Công dụng thuốc Tritamin B

Thuốc Tritamin B giúp điều trị các triệu chứng của tình trạng thiếu hụt vitamin nhóm B, đồng thời đẩy lùi hiệu quả chứng viêm hoặc đau dây thần kinh, chẳng hạn như đau dây thần kinh liên sườn, liệt mặt, thoái hoá cột sống,... Để thuốc Tritamin B phát huy tối đa tác dụng điều trị, bạn cần dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

1. Thuốc Tritamin B là thuốc gì?

Thuốc Tritamin B là thuốc không kê đơn, được dùng để điều trị các tình trạng liên quan đến sự thiếu hụt vitamin nhóm B trong cơ thể. Ngoài ra, thuốc Tritamin B cũng được bác sĩ khuyến nghị sử dụng để đẩy lùi các bệnh viêm hoặc đau dây thần kinh.

Hiện nay, thuốc Tritamin B được sản xuất bởi Công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế Domesco, bào chế dưới dạng viên nang mềm, mỗi hộp bao gồm 10 vỉ x 10 viên. Trong mỗi viên nang Tritamin B có chứa thành phần hoạt chất sau:

  • Các hoạt chất chính: Vitamin B1 (Thiamin mononitrat) hàm lượng 115mg, Vitamin B6 (Pyridoxine hydrochloride) hàm lượng 115mg, Vitamin B12 (Cyanocobalamin) hàm lượng 50μg.
  • Các tá dược khác vừa đủ: Sáp ong trắng, đậu nành, Lecithin, Gelatin, Colloidal silicon dioxide, Butylated hydroxyanisole, Glycerin, Natri benzoat, Titan dioxyd, Sorbitol lỏng, màu Sicovit red, màu Ponceau, mùi Vanillin và nước tinh khiết.

2. Tác dụng của các hoạt chất trong thuốc Tritamin B

Để biết được thuốc Tritamin B có tác dụng gì, chúng ta cần xem xét vai trò của các hoạt chất chính trong thuốc. Có thể nói, sự kết hợp của cả 3 loại vitamin nhóm B trong cùng một công thức thuốc Tritamin B, bao gồm Vitamin B1, B6 và B12 giúp mang lại hiệu quả điều trị vượt trội cho những trường hợp mắc bệnh liên quan đến thiếu hụt các loại vitamin này.

  • Vitamin B1: Là dạng Thiamin có hoạt tính sinh lý và tham gia vào nhiều quá trình chuyển hoá trong cơ thể. Khi thiếu hụt vitamin B1, quá trình oxy hoá các Alpha – cetoacid sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, khiến nồng độ Pyruvat trong máu tăng cao. Người bệnh có thể mắc phải các tình trạng như viêm dây thần kinh ngoại biên, bệnh tê phù, rối loạn cảm giác các chi, mất cảm giác, giảm trí nhớ, đánh trống ngực, loạn tâm thần, khó thở, nhịp tim nhanh, suy chức năng tâm thất,...
  • Vitamin B6: Thường tồn tại dưới 3 dạng chính, bao gồm Pyridoxamin, Pyridoxin và Pyridoxal. Khi nạp vào cơ thể, Vitamin B6 sẽ được chuyển hoá thành Pyridoxal phosphate và Pyridoxamine phosphate. Những chất này tham gia vào quá trình tổng hợp Acid gamma — aminobutyric trong hệ thần kinh trung ương và Hemoglobin. Vitamin B6 thường được sử dụng để điều trị cho chứng co giật hoặc hôn mê bởi ngộ độc Isoniazid.
  • Vitamin B12: Có vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình sao chép và tăng trưởng tế bào, tổng hợp Myelin, Nucleoprotein và tạo máu của cơ thể con người. Ngoài ra, vitamin B12 cũng rất cần thiết đối với hầu hết các mô sinh trưởng mạnh như ruột non, mô tạo máu và tử cung. Khi thiếu hụt Vitamin B12, hệ thống thần kinh có nguy cơ bị tổn thương không hồi phục được, từ đó gây ra những vấn đề sức khoẻ như sa sút trí tuệ, ảo giác, mất trí nhớ, rối loạn tâm thần, lú lẫn, mất phản xạ gân xương, dị cảm ở bàn tay / chân,...

3. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Tritamin B

3.1. Chỉ định sử dụng thuốc Tritamin B

Thuốc Tritamin B thường được sử dụng để điều trị cho các tình trạng sau đây:

  • Điều trị các triệu chứng cho những bệnh nhân bị thiếu hụt Vitamin B1, B6 và B12 trong cơ thể.
  • Điều trị chứng đau hoặc viêm dây thần kinh, chẳng hạn như đau thần kinh liên sườn, đau dây thần kinh sinh ba, hội chứng vai – cánh tay, đau lưng – thắt lưng, liệt mặt và thoái hoá cột sống.

3.2. Chống chỉ định sử dụng thuốc Tritamin B

Không dùng thuốc Tritamin B cho các đối tượng sau:

  • Bệnh nhân bị mẫn cảm hoặc dị ứng với các vitamin nhóm B hay một số tá dược khác trong thuốc.
  • Chống chỉ định thuốc Tritamin B cho người mắc bệnh lý u ác tính.

4. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Tritamin B

4.1. Liều lượng sử dụng thuốc Tritamin B

Dưới đây là liều dùng thuốc Tritamin B theo khuyến cáo chung của bác sĩ dành cho từng đối tượng bệnh nhân, cụ thể:

  • Người lớn: Dùng 1 viên / lần x 2 lần / ngày.
  • Trẻ em: Dùng 1 viên / ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Bệnh nhân chỉ nên dùng thuốc Tritamin B tối đa 30 ngày, tránh dùng lâu hơn, vì nó có thể tiềm ẩn một số nguy cơ sức khỏe.

4.2. Hướng dẫn dùng thuốc Tritamin B hiệu quả

Thuốc Tritamin B được bào chế dưới dạng viên nang mềm nên được dùng bằng đường uống với liều lượng và thời gian theo khuyến cáo của thầy thuốc. Khi uống Tritamin B, bạn nên nuốt nguyên viên thuốc, tránh uống cùng với các loại nước có gas, nước ngọt, đồ uống chứa cồn hay chất kích thích khác.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần thực hiện theo đúng những hướng dẫn được ghi trên bao bì thuốc hoặc dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn, tránh gặp phải các tác dụng phụ nguy hiểm. Nếu có ý định thay đổi liều hoặc ngưng dùng thuốc Tritamin B, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

5. Thuốc Tritamin B có thể gây ra các tác dụng phụ gì?

Việc sử dụng thuốc Tritamin B dài ngày (> 2 tháng) có thể dẫn đến các triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại vi nặng, đồng thời gây ra tình trạng dáng đi không vững, vụng về tay chân hoặc tê cóng bàn chân / bàn tay. Tuy nhiên, những phản ứng này có thể phục hồi sau khi bệnh nhân ngưng dùng thuốc.

Ngoài ra, thuốc Tritamin B cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ khác hiếm gặp hơn, chẳng hạn như:

  • Phát ban đỏ trên da.
  • Nổi mày đay.
  • Phản ứng dạng trứng cá.
  • Buồn nôn hoặc ói mửa.
  • Ngứa da.

Khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng lạ nào trong quá trình dùng thuốc Tritamin B, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ càng sớm càng tốt để được hỗ trợ.

6. Những điều cần thận trọng khi dùng thuốc Tritamin B

Trong suốt quá trình điều trị với thuốc Tritamin B, bệnh nhân cần thận trọng và lưu ý một số điều sau đây:

  • Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với Penicillin sẽ có nguy cơ cao mẫn cảm với Vitamin B1.
  • Khi uống thuốc Tritamin B với liều 200mg quá 30 ngày có thể dẫn đến các triệu chứng độc tính thần kinh hoặc hội chứng lệ thuộc Pyridoxin.
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc đang trong thời kỳ nuôi con bú cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định sử dụng thuốc Tritamin B.
  • Bảo quản thuốc Tritamin B tại nơi khô ráo, thoáng mát, tránh tiếp xúc với ánh sáng trực tiếp hoặc nơi có độ ẩm cao.
  • Luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc Tritamin B trước khi dùng.

7. Tương tác của Tritamin B với các thuốc khác

Thuốc Tritamin B có thể tương tác với một số loại thuốc dưới đây nếu dùng cùng lúc với nhau:

  • Thuốc Levodopa.
  • Thuốc Phenytoin và Phenobarbital.
  • Thuốc tránh thai đường uống.
  • Thuốc Neomycin.
  • Thuốc Colchicin.
  • Acid aminosalicylic.
  • Các thuốc kháng thụ thể histamin.
  • Thuốc Omeprazol.

Để tránh xảy ra tương tác giữa thuốc Tritamin B với các loại thuốc khác, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ biết các loại dược phẩm đang được dùng trong thời điểm hiện tại. Bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ tương tác giữa các thuốc và đưa ra biện pháp thay thế hoặc điều chỉnh liều thuốc sao cho phù hợp.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan