Công dụng thuốc Piretam

Thuốc Piretam là một thuốc kháng sinh dùng bằng đường tĩnh mạch, đây là loại kháng sinh mạnh nên được chỉ định dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn nặng hay đe doạ tính mạng. Cũng tìm hiểu kỹ hơn về thành phần, công dụng của thuốc trong bài viết sau đây.

1. Thuốc Piretam có tác dụng gì?

Thuốc Piretam có thành phần hoạt chất chính là Piperacilin (dưới dạng Piperacilin natri) 4g và Tazobactam 0,5g. Bào chế dưới dạng bột pha tiêm. Piperacilin là một ureido penicilin phổ tác dụng kháng khuẩn rộng, tác dụng diệt khuẩn của hoạt chất này với các vi khuẩn ưa khí và vi khuẩn kỵ khí, vi khuẩn Gram dương và Gram âm, cơ chế tác động diệt khuẩn của kháng sinh này cũng tương tự các kháng sinh nhóm penicilin bằng cách ức chế tổng hợp thành của tế bào vi khuẩn. Nhưng thuốc kháng sinh này bị bất hoạt bởi men các beta lactamase do vi khuẩn tiết ra, làm giảm tác dụng của thuốc.

Tazobactam thường được kết hợp với thuốc piperacillin và được sử dụng trong nhiễm trùng do Pseudomonas aeruginosa gây ra. Tazobactam giúp mở rộng phổ kháng khuẩn của piperacillin bằng cách làm cho kháng sinh này có hiệu quả với các vi khuẩn tiết ra beta-lactamase.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Piretam

2.1. Chỉ định

Thuốc Piretam công dụng tiêu diệt vi khuẩn, đây là một loại kháng sinh mạnh được chỉ định dùng để chữa các bệnh sau:

  • Nhiễm khuẩn nặng (viêm phổi nặng), nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn đường tiết niệu có biến chứng do các loại vi khuẩn nhạy cảm, đặc biệt được dùng trong nhiễm khuẩn do Pseudomonas.
  • Trường hợp nhiễm khuẩn toàn thân đối với những người bệnh có giảm bạch cầu trung tính cần phải phối hợp kháng sinh với một kháng sinh nhóm aminoglycosid để tiến hành điều trị.
  • Nhiễm khuẩn sau khi tiến hành phẫu thuật ổ bụng, nhiễm khuẩn tử cung.

2.2. Chống chỉ định

Không được dùng kháng sinh Piretam trong những trường hợp sau:

  • Người bệnh quá mẫn với kháng sinh nhóm penicilin hay với các kháng sinh nhóm cephalosporin hoặc người bệnh quá mẫn với thành phần tá dược của thuốc.
  • Trẻ em dưới 2 tháng tuổi không nên dùng kháng sinh này.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Piretam

3.1 Cách dùng

Thuốc Piretam được dùng bằng đường tiêm hay truyền tĩnh mạch.

  • Tiêm tĩnh mạch: Mỗi lọ thuốc pha với nước vô khuẩn để tiêm hoặc dung dịch NaCl 0,9% vô khuẩn, tiêm tĩnh mạch chậm trong ít nhất 5 phút.
  • Truyền tĩnh mạch: Mỗi lọ pha với nước vô khuẩn để tiêm hoặc dung dịch NaCl 0,9%, sau đó tiếp tục pha loãng thêm nữa với các dung môi như NaCl 0,9%, Dextrose 5%, truyền tĩnh mạch trong vòng 20 - 30 phút.
  • Thời gian điều trị: Trong trường hợp nhiễm khuẩn cấp tính, thuốc Piretam phải được tiếp tục dùng ít nhất 48 giờ sau khi hết sốt hay sau khi đã giải quyết được các triệu chứng lâm sàng

Lưu ý: Không được pha chung thuốc Piretam với các thuốc khác trong cùng 1 ống tiêm hoặc trong cùng 1 chai dịch truyền, vì có thể không tương. Khi dùng đồng thời Piretam với thuốc khác cần phải tiêm ở các vị trí hay các thời điểm khác nhau. Không pha thuốc piretam với dung dịch Natri bicarbonat.

Bảo quản: Dung dịch sau khi pha có thể để ổn định trong vòng 12 giờ ở nhiệt độ phòng và bảo quản 24 giờ nếu được bảo quản trong tủ lạnh (2 – 80C). Nhưng trước khi tiến hành tiêm truyền thuốc cần kiểm tra kỹ xem dung dịch này có vấn đề phát sinh hay không.

3.2 Liều dùng

Người lớn và trẻ em từ trên 12 tuổi:

  • Liều thông thường: Dùng 1 lọ 4.5g mỗi 8 giờ. Trường hợp nhiễm khuẩn nặng, nguy hiểm và nhiễm khuẩn đe doạ tính mạng nghi do nhiễm Pseudomonas hoặc Klebsiella gây ra, liều dùng hàng ngày không dưới 4 lọ và khoảng cách các liều điều trị mỗi liều là từ 4 - 6 giờ và dùng bằng cách tiêm tĩnh mạch. Liều một ngày tối đa thường được chỉ định dùng là 6 lọ 4,5g tiêm tĩnh mạch.
  • Ðối với người bệnh bị giảm bạch cầu đa nhân trung tính có những biểu hiện nhiễm trùng: Khi điều trị thường theo kinh nghiệm bằng kháng sinh phổ rộng chống lại trực khuẩn Gram âm và Pseudomonas. Liều dùng là cần phải tiêm tĩnh mạch 1 lọ, cứ 6 giờ một lần, phối hợp với kháng sinh gentamicin 4 - 5 mg/kg cân nặng/24 giờ va có thể tiêm một lần hoặc chia 2 lần tiêm cách nhau 12 giờ.
  • Nhiễm khuẩn sau phẫu thuật: Dùng với liều 2.25mg thuốc ngay trước khi phẫu thuật, sau đó cứ cách mỗi 6 hoặc 8 giờ lại dùng 1 liều 2,25mg trong vòng 24 giờ của ca phẫu thuật, tiếp theo nên dùng ít nhất 2 liều 2,25mg nữa.

Trẻ em từ trên 2 tháng tuổi đến 12 tuổi: Liều thường được dùng là 200 – 300 mg/kg/ 24 giờ, chia các liều cách nhau 4 – 6 giờ.

Người già: Không cần chỉnh liều.

Bệnh nhân suy thận: Điều chỉnh liều dùng thuốc tùy theo mức độ suy thận và tùy theo độ tuổi.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Piretam

Khi dùng thuốc Piretam bạn cũng có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn bao gồm:

  • Ðau nhức, nóng đỏ tại vị trí tiêm, viêm tĩnh mạch, phát ban đỏ, cứng cơ.
  • Chóng mặt, nhức đầu, cảm thấy cơ thể bị mệt mỏi, ảo giác.
  • Phản ứng trên da như phát ban, ngứa trên da, nổi mề đay.
  • Hiếm gặp gây ra tiêu chảy và buồn nôn; tăng men gan, thay đổi tế bào máu như tăng bạch cầu ưa eosin. Phản ứng dị ứng nghiêm trọng gây sốt do thuốc, sốc phản vệ...

Khi dùng thuốc nếu như bạn xảy ra bất kỳ tác dụng phụ nào cần phải thông báo ngay với bác sĩ hay điều dưỡng viên để được xử trí, đặc biệt trong khi tiêm truyền.

5. Lưu ý khi dùng thuốc Piretam

Lưu ý khi dùng thuốc Piretam như sau:

  • Trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc Piretam người bệnh cần nói với bác sĩ về tiền sử dị ứng của với cephalosporin, penicillin hoặc với thuốc khác hay dị ứng khác.
  • Dùng thận trọng thuốc Piretam với những người bệnh bị tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn và trường hợp những người suy giảm chức năng thận.
  • Chú ý thận trọng khi dùng với người bệnh cần ăn kiêng muối (thuốc có 216 mg natri/lọ); có mức dự trữ kali máu thấp hoặc đang sử dụng đồng thời thuốc làm giảm kali; viêm đại tràng.
  • Khi dùng thuốc nếu người bệnh có dấu hiệu như tình trạng tiêu chảy nặng, kéo dài, có thể đã gặp phải tình trạng viêm ruột màng giả do nhiễm vi khuẩn không nhạy cảm với kháng sinh này gây ra. Khi đó cần phải kiểm tra kỹ và có thể cần điều trị bằng thuốc kháng sinh metronidazol.
  • Thuốc được dùng trong những trường hợp nhiễm khuẩn nặng, đe doạ tính mạng. Cho nên, tránh dùng thuốc này khi nhiễm khuẩn vẫn còn nhạy cảm với các kháng sinh ít tác dụng phụ hơn và dùng bằng đường uống.
  • Chảy máu bất thường cũng có thể gặp ở những người bệnh điều trị bằng thuốc kháng sinh nhóm beta lactam; điều này thường xảy ra với nguy cơ lớn hơn ở những người suy thận. Nếu có xuất hiện chảy máu do dùng kháng sinh, cần phải ngừng dùng thuốc và tiến hành các biện pháp điều trị thích hợp.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú: Chỉ sử dụng nếu chỉ định bắt buộc và cần thiết. Đã được bác sĩ đánh giá nguy cơ và lợi ích.

6. Tương tác thuốc

  • Tác dụng hiệp đồng trên vi khuẩn với kháng sinh nhóm aminoglycosid nhưng nếu kết hợp phải tiêm truyền riêng. Ngoài ra, khi dùng cần theo dõi chức năng thận.
  • Theo dõi các thông số về đông máu khi cần phải dùng đồng thời với thuốc heparin liều cao, các thuốc kháng đông đường uống hay những loại thuốc có khả năng ảnh hưởng tới hệ thống đông máu hay khả năng ngưng kết tiểu cầu.
  • Thận trọng khi dùng chung thuốc này với vecuronium hay với các chất phong bế thần kinh-cơ tương tự.
  • Probenecid: Khi dùng chung gây kéo dài thời gian bán thải và làm giảm thanh thải qua thận của piperacillin & tazobactam.
  • Tăng thanh thải kháng sinh tobramycin, gentamicin ở bệnh nhân suy thận nặng nếu sử dụng đồng thời.

Thuốc kháng sinh Piretam là một kháng sinh phổ tác dụng rộng và có tác dụng mạnh mạnh, được dùng khi có tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng. Thuốc được chỉ định và trong suốt quá trình dùng được theo dõi bởi bác sĩ, nên nếu có bất thường xảy ra khi dùng thuốc bạn cần phải thông báo ngay với nhân viên y tế.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

34 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan