Công dụng thuốc Trimebutine tab

Thuốc Trimebutine có công dụng chống co thắt cơ trơn đường tiêu hóa nên được chỉ định trong điều trị các triệu chứng đau do rối loạn chức năng đường tiêu hóa, đầy hơi, khó chịu và khó tiêu ở ruột... Cùng tìm hiểu về công dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Trimebutin tab qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng của thuốc Trimebutine tab

1.1. Chỉ định

Trimebutine thuốc biệt dược chứa hoạt chất Trimebutin maleate 200mg được chỉ định trong các trường hợp sau đây:

  • Triệu chứng đau do rối loạn chức năng ống tiêu hóa, đầy hơi, khó chịu, khó tiêu ở ruột;
  • Chứng tắc liệt ruột sau phẫu thuật nhằm tăng cường phục hồi hoạt động ruột sau phẫu thuật ống tiêu hóa;
  • Điều trị đau bụng cấp tính và mãn tính ở người bệnh rối loạn chức năng ruột (đặc biệt là hội chứng ruột kích thích).

1.2. Dược lực học

Thuốc Trimebutine thuộc nhóm chống co thắt không cạnh tranh có công dụng kháng serotonin, ái lực thuốc vừa phải với receptor opiate, delta và kappa ngoại vi, làm giảm nhu động ruột bất thường mà không làm thay đổi nhu động bình thường của đường tiêu hóa.

Trimebutine có công dụng làm đẩy nhanh quá trình làm rỗng dạ dày, điều chỉnh hoạt động co bóp ở ruột kết. Thuốc được sử dụng trong điều trị phục hồi chức năng bình thường ở ruột (thường là ở dạng muối Trimebutine maleate).

1.3. Dược động học

  • Quá trình hấp thu: Thuốc hấp thu nhanh sau khi uống, nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được khoảng 1 giờ sau khi uống.
  • Quá trình phân bố: Trimebutine liên kết thấp với protein huyết tương (khoảng 5%) và ít đi qua hàng rào nhau thai.
  • Quá trình chuyển hóa: Trimebutine trải qua quá trình chuyển hóa đầu tiên tại gan tạo thành nortributine hoặc N – monodesmethylTrimebutine (chất chuyển hóa có hoạt tính trên đại tràng). Chất chuyển hóa này tiếp tục trải qua quá trình N – demethyl hóa tạo thành N – didesmethyltrimebutin. Thuốc Trimebutine cũng để bị sulphat hóa và liên hợp với acid glucuronic để thải trừ ra khỏi cơ thể.
  • Quá trình thải trừ: Thuốc được thải trừ chủ yếu qua đường nước tiểu, một lượng nhỏ được tìm thấy trong phân (khoảng 5 – 12%). Thời gian bán thải của thuốc khoảng từ 10 – 12 giờ.

2. Liều dùng thuốc Trimebutine tab

Liều dùng thuốc Trimebutine tab phụ thuộc vào trình trạng và khả năng đáp ứng của người bệnh. Thuốc được dùng bằng đường uống, người bệnh nên uống trước bữa ăn để đạt được hiệu quả điều trị cao hơn. Liều dùng khuyến cáo của Trimebutine maleate 200mg như sau:

  • Người trưởng thành: Liều thuốc thông thường là 300mg/ngày uống trước bữa ăn, có thể tăng liều lên 600mg/ngày phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng của người bệnh;
  • Thời gian điều trị bằng thuốc khuyến cáo là 3 ngày, trong trường hợp không có dấu hiệu cảnh báo thì thời gian điều trị tối đa là 7 ngày;
  • Khuyến cáo không sử dụng thuốc điều trị cho trẻ em dưới 12 tuổi, trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng cần có chỉ định của bác sĩ điều trị.

3. Tác dụng phụ của thuốc Trimebutine tab

Thuốc Trimebutine maleate 200mg có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

  • Thường gặp: Tiêu chảy, khó tiêu, khô miệng, hôi miệng, buồn nôn, đau thượng vị, buồn ngủ, chóng mặt, mệt mỏi, lạnh và nhức đầu, cảm giác nóng, thỉnh thoảng tim đập nhanh;
  • Ít gặp: Nổi mẩn, phát ban;
  • Hiếm gặp: Tăng nồng độ GPT, GOT máu;
  • Không xác định tần suất: To ngực, các vấn đề về kinh nguyệt, bí tiểu, lo lắng và điếc nhẹ.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Trimebutine

4.1. Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng thuốc ở trẻ em dưới 2 tuổi, người bệnh mẫn cảm với Trimebutine maleate hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc Trimebutine.

4.2. Lưu ý khi sử dụng

Lưu ý chung:

  • Không dùng quá liều thuốc Trimebutine được chỉ định;
  • Trường hợp người bệnh không có dấu hiệu cải thiện triệu chứng bệnh sau một thời gian dùng thuốc cần thông báo cho bác sĩ điều trị;
  • Không khuyến nghị dùng thuốc trimebutin ở người bệnh thiếu hụt lactase, không dung nạp galatose hoặc hội chứng kém hấp thu galactose hoặc glucose (bệnh lý di truyền hiếm gặp).

Lưu ý đối với phụ nữ có thai:

  • Các nghiên cứu trên động vật cho thấy không có bằng chứng gây quái thai, dị tật hoặc độc tính trong thời gian thai kỳ. Tuy vậy để đảm bảo an toàn, tốt nhất không sử dụng thuốc trimebutin maleate ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu thai kỳ;
  • Phụ nữ đang mang thai chỉ sử dụng thuốc trong điều trị khi có chỉ định của bác sĩ. Nếu bạn phát hiện mang thai trong thời gian điều trị bằng Trimebutine, thông báo cho bác sĩ điều trị để quyết định có nên tiếp tục dùng thuốc không.

Lưu ý đối với phụ nữ cho con bú: Chỉ nên sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết (lợi ích lớn hơn nguy cơ).

Lưu ý đối với người lái xe, vận hành máy móc: Thuốc Trimebutine tab có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn ngủ, buồn nôn, chóng mặt... làm ảnh hưởng đến độ tập trung, khả năng lái xe... Vì vậy, người bệnh cần thận trọng khi gặp phải các tác dụng phụ này.

5. Tương tác thuốc Trimebutine

Thuốc Trimebutine có thể tương tác với một số thuốc sau đây:

  • Trimebutine làm tăng tác động ức chế thần kinh trung ương của thuốc 1,2 – benzodiazepine;
  • Các thuốc abametapir, abacavir, acemetacin, aceclofenac, aceminophen... làm giảm tốc độ bài tiết của thuốc trimebutin, tăng nồng độ thuốc trong huyết thanh, dẫn đến tăng nguy cơ gây độc và tác dụng phụ của thuốc;
  • Acetazolamide làm giảm tác dụng của thuốc Trimebutine khi dùng đồng thời;
  • Trimebutine làm tăng tác động hạ đường huyết của Acetohexamide, acarbose;
  • Trimebutine làm tăng nguy cơ chậm nhịp tim của thuốc Acebutolol.

Các tương tác thuốc xảy ra làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc, gia tăng nguy cơ gây độc và tác dụng phụ. Vì vậy, người bệnh cần thông báo với bác sĩ điều trị tất cả các loại thuốc đang sử dụng cũng như các thuốc dị ứng, kích ứng để đảm bảo an toàn, hiệu quả khi dùng thuốc.

Thuốc Trimebutine có công dụng chống co thắt cơ trơn đường tiêu hóa nên được chỉ định trong điều trị các triệu chứng đau do rối loạn chức năng đường tiêu hóa, đầy hơi, khó chịu và khó tiêu ở ruột... Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ, người dùng cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

56.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan