Công dụng thuốc Stadmazol

Viêm âm đạo có nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau, một trong số đó là do nhiễm nấm Candida. Trường hợp này có thể sử dụng thuốc Stadmazol đặt âm đạo để tăng hiệu quả điều trị. Vậy Stadmazol là thuốc gì và cần sử dụng như thế nào?

1. Stadmazol là thuốc gì?

Thuốc Stadmazol là sản phẩm của Công Ty TNHH LD STADA (Việt Nam) với thành phần chính là hoạt chất Clotrimazole hàm lượng 100mg. Thuốc Stadmazol được sử dụng chủ yếu trong điều trị bệnh lý viêm âm đạo do nấm Candida.

Dạng bào chế của thuốc Stadmazol là viên nén đặt âm đạo, quy cách đóng gói dạng hộp 1 vỉ x 6 viên và lưu hành tại Việt Nam với SĐK VD-24576-16.

Hoạt chất Clotrimazole trong thuốc Stadmazol là một dẫn xuất Imidazol với hoạt tính kháng nấm phổ rộng. Cơ chế kháng nấm của Clotrimazole là ức chế quá trình tổng hợp Ergosterol, từ đó làm suy yếu chức năng và cấu trúc màng tế bào của vi nấm. Hoạt tính kháng nấm phổ rộng của Clotrimazole trên nghiên cứu in vitro và in vivo cho thấy hiệu quả với các loại nấm ngoài da, nấm men và nấm mốc...

Tác dụng của thuốc Stadmazol vừa giúp kìm hãm sự phát triển vừa tiêu diệt vi nấm phụ thuộc vào nồng độ của Clotrimazole tại vị trí nhiễm nấm. tu nhiệt hoạt tính trên in vitro của Stadmazol có thể bị hạn chế bởi môi trường sinh trưởng của nấm, đồng thời mức độ nhạy cảm của các bào tử nấm với hoạt chất này cũng không cao.

Một số biến thể của vi nấm nhạy cảm có khả năng đề kháng nguyên phát với Clotrimazole, tut nhiên tỷ lệ rất hiếm. Trong khi đó tình trạng đề kháng thứ phát phát triển ở các chủng nấm nhạy cảm chỉ được ghi nhận ở một số trường hợp cá biệt trong quá trình điều trị.

Dược động học của thuốc Stadmazol:

  • Các nghiên cứu dược động khi sử dụng thuốc Stadmazol ở đường âm đạo cho thấy chỉ một lượng nhỏ Clotrimazol (khoảng 3-10% liều dùng) được hấp thu toàn thân;
  • Tuy nhiên lượng Clotrimazol được hấp thu này sẽ nhanh chóng được chuyển hóa qua gan thành chất chuyển hóa không có hoạt tính dược lý, do đó nồng độ đỉnh trong huyết tương của Clotrimazole khi sử dụng liều 500mg đặt âm đạo chỉ đạt dưới 10ng/ml. Điều này chứng tỏ thuốc Stadmazol dùng đường âm đạo không gây tác dụng toàn thân đáng kể hoặc hạn chế các tác dụng phụ của Clotrimazole.

2. Chỉ định, chống chỉ định của thuốc Stadmazol

Thuốc Stadmazol được chỉ định sử dụng chủ yếu cho những bệnh nhân viêm âm đạo do nấm Candida.

Tuy nhiên, những trường hợp có cơ địa hoặc tiền sử xảy ra quá mẫn với Clotrimazole hoặc bất kỳ thành phần tá dược nào của thuốc Stadmazol thì chống chỉ định sử dụng.

3. Liều dùng, cách dùng thuốc Stadmazol

Cách dùng thuốc Stadmazol:

  • Bệnh nhân cần đặt viên Stadmazol càng vào sâu âm đạo càng tốt, tốt nhất là đặt ở tư thế nằm ngửa với đầu gối hơi gập;
  • Bệnh nhân nên chọn thời điểm thích hợp để đặt âm đạo thuốc Stadmazol, cần tránh thời điểm hành kinh nguyệt và phải kết thúc quá trình điều trị trước khi có kinh nguyệt;
  • Một số trường hợp đặc biệt sau khi đặt âm đạo mà viên thuốc Stadmazol không rã như âm đạo khô do mãn kinh, sẽ được bác sĩ khuyến cáo dùng Clotrimazole dưới dạng kem bôi âm đạo;
  • Lưu ý để tăng hiệu quả điều trị viêm âm đạo bằng thuốc Stadmazol, bác sĩ khuyến cáo phải điều trị đồng thời viêm quy bao đầu ở bạn tình nam.

Liều dùng của thuốc Stadmazol:

  • Nhiễm nấm Candida âm đạo lần đầu: Thông thường, phác đồ điều trị viêm âm đạo do nấm Candida là mỗi ngày đặt 2 viên thuốc Stadmazol vào buổi tối trong 3 đêm liên tiếp;
  • Tái nhiễm nấm Candida âm đạo: Thông thường, liệu trình điều trị cần 6 ngày, mỗi ngày đặt 1 viên thuốc Stadmazol vào mỗi buổi tối. Một số trường hợp cần thiết có thể đặt 2 viên Stadmazol mỗi ngày, chia 2 lần sáng và tối và có thể đặt liên tục trong thời gian 6 - 12 ngày.

Lưu ý: Liều dùng trên của thuốc Stadmazol chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể ở mỗi người bệnh sẽ phụ thuộc vào thể trạng và mức độ viêm âm đạo. Do đó, để có liều dùng phù hợp bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.

Trong trường hợp vô tình uống thuốc Stadmazol, bệnh nhân có thể được xử trí bằng các biện pháp thông thường như rửa dạ dày khi các triệu chứng lâm sàng của quá liều Clotrimazole biểu hiện rõ ràng (bao gồm hoa mắt, buồn nôn hoặc nôn ói). Một vấn đề quan trọng là chỉ nên thực hiện rửa dạ dày cho bệnh nhân khi đường thở đã được bảo vệ tốt.

Trường hợp bệnh nhân quên một liều thuốc Stadmazol thì hãy dùng bù lại càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần đến thời điểm dùng liều Stadmazol kế tiếp thì hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch.

4. Tác dụng phụ của thuốc Stadmazol

Khi sử dụng thuốc Stadmazol 100mg, bệnh nhân có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR) sau đây:

  • Tác dụng phụ ít gặp của thuốc Stadmazol (1/1000 < ADR < 1/100): Nóng rát nhẹ.
  • Tác dụng phụ hiếm gặp của thuốc Stadmazol (1/10.000 ≤ ADR < 1/1000): Ngứa và kích ứng âm hộ khi đặt thuốc.

5. Thận trọng khi sử dụng thuốc Stadmazol

  • Không được uống thuốc Stadmazol.
  • Trước khi dùng thuốc Stadmazol đặt âm đạo, phải hỏi ý kiến bác sĩ nếu bản thân đang có bất kỳ điều nào dưới đây:
    • Có nhiều hơn 2 lần mắc bệnh viêm âm đạo do Candida trong 6 tháng gần đây;
    • Tiền sử mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc quan hệ với bạn tình bị bệnh lây truyền qua đường tình dục;
    • Phụ nữ đang có thai hoặc phụ nữ đang nghi ngờ có thai;
    • Bệnh nhân dưới 16 tuổi hoặc người trên 60 tuổi;
    • Quá mẫn với thành phần imidazol hoặc các thuốc kháng nấm âm đạo khác.;
    • Chảy máu âm đạo không đều;
    • Chảy máu âm đạo bất thường hoặc xuất tiết dịch có vết máu;
    • Loét âm hộ hoặc âm đạo, xuất hiện bóng nước hoặc vết loét;
    • Đau bụng dưới hoặc khó bài niệu;
    • Bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc Stadmazol như đỏ bừng, kích ứng hoặc sưng tấy;
    • Sốt hoặc ớn lạnh;
    • Buồn nôn hoặc nôn;
    • Tiêu chảy;
    • Dịch tiết âm đạo có mùi hôi.
  • Bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu triệu chứng bệnh không giảm trong vòng 1 tuần sử dụng viên đặt thuốc Stadmazol. Có thể dùng lại viên đặt thuốc Stadmazol nếu tái nhiễm Candida sau 7 ngày. Tuy nhiên, nếu tái nhiễm Candida hơn 2 lần trong vòng 6 tháng, người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ;
  • Thuốc Stadmazol có thể làm hư bao cao su tránh thai, từ đó làm giảm hiệu quả tránh thai. Nhân viên y tế nên khuyên bệnh nhân dùng sang các cách phòng ngừa khác trong ít nhất 5 ngày sau khi dùng thuốc Stadmazol;
  • Khả năng lái xe và vận hành máy móc: thuốc Stadmazol không ảnh hưởng hoặc gây ra những ảnh hưởng không đáng kể đến khả năng lái xe và vận hành máy móc;
  • Thời kỳ mang thai: Chưa có các nghiên cứu rõ ràng và đầy đủ về việc dùng thuốc Stadmazol ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu. Thuốc Stadmazol chỉ dùng cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu khi có chỉ định rõ ràng của bác sĩ. Trong thai kỳ viên đặt âm đạo có thể được chỉ định sử dụng nhưng không được dùng đến các dụng cụ đặt thuốc;
  • Thời kỳ cho con bú: Chưa biết thuốc Stadmazol có bài tiết vào sữa mẹ hay không, vì vậy cần thận trọng khi dùng các thuốc chứa clotrimazol cho phụ nữ đang cho con bú.

6. Tương tác thuốc của thuốc Stadmazol

Dùng đồng thời thuốc Stadmazol đặt âm đạo với thuốc chứa Tacrolimus đường uống (FK-506, thuốc ức chế miễn dịch) có thể làm tăng nồng độ của thuốc Tacrolimus trong huyết thanh. Điều này cũng xảy ra tương tự với Sirolimus. Do đó, bệnh nhân nên được theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng quá liều thuốc Tacrolimus hay Sirolimus nếu cần, bằng cách xác định nồng độ của các thuốc này trong huyết thanh khi điều trị.

Bảo quản thuốc Stadmazol trong bao bì kín, nơi khô, tránh ánh sáng và đảm bảo nhiệt độ không quá 30°C.

Thuốc Stadmazol có thành phần chính là hoạt chất Clotrimazole hàm lượng 100mg. Thuốc Stadmazol được sử dụng chủ yếu trong điều trị bệnh lý viêm âm đạo do nấm Candida.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan