Công dụng thuốc Sampovit

Thuốc Sampovit có thành phần chính là Cefoxitin hàm lượng 1 g, thuộc nhóm kháng sinh Cephalosporin thế hệ 2. Sampovit công dụng trong điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn phụ khoa, đường hô hấp dưới... Tìm hiểu các thông tin cơ bản về thành phần, cách sử dụng, liều dùng và tác dụng phụ của thuốc Sampovit sẽ mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh.

1. Sampovit là thuốc gì?

Thuốc Sampovit được bào chế dưới dạng bột pha tiêm, với thành phần chính bao gồm:

  • Hoạt chất: Cefoxitin (dạng Cefoxitin sodium) hàm lượng 1g.
  • Tá dược: Vừa đủ 1 lọ 1g.

Cơ chế tác dụng

Cefoxitin sodium thuộc nhóm kháng sinh Cephalosporin thế hệ thứ hai, là một kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn thông qua việc ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn bằng cách liên kết với một hay nhiều Protein liên kết với penicilin (PBP). Qua đó, ức chế bước Transpeptid hóa cuối cùng của quá trình tổng hợp Peptidoglycan của thành tế bào vi khuẩn.

Cuối cùng, vi khuẩn gây bệnh bị ly giải do hoạt động liên tục của các Enzyme phân giải thành tế bào là Autolysin và Murein hydrolase, trong khi quá trình lắp ráp thành tế bào bị ức chế. Cefoxitin sodium hoạt động chống lại nhiều loại vi khuẩn Gram âm gồm cả vi khuẩn kỵ khí. Ngoài ra, Cefoxitin sodium có mức độ ổn định cao khi có mặt của các beta-lactamase, cả Cephalosporinase và Penicillinase của vi khuẩn Gram âm.

Phổ kháng khuẩn của Cefoxitin sodium bao gồm:

  • Vi khuẩn hiếu khí: Cầu khuẩn Gram dương gồm Staphylococci, tụ cầu beta tán huyết nhóm A, tụ cầu beta tán huyết nhóm B, Streptococcus pneumoniae... Cầu khuẩn Gram âm gồm Neisseria gonorrhoeae, Neisseria meningitidis... Trực khuẩn Gram âm gồm Escherichia coli, Proteus mirabilis, Klebsiella pneumoniae, Morganella morganii, Serratia marcescens...
  • Vi khuẩn kỵ khí: Cầu khuẩn Gram dương gồm Peptostreptococcus spp, Peptococcus spp... Trực khuẩn Gram dương gồm Clostridium perfringens, Eubacterium spp, Propionibacterium acnes... Cầu khuẩn Gram âm, trực khuẩn Gram âm gồm Bacteroides fragilis, Bacteroides melaninogenicus, Fusobacterium spp...

2. Thuốc Sampovit có tác dụng gì?

Thuốc Sampovit được chỉ định điều trị cho các trường hợp sau:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp dưới gặp trong viêm phổi, áp xe phổi...
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Nhiễm trùng ổ bụng như viêm túi mật, áp xe ổ bụng...
  • Nhiễm trùng phụ khoa, bệnh viêm tiểu khung, viêm nội mạc tử cung...
  • Nhiễm trùng huyết.
  • Nhiễm trùng tại cơ xương khớp.
  • Nhiễm trùng ở da và mô mềm.
  • Bệnh lậu.
  • Dự phòng nhiễm trùng liên quan đến phẫu thuật.

3. Chống chỉ định của thuốc Sampovit

  • Dị ứng, quá mẫn với bất cứ thành phần của thuốc Sampovit, các thuốc kháng sinh khác có chứa Cefoxitin, kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin nói chung và Cephalosporin thế hệ thứ 2 nói riêng.
  • Thuốc cũng chống chỉ định ở bệnh nhân dị ứng, quá mẫn với các kháng sinh như Penicillin, Monobactam và Carbapenems.

4. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Sampovit

Thuốc Sampovit được sử dụng bằng đường tiêm bắp, tiêm hoặc truyền tĩnh mạch:

  • Tiêm bắp: Pha 1 lọ Sampovit 1g với 2ml nước cất hoặc dung dịch Lidocain 0,5% hay 1% lắc kỹ để có nồng độ khoảng 400mg/ml.
  • Tiêm tĩnh mạch: Pha 1 lọ Sampovit 1g với 10ml hoặc 2 lọ (2g) với 10 – 20ml nước cất pha tiêm để đạt nồng độ 95 hoặc 180mg/ml, tiêm tĩnh mạch chậm trong 3 - 5 phút.
  • Truyền tĩnh mạch: Pha 1 lọ Sampovit 1g với 10ml hoặc 2 lọ (2g) với 10 – 20ml nước cất tiêm, NaCl 0,9%, Dextrose 5% để đạt nồng độ 95 – 180mg/ml. Sau đó, pha loãng dung dịch trên với 50 – 1000ml dung môi như NaCl 0,9%, Dextrose 5%, Ringer lactate...

Liều dùng ở người lớn, trẻ em ≥ 12 tuổi, người ≥ 40 kg:

  • Liều thông thường: Tiêm truyền 1 – 2g mỗi 6 – 8 giờ.
  • Liều cho từng trường hợp nhiễm khuẩn:
Nhiễm khuẩn Liều và đường dùng
Viêm phổi, đường tiết niệu, da hoặc mô mềm (không biến chứng Tiêm tĩnh mạch 1g mỗi 6 – 8 giờ
Mức độ trung bình đến nặng Tiêm tĩnh mạch 1g mỗi 4 giờ, hoặc 2 g mỗi 6 – 8 giờ
Cần dùng liều cao Tiêm tĩnh mạch 2g mỗi 4 giờ, hoặc 3g mỗi 6 giờ
Lậu không biến chứng Tiêm tĩnh mạch 2g liều duy nhất kèm uống 1g Probenecid
Vùng chậu Tiêm tĩnh mạch 2g mỗi 6 giờ + Doxycyclin 100mg x 2 lần/ngày (uống hoặc tiêm tĩnh mạch)
Dự phòng trong phẫu thuật Tiêm tĩnh mạch 2g trong 60 phút trước phẫu thuật.

Liều dùng cho trẻ em < 12 tuổi:

  • Trẻ từ 0 – 1 tuần tuổi: 20 – 40mg/kg mỗi 12 giờ.
  • Trẻ từ 1 – 4 tuần tuổi: 20 – 40mg/kg mỗi 8 giờ.
  • Trẻ > 4 tuần tuổi: 20 – 40mg/kg mỗi 6 - 8 giờ.
  • Trường hợp nhiễm khuẩn nặng: Tăng liều hàng ngày lên 200mg/kg, liều tối đa là 12g/ngày.

Bệnh nhân suy giảm chức thận:

Sử dụng liều dựa trên hệ số thanh thải Creatinin (CrCl)

  • Liều CrCl 30 - 50ml/phút: 1 – 2g mỗi 8 – 12 giờ.
  • Liều CrCl 10 - 29ml/phút: 1 – 2g mỗi 12 – 24 giờ.
  • Liều CrCl 5 - 9ml/phút: 0,5 – 1g mỗi 12 – 24 giờ.
  • Liều CrCl < 5ml/phút: 0,5 – 1g mỗi 24 – 48 giờ.

5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Sampovit

Điều trị bằng thuốc Sampovit với liều cao hoặc kéo dài, có thể gây ra các tác dụng phụ như:

  • Phản ứng tại chỗ: Viêm tĩnh mạch huyết khối khi dùng đường tiêm tĩnh mạch.
  • Phản ứng dị ứng: Phát ban gồm cả viêm da tróc vảy hay hoại tử biểu bì nhiễm độc, mày đay, đỏ mặt, sốt, khó thở, phù mạch, nặng có thể bị sốc phản vệ.
  • Tim mạch: Hạ huyết áp.
  • Thần kinh: Đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, mất ngủ, buồn ngủ.
  • Rối loạn tiêu hóa: Chán ăn, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, viêm đại tràng giả mạc.
  • Thần kinh cơ: Nhược cơ kinh niên.
  • Huyết học: Tăng bạch cầu ưa Acid, giảm bạch cầu gồm giảm bạch cầu hạt, giảm bạch cầu trung tính, thiếu máu tan huyết, giảm tiểu cầu, suy tủy xương.
  • Gan mật: Tăng thoáng qua AST, ALT, LDH huyết thanh, Phosphatase kiềm huyết thanh, vàng da.
  • Thận tiết niệu: Suy thận cấp.

Việc điều trị bằng thuốc Sampovit thường được thực tại cơ sở y tế đạt đủ cơ sở vật chất. Do đó, trong quá trình điều trị bệnh nhân, người nhà và đặc biệt là nhân viên y tế cần chú ý, theo dõi sát việc sử dụng thuốc Sampovit để kịp thời phát hiện, xử trí những tác dụng phụ hoặc bất kỳ các bất thường khác.

Thận trọng khi dùng thuốc Sampovit ở các đối tượng sau:

  • Thận trọng khi dùng thuốc Sampovit ở trẻ em dưới 3 tháng tuổi, người cao tuổi, bệnh nhân có tiền sử hoặc đang mắc các bệnh lý trên đường tiêu hóa như viêm đại tràng, bệnh nhân suy giảm chức năng gan thận nặng, bệnh nhân suy dinh dưỡng hoặc đang trong tình trạng suy nhược.
  • Phụ nữ có thai: Theo phân loại của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) hoạt chất Cefoxitin trong thuốc Sampovit thuộc nhóm B, nhóm ít bằng chứng về nguy cơ cho thai nhi khi dùng ở phụ nữ có thai. Vì thế, nên cân nhắc sử dụng Sampovit trong thai kỳ trừ những trường hợp thật sự cần thiết.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Hiện nay có một vài nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt chất Cefoxitin sodium có trong Sampovit có thể bài tiết qua sữa mẹ, nhưng với nồng độ thấp và cũng chưa có nhiều bằng chứng về tác dụng có hại của Cefoxitin sodium cho trẻ sơ sinh. Do vậy, cần thận trọng khi dùng Sampovit trên đối tượng này.
  • Người làm nghề lái xe hay công nhân vận hành máy móc có thể gặp dấu hiệu như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, mất ngủ, buồn ngủ...sau khi sử dụng thuốc Sampovit.

6. Tương tác thuốc Sampovit

Tương tác với các thuốc khác:

Trên đây là những thông tin khái quát về thành phần, chỉ định, chống chỉ định, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Sampovit. Sampovit là thuốc kê đơn dùng theo chỉ định và giám sát của bác sĩ, nhân viên y tế, vì vậy bệnh nhân tuyệt đối không tự ý sử dụng để tránh tai biến xảy ra.

21 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan