Công dụng thuốc Rhinathiol

Thuốc Rhinathiol có thành phần hoạt chất chính là Carbocisteine và các loại tá dược khác với lượng vừa đủ. Đây là loại thuốc tác dụng trên đường hô hấp với công dụng điều trị các rối loạn hô hấp có liên quan đến sự tăng tiết hoặc tăng độ nhầy nhớt, hỗ trợ điều trị viêm tai...

1. Thuốc Rhinathiol là thuốc gì?

Thuốc Rhinathiol là thuốc gì? Thuốc Rhinathiol có thành phần hoạt chất chính là Carbocisteine và các loại tá dược khác với lượng vừa đủ. Đây là loại thuốc tác dụng trên đường hô hấp với công dụng điều trị các rối loạn hô hấp có liên quan đến sự tăng tiết hoặc tăng độ nhầy nhớt, hỗ trợ điều trị viêm tai...

Thuốc Rhinathiol được bào chế dưới dạng Siro hay dạng viên nang cứng thích hợp sử dụng theo đường uống trực tiếp.

1.1. Dược lực học của hoạt chất Carbocisteine

Thuốc Rhinathiol làm tiêu nhầy, như Carbocisteine có thể hữu ích đối với những người mắc các bệnh đường hô hấp trong thời gian dài cụ thể như mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

Hoạt chất Carbocisteine hoạt động bằng cách làm cho chất nhầy hay còn gọi là đờm ít dày và dính hơn, từ đó giúp dễ ho ra ngoài hơn.

Người bệnh cần phải dùng thuốc đều đặn hàng ngày và thuốc tác dụng tốt lên nếu bạn bị phổi tắc nghẽn mãn tính ở mức độ vừa hoặc nặng và thường xuyên xuất hiện những đợt cấp bùng phát hoặc diễn biến xấu.

1.2. Dược động học của hoạt chất Carbocisteine

  • Sau khi uống, hoạt chất Carbocisteine được hấp thu nhanh và đạt nồng độ tối đa trong huyết tương sau 2 giờ.
  • Sinh khả dụng kém, dưới 10% liều dùng do được chuyển hóa mạnh và chịu ảnh hưởng khi qua gan lần đầu.
  • Thời gian bán hủy đào thải trung bình khoảng 2 giờ.
  • Hoạt chất Carbocisteine và các chất chuyển hóa chủ yếu được đào thải chủ yếu qua thận.

1.3. Tác dụng của hoạt chất Carbocisteine

Hoạt chất Carbocistein có công dụng làm loãng đờm bằng cách cắt đứt cầu nối disulfures liên kết chéo các chuỗi peptide của mucin, yếu tố làm tăng độ nhớt của dịch tiết. Tính chất này làm giảm độ quánh của chất nhầy, làm thay đổi độ đặc của đờm và giúp người sử dụng thuốc dễ dàng khạc được đờm ra ngoài.

2. Thuốc Rhinathiol công dụng điều trị bệnh gì?

Thuốc Rhinathiol có công dụng trong điều trị bệnh lý như sau:

  • Điều trị các rối loạn hô hấp có liên quan đến sự tăng tiết hoặc tăng độ nhầy nhớt như viêm phế quản cấp tính hay mạn tính, giãn phế quản, viêm phế quản dạng hen suyễn hay khí phế quản thủng.
  • Hỗ trợ điều trị bệnh về tai mũi họng như viêm tai, viêm xoang, viêm mũi họng hoặc tình trạng chảy dịch ống tai, giảm tăng tiết trước khi thực hiện phẫu thuật.

3. Cách dùng và liều dùng của thuốc Rhinathiol

3.1. Liều dùng thuốc Rhinathiol

  • Thuốc Rhinathiol được bào chế dạng siro nên bạn sử dụng thuốc bằng đường uống. Bạn có thể uống thuốc kèm với nước hoặc không.
  • Liều dùng đối với người lớn: mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 muỗng canh tương đương với khoảng 15ml.
  • Liều dùng đối với trẻ em có độ tuổi từ 5 đến 12 tuổi: mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1 muỗng cafe tương đương 5ml.
  • Liều dùng đối với trẻ em từ 2 đến 5 tuổi: mỗi ngày 4 lần, mỗi lần từ 1/4 đến 1/2 muỗng cafe.

3.2. Cách dùng thuốc Rhinathiol hiệu quả

  • Khi dùng thuốc Rhinathiol phải sử dụng thìa phân liều có kèm theo chai thuốc để có thể định lượng liều dùng chính xác.
  • Nên dùng thuốc Rhinathiol vào thời điểm sau khi ăn tối thiểu là 30 phút để tránh làm kích ứng dạ dày và ảnh hưởng đến sinh khả dụng thuốc.
  • Sau khi sử dụng bảo quản đúng nơi quy định. Trong quá trình sử dụng thuốc Rhinathiol nếu có bất thường về màu sắc, mùi, vị ngưng sử dụng ngay.
  • Tuân thủ nghiêm ngặt theo sự kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ điều trị bệnh
  • Không được tự ý kéo dài thời gian sử dụng thuốc Rhinathiol khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ điều trị.

3.3. Xử trí khi quá liều thuốc Rhinathiol

Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu và báo cáo các trường hợp quá liều khi sử dụng siro thuốc Rhinathiol. Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu bất thường phải thông báo ngay cho bác sĩ điều trị hoặc cán bộ y tế và đến các cơ sở y tế gần nhất.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Rhinathiol

Trong quá trình sử dụng thuốc Rhinathiol có thể gây ra cho người sử dụng một số tác dụng không mong muốn như:

  • Kích ứng đường tiêu hóa: đau dạ dày, buồn nôn, nôn mửa,...
  • Một số triệu chứng trên da: ngứa ngáy, xuất hiện hay nổi những nốt mẩn đỏ,...

Khi sử dụng thuốc Rhinathiol, người bệnh có các biểu hiện, triệu chứng nào khác bất thường thì cần chủ động thông báo với bác sĩ điều trị để được thăm khám và xử trí nhanh chóng và kịp thời.

5. Tương tác của thuốc Rhinathiol

Thuốc Rhinathiol có thể gây ra tương tác với một số thuốc cụ thể như sau:

  • Làm tăng độc tính của kháng sinh Amoxicillin khi sử dụng đồng thời.
  • Hoạt chất Cimetidin làm giảm thải trừ dược chất Carbocistein hay thuốc Rhinathiol dạng chuyển hóa qua nước tiểu.

Để đảm bảo an toàn trong khi phối hợp các thuốc với nhau, bạn chỉ nên dùng theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý dùng kết hợp để tránh những tương tác gây ra hậu quả không đáng có. Đồng thời, trước khi sử dụng siro thuốc Rhinathiol phải thông báo với cán bộ y tế các loại thuốc hay thực phẩm khác mà bạn đang sử dụng để dự phòng nguy cơ những tương tác đáng tiếc có thể xảy ra đối với cơ thể của bạn.

6. Một số chú ý khi sử dụng thuốc Rhinathiol

6.1. Chống chỉ định của thuốc Rhinathiol

  • Không sử dụng thuốc Rhinathiol đối với những người có cơ địa dị ứng hoặc có tiền sử dị ứng với hoạt chất Carbocisteine.
  • Người có tiền sử dị ứng với các thuốc làm tiêu chất nhầy cùng nhóm và các thành phần khác có trong thuốc Rhinathiol.

6.2. Lưu ý và thận trọng khi sử dụng thuốc Rhinathiol

  • Thuốc Rhinathiol chỉ sử dụng khi có sự kê đơn của thầy thuốc, không được tự ý sử dụng khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị.
  • Đối tượng bị viêm loét dạ dày - tá tràng không sử dụng thuốc Rhinathiol khi bụng đói để tránh kích ứng dạ dày.
  • Thuốc Rhinathiol có chứa thành phần tá dược là đường saccharose nên phải thận trọng khi sử dụng người tiểu đường.
  • Trẻ em khi sử dụng thuốc Rhinathiol phải có sự giám sát và hướng dẫn trực tiếp của người lớn.
  • Khi uống thuốc Rhinathiol, bạn cần chú ý phải sử dụng thìa phân liều kèm theo hoặc các dụng phân liều khác được bác sĩ chỉ định, sau mỗi lần sử dụng phải đậy nắp kín.
  • Kiểm tra hạn sử dụng và cảm quan chất lượng sản phẩm trước khi dùng, khi thấy dạng siro bất thường không sử dụng.
  • Trước khi mua hoặc sử dụng thuốc, bạn nên kiểm tra kĩ hạn sử dụng, tránh trường hợp dùng phải thuốc đã quá hạn có thể gây tác động xấu đối với sức khỏe.
  • Sau mỗi lần sử dụng thuốc Rhinathiol chú ý đóng kín nắp chai để tránh bụi bẩn rơi vào.
  • Nên sử dụng thuốc Rhinathiol theo đúng theo đường dùng, liều lượng đã được hướng dẫn để đảm bảo đem lại hiệu quả tốt nhất trong quá trình sử dụng thuốc.
  • Không nên sử dụng thuốc Rhinathiol đối với những trẻ em có độ tuổi dưới 2 tuổi.

6.3. Lưu ý sử dụng trên phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú

  • Hiện nay vẫn chưa có các nghiên cứu hay các khuyến cáo về tác hại và nguy cơ của việc sử dụng thuốc Rhinathiol đối với phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc đối với những nhóm đối tượng này phải hỏi ý kiến của các chuyên gia y tế hay bác sĩ điều trị trước khi dùng.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Rhinathiol, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Rhinathiol để điều trị bệnh tại nhà, vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn đến sức khỏe.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

927 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan