Công dụng thuốc Trexon

Trexon có thành phần chính là Ceftriaxone, là thuốc kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin. Thuốc Trexon được sử dụng phổ biến trong điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiết niệu, nhiễm khuẩn ổ bụng và viêm màng não,... Những thông tin về công dụng, liều dùng và tác dụng phụ của thuốc Trexon sẽ có trong bài viết sau.

1. Trexon là thuốc gì?

Thuốc Trexon được bào chế dưới dạng bột pha tiêm, với thành phần chính bao gồm:

  • Hoạt chất:
  • Ceftriaxone (dạng Natri Ceftriaxone) hàm lượng 1g.
  • Tá dược: Vừa đủ 1 lọ.

Ceftriaxon thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 3, là 1 kháng sinh - Lactam bán tổng hợp với phố tác dụng rộng. Hoạt tính diệt khuẩn của Ceftriaxone là nhờ khả năng ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Vi khuẩn khi không có lớp thành tế bào bảo vệ sẽ nhanh chóng bị các đại thực bào hoặc bạch cầu trung tính trong cơ thể tiêu diệt. Tương tự các kháng sinh thuộc nhóm Beta - Lactam, Ceftriaxon có tác dụng với cả các vi khuẩn Gram âm và Gram dương, đặc biệt là bền vững với đa số các vi khuẩn tiết Beta lactamase (Penicillinase và Cephalosporinase).

Phổ kháng khuẩn của Ceftriaxone gồm:

  • Gram âm ưa khí: Escherichia coli, Acinetobacter calcoaceticus, Enterobacter aerogenes, Enero eifocas, Haemophilus influenzae, Klebsiella pneumoniae, Morganella morganii, Neisseria meningitidis, Neisseria gonorrhoeae, Proteus mirabilis.
  • Gram dương ưa khí: Streptococcus pneumoniae, Streptococcus pyogenes, Streptococcus viridans Staphylococcus aureus, Staphylococcus epidermidis.
  • Kỵ khí: Clostridium, Bacteroides fragilis, Peptostreptococcus
  • Gram âm hiếu khí: Salmonella, Shigella, Citrobacter diversus, Citrobacter ƒeundii, các loài Providencia
  • Gram dương hiếu khí: Streptococcus agalactiae.

2. Thuốc Trexon có tác dụng gì?

Thuốc Trexon được chỉ định điều trị cho các trường hợp:

  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp;
  • Viêm phế quản, viêm phổi nặng;
  • Viêm tai giữa cấp, nhiễm trùng tai mũi họng;
  • Nhiễm trùng đường tiểu;
  • Nhiễm trùng huyết;
  • Viêm màng não, áp xe não;
  • Nhiễm khuẩn ổ bụng;
  • Nhiễm khuẩn xương;
  • Các trường hợp nhiễm trùng nặng;
  • Dự phòng nhiễm trùng trước phẫu thuật;
  • Các triệu chứng thần kinh, tim;
  • Chứng viêm khớp của bệnh Lyme.

3. Chống chỉ định của thuốc Trexon:

Chống chỉ định của thuốc Trexon trong các trường hợp sau đây:

  • Người có tiền sử dị ứng với các thuốc kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin, Beta Lactam hoặc sốc phản vệ do Penicilin.
  • Chống chỉ định tiêm bắp thuốc Trexon cho trẻ em dưới 30 tháng tuổi hoặc người mẫn cảm với Lidocain.

4. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Trexon

4.1. Liều lượng

Người lớn:

Liều dùng và tần suất sử dụng thuốc phụ thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn, độ nhạy cảm của vi khuẩn gây bệnh và thể trạng của bệnh nhân.

  • Liều thường dùng: 1-2g/ ngày, chia 2 lần tiêm hoặc tiêm 1 lần tùy theo mức độ và kiểu nhiễm khuẩn.
  • Liều tối đa 4g/ ngày.
  • Trường hợp bệnh lậu không biến chứng: tiêm bắp 250mg/ ngày; Trường hợp bệnh lậu do lây nhiễm: Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 1g/ ngày.
  • Dự phòng nhiễm trùng trước khi phẫu thuật: Tiêm tĩnh mạch 1g 1 liều duy nhất trước khi mổ 30 phút đến 2 giờ.
  • Viêm xương chậu: Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch liều đơn 250mg Ceftriaxone hàng ngày.
  • Bệnh Lyme điều trị thất bại với Penicillin G: tiêm liều 2g/ ngày trong 14-28 ngày.

Trẻ em:

  • Liều thông thường: 50 - 75mg/ kg, chia 2 lần hoặc tiêm 1 lần.
  • Liều tối đa: 2g/ ngày
  • Điều trị viêm màng não:
    • Liều khởi đầu: 100mg/ kg, tối đa không quá 4g.
    • Liều duy trì: 100mg/ kg/ ngày, tiêm ngày 1 lần.

Thông thường, thời gian điều trị trung bình 7 – 14 ngày. Trường hợp nhiễm khuẩn do Streptococcus pyogenes, cần điều trị liên tục ít nhất là 10 ngày

Trẻ sơ sinh: Dùng liều 50 mg/ kg/ ngày.

  • Viêm tai cấp: Tiêm tĩnh mạch liều 50mg/ kg, tối đa không quá 1g

Đối tượng khác:

  • Người bị suy gan suy thận phối hợp: Chỉnh liều dựa dựa vào độ thanh thải creatinine.
  • Độ thanh thải creatinin dưới 10ml/ phút: Liều tối đa không quá 2g/24 giờ.
  • Người bệnh thẩm phân máu: Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch liều 2g tiêm cuối đợt thâm phân để duy trì nồng độ thuốc có hiệu lực đến kỳ thẩm phân sau
  • Người suy thận nhưng chức năng gan bình thường hoặc người suy gan nhưng chức năng thận bình thường: Không cần chỉnh liều

4.2. Cách dùng

  • Thuốc Trexon có thể được sử dụng bằng đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch.
  • Trường hợp tiêm bắp, thuốc được pha trong dung dịch Lidocain 1% và được tiêm vào cơ mông để giảm đau cho người bệnh.
  • Trường hợp tiêm tĩnh mạch, thuốc được pha trong nước cất và tiêm trực tiếp trong vòng 2-4 phút.
  • Việc dùng thuốc Trexon chỉ được thực hiện tại cơ sở y tế và phải dưới sự giám sát cũng như thao tác của nhân viên y tế. Sau tiêm, người bệnh cần nằm tại chỗ 30 phút để theo dõi, phát hiện kịp thời các phản ứng sau tiêm.

5. Lưu ý khi sử dụng Trexon

5.1 Tác dụng phụ khi sử dụng Trexon

Trong quá trình điều trị bằng thuốc Trexon, người bệnh có thể gặp các tác dụng không mong muốn như:

  • Thường gặp: Tiêu chảy, phản ứng da, ngứa và nổi ban.
  • Ít gặp: Giảm bạch cầu hạt, giảm bạch cầu trung tính, sốt, tăng bạch cầu ưa acid viêm tĩnh mạch, phù và nổi mày đay.
  • Hiếm gặp: Đau đầu, chóng mặt, sốc phản vệ, viêm thận kẽ, viêm đại tràng giả mạc, tiểu máu, tăng creatinine huyết thanh và tăng men gan thoáng qua.

Khi phát hiện các tác dụng phụ sau khi được tiêm Trexon, người bệnh hoặc người nhà phải thông báo với nhân viên y tế để được xử trí ngay.

5.2 Lưu ý khi sử dụng thuốc Trexon

  • Trước khi chỉ định điều trị thuốc Trexon, cần điều tra kỹ về tiền sử dị ứng thuốc của bệnh nhân, đặc biệt là người đã từng dị ứng với các thuốc kháng sinh thuộc nhóm beta-lactam, Cephalosporin hoặc Penicilin.
  • Sử dụng thuốc Trexon cùng Gentamicin, Colistin, Probenecid và Furosemid làm tăng khả năng độc cho thận.
  • Trường hợp trong hoặc sau thời gian dùng thuốc Trexon có tiêu chảy kéo dài thì cần nghĩ đến viêm đại tràng giả mạc do kháng sinh. Metronidazole có thể được sử dụng để điều trị bệnh lý này.
  • Khi điều trị bằng kháng sinh nhóm Beta lactam, có thể xảy ra chảy máu, đặc biệt là ở người suy thận. Nếu có hiện tượng này thì cần cân nhắc dừng thuốc.
  • Phụ nữ có thai: Chưa có đầy đủ các nghiên cứu cho thấy Trexon có thể sử dụng được cho phụ nữ mang thai dù các nghiên cứu trên súc vật chưa thấy có hại cho bào thai. Vì vậy, chỉ sử dụng thuốc Trexone cho đối tượng này khi thật sự cần thiết.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Các nghiên cứu và các thử nghiệm lâm sàng cho thấy Ceftriaxone có thể bài tiết qua sữa mẹ nhưng với một lượng rất ít. Dù vậy, cần phải thận trọng khi chỉ định Trexon cho phụ nữ đang cho con bú.

Trên đây là thông tin cơ bản và những lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc Trexon. Trexon là thuốc kê đơn và chỉ sử dụng tại cơ sở y tế với chỉ định của bác sĩ. Người bệnh nếu có bất kỳ thắc mắc nào hoặc có các triệu chứng khác trong quá trình dùng Trexon thì phải báo ngay với bác sĩ điều trị để được xử trí kịp thời.

90 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan