Công dụng thuốc SaViLomef

Thuốc SaViLomef thường được bác sĩ kê đơn sử dụng nhằm khắc phục các tình trạng nhiễm khuẩn mức độ nhẹ cho đến vừa ở người lớn. Nhằm phát huy khả năng chống nhiễm trùng tối ưu, bệnh nhân nên dùng thuốc theo đúng phác đồ đã được thiết lập bởi bác sĩ chuyên khoa.

1. Thuốc SaViLomef là thuốc gì?

SaViLomef thuộc nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn, trong mỗi viên nén SaViLomef có chứa hoạt chất chính là Lomefloxacin (Dạng Lomefloxacin hydroclorid) hàm lượng 400mg. Ngoài ra, sản phẩm còn được bổ sung thêm một số tá dược khác nhằm nâng cao hiệu quả điều trị nhiễm trùng của thuốc.

Hiện nay, thuốc SaViLomef được dùng khi có sự chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân cần tránh tự ý sử dụng dược phẩm nếu chưa được bác sĩ chấp thuận.

2. Thuốc SaViLomef có tác dụng gì?

2.1 Công dụng của hoạt chất Lomefloxacin

Thành phần dược chất Lomefloxacin được biết đến là chất ức chế men Gyrase của các chủng vi khuẩn Gram dương và Gram âm. Khi sử dụng toàn thân, Lomefloxacin có thể gây độc tính cấp và thấp hơn nếu dùng dưới dạng nhỏ mắt.

Theo nghiên cứu cho thấy, Lomefloxacin ngăn chặn các quá trình tạo ADN của vi khuẩn, nhờ đó không cho chúng nhân đôi, sao chép, tái hợp và dịch mã. Mặt khác, Lomefloxacin cũng hình thành nên một phức hợp có độ ổn định cao giữa toàn bộ phân tử men Gyrase A2B2 và Quinolone, khiến chức năng của men vi khuẩn bị hư hỏng và dẫn đến hủy diệt nhanh chóng các chủng nhạy cảm với thuốc. Tuy nhiên, Lomefloxacin có thể xảy ra kháng chéo khi dùng chung với những thuốc kháng sinh thuộc nhóm Quinolone khác.

2.2 Chỉ định và chống chỉ định của thuốc SaViLomef

Đóng vai trò là một loại thuốc kháng sinh diệt khuẩn, SaViLomef có công dụng điều trị hữu ích cho những tình trạng sau:

  • Điều trị tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu có / không có biến chứng.
  • Điều trị đợt cấp trong bệnh viêm phế quản mạn.
  • Điều trị dự phòng nhiễm trùng sau phẫu thuật tiết niệu.

Tuy nhiên, không nên tự ý dùng thuốc SaViLomef cho những đối tượng bệnh nhân dưới đây khi chưa có chỉ định của bác sĩ:

  • Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn hoặc phản ứng dị ứng với hoạt chất Lomefloxacin hay bất kỳ tá dược nào có trong công thức thuốc.
  • Chống chỉ định sử dụng SaViLomef cho những người quá mẫn cảm với kháng sinh thuộc nhóm Quinolone.
  • Chống chỉ định thuốc SaViLomef cho trẻ em chưa đủ 18 tuổi.
  • Chống chỉ định tương đối thuốc SaViLomef cho thai phụ hoặc bà mẹ nuôi con bú.

3. Nên sử dụng thuốc SaViLomef như thế nào cho hiệu quả?

Thuốc SaViLomef được bào chế dưới dạng viên nén dùng bằng đường uống. Do đó, người bệnh nên uống thuốc với cốc nước khoảng 150ml, tránh dùng chung với các đồ uống có gas hoặc chứa chất kích thích như cà phê, bia hay rượu.

Trong suốt quá trình điều trị nhiễm khuẩn bằng SaViLomef, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ liều dùng và tần suất uống thuốc đã được bác sĩ chỉ định. Dưới đây là liều thuốc SaViLomef giúp đẩy lùi các tình trạng nhiễm trùng từ nhẹ - trung bình theo khuyến cáo chung của bác sĩ:

  • Liều dùng hàng ngày: Uống 400mg / lần / ngày. Đối với trường hợp bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu không có biến chứng, bệnh nhân nên uống liều 400mg / lần / ngày liên tục trong vòng 3 ngày. Để điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu có biến chứng, người bệnh cũng uống liều như trên và dùng thuốc liên tục từ 10 – 14 ngày. Đối với điều trị đợt cấp của bệnh viêm phế quản mạn nên dùng thuốc trong vòng 7 – 10 ngày theo liều khuyến cáo thường ngày.
  • Liều dự phòng nguy cơ nhiễm khuẩn hậu phẫu đường tiết niệu: Uống duy nhất liều 400mg trước ca phẫu thuật khoảng 2 – 6 giờ.
  • Liều cho người cao tuổi: Không phải điều chỉnh liều thuốc SaViLomef nếu chức năng thận ở mức bình thường.
  • Liều cho bệnh nhân suy giảm chức năng thận: Cần giảm liều hoặc điều chỉnh liều SaViLomef phù hợp dựa trên độ thanh thải creatinin của bệnh nhân.

Người bệnh cần uống theo đúng liều được bác sĩ chỉ định. Tuyệt đối không tự ý thay đổi liều dùng hoặc kéo dài thời gian sử dụng SaViLomef khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.

4. Thuốc SaViLomef gây ra các tác dụng phụ gì cho người dùng?

Trong một số trường hợp nhất định, việc điều trị bằng thuốc SaViLomef có thể mang lại một số tác dụng phụ bất lợi cho người bệnh, bao gồm:

  • Phản ứng trên hệ thần kinh phó giao cảm: Ngất xỉu, đỏ bừng mặt, khô miệng hoặc tăng tiết mồ hôi.
  • Phản ứng toàn thân: Suy nhược cơ thể, mệt mỏi, phù mặt, đau lưng, đau tức ngực, triệu chứng như cúm, ớn lạnh, nóng ran, phản ứng dị ứng, phù nề, hạ thân nhiệt hoặc sốc phản vệ.
  • Phản ứng trên hệ tim mạch: Tăng huyết áp, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, nhịp tim chậm, suy tim, viêm tĩnh mạch, loạn nhịp tim, ngoại tâm thu, tắc mạch phổi, bệnh cơ tim, rối loạn mạch máu não hoặc tím tái.
  • Phản ứng trên hệ thần kinh ngoại biên và trung ương: Dị cảm, chóng mặt, tăng vận động, run rẩy, co giật, hôn mê hoặc tăng trương lực cơ.
  • Phản ứng trên hệ tiêu hóa: Buồn nôn, nôn ói, khó tiêu, táo bón, đầy hơi, chứng khó nuốt, xuất huyết đường tiêu hóa, viêm đường tiêu hóa, lưỡi đổi màu hoặc viêm miệng.
  • Phản ứng trên hệ huyết học: Bệnh hạch bạch huyết, ban xuất huyết, thiếu máu, tăng tiểu cầu, tăng phân hủy sợi Fibrin hoặc giảm tiểu cầu.
  • Phản ứng trên thính giác: Ù tai hoặc đau nhức tai.
  • Phản ứng trên gan: Rối loạn chức năng gan hoặc tăng / giảm men gan bất thường.

Nếu bắt gặp bất kỳ triệu chứng nào được đề cập ở trên trong quá trình sử dụng thuốc SaViLomef, bạn nên ngừng điều trị và báo cho bác sĩ sớm để có biện pháp khắc phục. Việc xử lý kịp thời các tác dụng phụ ngoại ý do thuốc SaViLomef gây ra sẽ giúp ngăn chặn được những biến chứng nguy hiểm khác.

5. Cần lưu ý và thận trọng điều gì khi sử dụng thuốc SaViLomef?

Trước và trong thời gian điều trị nhiễm khuẩn với thuốc SaViLomef, bệnh nhân cần lưu ý kỹ một số điều dưới đây để đảm bảo an toàn và đạt kết quả trị liệu tối ưu nhất:

  • Dùng dài hạn với kháng sinh SaViLomef có thể làm tăng khả năng bội nhiễm nấm hoặc thúc đẩy sự tăng sinh của những chủng vi khuẩn kém nhạy cảm với thuốc.
  • Một số trường hợp, SaViLomef có thể dẫn đến hiện tượng tăng nhạy cảm của da khi tiếp xúc với ánh sáng. Vì vậy, bệnh nhân cần bảo vệ da kỹ lưỡng khi ra ngoài hoặc hạn chế tiếp xúc quá thường xuyên với bức xạ cực tím.
  • Tránh mang kính áp tròng trong thời gian mắt bị nhiễm khuẩn.
  • Thận trọng khi sử dụng SaViLomef đường uống cho người có chức năng gan / thận kém.
  • Phụ nữ có thai hoặc bà mẹ đang nuôi con bú cần tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định sử dụng SaViLomef nhằm tránh nguy cơ gây hại cho thai nhi cũng như trẻ sơ sinh.
  • Thuốc SaViLomef có thể gây cảm giác nhức đầu, chóng mặt, choáng váng,... vì vậy bệnh nhân cần thận trọng trong lúc lái xe hay vận hành một số thiết bị máy móc nặng.
  • Kiểm tra kỹ thành phần của thuốc SaViLomef trước khi dùng nhằm tránh nguy cơ xảy ra phản ứng dị ứng với các hoạt chất trong sản phẩm.
  • Nếu thuốc đã quá hạn hoặc viên thuốc có dấu hiệu hư hỏng, bệnh nhân nên ngưng sử dụng và loại bỏ thuốc theo đúng hướng dẫn.
  • Để thuốc tránh xa tầm với của trẻ em, bảo quản SaViLomef tại nơi khô thoáng, tránh ánh sáng trực tiếp hoặc khu vực có độ ẩm cao.
  • Báo cho bác sĩ danh sách tất cả các loại dược phẩm khác bạn đang sử dụng, trong đó bao gồm cả vitamin, viên uống tăng cường hệ miễn dịch, thực phẩm chức năng hoặc thảo dược thiên nhiên. Điều này sẽ giúp phòng ngừa khả năng xảy ra phản ứng tương tác bất lợi giữa SaViLomef với các thuốc khác.

Hy vọng với những chia sẻ về thuốc SaViLomef sẽ giúp người bệnh hiểu rõ về cách dùng thuốc cũng như nên sử dụng như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan