tiêm bắp vì gây kích ứng tại chỗ và kém hấp thu.

5. Chống chỉ định của thuốc Vibramycin

Không sử dụng thuốc Vibramycin nếu bị dị ứng với Doxycycline hoặc các kháng sinh nhóm tetracyclin khác.

6. Tác dụng phụ của thuốc Vibramycin

Tác dụng phụ trên tiêu hóa: được gây ra bởi cả đường uống và đường tiêm

  • Chán ăn, buồn nôn, nôn
  • Đau bụng, tiêu chảy
  • Viêm lưỡi, khó nuốt, viêm ruột, viêm vùng hậu môn sinh dục, viêm tụy.
  • Độc tính trên gan.
  • Sự đổi màu răng ở người trưởng thành, có thể hồi phục khi ngừng thuốc.
  • Sự đổi màu răng vĩnh viễn và giảm sản men răng có thể xảy ra khi sử dụng Vibramycin trong quá trình phát triển răng.

Tác dụng phụ trên da:

  • Ban sẩn, ban đỏ
  • Da tróc vảy, tăng nhạy cảm với ánh sáng

Độc tính trên thận: lượng nitơ có trong ure (BUN) tăng

Tác dụng phụ trên miễn dịch:

  • Nổi mề đay, phù mạch, phản vệ, ban xuất huyết
  • Viêm màng ngoài tim, đợt cấp bệnh lupus ban đỏ hệ thống
  • Phản ứng dị ứng (phát ban, khó thở, sưng tấy ở mặt, cổ họng)

Tác dụng phụ khác:

  • Phồng thóp ở trẻ sơ sinh, tăng áp lực nội sọ ở người lớn
  • Đau ngực, nhịp tim không đều, khó thở, ít hoặc không đi tiểu
  • Sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, sưng hạch, suy nhược, da xanh xao, dễ bầm tím, chảy máu

Tác dụng phụ trên máu:

  • Thiếu máu tan máu, giảm tiểu cầu.
  • Tăng bạch cầu ái toan, giảm bạch cầu đa nhân trung tính.

7. Những lưu ý khi dùng thuốc Vibramycin

  • Sử dụng Vibramycin trong khoảng thời gian quy định, ngay cả khi các triệu chứng đã cải thiện. Bỏ qua liều có thể làm tăng nguy cơ kháng thuốc.
  • Vibramycin không điều trị nhiễm vi-rút như cúm hoặc cảm lạnh thông thường.
  • Vibramycin có thể gây ố vàng răng vĩnh viễn ở trẻ em dưới 8 tuổi. Trẻ em chỉ nên sử dụng thuốc trong các trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng như bệnh than hoặc sốt đốm Rocky Mountain.
  • Dùng Vibramycin trong khi mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển răng và xương ở thai nhi. Dùng Vibramycin trong nửa cuối của thai kỳ có thể gây đổi màu răng vĩnh viễn sau này của em bé.
  • Doxycycline có thể đi vào sữa mẹ gây ảnh hưởng đến sự phát triển xương và răng ở trẻ. Không cho con bú khi đang dùng thuốc.
  • Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đã từng mắc: bệnh gan, bệnh thận, hen suyễn, dị ứng sulfite, tăng áp lực nội sọ, các vấn đề về thực quản.
  • Vibramycin khiến bạn dễ bị cháy nắng hơn. Nên mặc quần áo bảo vệ và sử dụng kem chống nắng khi ở ngoài trời.
  • Sử dụng thuốc trong thời gian dài hoặc lặp đi lặp lại có thể gây nấm miệng hoặc nhiễm nấm âm đạo mới.

8. Tương tác thuốc Vibramycin

Thuốc có thể tương tác với Vibramycin bao gồm: thuốc retinoid đường uống (acitretin, isotretinoin), barbiturat (phenobarbital), thuốc làm loãng máu (warfarin), digoxin, thuốc chống động kinh (phenytoin), stronti.

Vibramycin làm giảm hoạt động của prothrombin trong huyết tương, những bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu nên điều chỉnh giảm liều lượng thuốc chống đông máu.

Không dùng đồng thời Vibramycin với bất kỳ loại thuốc kháng sinh nào khác.

Barbiturat, carbamazepin, phenytoin làm giảm thời gian bán thải của thuốc.

Sử dụng đồng thời tetracycline và methoxyflurane có thể dẫn đến ngộ độc thận gây tử vong.

Vibramycin có thể làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai.

Doxycycline có thể khiến vắc-xin vi khuẩn sống (như vắc-xin thương hàn) hoạt động không hiệu quả.

Không dùng thuốc bổ sung sắt, vitamin tổng hợp, canxi, thuốc kháng axit hoặc thuốc nhuận tràng trong vòng 2 giờ trước hoặc sau khi dùng Vibramycin. Vì chúng liên kết với Doxycycline, ngăn cơ thể hấp thu thuốc.

Vibramycin là kháng sinh dùng để điều trị những bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc nên đúng liệu trình bác sĩ tư vấn, để an toàn, hiệu quả và tránh hiện tượng kháng thuốc. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc gì về thuốc Vibramycin.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan