Công dụng thuốc Sagomec

Sagomec là 1 thuốc kháng Histamin được dùng với tác dụng chính là giảm chóng mặt, buồn nôn do các nguyên nhân như say tàu xe và bệnh ảnh hưởng tới tiền đình. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về thông tin của thuốc Sagomec trong bài viết dưới đây.

1. Thuốc Sagomec có tác dụng gì?

Thành phần của thuốc Sagomec là Meclizin hydroclorid 25mg, bào chế dạng viên nén.

Meclizne là 1 loại thuốc kháng histamine thế hệ đầu tiên. Cơ chế chính xác của Meclizine vẫn chưa được biết đến. Tuy nhiên, hiện nay hoạt chất này được cho là có liên quan đến sự đối kháng thụ thể histamine H1, dẫn đến tác dụng gây ra co mạch, làm giảm tính thấm của mạch máu, ức chế co thắt cơ phế quản và cơ trơn dạ dày.

Ngoài ra, hoạt chất Meclizine còn có tác dụng kháng Cholinergic, nhờ vào cả 2 tác động này của thuốc mà giúp làm giảm kích thích từ hệ thống tiền đình ốc tai đến trung tâm gây nôn ở hành não, từ đó ức chế cảm giác buồn nôn và nôn.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Sagomec

Chỉ định:

  • Thuốc Sagomec được sử dụng để giúp ngăn ngừa và điều trị buồn nôn, nôn và chóng mặt do say tàu xe. Thuốc sẽ có hiệu quả tối ưu nếu được sử dụng trước khi các triệu chứng này xuất hiện.
  • Điều trị chóng mặt liên quan đến bệnh lý gây ảnh hưởng đến hệ thống tiền đình như viêm mê nhĩbệnh Meniere.

Chống chỉ định:

  • Không nên dùng Sagomec nếu như bạn bị dị ứng với Meclizine hay thành phần tá dược của thuốc.
  • Thuốc Sagomec không nên dùng cho những trẻ dưới 12 tuổi.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Sagomec

Cách dùng: Thuốc Sagomec được dùng bằng đường uống. Với người bị say tàu xe thì nên uống Sagomec trước khi lên xe 30 đến 60 phút.

Liều dùng tham khảo:

  • Liều dùng thông thường khi bị buồn nôn hay nôn mửa: Bạn dùng với liều 25-50mg/ lần/ ngày.
  • Liều dùng thông thường khi bị chóng mặt: Bạn dùng với liều 25mg/ lần từ 1-4 lần/ ngày hoặc 50mg/ 2 lần/ ngày.
  • Liều dùng thông thường cho người lớn bị say tàu xe: Dùng 25-50mg/ lần/ ngày. Bạn nên uống Sagomec 1 giờ trước chuyến đi và có thể tiếp tục dùng trong suốt hành trình. Tuy nhiên, không được dùng vượt quá 50mg trong 24 giờ.

4. Tác dụng phụ của thuốc Sagomec

Khi dùng thuốc Sagomec, bạn có thể gặp phải tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Buồn ngủ hoặc mệt mỏi và khô miệng.
  • Khác: Nhìn mờ, phản ứng phản vệ, nôn, nhức đầu, táo bón, bí tiểu, cơn tăng nhãn áp cấp, tăng tiết dịch đường hô hấp.

Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Sagomec và thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.

5. Những điều cần lưu ý khi dùng thuốc Sagomac

  • Trước khi sử dụng thuốc Sagomec, bạn cho bác sĩ biết nếu bị bệnh gan, thận, hen suyễn, tăng nhãn áp, phì đại tuyến tiền liệt hoặc gặp các vấn đề về đi tiểu.
  • Thuốc Sagomec có thể làm giảm khả năng suy nghĩ hoặc phản ứng của bạn. Hãy cẩn thận khi dùng thuốc nếu như bạn lái xe hoặc làm 1 điều gì cần phải tập trung.
  • Uống rượu đồng thời với thuốc Sagomec có thể làm tăng các tác dụng phụ nhất định. Tốt nhất nên tránh việc uống rượu cùng với dùng thuốc Sagomec.
  • Đối với phụ nữ mang thai: Do thuốc Sagomec được phân nhóm B với thai kỳ, nên thận trọng khi sử dụng.
  • Đối với phụ nữ cho con bú: Do có thể ức chế sự bài tiết sữa và 1 lượng nhỏ thuốc được phân phối vào sữa. Sagomec cũng có khả năng gây ra các tác dụng phụ lên hệ thần kinh trung ương ở những trẻ bú mẹ, nên không sử dụng thuốc này cho phụ nữ cho con bú.
  • Tương tác thuốc: Một số sản phẩm gây tương tác với Sagomec như thuốc an thần, thuốc giảm đau, thuốc ngủ, thuốc giãn cơ, thuốc trầm cảm hoặc thuốc lo âu...
  • Bảo quản thuốc trong bao bì kín, nhiệt độ phòng. Không dùng khi quá hạn và có dấu hiệu hư hỏng.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Sagomec, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Sagomec điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

67 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan