Công dụng thuốc Tonsga

Thuốc Tonsga được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Escitalopram oxalat. Thuốc được sử dụng trong điều trị trầm cảm nặng, rối loạn lo âu,...

1. Thuốc Tonsga có tác dụng gì?

1 viên thuốc Tonsga có chứa 12,78mg Escitalopram oxalat, tương đương 10mg Escitalopram và các tá dược khác.

Escitalopram là 1 trong những thuốc chống trầm cảm thuộc nhóm chất ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRIs). Nó được sử dụng trong điều trị trầm cảm liên quan tới rối loạn tâm trạng. Đồng thời, thuốc này cũng được sử dụng trong điều trị rối loạn cơ thể. Tác dụng chống kích thích, chống trầm cảm,... của Escitalopram liên quan tới sự ức chế hấp thu thần kinh trung trương của serotonin.

Chỉ định sử dụng thuốc Tonsga:

  • Điều trị trong giai đoạn trầm cảm nặng;
  • Điều trị rối loạn lo âu lan tỏa;
  • Điều trị rối loạn lo âu xã hội (ám ảnh xã hội);
  • Điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế;
  • Điều trị chứng rối loạn hoảng sợ, có/không có chứng sợ khoảng rộng.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Tonsga:

  • Quá mẫn với dược chất hoặc tá dược của thuốc;
  • Dùng đồng thời với các thuốc ức chế không chọn lọc monoamin oxidase không hồi phục vì có nguy cơ gây hội chứng serotonin với biểu hiện run, kích động, tăng thân nhiệt;
  • Dùng đồng thời với các thuốc ức chế có hồi phục MAO-A (như moclobemid) hoặc thuốc ức chế MAO không chọn lọc linezolid vì có nguy cơ gây xuất hiện hội chứng serotonin;
  • Bệnh nhân có khoảng QT kéo dài;
  • Dùng đồng thời với thuốc gây kéo dài khoảng QT.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Tonsga

Cách dùng: Đường uống, dùng 1 liều duy nhất mỗi ngày, có thể uống cùng với thức ăn hoặc không.

Liều dùng:

  • Giai đoạn trầm cảm nặng: Liều dùng 10mg/lần/ngày. Tùy thuộc đáp ứng của bệnh nhân, có thể tăng tới liều tối đa là 20mg/ngày. Sau khoảng 2 - 4 tuần dùng thuốc sẽ thấy hiệu quả chống trầm cảm. Khi các triệu chứng được giải quyết, nên điều trị ít nhất 6 tháng để trị liệu củng cố;
  • Chứng rối loạn hoảng sợ, có/không có chứng sợ khoảng rộng: Liều ban đầu là 5mg/lần/ngày, dùng trong tuần đầu tiên trước khi tăng tới liều 5mg/ngày. Liều tối đa là 20mg/ngày, tùy theo đáp ứng của bệnh nhân. Hiệu quả tối đa của thuốc Tonsga đạt được sau khoảng 3 tháng. Việc điều trị sẽ kéo dài vài tháng;
  • Rối loạn lo âu xã hội: Liều dùng 10mg/lần/ngày. Sau khoảng 2 - 4 tuần, người bệnh sẽ thấy triệu chứng giảm nhẹ. Sau đó, liều dùng có thể giảm còn 5mg/lần/ngày hoặc tăng lên tối đa 20mg/ngày, tùy theo đáp ứng của bệnh nhân. Rối loạn lo âu xã hội là 1 bệnh mạn tính, được khuyến cáo điều trị trong 12 tuần nhằm củng cố việc điều trị. Có thể dùng thuốc tới 6 tháng để ngăn ngừa tái phát;
  • Rối loạn lo âu lan tỏa: Liều khởi đầu 10mg/lần/ngày. Tùy theo đáp ứng của bệnh nhân, có thể tăng tới liều tối đa 20mg/ngày. Nên đánh giá hiệu quả điều trị và liều cần dùng sau những khoảng thời gian đều đặn;
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: Liều khởi đầu 10mg/lần/ngày. Tùy theo đáp ứng của bệnh nhân, có thể tăng tới liều tối đa 20mg/ngày. Vì rối loạn ám ảnh cưỡng chế là 1 bệnh mãn tính, người bệnh nên được điều trị trong thời gian dài để đảm bảo các triệu chứng chấm dứt. Nên đánh giá hiệu quả điều trị và liều cần dùng sau những khoảng thời gian đều đặn;
  • Người trên 65 tuổi: Liều khởi đầu là 5mg/lần/ngày. Tùy theo đáp ứng của bệnh nhân, có thể tăng tới liều tối đa 10mg/ngày;
  • Trẻ em: Không dùng thuốc Tonsga cho trẻ em dưới 18 tuổi;
  • Bệnh nhân suy thận: Không cần phải thay đổi liều dùng ở người bệnh suy thận nhẹ và trung bình. Nên thận trọng khi dùng thuốc ở bệnh nhân suy thận nặng (độ thanh thải creatinin dưới 30ml/phút);
  • Bệnh nhân suy gan: Liều khởi đầu 5mg/lần/ngày trong 2 tuần đầu điều trị đối với bệnh nhân suy gan nhẹ hoặc trung bình. Tùy theo đáp ứng của bệnh nhân, có thể tăng tới liều tối đa 10mg/ngày. Nên thận trọng, tăng liều cẩn thận ở người bệnh suy gan nặng;
  • Bệnh nhân chuyển hóa kém với CYP2C19: Liều khởi đầu 5mg/lần/ngày trong 2 tuần đầu điều trị. Tùy theo đáp ứng của bệnh nhân, có thể tăng tới liều tối đa 10mg/ngày;
  • Triệu chứng cai thuốc khi ngưng điều trị: Nên tránh ngừng điều trị đột ngột với Escitalopram. Nếu muốn dừng thuốc, nên giảm liều dần dần trong 1 - 2 tuần để giảm nguy cơ mắc phải triệu chứng cai thuốc. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng xảy ra sau khi giảm liều hoặc ngưng điều trị, nên xem xét liều dùng trước đó. Sau đó, bác sĩ có thể tiếp tục giảm liều nhưng cần giảm từ từ.

Quá liều: Có thể sử dụng tới liều 400 - 800mg Escitalopram mà không có triệu chứng nghiêm trọng nào. Các triệu chứng quá liều thuốc Escitalopram chủ yếu liên quan tới hệ thần kinh trung ương (chóng mặt, run, kích động, co giật, hôn mê), hệ tiêu hóa (buồn nôn, ói mửa), tim mạch (nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, kéo dài khoảng QT, loạn nhịp tim), mất cân bằng điện giải (hạ kali máu).

Hiện chưa có thuốc giải độc đặc hiệu khi sử dụng Escitalopram quá liều. Cách xử trí là thiết lập và duy trì hô hấp, đảm bảo chức năng hô hấp, cung cấp đủ oxy cho bệnh nhân. Đồng thời, cân nhắc tới việc rửa dạ dày và sử dụng than hoạt tính cho người bệnh. Rửa dạ dày nên thực hiện càng sớm càng tốt ngay sau khi uống thuốc. Bên cạnh đó, nên theo dõi các dấu hiệu tim và dấu hiệu quan trọng khác, các biện pháp điều trị triệu chứng nói chung. Cần theo dõi ECG ở người bệnh suy tim sung huyết, chậm nhịp tim, sử dụng đồng thời các thuốc làm kéo dài khoảng QT hoặc bệnh nhân suy gan.

3. Tác dụng phụ của thuốc Tonsga

Tác dụng phụ của thuốc Tonsga thường xảy ra nhiều nhất trong tuần 1 - 2, thường giảm cường độ và tần suất khi tiếp tục điều trị. Khi sử dụng thuốc Tonsga, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Máu và hệ bạch huyết: Giảm tiểu cầu;
  • Hệ miễn dịch: Phản ứng quá mẫn;
  • Hệ nội tiết: Rối loạn tiết ADH;
  • Chuyển hóa và dinh dưỡng: Giảm/tăng cảm giác thèm ăn, tăng cân, giảm cân, giảm natri huyết, chán ăn;
  • Tâm thần: Lo âu, bồn chồn, giảm ham muốn tình dục, giấc mơ bất thường, giảm khoái cảm tình dục (với nữ giới), bối rối, kích động, nghiến răng, chứng lú lẫn, hốt hoảng, hung hãn, ảo giác, rối loạn nhân cách, hưng cảm, có ý nghĩ hoặc hành vi tự tử;
  • Hệ thần kinh: Đau đầu, ngủ gà, mất ngủ, hoa mắt, chứng run, cảm giác khác thường, rối loạn vị giác, ngất, rối loạn giấc ngủ, hội chứng serotonin, rối loạn vận động, chứng co giật, rối loạn chuyển động, bồn chồn;
  • Thị giác: Giãn đồng tử, rối loạn thị giác;
  • Tai và ốc tai: Ù tai;
  • Tim: Nhịp tim nhanh, nhịp tim chậm, loạn nhịp thất (gồm xoắn đỉnh), kéo dài khoảng QT;
  • Mạch: Hạ huyết áp tư thế đứng;
  • Hô hấp: Viêm xoang, ngáp phản xạ, chảy máu cam;
  • Chức năng tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, táo bón, tiêu chảy, khô miệng, xuất huyết đường tiêu hóa (gồm cả xuất huyết trực tràng);
  • Gan mật: Viêm gan, thay đổi chức năng gan bất thường;
  • Da, tổ chức dưới da: Tăng tiết mồ hôi, rụng tóc, nổi ban da, nổi mày đay, ngứa da, phù mạch, nổi bầm máu;
  • Cơ, xương, mô liên kết: Đau khớp, đau cơ;
  • Thận và hệ tiết niệu: Bí tiểu;
  • Chức năng sinh sản và cho con bú: Nam gặp tình trạng rối loạn xuất tinh, bất lực; nữ gặp tình trạng rong kinh, xuất huyết tử cung; tiết nhiều sữa, cương dương vật,...;
  • Tác dụng phụ khác: Mệt mỏi, sốt, phù nề.

Bệnh nhân cần thông báo ngay cho bác sĩ khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Tonsga để được can thiệp điều trị tích cực, phù hợp nhất.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Tonsga

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Tonsga:

  • Không khuyến cáo sử dụng thuốc Escitalopram ở trẻ em dưới 18 tuổi để tránh hành vi hung hăng. Nếu dùng thuốc Tonsga, cần theo dõi chặt chẽ;
  • Một số trường hợp mắc chứng hoảng sợ khi sử dụng Escitalopram có phản ứng lo âu nghịch thường khi mới dùng thuốc. Phản ứng này thường giảm sau 2 tuần điều trị. Có thể dùng liều thấp lúc điều trị ban đầu để giảm phản ứng này;
  • Nếu bệnh nhân xuất hiện co giật, nên ngừng điều trị với Escitalopram. Tránh sử dụng Escitalopram cho bệnh nhân động kinh không ổn định;
  • Thận trọng khi sử dụng Escitalopram ở người bệnh có tiền sử có các đợt hưng cảm, nên ngừng thuốc khi xuất hiện cơn hưng cảm;
  • Ở người bệnh tiểu đường, việc sử dụng thuốc Escitalopram có thể làm thay đổi đường huyết (tăng đường huyết hoặc hạ đường huyết). Có thể cần phải điều chỉnh liều dùng insulin hoặc thuốc hạ đường huyết đường uống;
  • Nguy cơ tự sát có thể tăng lên trong giai đoạn sắp hồi phục khi đang dùng thuốc Escitalopram. Nhóm bệnh nhân có tiền sử hành vi liên quan tới tự tử hoặc ý nghĩ tự tử cần được giám sát cẩn thận trong quá trình điều trị, đặc biệt là trong thời gian mới dùng thuốc và khi thay đổi liều;
  • Việc sử dụng thuốc Escitalopram có liên quan tới sự phát triển của akathisia - đặc trưng là bồn chồn, khó chịu, không có khả năng ngồi hoặc đứng yên. Triệu chứng này thường xảy ra trong vài tuần đầu điều trị;
  • Hạ natri máu có thể do bài tiết hormone giải độc không phù hợp khá hiếm gặp khi sử dụng thuốc Escitalopram, có thẻ chấm dứt khi ngưng dùng thuốc. Nên thận trọng khi sử dụng thuốc Tonsga ở những bệnh nhân có nguy cơ cao như người bệnh xơ gan, người cao tuổi hoặc khi dùng phối hợp với các thuốc có thể gây hạ natri máu;
  • Đã có trường hợp bất thường về chảy máu khi dùng Escitalopram. Nên thận trọng khi dùng thuốc chung với thuốc chống đông đường uống, thuốc có ảnh hưởng tới chức năng tiểu cầu (thuốc chống loạn thần, các phenothiazin, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, acid acetylsalicylic, thuốc chống viêm không steroid), bệnh nhân dễ chảy máu;
  • Có ít thông tin về việc sử dụng đồng thời thuốc Escitalopram với liệu pháp sốc điện nên cần thận trọng khi kết hợp các phương pháp này;
  • Khi bệnh nhân gặp hội chứng serotonin và hội chứng an thần ác tính, nên ngừng dùng Escitalopram, các thuốc chống dopamin (gồm cả thuốc chống loạn thần), thuốc tăng serotonin. Sau đó, điều trị triệu chứng, theo dõi các dấu hiệu tâm thần một cách chặt chẽ. Có thể sử dụng dantrolen, bromocryptin;
  • Tránh ngừng thuốc đột ngột vì có thể gây hội chứng ngừng thuốc (với biểu hiện mất ngủ, rối loạn cảm giác, chóng mặt, xuất hiện các cơn mơ, kích động, lo lắng, buồn nôn ,nôn mửa, run rẩy, nhức đầu, tiêu chảy, đổ mồ hôi, đánh trống ngực, rối loạn thị giác,...). Nên giảm liều dần trong 1 - 2 tuần. Nếu có triệu chứng của hội chứng ngừng thuốc đột ngột khi giảm liều hoặc ngưng điều trị, nên dùng lại liều điều trị trước đó cho tới khi hết triệu chứng, sau đó giảm liều cẩn trọng từng bước;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Escitalopram ở người mắc bệnh mạch vành;
  • Thuốc Escitalopram gây kéo dài liều phụ thuộc của khoảng QT. Nên thận trọng khi dùng thuốc ở người bệnh có nhịp tim chậm, mới bị nhồi máu cơ tim cấp tính hoặc suy tim. Các rối loạn điện giải như hạ kali máu làm tăng nguy cơ loạn nhịp tim ác tính, cần được điều chỉnh trước khi dùng thuốc Escitalopram. Nếu người bệnh đang được điều trị bệnh tim, cần xem xét ECG trước khi bắt đầu điều trị. Nếu xảy ra dấu hiệu loạn nhịp tim khi dùng thuốc Escitalopram, nên ngưng điều trị, làm lại ECG;
  • Thuốc Escitalopram có thể ảnh hưởng tới kích thước con ngươi, gây giãn đồng tử, thu hẹp góc nhìn, dẫn đến tăng áp lực nội nhãn, tăng nhãn áp góc đóng. Vì vậy, cần sử dụng thuốc Tonsga thận trọng ở người bệnh tăng nhãn áp góc đóng hoặc có tiền sử bệnh tăng nhãn áp;
  • Thuốc Tonsga có chứa lactose nên không sử dụng cho người bệnh kém hấp thu glucose - galactose, không dung nạp galactose, thiếu hụt Lapp-lactase;
  • Không nên sử dụng thuốc Escitalopram trong thời kỳ mang thai, trừ khi thực sự cần thiết, sau khi bác sĩ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ;
  • Escitalopram có thể bài tiết vào sữa mẹ. Do đó, nếu đang dùng thuốc này thì bà mẹ không nên cho con bú;
  • Escitalopram có thể làm giảm khả năng phán đoán hoặc các kỹ năng. Người bệnh nên được cảnh báo về nguy cơ này tới khả năng lái xe và vận hành máy móc.

5. Tương tác thuốc Tonsga

Tương tác thuốc có thể gây ảnh hưởng tới hiệu quả trị bệnh hoặc tác động tới mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ. Một số tương tác thuốc của Tonsga gồm:

  • Không kết hợp sử dụng thuốc Escitalopram với thuốc ức chế monoamin oxidase không hồi phục. Trong một số trường hợp, người bệnh phát triển hội chứng serotonin. Có thể sử dụng Escitalopram kể từ ngày thứ 14 sau khi ngừng dùng thuốc ức chế MAO không hồi phục. Sau khi ngừng dùng thuốc Escitalopram ít nhất 7 ngày mới được sử dụng thuốc ức chế không chọn lọc MAOI không hồi phục;
  • Do có nguy cơ gây hội chứng serotonin nên không kết hợp Escitalopram với chất ức chế MAO-A như moclobemid. Chỉ phối hợp khi thực sự cần thiết, bắt đầu với liều tối thiểu, cần theo dõi lâm sàng;
  • Không nên dùng thuốc linezolid (thuốc ức chế không chọn lọc MAO có hồi phục) cho bệnh nhân đang dùng Escitalopram. Chỉ kết hợp khi thực sự cần thiết, dùng với liều tối thiểu, theo dõi chặt chẽ bệnh nhân;
  • Khi kết hợp thuốc Escitalopram với selegilin (thuốc ức chế MAO-B không hồi phục), nên thận trọng vì nguy cơ phát triển hội chứng serotonin;
  • Không sử dụng Escitalopram với các thuốc làm kéo dài khoảng QT như thuốc chống loạn thần (dẫn xuất phenothiazin, haloperidol, pimozid), thuốc chống loạn nhịp cấp độ IA và III, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc kháng sinh (moxifloxacin, sparfloxacin, pentamidin, erythromycin, halofantrin), một số thuốc kháng histamin (mizolastin, astemizol);
  • Thận trọng khi kết hợp thuốc Escitalopram với các thuốc hệ serotonergic (như tramadol, sumatriptan, các triptans khác) vì có thể dẫn đến hội chứng serotonin;
  • Thuốc Escitalopram có thể làm giảm ngưỡng co giật nên cần thận trọng khi sử dụng đồng thời với các thuốc có khả năng làm giảm ngưỡng co giật như thuốc thần kinh, thuốc chống trầm cảm, bupropion, mefloquin, tramadol,...;
  • Đã có trường hợp tăng ảnh hưởng khi sử dụng thuốc Escitalopram với lithium hoặc tryptophan, do vậy nên thận trọng khi kết hợp các thuốc này;
  • Sử dụng đồng thời Escitalopram với các thuốc thảo dược có chứa Hypericum perforatum có thể làm gia tăng các tác dụng phụ;
  • Tác dụng chống đông máu bị thay đổi khi kết hợp Escitalopram với các thuốc chống đông đường uống. Người bệnh sử dụng thuốc chống đông đường uống nên theo dõi sự đông máu khi bắt đầu hoặc khi mới ngừng sử dụng Escitalopram. Việc sử dụng thuốc Escitalopram đồng thời với các thuốc chống viêm không steroid có thể làm tăng nguy cơ chảy máu;
  • Không nên sử dụng thuốc Escitalopram cùng với rượu;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Escitalopram cùng với các thuốc hạ magie máu, hạ kali máu vì có thể làm tăng nguy cơ loạn nhịp tim ác tính;
  • Sử dụng Escitalopram cùng với omeprazol 30mg/lần/ngày có thể làm tăng khoảng 50% nồng độ Escitalopram trong huyết tương;
  • Sử dụng Escitalopram cùng với cimetidin 400mg/lần x 2 lần/ngày có thể làm tăng khoảng 70% nồng độ Escitalopram trong huyết tương. Nên thận trọng khi kết hợp 2 thuốc này, cần điều chỉnh liều dùng thuốc Escitalopram;
  • Thận trọng khi dùng Escitalopram cùng với các thuốc chuyển hóa bằng enzyme CYP2D6 và có khoảng điều trị hẹp như propafenon, flecainid, metoprolol hoặc một số loại thuốc thần kinh trung ương được chuyển hóa chủ yếu bằng CYP2D6 như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần,... Có thể điều chỉnh liều dùng thuốc;
  • Sử dụng Escitalopram đồng thời với metoprolol hoặc desipramin làm tăng gấp 2 lần tác dụng ức chế CYP2D6 trong huyết tương;
  • Thận trọng khi sử dụng đồng thời Escitalopram với các thuốc được chuyển hóa bởi enzyme CYP2C19.

Khi được chỉ định sử dụng thuốc Tonsga, điều bệnh nhân cần nhất nhất tuân thủ là thực hiện dùng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời, để tránh tương tác thuốc, người bệnh nên thông báo chi tiết cho bác sĩ về danh sách các dược phẩm mình đang dùng/mới dùng để có sự điều chỉnh phù hợp nhất. Từ đó, hiệu quả điều trị của thuốc sẽ được cải thiện, hạn chế được nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ khó lường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan