Công dụng thuốc Tyrothricin

Thuốc Tyrothricin thường được sử dụng để điều trị cho các trường hợp nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, nhiễm nấm hoặc vi rút. Tuỳ thuộc vào độ tuổi và tình trạng nhiễm khuẩn của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng dạng thuốc Tyrothricin phù hợp.

1. Thuốc Tyrothricin là gì?

Tyrothricin là loại thuốc thuộc nhóm thuốc kháng nấm, chống nhiễm khuẩn, kháng vi rút và điều trị ký sinh trùng. Thuốc thường được sử dụng để điều trị tại chỗ cho các tình trạng nhiễm khuẩn niêm mạc miệng theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Hiện nay, thuốc Tyrothricin được bào chế dưới các dạng sau đây:

  • Thuốc Tyrothricin ngậm hàm lượng 0,5mg, 1mg, 4mg.
  • Thuốc Tyrothricin bôi ngoài da hàm lượng 5mg / 5g.
  • Thuốc Tyrothricin dạng dung dịch xịt họng hàm lượng 4mg.

Đối với thuốc Tyrothricin dạng viên ngậm hoặc viên đặt dưới lưỡi thường được đóng gói theo quy cách hộp 8 vỉ x 8 viên. Thành phần chính có trong thuốc là hoạt chất Tyrothricin, kết hợp cùng các tá dược khác vừa đủ một viên.

2. Chỉ định và công dụng của thuốc Tyrothricin

2.1 Chỉ định sử dụng thuốc Tyrothricin

Mỗi dạng bào chế của thuốc Tyrothricin sẽ được sử dụng cho từng mục đích điều trị riêng lẻ khác nhau, cụ thể:

  • Thuốc Tyrothricin dạng viên ngậm và xịt họng: Được chỉ định sử dụng để điều trị cho các trường hợp bị đau họng hoặc khó nuốt do nhiễm trùng hầu họng và vùng miệng, chẳng hạn như amidan cấp tính, viêm họng, viêm lợi hoặc viêm miệng.
  • Thuốc Tyrothricin dạng gel bôi ngoài da: Được chỉ định sử dụng để điều trị và dự phòng tình trạng nhiễm khuẩn các vết thương nhỏ nằm ở bề mặt da (đang hoặc có nguy cơ cao bị bội nhiễm vi khuẩn nhạy cảm với hoạt chất Tyrothricin). Ngoài ra, dạng bào chế này cũng được dùng để điều trị một số loại vết thương trên da như: Vết cứa hoặc rách da nhỏ chảy máu không đáng kể, vết phồng rộp, vết bỏng, trầy xước da, viêm da, nốt phát ban bội nhiễm, vết chỉ khâu, vết xăm thẩm mỹ hoặc lỗ chân lông có mủ.

Thuốc Tyrothricin thường được sử dụng như một loại thuốc kháng sinh tại chỗ không cần phải theo toa của bác sĩ. Tuy nhiên, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng liều lượng để đảm bảo phát huy tốt nhất công dụng điều trị của Tyrothricin.

2.2 Công dụng của thuốc Tyrothricin

Hoạt chất chính Tyrothricin trong thuốc thuộc nhóm kháng sinh polypeptid, có khả năng kháng khuẩn tại chỗ. Theo nghiên cứu cho biết, hoạt chất Tyrothricin có tác dụng tác động và chống lại hiệu quả một số trực khuẩn gram dương (+), một số cầu khuẩn gram âm (-) và các cầu khuẩn khác.

Thuốc Tyrothricin có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp cùng một số loại thuốc có tác dụng kháng khuẩn khác để điều trị cho những tình trạng nhiễm trùng cục bộ ở miệng và da. Không dùng thuốc Tyrothricin trong quản trị hệ thống bởi nó có hoạt tính quá độc.

2.3 Chống chỉ định sử dụng thuốc Tyrothricin

Thuốc Tyrothricin không được sử dụng cho một số trường hợp sau đây:

  • Người bị dị ứng với hoạt chất Tyrothricin, thuốc tê tại chỗ thuộc nhóm ester hoặc bất kỳ dược chất nào khác có trong thuốc.
  • Người mắc bệnh Methemoglobin huyết bẩm sinh.
  • Không dùng Tyrothricin cho trẻ em dưới 3 tuổi.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Tyrothricin

Liều lượng sử dụng thuốc Tyrothricin sẽ được xác định cụ thể dựa trên độ tuổi của từng bệnh nhân, cụ thể:

Liều dùng Tyrothricin cho người lớn

  • Dạng viên ngậm: Ngậm mỗi lần 1 viên Tyrothricin, mỗi lần ngậm cách nhau khoảng 1 giờ đồng hồ. Khi ngậm, bạn cần ngậm từ từ để viên thuốc tan dần trong miệng, tránh nhai hoặc nuốt cả viên thuốc.
  • Dạng dung dịch xịt họng: Xịt khoảng 1 – 2 lần / 2 – 3 giờ (liều tấn công), hoặc xịt 1 lần cho mỗi 6 giờ (liều phòng ngừa hoặc duy trì). Khi xịt, bạn cần há miệng lớn, sau đó đặt đầu xịt vào giữa 2 môi và điều chỉnh về phía vùng cần tác động như miệng, lưỡi hoặc họng (tuỳ từng bệnh lý). Trước khi xịt, bạn cần để lọ thuốc ở tư thế thẳng đứng, dùng lực nhấn phần đầu trên vòi xịt xuống dưới cho đến khi chạm đến mức chặn (hay còn gọi là van định liều, giúp xác định liều thuốc tiêu chuẩn).
  • Dạng gel bôi ngoài da: Đối với thuốc Tyrothricin dạng gel bôi, bạn có thể thoa một lớp thuốc mỏng lên khu vực cần điều trị với một lượng vừa đủ và sử dụng khoảng 2 – 3 lần / ngày. Thuốc Tyrothricin dạng gel có thể được dùng vào buổi sáng, trưa và tối. Đối với trường hợp bị viêm da tại vết thương hở hoặc có vết thương nhỏ thì không cần phải băng lại sau khi thoa thuốc. Nếu vết thương chảy nhiều nước và lan diện rộng, bạn nên băng lại và thay băng khoảng 1 – 2 lần / ngày.

Nhìn chung, thời gian điều trị bằng Tyrothricin dành cho người lớn sẽ phụ thuộc vào biểu hiện lâm sàng. Nếu các triệu chứng của bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm sau một tuần dùng thuốc, việc điều trị cần được đánh giá lại.

Liều dùng Tyrothricin cho trẻ em

  • Dạng viên ngậm: Trẻ em > 12 tuổi có thể dùng liều Tyrothricin tương tự như người lớn.
  • Dạng dung dịch xịt họng: Dùng cho trẻ em > 7 tuổi, xịt khoảng 1 – 2 lần cho mỗi 2 – 3 giờ (liều tấn công), hoặc xịt 1 lần cho mỗi 6 giờ (liều phòng ngừa hoặc duy trì).

Liều dùng Tyrothricin cho người cao tuổi

Đối với người lớn tuổi vẫn có thể sử dụng thuốc Tyrothricin theo liều khuyến cáo dành cho người trưởng thành.

4. Cách xử lý tình trạng quá liều hoặc quên liều thuốc Tyrothricin

4.1 Xử lý trường hợp dùng quá liều thuốc Tyrothricin

Khi sử dụng một lượng lớn Tyrothricin, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng về đường tiêu hoá. Ở trẻ em dùng quá liều Tyrothricin có thể làm tăng mức methemoglobin trong máu, kèm các triệu chứng như tím tái đầu chi, môi và khó thở.

Đặc biệt, nguy cơ tăng nồng độ methemoglobin có khả năng xảy ra cao hơn ở những người mắc chứng methemoglobin huyết bẩm sinh hoặc người đang sử dụng cùng lúc một số loại thuốc có khả năng oxy hoá khác. Nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ sử dụng quá liều thuốc Tyrothricin, bạn cần liên hệ ngay cho bác sĩ để có hướng giải quyết.

Theo khuyến cáo của chuyên gia, khi ngộ độc Tyrothricin, bệnh nhân nên nhanh chóng uống nhiều nước hoặc dùng than hoạt tính theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp cần thiết, quá liều Tyrothricin có thể được xử lý bằng can thiệp ngoại khoa nhằm giúp đảo ngược hiện tượng methemoglobin. Ngoài ra, tăng methemoglobin huyết cũng có thể được điều trị bằng hình thức tiêm tĩnh mạch dung dịch xanh methylen 1% với liều từ 1 – 4mg / kg thể trọng người bệnh.

4.2 Xử lý trường hợp quên liều thuốc Tyrothricin

Khi trót quên một liều thuốc Tyrothricin, bạn cần dùng thuốc càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Nếu thời gian đã quá gần với liều kế tiếp, bạn nên bỏ qua liều đã lỡ và sử dụng thuốc theo đúng như kế hoạch. Việc uống gấp đôi liều thuốc có thể gây ngộ độc hoặc gặp phải một số tác dụng phụ khác.

5. Một số tác dụng phụ khi dùng thuốc Tyrothricin

Trong quá trình sử dụng thuốc Tyrothricin, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ dưới đấy:

  • Triệu chứng dị ứng như phát ban, nổi mề đay, mẩn ngứa hoặc nóng rát trên da.
  • Phản ứng đau lưỡi.
  • Tăng methemoglobin huyết do hoạt chất benzocain trong thuốc.
  • Mắc một số vấn đề về thận hoặc gan.
  • Bị mất khứu giác kéo dài sau khi nhỏ thuốc hoặc xịt mũi.
  • Mắc hội chứng Stevens-Johnson dễ dẫn đến tử vong.

Không phải bất kỳ bệnh nhân nào khi dùng Tyrothricin cũng gặp phải các tác dụng phụ trên. Nếu nhận thấy bản thân xuất hiện các dấu hiệu đáng ngờ, bạn cần dừng thuốc và báo cho bác sĩ biết để được kiểm tra và xử lý phù hợp.

6. Những điều cần lưu ý trong quá trình dùng thuốc Tyrothricin

6.1 Lưu ý chung khi điều trị bằng thuốc Tyrothricin

Đối với thuốc Tyrothricin dạng viên ngậm:

  • Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ nếu xuất hiện tình trạng đau họng, viêm kèm triệu chứng nhức đầu, sốt cao, buồn nôn hoặc nôn mửa khi dùng thuốc.
  • Bác sĩ sẽ đưa ra quyết định xem liệu bệnh nhân có thể dùng thuốc Tyrothricin ngậm để điều trị cùng kháng sinh hay không, nhất là đối với người bị viêm amidan hốc mủ có triệu chứng sốt.
  • Tránh dùng viên ngậm Tyrothricin đối với trường hợp có vết thương hở ở miệng và họng.
  • Người mắc bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng cần tránh dùng thuốc Tyrothricin ngậm bởi nó có thể gây phản ứng quá mẫn.
  • Tránh dùng viên ngậm Tyrothricin cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nếu cần thiết phải sử dụng, cần giám sát trẻ để đảm bảo trẻ ngậm thuốc đúng cách.
  • Người mắc bệnh tiểu đường cần cân nhắc khi sử dụng viên ngậm Tyrothricin bởi nó có chứa đường trắng.
  • Thuốc Tyrothricin dạng viên ngậm không nên sử dụng kéo dài quá 10 ngày.

Đối với thuốc Tyrothricin dạng dung dịch xịt họng:

Bởi thuốc Tyrothricin dạng xịt họng có chứa 89,385% cồn ethanol, trong mỗi liều xịt có chứa khoảng 0,075g ethanol có thể gây ảnh hưởng xấu đối với trẻ nhỏ, phụ nữ cho con bú, người bị động kinh, nghiện rượu, mắc bệnh gan, gặp chấn thương hoặc có tổn thương ở não bộ. Ngoài ra, nồng độ cồn ethanol trong thuốc xịt Tyrothricin cũng có thể làm thay đổi cơ chế hoạt động hoặc gia tăng tác dụng phụ của một số thuốc khác.

Đối với thuốc Tyrothricin dạng bôi ngoài da:

Bệnh nhân cần cẩn trọng khi bôi thuốc Tyrothricin tại vị trí gần mắt, bởi điều này có thể gây kích ứng và nóng rát mắt. Ngoài ra, Tyrothricin dạng gel còn chứa propylene glycol – một chất có khả năng gây kích ứng da.

6.2 Những đối tượng đặc biệt sử dụng thuốc Tyrothricin

  • Phụ nữ mang thai: Hiện chưa có bằng chứng cụ thể về tác hại của Tyrothricin đối với thai nhi. Tuy nhiên, mẹ bầu cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.
  • Phụ nữ cho con bú: Không có bất kỳ thông tin nào về việc thuốc có bài tiết qua tuyến sữa không. Do đó, phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú không nên dùng Tyrothricin vào lúc này hoặc trao đổi cụ thể với bác sĩ để có lựa chọn phù hợp.
  • Người điều khiển máy móc và phương tiện: Không bị ảnh hưởng khi dùng thuốc Tyrothricin.

6.3 Thuốc Tyrothricin tương tác với các loại thuốc nào?

Theo nghiên cứu, thuốc Tyrothricin dạng viên ngậm có thể gây cản trở hoạt động của thuốc thuộc nhóm sulphonamides. Sự tương tác giữa các loại thuốc có thể làm thay đổi cơ chế hoạt động hoặc làm tăng mức độ ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Do đó, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm cả thực phẩm chức năng và thảo dược tự nhiên để ngăn ngừa tối ưu nguy cơ tương tác thuốc.

6.4 Hướng dẫn bảo quản thuốc Tyrothricin

Thuốc Tyrothricin cần được bảo quản ở nhiệt độ từ 15 – 30 độ C, tránh nơi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, bạn cũng nên để thuốc ở những khu vực cao ráo, hạn chế tiếp cận với thú nuôi, trẻ nhỏ và cần đảm bảo độ thoáng mát nhất định.

Thuốc Tyrothricin thường được sử dụng để điều trị cho các trường hợp nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, nhiễm nấm hoặc vi rút. Tuỳ thuộc vào độ tuổi và tình trạng nhiễm khuẩn của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng dạng thuốc Tyrothricin phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

29.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan