Công dụng thuốc Tanarhunamol

Thuốc Tanarhunamol được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Paracetamol, Dextromethorphan và Clorpheniramin maleat. Thuốc được sử dụng trong điều trị triệu chứng cho bệnh nhân bị cảm cúm.

1. Tanarhunamol là thuốc gì?

1 viên thuốc Tanarhunamol có chứa: 500mg Paracetamol, 15mg Dextromethorphan HBr, 2mg Clorpheniramin maleat và các tá dược khác. Công dụng của từng thành phần riêng trong thuốc như sau:

  • Paracetamol là một chất chuyển hóa có các hoạt tính của phenacetin. Đây là thuốc giảm đau, hạ sốt hữu hiệu có thể thay thế aspirin nhưng không có hiệu quả điều trị viêm. Paracetamol tác động lên vùng dưới đồi, gây hạ nhiệt và tăng tỏa nhiệt do giãn mạch, tăng lưu lượng máu ngoại biên;
  • Dextromethorphan hydrobromid là loại thuốc giảm ho, có tác dụng trên trung tâm ho nằm ở hành não. Dextromethorphan được sử dụng để giảm ho nhất thời do kích thích nhẹ ở phế quản và họng như cảm lạnh thông thường, hít phải các chất kích thích. Thuốc Dextromethorphan có hiệu quả nhất trong điều trị ho mạn tính và không có đờm. Thuốc thường được sử dụng phối hợp với nhiều chất khác trong điều trị triệu chứng các bệnh đường hô hấp trên;
  • Clorpheniramin là loại thuốc kháng histamin có rất ít tác dụng an thần. Giống như hầu hết các thuốc kháng histamin khác, Clorpheniramin cũng có tác dụng phụ chống tiết acetylcholin. Tác dụng kháng histamin của Clorpheniramin thông qua cơ chế phong bế cạnh tranh các thụ thể H1 của các tế bào tác động, từ đó làm giảm phù nề, nổi mày đay trong các phản ứng quá mẫn (gồm dị ứng, sốc phản vệ). Đồng thời, Clorpheniramin cũng có tác động kháng cholinergic.

Chỉ định sử dụng thuốc Tanarhunamol:

  • Điều trị triệu chứng do người bị cảm cúm: Sốt, nhức đầu, nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho, chảy nước mắt, viêm xoang, sổ mũi theo mùa.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Tanarhunamol:

  • Người bị quá mẫn với hoạt chất, thành phần của thuốc;
  • Bệnh nhân thiếu hụt men G6PD;
  • Người bệnh đang trong cơn hen cấp;
  • Bệnh nhân có triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt;
  • Người bệnh glocom góc hẹp, tắc cổ bàng quang, tắc môn vị - tá tràng, loét dạ dày;
  • Phụ nữ đang cho con bú, trẻ sơ sinh, trẻ sinh thiếu tháng;
  • Trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai trong 3 tháng cuối thai kỳ;
  • Người bệnh đang dùng thuốc ức chế monoamin oxydase (MAO) trong vòng 14 ngày tính tới thời điểm sử dụng Clorpheniramin (vì tính chất chống tiết acetylcholin của Clorpheniramin bị tăng lên bởi các thuốc ức chế MAO). Ngoài ra, liên quan tới Dextromethorphan là có thể gây các phản ứng nặng như chóng mặt, sốt cao, tăng huyết áp, chảy máu não hoặc thậm chí tử vong.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Tanarhunamol

Cách dùng: Đường uống.

Liều dùng:

  • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Dùng liều 1 viên/ lần x 3 - 4 lần/ ngày. Lưu ý không dùng thuốc quá 7 ngày;
  • Trẻ em 2 - 12 tuổi: Dùng thuốc theo liều được bác sĩ chỉ định.

Quá liều: Triệu chứng và cách xử trí tùy theo thành phần có trong thuốc. Cụ thể:

  • Liên quan tới Paracetamol: Quá liều do dùng 1 liều độc duy nhất hoặc uống lặp lại liều lớn (lên tới 7.5 - 10g/ngày trong 1 - 2 ngày) hoặc do uống thuốc dài ngày. Tác dụng độc cấp tính nghiêm trọng nhất khi dùng thuốc quá liều là hoại tử gan phụ thuộc liều, có thể dẫn đến tử vong. Cách xử trí là rửa dạ dày (tốt nhất là trong vòng 4 giờ sau khi uống thuốc). Liệu pháp giải độc thích hợp là dùng các hợp chất Sulfhydryl, than hoạt, N-acetylcystein,...;
  • Liên quan đến Dextromethorphan: Người bệnh dùng thuốc quá liều có triệu chứng buồn nôn, nôn ói nhìn mờ, buồn ngủ, rung giật nhãn cầu, mất điều hòa, bí tiểu tiện, trạng thái tê mê, ảo giác, suy hô hấp, co giật,... Việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ, bao gồm tiêm tĩnh mạch 2mg naloxon, cho sử dụng thuốc nhắc lại nếu cần tới tổng liều 10mg;

Liên quan đến Clorpheniramin: Liều gây tử vong của Clorpheniramin là khoảng 25 - 50mg/ kg cân nặng. Những triệu chứng khi dùng thuốc quá liều gồm an thần, loạn tâm thần, kích thích nghịch thường hệ thần kinh trung ương, cơn động kinh, ngừng thở, co giật, phản ứng loạn trương lực, tác dụng chống tiết acetylcholin, trụy tim mạch, loạn nhịp tim. Xử trí là điều trị triệu chứng và hỗ trợ chức năng sống, nên chú ý đặc biệt tới chức năng gan, thận, tim mạch, hô hấp và cân bằng nước, điện giải.

3. Tác dụng phụ của thuốc Tanarhunamol

Khi sử dụng thuốc Tanarhunamol, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ liên quan tới từng thành phần của thuốc như:

  • Liên quan đến Paracetamol: Ban da, phản ứng dị ứng, quá mẫn, buồn nôn, ói mửa, thiếu máu, loạn tạo máu (giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, giảm toàn thể huyết cầu), bệnh thận, độc tính thận nếu lạm dụng thuốc dài ngày;
  • Liên quan đến Dextromethorphan: Mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, da đỏ bừng, nhịp tim nhanh, nổi mày đay, ngoại ban da, buồn ngủ nhẹ, rối loạn tiêu hóa, hành vi kỳ quặc do ngộ độc, suy hô hấp và ức chế hệ thần kinh trung ương có thể xảy ra nếu dùng thuốc quá liều;
  • Liên quan đến Clorpheniramin: Ngủ gà, ngủ sâu, an thần, khô miệng, chóng mặt, buồn nôn,...

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Tanarhunamol, người bệnh nên kịp thời thông báo cho bác sĩ để nhận được sự tư vấn về cách xử trí hiệu quả nhất.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Tanarhunamol

Trước và trong khi sử dụng thuốc Tanarhunamol, người bệnh cần lưu ý:

  • Liên quan đến Paracetamol:
    • Thận trọng khi sử dụng thuốc ở người bị phenylceton - niệu. Nên hạn chế lượng phenylalanin đưa vào cơ thể;
    • Thận trọng khi dùng thuốc ở bệnh nhân thiếu máu từ trước;
    • Tránh hoặc hạn chế uống rượu khi dùng thuốc vì có thể gây độc cho gan;
    • Thận trọng khi dùng thuốc ở người bị suy giảm chức năng gan và thận;
    • Bác sĩ cần cảnh báo người bệnh về các dấu hiệu của phản ứng trên da nghiêm trọng như hội chứng hoại tử da nhiễm độc, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính, hội chứng Stevens - Johnson;
  • Liên quan đến Dextromethorphan:
    • Thận trọng khi dùng thuốc ở người bị bệnh ho có quá nhiều đờm, ho mạn tính ở người có thói quen hút thuốc lá, hen hoặc tràn khí màng phổi;
    • Thận trọng khi sử dụng thuốc ở người bệnh có nguy cơ hoặc đang bị suy giảm hô hấp;
    • Sử dụng Dextromethorphan có liên quan tới giải phóng histamin nên cần thận trọng ở trẻ em bị dị ứng;
    • Có nguy cơ lạm dụng và phụ thuộc Dextromethorphan (hiếm gặp), đặc biệt nếu dùng thuốc liều cao và kéo dài:
  • Liên quan đến Clorpheniramin:
    • Clorpheniramin có thể làm tăng nguy cơ bí tiểu do tác dụng phụ chống tiết acetylcholin của thuốc (đặc biệt ở người bị tắc đường niệu, phì đại tuyến tiền liệt, tắc môn vị tá tràng) và làm trầm trọng thêm triệu chứng ở bệnh nhân nhược cơ;
    • Tác dụng an thần của Clorpheniramin tăng lên khi uống rượu hoặc sử dụng đồng thời với các thuốc an thần khác;
    • Người sử dụng Clorpheniramin có nguy cơ biến chứng đường hô hấp, suy hô hấp và ngừng thở. Tình trạng này đặc biệt nguy hiểm ở người bệnh tắc nghẽn phổi hoặc trẻ nhỏ. Do đó, cần thận trọng khi dùng thuốc ở người có bệnh phổi mạn tính, khó thở hoặc thở ngắn;
    • Thuốc Clorpheniramin có thể gây sâu răng ở người bệnh phải dùng thuốc trong thời gian dài (do tác dụng chống tiết acetylcholin gây khô miệng);
    • Tránh dùng thuốc Clorpheniramin cho người đang lái xe hoặc vận hành máy móc;
    • Tránh dùng thuốc Clorpheniramin ở người bị tăng nhãn áp;
    • Dùng thuốc Clorpheniramin thận trọng ở người cao tuổi (trên 60 tuổi) vì nhóm bệnh nhân này thường tăng nhạy cảm với tác dụng chống tiết acetylcholin của thuốc.
  • Thận trọng khác: Không dùng thuốc Tanarhunamol ở phụ nữ đang có thai và cho con bú. Đồng thời, vì có khả năng gây buồn ngủ nên cần tránh dùng thuốc khi đang lái xe, vận hành máy móc.

5. Tương tác thuốc Tanarhunamol

Các tương tác thuốc của Tanarhunamol liên quan tới từng thành phần có trong thuốc. Cụ thể:

  • Liên quan đến Paracetamol:
    • Uống Paracetamol dài ngày với liều cao sẽ làm tăng nhẹ tác dụng chống đông của thuốc coumarin và dẫn chất indandion;
    • Cần lưu ý tới khả năng gây hạ sốt nghiêm trọng ở bệnh nhân đang dùng đồng thời phenothiazin với các liệu pháp hạ nhiệt;
    • Uống rượu dài ngày và quá nhiều có thể tăng nguy cơ Paracetamol gây độc cho gan;
    • Các thuốc chống co giật (như carbamazepin, barbiturat, phenytoin,...) gây cảm ứng enzyme ở microsom thể gan, có thể tăng tính độc gan của Paracetamol do làm tăng chuyển hóa thuốc thành các chất có thể gây độc cho gan;
    • Sử dụng đồng thời Paracetamol với isoniazid có thể làm tăng thêm nguy cơ gây độc ở gan;
  • Liên quan đến Dextromethorphan:
    • Tránh sử dụng đồng thời Dextromethorphan với các thuốc ức chế MAO;
    • Sử dụng đồng thời Dextromethorphan với các thuốc ức chế thần kinh trung ương có thể làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương của Dextromethorphan và các thuốc trên;
    • Quinidin ức chế cytochrom P450 2D6, có thể làm giảm chuyển hóa của Dextromethorphan ở gan, làm tăng nồng độ của chất này trong huyết thanh, tăng tác dụng phụ của Dextromethorphan;
  • Liên quan đến Clorpheniramin:
    • Các thuốc ức chế MAO làm kéo dài, tăng tác dụng chống tiết acetylcholin của thuốc kháng histamin (Clorpheniramin);
    • Ethanol hoặc các thuốc an thần gây ngủ có thể làm tăng tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương của thuốc Clorpheniramin;
    • Clorpheniramin ức chế chuyển hóa phenytoin, có thể dẫn tới tình trạng ngộ độc phenytoin.

Khi được chỉ định sử dụng thuốc Tanarhunamol, bệnh nhân nên phối hợp với mọi hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất và tránh được những sự cố khó lường.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

433 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan