Công dụng thuốc Theralene

Thuốc Theralene trị bệnh gì? là thắc mắc của rất nhiều người khi thấy thuốc này được kê trong đơn của mình. Thuốc Theralene 90ml là một thuốc kháng histamin. Vậy thuốc Theralene chữa bệnh gì? Hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây để có thêm những thông tin hữu ích nhé!

1. Công dụng của thuốc Theralene

Thuốc Theralene 90ml bao gồm các thành phần alimemazin, một chất kháng histamin. Thuốc ho Theralene được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Mất ngủ thoáng qua do áp lực công việc, căng thẳng tinh thần hoặc trải qua một số biến cố cuộc đời (như ly hôn, chia tay, có người thân mất,..)
  • Cải thiện các triệu chứng dị ứng như: viêm mũi dị ứng, viêm mũi theo mùa, viêm kết mạc mắt, nổi mề đay...
  • Giảm ho khan, ho do kích ứng

Mặt khác, thuốc Theralene 90ml không được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh có tiền sử dị ứng với thuốc kháng histamin.
  • Bệnh nhân bị mất bạch cầu hạt (giảm đáng kể số lượng bạch cầu trong máu) với các phenothiazin khác.
  • Khó tiểu, Bí tiểu
  • Bệnh nhân tăng nhãn áp
  • Trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Chị em đang trong quá trình mang thai, nhất là 3 tháng đầu thai kỳ cần thận trọng khi sử dụng thuốc
  • Phụ nữ đang cho con bú chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.

2. Liều dùng của thuốc Theralene 90ml

Liều dùng của thuốc ho Theralene được khuyến cáo như sau:

  • Người lớn: Liều tối đa 10 mg tương đương 16 ml mỗi lần và 40 mg/24 giờ tương đương 64 ml/24 giờ.
  • Trẻ em từ 3 tuổi: 0,125 - 0,25 mg/kg mỗi lần uống tương đương 0,2 - 0,4 ml/kg mỗi lần, tối đa 5 mg tương đương 8 ml mỗi lần và 20 mg/24 giờ tương đương 32 ml/24 giờ.

Điều trị viêm mũi dị ứng, nổi mề đay:

  • Người lớn: 10 mg mỗi lần tương đương 16 ml, 2 - 3 lần/ngày; lên đến 100 mg tương đương 160 ml mỗi ngày cho những trường hợp cần thiết.
  • Người cao tuổi: Giảm liều xuống 10 mg tương đương 16 ml, 1 - 2 lần/ngày.
  • Trẻ em trên 3 tuổi: 2,5 đến 5 mg tương đương 4 - 8 ml, 3 - 4 lần/ngày.

Trong trường hợp mất ngủ thoáng qua: Uống một lần lúc đi ngủ.

  • Người lớn: 5 đến 20 mg, tức 8 đến 32 ml.
  • Trẻ em trên 3 tuổi: 0,25 đến 0,5 mg/kg tức 0,4 đến 0,8 ml/kg.

Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.

Nếu bạn quên một liều thuốc, hãy bổ sung liều ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian giãn cách với liều tiếp theo quá ngắn thì bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch dùng thuốc. Không dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã bị bỏ lỡ.

3. Tác dụng phụ của thuốc Theralene 90ml

Trong quá trình sử dụng thuốc Theralene, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn. Trong trường hợp này, bệnh nhân hãy ngưng sử dụng thuốc và hỏi ý kiến bác sĩ. Một số tác dụng phụ đó như: mẩn ngoài da (đỏ da, eczema, ban xuất huyết, nổi mề đay); phù Quincke (nói mề đay kèm sưng phù mặt và cổ có thể gây khó thở); sốc phản vệ, giảm bạch cầu nghiêm trọng trong máu, giảm tiểu cầu, chảy máu cam hoặc chảy máu lợi, co giật,...

Trên đây không phải là tất cả các tác dụng phụ của thuốc Theralene 90ml. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu gặp phải bất cứ dấu hiệu nào bất thường cũng cần thông báo cho bác sĩ.

4. Tương tác thuốc Theralene 90ml

Để sử dụng thuốc an toàn, bác sĩ sẽ không chỉ định dùng thuốc Theralene 90ml với:

  • Rượu: làm tăng tác dụng an thần của thuốc kháng histamin H1. Điều này gây ra các triệu chứng giảm tập trung và không tỉnh táo. Như vậy đối với nhóm đối tượng thường xuyên lái xe hay vận hành máy móc sẽ rất nguy hiểm.
  • Do thành phần cồn có trong thuốc (380mg trong 10ml sirô), tránh dùng với các thuốc gây phản ứng disulfiram với rượu như cefamandole, cefoperazone, latamoxel, chloramphenicol, chlorpropamide, glibendamide, glipizide, tolbutamide, griseofulvine, metronidazole, omidazole, secnidazole, tinidazole, ketoconazole, procarbazine.
  • Sultopride: Nguy cơ dẫn đến rối loạn nhịp thất đặc biệt là xoắn đỉnh, do thuốc có ảnh hưởng điện sinh lý.

Dựa vào tình trạng người bệnh, bác sĩ có thể kê đơn thuốc ho Theralene với các loại thuốc sau. Khi đó, liều dùng của các loại thuốc có thể được điều chỉnh phù hợp. Cụ thể:

  • Các thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương khác (thuốc chống trầm cảm có tác dụng an thần, barbiturat benzodiazepine, donidin và dẫn chất thuốc ngủ, dẫn chất morphin (giảm đau và chống ho), methadone, thuốc an thần kinh, thuốc giải lo âu: tăng cường sự ức chế thần kinh trung ương. Sự tỉnh táo bị ảnh hưởng có thể dẫn đến nguy hiểm khi lái xe hoặc sử dụng máy móc.
  • Atropin và các chất khác có hoạt tính giống atropin (thuốc chống trầm cảm, imipramin, thuốc kháng cholin, thuốc chống co thắt kiểu atropin, disopyramid, thuốc an thần kinh họ phenothiazin): tăng tác dụng không mong muốn kiểu atropin như bí tiểu, táo bón, khô miệng.

Bảo quản thuốc Theralene ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng và tránh những nơi ẩm ướt. Không bảo quản Theralene ở nơi ẩm thấp hay trong ngăn đá và tránh xa nguồn nhiệt và ngọn lửa. Mỗi loại thuốc khác nhau sẽ có những cách bảo quản khác nhau, vì vậy hãy đọc kỹ hướng dẫn bảo quản thuốc Theralene trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Để Theralene tránh xa tầm với của trẻ em và thú nuôi trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

174.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan