Công dụng thuốc Ramifix 2,5 và Ramifix 5

Ramifix là thuốc kê đơn, thuộc nhóm thuốc tim mạch, chứa thành phần chính là Ramipril, có 2 hàm lượng là 2,5mg và 5mg, bào chế dạng viên nén, đóng gói mỗi hộp chứa 3 vỉ, trong 1 vỉ là 10 viên. Thuốc có hiệu quả trong điều trị bệnh tăng huyết áp, suy tim sung huyết và dự phòng tai biến tim mạch...

1. Ramifix là thuốc gì?

  • Trên thị trường hiện nay có 2 loại thuốc là Ramifix 2,5 và Ramifix 5. 2 loại thuốc này có cùng thành phần chính là dược chất Ramipril với 2 hàm lượng khác nhau tương ứng là 2,5mg và 5mg. Đây đều là sản phẩm dược của nhà sản xuất Công ty cổ phần dược phẩm SaVi - VIỆT NAM.
  • Ramipril là chất nhóm ức chế men chuyển (ECA), có tác dụng trên hệ RAA (Renin - Angiotensin - Aldosterone). Dược chất chứa trong thuốc là tiền chất, chưa có hoạt tính, khi vào cơ thể, ở gan sẽ chuyển hoá thành Ramiprilat là chất có hoạt tính.
  • Hiệu quả của chất hoạt tính làm giãn mạch: do ức chế enzym ECA nên chất Angiotensin II bị giảm, làm giảm vasopressin máu và làm giảm sức cản tuần hoàn ngoại biên. Thuốc gây giãn mạch ở các cơ quan quan trọng như não, thận và mạch vành... tái phân phối lưu lượng tuần hoàn tại nhiều khu vực khác nhau.
  • Trên mạch máu thuốc làm giảm phì đại thành mạch, làm tăng tính đàn hồi của động mạch giúp cải thiện chức năng mạch máu.
  • Trên tim: Thuốc không gây thay đổi nhịp tim, có hiệu quả kích thích phó giao cảm làm hạ huyết áp, giảm sự phì đại, xơ hoá tâm thất và vách liên thất.
  • Trên thận: Thuốc làm giảm tác dụng của aldosteron, tăng thải natri, giữ kali và tăng thải acid uric, tăng sức lọc cầu thận.
  • Trên chuyển hoá: Thuốc làm tăng nhạy cảm với Insulin, tăng hấp thu glucose.
  • Sau khi uống, thuốc được hấp thu nhanh không hoàn toàn qua niêm mạc đường tiêu hóa (khoảng 50 - 60%). Sinh khả dụng của thuốc đạt 54% đến 65%. Nồng độ đỉnh trong huyết tương của thuốc đạt sau 1 giờ - 3 giờ. 73% lượng thuốc liên kết với protein có trong huyết tương. Chất chuyển hoá qua được nhau thai và tiết vào sữa mẹ. Thuốc bị thuỷ phân ở gan tạo thành chất có hoạt tính. Thuốc thải trừ chủ yếu qua chuyển hoá ở gan ra mật và qua thận.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Ramifix

2.1. Chỉ định

Thuốc Ramifix được chỉ định trong các bệnh lý sau:

  • Cao huyết áp: Ưu tiên sử dụng ở người bệnh cao huyết áp có suy tim, tiền sử nhồi máu hoặc có yếu tố nguy cơ cao bệnh động mạch vành, bệnh đái tháo đường, tai biến mạch máu não hoặc suy thận.
  • Suy tim sung huyết biến chứng sau nhồi máu cơ tim: sử dụng thuốc nhằm giảm nguy cơ tử vong trên người bệnh có huyết động ổn định hoặc người bệnh có biểu hiện lâm sàng của bệnh suy tim trong vòng một vài ngày sau bị nhồi máu cơ tim cấp.
  • Suy tim sung huyết do bệnh suy thất trái.
  • Dự phòng tai biến tim mạch: Sử dụng thuốc để giảm tỷ lệ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tử vong trên các người bệnh từ 55 tuổi trở lên nguy cơ tim mạch cao (tiền sử bệnh động mạch vành, bệnh mạch ngoại biên, đột quỵ, đái tháo đường, tăng cholesterol và/ hoặc giảm nồng độ HDL-cholesterol).
  • Bệnh lý về thận do đái tháo đường (ngăn ngừa biến chứng bệnh thận).

2.2. Chống chỉ định

Thuốc Ramifix không được sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh dị ứng với Ramipril và các thành phần tá dược khác của thuốc.
  • Người bệnh có tiền sử phù mạch do sử dụng các thuốc ức chế men chuyển khác.
  • Người bệnh bị hẹp động mạch thận 2 bên hoặc hẹp động mạch thận trong trường hợp chỉ có một thận còn chức năng hoặc có những tổn thương gây hẹp động mạch thận.
  • Hạ huyết áp (bao gồm có tiền sử hạ huyết áp) hoặc huyết động không ổn định.
  • Người bệnh có hẹp động mạch chủ thể nặng.
  • Phụ nữ có thai, đang cho con bú không được dùng thuốc Ramifix.
  • Thận trọng trong người bệnh có chức năng thận bị suy giảm.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Ramifix

Cách dùng: Thuốc Ramifix được dùng đường uống, người bệnh có thể uống trước hoặc sau bữa ăn theo hướng dẫn từ bác sĩ hoặc uống vào buổi tối trước lúc đi ngủ, uống trọn viên nén với 1 cốc nước vừa đủ. Để hạn chế việc quên thuốc và phát huy hiệu quả của thuốc, người bệnh nên tạo thói quen uống thuốc vào cùng thời điểm giống nhau trong ngày.

Liều dùng: Liều lượng sử dụng của thuốc phụ thuộc vào tình trạng bệnh, mức độ bệnh và khả năng đáp ứng điều trị của từng người bệnh. Người bệnh cần sử dụng thuốc Ramifix theo đúng hướng dẫn, chỉ định kê đơn của bác sĩ hoặc có thể tham khảo liều dùng sau đây:

Người lớn:

  • Tăng huyết áp: Liều dùng ban đầu 1,25mg uống 1 lần duy nhất trong ngày. Sau khoảng từ 2 tuần trở lên nếu huyết áp chưa đạt mục tiêu thì có thể tăng dần liều. Liều dùng thông thường duy trì: 2,5mg đến 5 mg, chia thành 1 lần hoặc chia 2 lần uống trong ngày. Liều dùng tối đa trong ngày: 10mg.
  • Người bệnh bị mất muối và nước, đang dùng nhóm thuốc lợi tiểu hoặc có ClCr < 40 mL/phút/1,73m2: Liều khởi đầu là 1,25 mg trong ngày. Người bệnh cần được theo dõi tối thiểu 2 giờ sau dùng liều đầu. Liều dùng có thể tăng lên dần tối đa đạt 5 mg/ngày.
  • Suy tim sung huyết: Liều dùng khởi đầu: 1,25mg uống 1 lần duy nhất trong ngày, sau đó có thể tăng dần liều. Sau mỗi 1 tuần đến 2 tuần nếu chưa đạt mục tiêu và người bệnh có thể dung nạp được thì tăng dần liều dùng lên tối đa 10mg/ ngày (có thể chia đều 1-2 lần uống trong ngày).
  • Suy tim sung huyết sau bệnh nhồi máu cơ tim: Bắt đầu dùng thuốc trong bệnh viện 3 đến 10 ngày sau nhồi máu. Liều dùng khởi đầu: 5mg chia đều 2 lần, mỗi lần 2,5mg mỗi ngày. 2 ngày sau tăng dần tới 10mg/ ngày, chia 2 lần mỗi lần 5mg, nếu dung nạp được. Liều duy trì: 5-10mg/ ngày, chia đều thành 2 lần.

Lưu ý: Nếu người bệnh không dung nạp được liều ban đầu 2,5mg mỗi lần, cần giảm xuống liều 1,25mg/ lần, ngày dùng 2 lần trong hai ngày, tăng dần lên 2,5mg/ lần ngày 2 lần, sau đó tăng lên 5mg/ lần, ngày 2 lần.

  • Dự phòng tai biến tim mạch trên người bệnh có nguy cơ cao: Liều khởi đầu: 2,5mg uống 1 lần mỗi ngày. Sau 1 tuần có thể tăng liều thành 5mg/ ngày/ 1 lần, tiếp tục tăng liều sau mỗi 3 tuần đến khi đạt liều 10mg/ ngày.
  • Trên người bệnh suy thận, liều duy trì không được quá 5mg/ ngày. Trường hợp người bệnh suy thận nặng có độ thanh thải creatinin dưới 10 ml/ phút, liều dùng duy trì không được quá 2,5mg/ ngày.
  • Người bệnh bị suy giảm chức năng gan: Liều ban đầu của thuốc không quá 1,25mg mỗi ngày và có sự giám sát của nhân viên y tế. Cẩn thận trọng khi người bệnh cần dùng liều cao hơn.
  • Người cao tuổi: Liều dùng khởi đầu: 1,25mg uống 1 lần trong ngày, sau đó tuỳ theo đáp ứng huyết áp của từng người bệnh mà tăng liều sử dụng.
  • Trẻ em: Tính an toàn và hiệu quả ở trẻ dưới 18 tuổi khi dùng thuốc Ramifix chưa được xác định.

Quá liều: Các triệu chứng có thể gặp khi người bệnh quá liều thuốc Ramifix bao gồm: Tụt huyết áp quá mức, sốc, nhịp tim chậm, trường hợp nặng ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Khi đó, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. Rửa dạ dày có thể được dùng để điều trị ngộ độc.

4. Những tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Ramifix

Trong quá trình dùng thuốc Ramifix, người bệnh có thể gặp những tác dụng không mong muốn sau:

  • Trên hệ thần kinh: Cơn chóng mặt, đau nhức đầu.
  • Trên hệ hô hấp: Ho khan, triệu chứng khó thở, nặng dẫn đến viêm phế quản hoặc viêm xoang...
  • Trên hệ tiêu hóa: Các triệu chứng buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy, nếu nghiêm trọng hơn sẽ xảy ra viêm dạ dày ruột và rối loạn tiêu hóa.
  • Trên chuyển hóa: Xét nghiệm thấy tăng kali máu, hiếm gặp thấy tăng ure và creatinin.
  • Trên hệ tim mạch: Bệnh nhân bị tụt huyết áp, ngất và hạ huyết áp thế đứng.
  • Da và các cơ quan khác: Xuất hiện các nốt đỏ, mẩn ngứa, dị ứng phù mạch, nổi ban và sốt.

5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Ramifix

Trong khi dùng thuốc, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra các tác dụng không mong muốn, người bệnh thường được chỉ định bắt đầu với liều dùng thấp và tăng dần liều theo đáp ứng của mỗi người bệnh.
  • Do thuốc có thể gây tụt huyết áp khi bắt đầu điều trị, liều đầu tiên người bệnh nên uống vào buổi tối trước khi đi ngủ.
  • Tác dụng phụ gây ho khan, ho dai dẳng rất hay gặp. Trường hợp gây cho người bệnh sự khó chịu, sau khi ngừng thuốc, triệu chứng ho khan sẽ hết.
  • Khi sử dụng thuốc, nếu tình trạng của người bệnh không cải thiện hoặc chỉ số huyết áp không đạt yêu cầu, vẫn đang mức cao hoặc tăng thêm, hãy thông báo lại cho bác sĩ. Có thể người bệnh cần đổi loại thuốc khác hoặc cần phối hợp với 1 nhóm thuốc khác.
  • Tụt huyết áp mạnh có thể xảy ra trên người bệnh suy tim sung huyết( không có hoặc có đi kèm với suy thận), gây ra thiểu niệu, tăng nitơ máu, thậm chí suy thận cấp, có thể tử vong (hiếm gặp). Trên người bệnh suy tim sung huyết, cần giám sát chặt chẽ người bệnh ít nhất 2 tuần khi bắt đầu điều trị thuốc Ramifix hoặc thuốc lợi tiểu và khi điều chỉnh liều 1 trong 2 thuốc.
  • Người bệnh khi dùng thuốc có thể xảy ra giảm bạch cầu trung tính, thiếu máu, mắt bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, giảm toàn thể huyết cầu, đặc biệt trên người bệnh nhân suy thận. Cần lưu ý giám sát chặt chẽ bạch cầu trên những người bệnh này, đặc biệt nếu có suy thận.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú không dùng thuốc Ramifix vì tiềm ẩn nguy cơ gây dị tật bẩm sinh cho thai trong 3 tháng đầu hoặc có thể gây chết thai nhi.
  • Không nên dùng thuốc Ramifix cho người đang lái tàu xe và vận hành máy móc vì thuốc làm hạ huyết áp có thể ảnh hưởng đến khả năng cần tập trung.

Trên đây là thông tin về thuốc Ramifix. Đây là thuốc nhóm ức chế men chuyển angiotensin (ACE), hiệu quả gây giãn mạch và tăng quá trình lưu thông máu. Để đảm bảo an toàn, hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng không mong muốn, người bệnh cần dùng thuốc Ramifix theo đơn theo đúng hàm lượng và liệu trình dùng. Lưu ý, Ramifix là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan