Công dụng thuốc Sagadinir

Thuốc Sagadinir có hoạt chất chính là Cefdinir, một kháng sinh nhóm Cephalosporin. Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Thuốc thường được chỉ định trong điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn hô hấp và tiết niệu.

1. Thuốc Sagadinir là thuốc gì?

Thuốc Sagadinir là một kháng sinh nhóm Cephalosporin. Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn bằng cách liên kết với một hoặc nhiều protein gắn kết với Penicillin (PBP), do đó ức chế bước Transpeptid hóa cuối cùng của quá trình tổng hợp Peptidoglycan trong thành tế bào vi khuẩn, từ đó ức chế sinh tổng hợp thành tế bào. Vi khuẩn cuối cùng bị ly giải do hoạt động liên tục của các enzyme tự phân giải thành tế bào (autolysin và murein hydrolase).

Nồng độ tối đa của Cefdinir trong huyết tương sau 2 – 4 giờ uống thuốc. Sinh khả dụng dự đoán của thuốc đạt khoảng 21% sau khi dùng liều 300mg. Khoảng 60% - 70% hàm lượng thuốc Cefdinir liên kết với protein huyết tương và sự gắn kết này không phụ thuộc vào nồng độ thuốc. Cefdinir chuyển hóa không đáng kể và được thải trừ chủ yếu qua thận. Thời gian bán thải trung bình của thuốc là khoảng 1,7 giờ.

2. Công dụng và liều dùng của thuốc Sagadinir là gì?

Điều trị viêm tai giữa cấp tính:

  • Uống: 300 mg x 2 lần/ngày hoặc 600 mg x 1 lần ngày; thời gian điều trị từ 5 đến 7 ngày (nhiễm trùng nhẹ đến trung bình) hoặc 10 ngày (nhiễm trùng nặng)

Nhiễm trùng đường tiết niệu (chỉ định khi không thể sử dụng thuốc đầu tay):

  • Viêm bàng quang, viêm bàng quang đơn giản cấp tính không biến chứng (nhiễm trùng giới hạn ở bàng quang mà không có dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiểu trên, tuyến tiền liệt hoặc toàn thân): Uống 300mg x 2 lần / ngày trong 5 đến 7 ngày;
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu, phức tạp (bao gồm cả viêm bể thận): Uống 300mg x 2 lần / ngày trong 10 đến 14 ngày. Lưu ý: Liệu pháp beta-lactam đường uống nói chung phải tuân theo sau liệu pháp đường tiêm thích hợp.

Viêm họng do liên cầu, nhóm A:

  • Lưu ý: Để tránh sự phát triển của kháng thuốc, các Cephalosporin phổ hẹp hơn (ví dụ, Cephalexin hoặc Cefadroxil) được ưu tiên khi có thể. Liều khuyến cáo là uống 300mg x 2 lần/ngày trong 5 đến 10 ngày hoặc 600mg x 1 lần/ngày trong 10 ngày.

3. Tác dụng phụ của thuốc Sagadinir

Tần suất > 10%:

  • Tiêu hóa: Tiêu chảy.

Tần suất 1 đến 10%:

  • Da liễu: Phát ban da;
  • Nội tiết và chuyển hóa: Giảm bicarbonate huyết thanh, tăng gamma-glutamyl transferase, tăng lactate dehydrogenase;
  • Tiêu hóa: Đau bụng, buồn nôn, nôn;
  • Tiết niệu: Tăng protein niệu, đái máu vi thể, viêm âm đạo, nhiễm nấm Candida âm hộ;
  • Huyết học: Tăng bạch cầu ái toan, rối loạn bạch cầu (tăng hoặc giảm bạch cầu đa nhân trung tính), bạch cầu niệu, tăng lympho bào, tăng tiểu cầu;
  • Gan: Tăng phosphatase kiềm trong huyết thanh;
  • Hệ thần kinh: Nhức đầu.

Tần suất <1%:

  • Da liễu: Nhiễm nấm Candida ở da, ban dát sẩn, ngứa;
  • Nội tiết và chuyển hóa: Giảm calci huyết thanh, giảm phosphat huyết thanh, đường niệu, tăng glucose huyết thanh, tăng phosphat huyết thanh, tăng kali huyết thanh;
  • Tiêu hóa: Chán ăn, buồn nôn, táo bón, khó tiêu, đầy hơi;
  • Huyết học: Giảm hematocrit, giảm hemoglobin, giảm số lượng bạch cầu, tăng bạch cầu đơn nhân;
  • Gan: Tăng alanine aminotransferase huyết thanh, tăng aspartat aminotransferase huyết thanh, tăng bilirubin huyết thanh;
  • Hệ thần kinh trung ương: Chóng mặt, buồn ngủ hoặc mất ngủ;
  • Cơ xương khớp: Suy nhược;
  • Thận: Thay đổi trọng lượng riêng của nước tiểu, tăng nitơ urê máu, tăng pH nước tiểu.

4. Lưu ý khi dùng thuốc Sagadinir

  • Bội nhiễm nấm, vi khuẩn khi dùng Cefdinir kéo dài;
  • Viêm đại tràng: Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân có tiền sử viêm đại tràng;
  • Suy thận: Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân suy thận (CrCl <30 mL/p); điều chỉnh liều lượng theo chức năng thận;
  • Các sản phẩm chứa sắt: Các trường hợp phân hơi đỏ đã được báo cáo khi sử dụng đồng thời Cefdinir và các sản phẩm có chứa sắt do sự hình thành của một phức hợp không thể hấp thụ trong đường tiêu hóa;
  • Tác dụng của đáng lưu ý là rối loạn tiêu hóa bao gồm tiêu chảy liên quan đến kháng sinh (có hoặc không có nhiễm Clostridioides difficile), buồn nôn và nôn. Hầu hết các trường hợp này đều nhẹ và tự giới hạn. Tuy nhiên, nhiễm Clostridioides difficile có thể chiếm tới > 20% các trường hợp ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn. Cơ chế là do kháng sinh phá vỡ sự cân bằng của hệ vi sinh vật đường ruột. Thời gian trung bình bệnh nhân gặp phải tác dụng phụ này là 3 đến 18 ngày đối với bệnh nhân người lớn và từ 2 đến 6 ngày đối với bệnh nhân trẻ em;
  • Các phản ứng quá mẫn (tức thì và chậm) bao gồm phát ban trên da cho đến các trường hợp phản vệ hiếm gặp. Các phản ứng có hại trên da nghiêm trọng gồm hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử biểu bì nhiễm độc đã được báo cáo;
  • Phụ nữ mang thai: Không tìm thấy nguy cơ gia tăng các dạng dị tật bẩm sinh sau khi tiếp xúc với cephalosporin trong tam cá nguyệt đầu tiên;
  • Phụ nữ cho con bú: Cefdinir không phát hiện được trong sữa mẹ sau khi dùng một liều cefdinir 600 mg. Nói chung, nếu thuốc kháng sinh có trong sữa mẹ, có thể xảy ra sự thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột liên quan, do vậy cần theo dõi trẻ sơ sinh về các rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như tưa miệng và tiêu chảy.

Nhìn chung, thuốc Sagadinir 300mg là một kháng sinh thường được chỉ định trong nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm tai giữa, viêm họng. Các tác dụng phụ quan trọng cần lưu ý khi sử dụng thuốc là rối loạn tiêu hóa do làm mất căn bằng hệ tạp khuẩn ruột và phản ứng quá mẫn. Khi gặp phải các tác dụng bất thường trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân cần liên hệ với bác sĩ hay dược sĩ để được tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

91 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan