Công dụng thuốc Tiamcefo

Tiamcefo là kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3 có phổ kháng khuẩn rộng, bao gồm nhiều vi khuẩn gram dương và gram âm. Thuốc Tiamcefo được dùng trong điều trị các nhiễm trùng máu, vết bỏng do vi khuẩn nhạy cảm gây ra, áp xe dưới da, nhọt độc, viêm phổi, viêm tai giữa.... Để biết thêm thông tin về thuốc Tiamcefo, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.

1. Thuốc Tiamcefo là thuốc gì?

Tiamcefo là một kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ 3, chứa thành phần chính Cefotiam hydrochloride 1,14g (tương đương với Cefotiam lg) với hàm lượng 1g mỗi lọ pha tiêm/ truyền tĩnh mạch.

Cefotiam là kháng sinh diệt khuẩn và thể hiện tính diệt khuẩn ở nồng độ ức chế tối thiểu. Thuốc có phổ kháng khuẩn rộng, trong đó có cả vi khuẩn gram âm và gram dương.

Thuốc được biết có hoạt tính cao chống lại các vi khuẩn Haemophilus influenzae, Escherichia coli, Klebsiella sp. và Proteus mirabilis. Ngoài ra thuốc cũng có hoạt tính chống lại các chủng vi khuẩn khác như Enterobacter sp., Citrobacter Proteus vulgaris dương tính indole, Proteus rettgeri và Proteus morganii.

Thuốc Tiamcefo có nồng độ tối đa trong máu trong 30 - 45 phút sau khi được tiêm tĩnh mạch. Thời gian bán thải trong huyết thanh sau khi tiêm tĩnh mạch là 70 phút.

Thải trừ: Thuốc được thu hồi gần như hoàn toàn dưới dạng không đổi trong nước tiểu trong vòng 24 giờ sau khi dùng, phần lớn được đào thải qua ống thận và khoảng 50% qua sự lọc cầu thận.

2. Thuốc Tiamcefo công dụng là gì?

Thuốc Tiamcefo công dụng trong điều trị các trường hợp sau đây:

  • Nhiễm trùng máu;
  • Áp xe dưới da, nhọt độc, nhọt, đinh nhọt;
  • Nhiễm trùng vết bỏng hoặc vết phẫu thuật;
  • Viêm xương tủy, viêm khớp;
  • Viêm amidan, viêm phế quản, giãn phế quản kèm theo nhiễm trùng, viêm phổi;
  • Nhiễm trùng phổi, viêm màng phổi mủ;
  • Viêm đường mật, viêm túi mật;
  • Viêm màng bụng;
  • Viêm tuyến tiền liệt, viêm bàng quang, viêm niệu đạo, viêm thận - bể thận;
  • Viêm màng não;
  • Bệnh lý bệnh lý viêm xương chậu;
  • Nhiễm trùng trong tử cung, viêm mô cận tử cung, viêm phần phụ, viêm tuyến Batholin;
  • Viêm tai giữa và viêm xoang.

3. Liều lượng,cách dùng thuốc Tiamcefo

Cách dùng:

  • Thuốc Tiamcefo được bào chế dạng bột để pha tiêm/ truyền tĩnh mạch.
  • Cách pha chế dung dịch tiêm tĩnh mạch: Pha loãng 1g Tiamcefo trong 20ml dung môi (ví dụ: nước cất pha tiêm, dung dịch sodium chloride đẳng trương, thuốc tiêm glucose). Lưu ý: Không sử dụng nước cất trong pha tiêm cho tiêm truyền nhỏ giọt.
  • Cách tiêm truyền nhỏ giọt: Cho 5ml dung môi vào lọ để hòa tan chế phẩm, tiếp tục pha loãng với dung môi trên để truyền nhỏ giọt. Các dung môi hay dùng là dung dịch glucose, điện giải, acid amin và tiêm truyền kéo dài từ 30 phút đến 2 giờ. Đối với trẻ em, liều dùng thích hợp và được chuẩn bị như đối với người lớn, tiêm truyền kéo dài từ 30 phút đến 1 giờ.

Liều lượng:

Thuốc được sử dụng dưới chỉ định của bác sĩ hoặc bạn có thể tham khảo liều khuyến cáo của nhà sản xuất dưới đây:

  • Người lớn: tiêm tĩnh mạch 0,5 đến 2g Cefotiam hydrochloride (hoạt lực) mỗi ngày, chia làm 2 - 4 lần/ngày.
  • Trẻ em: tiêm tĩnh mạch liều 40-80mg Cefotiam hydrochloride (hoạt lực)/ kg thể trọng, chia làm 3-4 lần mỗi ngày.
  • Bệnh nhân suy thận không cần chỉnh liều nếu độ thanh thải creatinin bằng hoặc lớn hơn 1 lít/giờ (16,6 ml/phút). Trường hợp độ thanh thải creatinine ít hơn 1 lít/ giờ thì dùng liều bằng 75% liều dùng người lớn, cách nhau mỗi 6 hoặc 8 giờ.

Lưu ý: Liều có thể được điều chỉnh tùy theo tuổi và triệu chứng của bệnh nhân. Ở người lớn liều Cefotiam hydrochloride (hoạt lực) có thể tăng lên đến 4g (hoạt lực)/ ngày để điều trị nhiễm trùng máu. Ở trẻ em có thể tăng lên đến 160mg (hoạt lực)/kg/ngày đối với trường hợp nhiễm trùng nặng hoặc dai dẳng, như nhiễm trùng máu và viêm màng não.

4. Chống chỉ định của thuốc Tiamcefo

Tuyệt đối không dùng thuốc Tiamcefo cho bệnh nhân có tiền sử dị ứng với kháng sinh Cephalosporin và Penicillin.

5. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Tiamcefo

Trong khi sử dụng thuốc Tiamcefo có thể xảy ra những tác dụng không mong muốn như sau:

  • Sốc: Bạn nên ngưng sử dụng thuốc và liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất nếu xuất hiện các triệu chứng sau: mệt mỏi, vị giác khác thường, thở khò khè, chóng mặt, ù tai hoặc đổ mồ hôi.
  • Quá mẫn: Bạn có thể có các triệu chứng phát ban, nổi mày đay, ban đỏ, ngứa, sốt, đau khớp khi sử dụng thuốc, báo ngay cho bác sĩ để được trợ giúp kịp thời.
  • Bất thường trên da: Hội chứng Stevens-Johnson hoặc nhiễm độc hoại tử da có thể xảy ra, phải theo dõi bệnh nhân cẩn thận.
  • Huyết học: Hiếm gặp thiếu máu, giảm hồng cầu/ tiểu cầu/ bạch cầu hạt, tăng bạch cầu ưa eosin. Nếu những triệu chứng bất thường này xảy ra, ngưng dùng thuốc và dùng liệu pháp thích hợp.
  • Gan: Hiếm gặp tăng men gan ALT, AST hoặc ALP. Vàng da, tăng LDH hoặc gamma GTP... cũng có thể xảy ra.
  • Thận: Vì rối loạn chức năng thận nặng có thể xảy ra, nên tiến hành xét nghiệm thường xuyên và ngưng dùng thuốc nếu các bất thường xảy ra.
  • Hệ tiêu hóa: Viêm ruột non nặng kèm theo đại tiện phân có máu như viêm kết tràng màng giả có thể xảy ra. Nếu thấy đau bụng, tiêu chảy thường xuyên nên ngưng dùng thuốc và dùng liệu pháp thích hợp. Hiếm gặp buồn nôn, chán ăn.
  • Hệ hô hấp: Vì viêm phổi, hội chứng PIE kèm theo sốt, ho, khó thở, bất thường trong X quang ngực, tăng bạch cầu ưa eosin có thể xảy ra tuy hiếm nên cần thông báo ngay cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.
  • Hệ thần kinh trung ương: Dùng quá liều có thể gây ra co giật ở những bệnh nhân suy thận.
  • Có thể xảy ra viêm niêm mạc miệng, nhiễm nấm candida.
  • Thiếu vitamin: Hiếm gặp thiếu vitamin K (giảm prothrobin huyết, xuất huyết); thiếu vitamin B (viêm lưỡi, viêm miệng, chán ăn, viêm dây thần kinh) .

6. Lưu ý khi dùng thuốc Tiamcefo

  • Thông báo cho bác sĩ về tiền sử dị ứng, thuốc và bệnh lý khác. Không sử dụng Cefotiam cho bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với thuốc này hoặc kháng sinh thuộc nhóm Cephem.
  • Thuốc được chỉ định sau khi xác định chủng nhạy cảm để tránh tình trạng kháng kháng sinh; thuốc nên được dùng để điều trị trong thời gian tối thiểu cần thiết.
  • Bạn cần được thử phản ứng của thuốc trên da trước khi tiêm/ truyền tĩnh mạch Tiamcefo.
  • Trong suốt thời gian điều trị bằng thuốc này, nên định kỳ tiến hành kiểm tra chức năng gan, thận và máu.
  • Bạn nên thận trọng khi sử dụng thuốc nếu có tiền sử quá mẫn với kháng sinh Penicillin; tiền sử bản thân hoặc gia đình dễ bị các triệu chứng dị ứng như là hen phế quản, ngoại ban, nổi mề đay, tiêu hóa kém, được nuôi dưỡng ngoài đường tiêu hóa, người lớn tuổi, bị suy nhược, rối loạn chức năng thận nghiêm trọng.
  • Thuốc này chỉ dùng tiêm tĩnh mạch. Khi tiêm tĩnh mạch liều lớn thuốc có thể gây đau mạch và viêm tĩnh mạch huyết khối. Để ngăn ngừa các phản ứng trên, nên thận trọng khi chọn vị trí và cách tiêm, pha dung dịch, tốc độ tiêm càng chậm càng tốt. Dùng thuốc ngay sau khi pha.
  • Dùng thuốc trong vòng 8 giờ sau khi pha (ngay cả khi thuốc được bảo quản lạnh).
  • Độ an toàn của thuốc đối với trẻ sơ sinh và trẻ sinh non chưa được thiết lập, do đó không nên sử dụng thuốc Tiamcefo cho đối tượng này.
  • Thuốc có thể làm dương tính giả một số thử nghiệm bằng nước tiểu, do đó thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang sử dụng thuốc này.
  • Bạn cần được theo dõi chức năng thận nếu dùng đồng thời với các thuốc tương tự (các kháng sinh khác thuộc nhóm Cephem) và những thuốc lợi tiểu như Furosemide, vì sự kết hợp này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận ( đã có báo cáo được ghi nhận về tình trạng này).
  • Thuốc chưa được kiểm chứng đầy đủ về độ an toàn trên phụ nữ có thai, do đó bạn chỉ nên sử dụng thuốc Tiamcefo khi thật cần thiết.
  • Thuốc cần được bảo quản ở nơi khô thoáng, tránh ánh sáng, nhiệt độ đảm bảo dưới 30°C.

Trên đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Tiamcefo. Người bệnh nếu có thêm bất kỳ thắc mắc nào về thuốc có thể liên hệ trực tiếp với bác sĩ hoặc dược sĩ để được giải đáp kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

33 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan