Công dụng thuốc Trimexazol

Thuốc Trimexazol 240 được bào chế dưới dạng bột pha hỗn dịch uống. Thành phần chính của thuốc gồm Sulfamethoxazol và Trimethoprim, dùng trong các trường hợp nhiễm trùng, nhiễm khuẩn.

1. Công dụng của thuốc Trimexazol 240

Trimexazol là thuốc gì? 1 gói thuốc Trimexazol 2,5g có chứa 200mg Sulfamethoxazol + 40mg Trimethoprim. Sulfamethoxazole phối hợp với Trimethoprim tạo tác dụng hiệp đồng làm tăng hiệu quả điều trị, giảm kháng thuốc. Sulfamethoxazole có phổ kháng khuẩn rộng, tác dụng lên nhiều vi khuẩn ưa khí gram âm và gram dương.

Chỉ định sử dụng thuốc Trimexazol:

  • Điều trị nhiễm trùng đường hô hấp: Viêm xoang mũi, đợt cấp viêm phế quản mãn tính, viêm tai giữa, viêm xoang má cấp ở người lớn, viêm phổi cấp ở trẻ em;
  • Điều trị nhiễm trùng thận - tiết niệu: Viêm bàng quang, viêm tuyến tiền liệt cấp và mãn tính, viêm đài - bể thận, nhiễm khuẩn đường tiết niệu;
  • Điều trị viêm nhiễm đường tiêu hóa: Thương hàn, kiết lỵ mãn tính, đặc biệt là nhiễm khuẩn do E.coli, Shigella, Salmonella;
  • Điều trị nhiễm khuẩn, viêm phổi do Pneumocystis jiroveci.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Trimexazol:

  • Người mẫn cảm với thành phần, tá dược của thuốc;
  • Bệnh nhân suy thận nặng, không giám sát được nồng độ thuốc trong huyết tương;
  • Bệnh nhân thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ (do nguyên nhân thiếu acid folic);
  • Người bị tổn thương gan;
  • Trẻ em dưới 2 tháng tuổi;
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Trimexazol 240

Cách dùng: Đường uống, uống thuốc khi ăn no. Pha tỷ lệ 1 gói thuốc trong 5ml nước. Sau đó, lắc kỹ trước khi dùng nhằm thu được hỗn dịch hòa tan đều.

Liều dùng:

  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới không gây biến chứng:
    • Người lớn: 800mg sulfamethoxazole + 160mg trimethoprim (4 gói), dùng cách nhau 12 giờ, điều trị trong 10 ngày;
    • Trẻ em: 8mg trimethoprim/kg + 40mg sulfamethoxazol/kg, chia làm 2 lần cách nhau 12 giờ, điều trị trong 10 ngày;
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu mạn tính tái phát (nữ giới trưởng thành): Dùng liều thấp 200mg Sulfamethoxazole + 40mg Trimethoprim (1 gói) mỗi ngày hoặc gấp 2 - 4 lần liều đó, uống thuốc 1 - 2 lần/tuần;
  • Đợt cấp viêm phế quản mạn ở người lớn: Dùng 4 - 6 gói x 2 lần/ngày, điều trị trong 10 ngày;
  • Viêm tai giữa cấp, viêm phổi cấp ở trẻ em: Trẻ em: 8mg trimethoprim/kg + 40mg sulfamethoxazol/kg trong 24 giờ, chia làm 2 lần cách nhau 12 giờ, điều trị trong 5 - 10 ngày;
  • Lỵ trực khuẩn:
    • Người lớn: 4 gói, dùng cách nhau 12 giờ, điều trị trong 5 ngày;
    • Trẻ em: 8mg trimethoprim/kg + 40mg sulfamethoxazol/kg trong 24 giờ, chia làm 2 lần cách nhau 12 giờ, điều trị trong 5 ngày;
  • Viêm phổi do Pneumocystis jiroveci: Liều dùng đối với trẻ em và người lớn là 20mg Trimethoprim/kg + 100mg sSulfamethoxazol/kg trong 24 giờ, chia đều cách nhau 6 giờ, điều trị trong 14 - 21 ngày.
  • Bệnh nhân suy thận: Điều chỉnh liều dùng như sau:
    • Độ thanh thải creatinin trên 30ml/phút: Dùng liều thông thường;
    • Độ thanh thải creatinin 15 - 30ml/phút: Dùng liều 1/2 so với liều thông thường;
    • Độ thanh thải creatinin dưới 15ml/phút: Không chỉ định dùng thuốc.

Quá liều: Trường hợp khẩn cấp hoặc dùng thuốc Trimexazol quá liều, bệnh nhân cần được đưa tới bệnh viện gần nhất để được kiểm tra, xử trí ngay. Biểu hiện quá liều gồm chán ăn, buồn nôn, nôn ói, đau đầu, bất tỉnh, rối loạn tạo máu và vàng da, ức chế tủy. Xử trí gồm: Gây nôn, rửa dạ dày, acid hóa nước tiểu nhằm làm tăng đào thải trimethoprim. Nếu có dấu hiệu ức chế tủy, bệnh nhân được cho sử dụng leucovorin 5 - 15mg/ngày cho tới khi khôi phục tạo máu.

Quên liều: Nếu quên 1 liều Trimexazol trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân nên dùng càng sớm càng tốt (thông thường có thể uống thuốc cách 1 - 2 giờ so với giờ được chỉ định). Nếu thời gian gần với liều kế tiếp, người bệnh hãy bỏ qua liều đã quên, dùng liều tiếp theo vào thời điểm như quy định.

3. Tác dụng phụ của thuốc Trimexazol

Khi sử dụng thuốc Trimexazol, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Sốt, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, viêm lưỡi, ngoại ban, ngứa da;
  • Ít gặp: Giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, tăng bạch cầu ưa eosin, ban xuất huyết, nổi mày đay;
  • Hiếm gặp: Phản ứng phản vệ, bệnh huyết thanh, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu hạt, giảm toàn thể huyết cầu, thiếu máu tan huyết, thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ, viêm màng não vô khuẩn, hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Lyell, ban đỏ đa dạng, phù mạch, mẫn cảm với ánh sáng, tăng kali huyết, giảm đường huyết, vàng da, ứ mật ở gan, hoại tử gan, ảo giác, ù tai, suy thận, viêm thận kẽ, sỏi thận.

Vì vậy, khi dùng thuốc, nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn thích hợp.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Trimexazol

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ khi sử dụng thuốc Trimexazol:

  • Thận trọng khi dùng thuốc ở bệnh nhân suy giảm chức năng gan, thận;
  • Khi dùng thuốc trên 14 ngày ở người cao tuổi, cần kiểm tra công thức máu. Người bệnh nên uống thêm 5 - 10mg acid folic/ngày;
  • Thận trọng khi dùng thuốc ở trẻ em dưới 15 tuổi, người bệnh nhược cơ, viêm loét dạ dày, hôn mê gan,...;
  • Thuốc Trimexazol có thể gây thiếu máu tan huyết ở bệnh nhân thiếu hụt men G6PD;
  • Theo dõi huyết học khi dùng thuốc Trimexazol, đặc biệt khi bệnh nhân có dấu hiệu rối loạn về máu. Nên ngưng thuốc khi thấy xuất hiện phát ban hoặc có thay đổi bất thường về máu;
  • Theo dõi sát khi dùng thuốc Trimexazol cho bệnh nhân nhiễm HIV vì nhóm bệnh nhân này có tỷ lệ cao về tai biến phụ như phản ứng về da, huyết học, sốt,...;
  • Thuốc Trimexazol nếu sử dụng trong thời kỳ mang thai có thể gây tác động xấu như sảy thai, dị tật thai nhi,... đặc biệt nếu dùng thuốc trong 3 tháng đầu thai kỳ. Do vậy, tốt nhất không sử dụng thuốc ở phụ nữ mang thai. Nếu bắt buộc phải dùng thuốc, cần tham vấn ý kiến bác sĩ;
  • Thành phần của thuốc Trimexazol có chứa lactose nên không sử dụng thuốc cho người không dung nạp galatose, thiếu lactase hoặc không dung nạp glucose - galactose;
  • Thuốc Trimexazol có thể truyền qua trẻ sơ sinh thông qua việc bú mẹ. Vì vậy, tốt nhất không nên hoặc hạn chế sử dụng thuốc trong thời kỳ cho con bú. Bà mẹ nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

5. Tương tác thuốc Trimexazol

Khi sử dụng 2 hoặc nhiều thuốc thường dễ xảy ra tình trạng tương tác thuốc, dẫn đến hiện tượng đối kháng hoặc hiệp đồng. Một số tương tác thuốc của Trimexazol gồm:

  • Sử dụng đồng thời thuốc Trimexazol với thuốc lợi tiểu (đặc biệt là thiazid) làm tăng nguy cơ giảm tiểu cầu ở người lớn tuổi;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Trimexazol với Methotrexat có thể làm giảm đào thải, tăng tác dụng của Methotrexat;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Trimexazol với pyrimethamin trên 25mg/tuần làm tăng nguy cơ gây thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ;
  • Thuốc Trimexazol ức chế chuyển hóa phenytoin ở gan, làm tăng tác dụng của phenytoin;
  • Thuốc Trimexazol có thể kéo dài thời gian prothrombin ở bệnh nhân đang dùng warfarin;
  • Dùng đồng thời thuốc Trimexazol với cyclosporin có thể gây độc cho thận ở bệnh nhân ghép thận (có thể hồi phục);
  • Dùng đồng thời thuốc Trimexazol với Digoxin làm tăng nồng độ digoxin trong huyết thanh (thường thấy ở người cao tuổi). Nên giám sát nồng độ digoxin huyết thanh khi phối hợp 2 thuốc trên;
  • Phối hợp thuốc Trimexazol với indomethacin có thể làm tăng nồng độ sulfamethoxazole trong huyết tương;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Trimexazol với thuốc chống trầm cảm 3 vòng có thể làm giảm hiệu quả của thuốc chống trầm cảm;
  • Dùng thuốc Trimexazol với amantadine có thể gây mê sảng nhiễm độc.

Khi dùng thuốc Trimexazol, người bệnh nên tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ về cách dùng, liều dùng, thời gian sử dụng. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ về tiền sử bệnh lý, các loại thuốc và thực phẩm chức năng mình đang sử dụng. Nếu gặp các triệu chứng bất lợi, bệnh nhân nên báo ngay cho bác sĩ để kịp thời can thiệp, xử trí, tránh được những biến chứng khó lường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan