Công dụng thuốc Ridaflex

Ridaflex có thành phần chính Fexofenadine, là thuốc chống dị ứng thế hệ mới - kháng thụ thể histamin H1, được chỉ định trong trường hợp viêm mũi dị ứng, cúm mùa, người bệnh ngứa, nổi mày đay cấp tính, mày đay mãn tính vô căn.

1. Ridaflex là thuốc gì?

Ridaflex có thành phần chính Fexofenadine, là thuốc chống dị ứng thế hệ mới - kháng thụ thể histamin H1, không có tác dụng an thần gây ngủ. Trên động vật thực nghiệm, Ridaflex có tác dụng ức chế sự co phế quản gây nên, do kháng nguyên ở chuột lang nhạy cảm và ức chế sự tiết histamin từ dưỡng bào màng bụng của chuột cống. Thuốc này cũng không vượt qua hàng rào máu-não.

Ridaflex được bào chế dưới dạng viên nén bao phim với hàm lượng mỗi viên 180mg Fexofenadine.

2. Chỉ định sử dụng thuốc Ridaflex

3. Cách sử dụng và liều dùng của Ridaflex

3.1. Cách sử dụng thuốc Ridaflex

  • Thuốc Ridaflex được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, khi uống thuốc cần nuốt trọn viên, không nghiền nát thuốc. Có thể uống cùng hoặc không cùng với thức ăn vì thức ăn không ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ thuốc.
  • Để tránh bỏ quên liều, người bệnh nên uống thuốc Ridaflex vào một thời điểm cố định trong ngày.
  • Trước khi sử dụng thuốc, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.
  • Người bệnh không được tự ý ngưng thuốc hoặc thay đổi liều Ridaflex mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào mới xảy ra trong hoặc sau khi dùng thuốc Ridaflex thì người bệnh cần phải báo ngay cho bác sĩ để xử lý kịp thời.

3.2. Liều sử dụng thuốc Ridaflex

Người lớn

  • Viêm mũi dị ứng: Uống 60mg/ lần x 2 lần/ ngày hoặc uống 180mg/ lần x 1 lần/ ngày.
  • Mày đay mạn tính vô căn: Uống 60mg/ lần x 2 lần/ ngày hoặc uống 180mg/ lần x 1 lần/ ngày.

Trẻ em

Viêm mũi dị ứng:

  • Trẻ em > 12 tuổi: Uống 60mg/ lần x 2 lần/ngày hoặc uống 180mg/ lần x 1 lần/ ngày.
  • Trẻ em từ 2 đến 11 tuổi: Uống 30mg/ lần x 2 lần/ ngày.

Mày đay mạn tính vô căn:

  • Trẻ em từ 12 tuổi trở lên: Uống 60mg/ lần x 2 lần/ ngày hoặc uống 180mg/ lần x 1 lần/ ngày.
  • Trẻ em từ 2 đến 11 tuổi: Uống 30mg/ lần x 2 lần/ ngày.
  • Trẻ em từ 6 tháng tới 2 tuổi: Uống 15mg/ lần x 2 lần/ ngày.
  • Trẻ em từ 2 đến 11 tuổi bị suy thận: Uống 30mg/ lần x 1 lần/ ngày.

Đối tượng khác

  • Người lớn bị suy thận và người già: Bắt đầu dùng từ liều 60mg uống 1 lần/ ngày, sau đó điều chỉnh liều theo chức năng thận.

4. Chống chỉ định của Ridaflex

Không sử dụng Ridaflex ở bệnh nhân có tiền sử dị ứng hay quá mẫn cảm với Fexofenadine hoặc bất kỳ thành phần nào khác của thuốc Ridaflex, người bệnh có tiền sử dị ứng với nhóm thuốc kháng histamin H1.

5. Tác dụng phụ không mong muốn của thuốc Ridaflex

Tác dụng không mong muốn thường gặp là:

  • Hệ thần kinh: Buồn ngủ, chóng mặt, mệt mỏi, đau đầu.
  • Hệ tiêu hóa: Buồn nôn, khó tiêu.
  • Hệ hô hấp: Dễ bị nhiễm virus (cảm, cúm), dễ bị nhiễm khuẩn hô hấp trên, ngứa họng, ho, sốt, viêm xoang.
  • Hệ cơ xương khớp: Đau lưng.
  • Đau bụng trong kỳ kinh nguyệt.

Tác dụng không mong muốn ít gặp là:

  • Rối loạn giấc ngủ, ngủ gặp ác mộng.
  • Khô miệng, đau tức bụng.

Tác dụng không mong muốn hiếm gặp là:

  • Phản ứng phản vệ: Nhẹ thì phát ban, mày đay, ngứa, nặng thì có thể phù mạch, tức ngực, khó thở, phù Quincke.

6. Thận trọng khi sử dụng thuốc Ridaflex

Khi sử dụng thuốc Ridaflex, người bệnh cần lưu ý những thông tin dưới đây:

  • Cần thận trọng và điều chỉnh liều thuốc Ridaflex thích hợp khi dùng cho bệnh nhân có chức năng thận suy giảm và người cao tuổi (trên 65 tuổi) có suy giảm sinh lý chức năng thận.
  • Chưa xác định được độ an toàn và tính hiệu quả của thuốc Ridaflex ở trẻ em dưới 6 tháng tuổi.
  • Cần ngừng Ridaflex ít nhất 24 - 48 giờ trước khi tiến hành các thử nghiệm kháng nguyên tiêm trong da đối với người bệnh.
  • Cẩn trọng khi sử dụng Ridaflex ở người bệnh vẩy nến vì thuốc làm bệnh nặng lên.
  • Vì nguy cơ quá liều và độc tính (kể cả tử vong) ở trẻ em dưới 2 tuổi khi dùng các chế phẩm chứa thuốc kháng histamin, trong đó có cả Ridaflex, cho nên không sử dụng các chế phẩm này ở trẻ em < 2 tuổi.
  • Tránh sử dụng các chế phẩm kết hợp cố định chứa 180mg Ridaflex và 240mg Pseudoephedrine hydrochloride ở bệnh nhân suy thận vì có thể làm tăng nguy cơ tích tụ Pseudoephedrine.
  • Lưu ý với phụ nữ có thai: Hiện nay do chưa có nghiên cứu đầy đủ về sử dụng Ridaflex trên phụ nữ mang thai, do đó chỉ sử dụng Ridaflex cho phụ nữ mang thai khi có chỉ định của bác sĩ với lợi ích cho mẹ vượt trội hơn so với nguy cơ đối với thai nhi.
  • Lưu ý với phụ nữ cho con bú: Hiện nay chưa rõ thuốc Ridaflex có bài tiết qua sữa hay không, mặc dù chưa thấy tác dụng không mong muốn ở trẻ sơ sinh khi bà mẹ cho con bú dùng Ridaflex, nhưng vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ và thận trọng khi dùng Ridaflex cho phụ nữ đang cho con bú.
  • Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc: Ridaflex đã được chứng minh là không có ảnh hưởng đáng kể đến chức năng hệ thần kinh trung ương nên không ảnh hưởng tới đối tượng cần sự tập trung. Tuy nhiên, để xác định những người nhạy cảm có phản ứng quá mẫn với các thành phần của thuốc Ridaflex, cần thận trọng khi dùng thuốc trước khi lái xe, vận hành máy móc hoặc thực hiện các công việc cần sự tập trung cao.

7. Tương tác của thuốc Ridaflex

Khi sử dụng thuốc Ridaflex, người bệnh cần lưu ý để tránh những tương tác thuốc dưới đây:

  • ErythromycinKetoconazol làm tăng nồng độ Ridaflex trong huyết tương nhưng không thay đổi khoảng QT trên điện tâm đồ.
  • Nồng độ Ridaflex có thể bị tăng do các thuốc như Erythromycin, Ketoconazol, Verapamil, các chất ức chế P-glycoprotein.
  • Không dùng đồng thời Ridaflex với các thuốc kháng acid chứa nhôm, magnesi vì sẽ làm giảm hấp thu Ridaflex.
  • Ridaflex có thể làm tăng nồng độ cồn, các chất an thần hệ thần kinh trung ương và chất kháng cholinergic.
  • Ridaflex có thể làm giảm nồng độ các chất ức chế Acetylcholinesterase (ở thần kinh trung ương), Betahistin.
  • Ridaflex có thể bị giảm nồng độ bởi các chất ức chế Acetylcholinesterase (ở thần kinh trung ương), Amphetamin, các chất kháng acid, Rifampin.
  • Nước hoa quả (cam, bưởi, táo) có thể làm giảm đáng kể sinh khả dụng của Ridaflex, do đó tránh dùng Ridaflex với nước hoa quả.
  • Tránh dùng Ridaflex với cồn etylic (rượu) vì sẽ làm tăng nguy cơ an thần (ngủ).
  • Ridaflex có thể làm giảm hiệu quả của Benzyl Penicilloyl polylysine như một tác nhân chẩn đoán.
  • Hiệu quả điều trị của Betahistine, Hyaluronidase có thể giảm khi dùng kết hợp với Ridaflex.
  • Sự bài tiết của Ridaflex có thể được giảm khi kết hợp với Aspartame, Cefotiam, Cefalotin, Tenoxicam. Cefotaxime, Cefdinir, Guanidin.

Trên đây là những thông tin về thuốc Ridaflex. Tuy nhiên người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng thuốc Ridaflex để đạt hiệu quả tốt nhất và hạn chế tác dụng phụ không mong muốn. Lưu ý, Ridaflex là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

35 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan