Công dụng thuốc Pantracet F

Thuốc Pantracet F là thuốc có thành phần kết hợp có tác dụng giảm đau. Thuốc được chỉ định dùng ngắn hạn để điều trị tình trạng đau từ vừa tới nặng mà không đáp ứng với đơn trị liệu. Cùng tìm hiểu thông tin về thuốc Pantracet F qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Pantracet F công dụng là gì?

Thành phần của thuốc Pantracet F là Tramadol HCL 37.5mg, Paracetamol 325mg và tá dược ( Avicel, Tinh bột mì, DST, Magnesi stearat, Gelatin, Aerosil, HPMC, PEG 6000, Titan oxit, Màu xanh patent lakes,Màu đỏ allura, Màu vàng tartrazine và Talc) vừa đủ 1 viên nén bao phim. Trong đó:

  • Paracetamol là thuốc giảm đau và hạ sốt, được dùng thay thế và tác dụng hạ sốt tương tự như aspirin, nhưng không có tác dụng chống viêm và tác dụng ngưng kết tiểu cầu. Paracetamol nếu dùng đúng cách và đúng liều lượng thì khá an toàn, không gây ảnh hưởng tới hệ tuần hoàn và hô hấp. Thuốc không làm giảm thân nhiệt ở người có thân nhiệt bình thường.
  • Tramadol: Đây là thuốc có tác dụng giảm đau vừa tới nặng, thuộc nhóm giảm đau gây nghiện opioid. Thường được phối hợp với paracetamol vì cho thấy tác dụng hiệp đồng trong việc giảm đau.

Với thành phần kết hợp thuốc Pantracet F công dụng là giúp giảm đau vừa và nặng.

Thuốc Pantracet F được chỉ định dùng trong các trường hợp giảm đau trong các trường hợp đau cấp tính.

Không sử dụng thuốc Pantracet F trong trường hợp sau:

  • Mẫn cảm với bất kỳ thành phần trong thuốc Pantracet F.
  • Bệnh nhân đang dùng các loại thuốc ức chế thần kinh trung ương.
  • Người bệnh đang dùng thuốc ức chế MAO hay dùng thuốc IMAO trong vòng 14 ngày qua.
  • Suy hô hấp nặng; suy gan nặng.
  • Trẻ em không dùng.
  • Động kinh chưa kiểm soát phù hợp bằng các thuốc điều trị.
  • Người bệnh thiếu máu nhiều lần và thiếu hụt men Glucose-6-phosphat dehydrogenase.

2. Cách dùng và liều dùng của thuốc Pantracet F

2.1 Cách dùng

Thuốc được dùng bằng đường uống, uống thuốc với nước không liên quan tới bữa ăn. Người bệnh có thể được khuyên dùng sau ăn nếu như kích thích dạ dày. Để giảm đau cấp tính không được dùng thuốc quá 5 ngày.

2.2 Liều dùng

  • Để giảm đau cứ cách 4 - 6 giờ uống 2 viên, tuyệt đối không được dùng quá 8 viên/ngày.
  • Bệnh nhân có độ thanh thải creatinin dưới 30ml/phút: không được uống quá 2 viên cứ 12 giờ.
  • Người có chức năng gan giảm cần phải giảm liều tramadol.

2.3 Quá liều

Quá liều thuốc bao gồm tình trạng quá liều tramadol và paracetamol.

  • Quá liều tramadol: Thường xảy ra trong vòng 24 giờ đầu tiên các triệu chứng bao gồm suy hô hấp, buồn ngủ tiến triển, sững sờ hoặc hôn mê, xuất hiện cơn động kinh, nhịp tim chậm, huyết áp hạ, ngừng tim và có thể tử vong.
  • Quá liều paracetamol: Ban đầu các dấu hiệu sớm là rối loạn tiêu hóa, chán ăn, buồn nôn, nôn, khó chịu, ra mồ hôi nhiều; sau đó thấy đau hoặc sờ vào thấy đau ở vùng bụng phía trên bên phải; gan to, tăng men gan, tăng bilirubin trong máu,... Tiếp đến là chán ăn, buồn nôn, nôn, khó chịu lại xuất hiện, suy gan, suy thận rồi có thể hồi phục nếu nhẹ hay được điều trị hoặc tiến triển đến suy gan hoàn toàn và gây tử vong.

Khi có các biểu hiện hay của quá liều hay dùng nhiều hơn so với khuyến cáo cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu và xử trí sớm.

3. Tác dụng không mong muốn của thuốc Pantracet F

Khi dùng thuốc bạn có thể gặp phải các tác dụng phụ, đặc biệt nếu lạm dụng hay dùng liều cao thì nguy cơ tác dụng phụ cao hơn.

  • Thường gặp: Mệt mỏi, cơ thể suy nhược; Chóng mặt, nhức đầu, run, lo lắng, hoang mang, cảm giác hưng phấn, mất ngủ hoặc buồn ngủ; đau bụng, buồn nôn, chậm tiêu, táo bón, tiêu chảy, khô miệng...; Ngứa, phát ban trên da và tăng tiết mồ hôi;
  • Ít gặp: Đau tức ngực, hội chứng cai khi dùng kéo dài hay liều cao; Cao huyết áp đế cao huyết áp trầm trọng hoặc hạ huyết áp; Mất điều hòa vận động, co giật, đau nửa đầu, đau nhức cơ, dị cảm; chứng khó nuốt hay lưỡi phù; Ù tai; Rối loạn nhịp, tim đập nhanh, hồi hộp;
  • Hiếm gặp: Phản ứng phản vệ, bất thường chức năng gan, giảm cân, mất hay suy giảm trí nhớ, các phản ứng dị ứng nghiêm trọng trên da như hội chứng TEN, hội chứng Steven johnson...

Thông báo cho bác sĩ hay dược sĩ những tác dụng không mong muốn mà bạn gặp phải khi sử dụng thuốc.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Pantracet F

  • Pantracet F là thuốc kê đơn, chỉ dùng khi được bác sĩ kê đơn và dùng trong thời gian ngắn hạn để hạn chế nguy cơ tác dụng phụ.
  • Co giật ở bệnh nhân động kinh đã được báo cáo xảy ra ở người dùng tramadol với liều thông thường được khuyên dùng. Nguy cơ tác dụng phụ này càng xảy ra cao hơn ở bệnh nhân dùng những chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, thuốc trầm cảm 3 vòng, các chất giảm đau loại opioid khác, chất ức chế MAO, các thuốc ức chế thần kinh, hoặc các thuốc giảm ngưỡng động kinh. Thận trọng khi dùng cho người động kinh và các phối hợp thuốc.
  • Không được kê đơn Tramadol cho bệnh nhân có ý tự tử hoặc người dễ nghiện thuốc.
  • Thận trọng cho người có tiền sử nghiện thuốc, bệnh nhân nghiện rượu, người rối loạn cảm xúc, trầm cảm; bệnh nhân suy hô hấp vì những bệnh nhân này có nguy cơ xuất hiện tình trạng suy hô hấp nên xem xét khả năng dùng thuốc giảm đau không có tác dụng gây nghiện.
  • Với một liều lớn tramadol được sử dụng đồng thời với các loại thuốc có tác dụng gây mê hoặc alcohol sẽ dẫn đến suy hô hấp. Cần điều trị như khi quá liều Tramadol.
  • Những người bệnh có biểu hiện của tình trạng tăng áp lực sọ não hoặc chấn thương đầu khi dùng tramadol cần phải theo dõi trạng thái tâm thần một cách cẩn thận.
  • Hiện tại chưa có đầy đủ nghiên cứu về tác động của thuốc đối với thai nhi. Phụ nữ mang thai chỉ nên sử dụng thuốc Pantracet F khi thấy lợi ích của việc dùng thuốc cao nguy cơ gây độc cho thai nhi. Ngoài ra, phụ nữ mang thai nếu dùng thuốc tramadol dài ngày có thể gây ra nghiện thuốc và hội chứng cai cho trẻ sau khi sinh. Cho nên, tốt nhất không dùng thuốc.
  • Không nên dùng thuốc vì tính an toàn đối với trẻ bú mẹ chưa được thực hiện nghiên cứu kỹ.
  • Thận trọng dùng cho người vận hành máy móc hay lái xe vì thuốc có thể gây ra chóng mặt, giảm sự tỉnh táo.

5. Tương tác thuốc

Tương tác của thuốc Pantracet F với các thuốc khác;

  • Sử dụng đồng thời với các thuốc ức chế CYP2D6 và hoặc CYP3A4 nhue quinidine, fluoxetine, paroxetin, amitriptyline, ketoconazol, erythromycin sẽ làm giảm khả năng chuyển hóa của tramadol làm gia tăng các nguy cơ về co giật và hội chứng serotonin.
  • Hội chứng serotonin đã được báo cáo khi sử dụng đồng thời tramadol và các thuốc nhue SSRIs/SNRIs hoặc các thuốc IMAO, chẹn alpha-adrenergic. Cho nên, nếu cần phải dùng đồng thời tramadol và các loại thuốc này cần phải tiến hành theo dõi bệnh nhân trong suốt quá trình dùng thuốc đặc biệt là khi dùng thuốc liều đầu tiên hoặc khi tăng liều.
  • Khi dùng đồng thời tramadol với thuốc triptin cũng sẽ gây gia tăng hội chứng serotonin.
  • Carbamazepin làm tăng chuyển hóa của tramadol nên sẽ làm giảm tác dụng giảm đau của thuốc tramadol, khi dùng đồng thời hai thuốc này cũng sẽ gia tăng tác dụng gây co giật.
  • Warfarin: Tramadol gây ra kéo dài thời gian prothrombin, khi dùng phối hợp với warfarin cần phải được kiểm tra thời gian prothrombin thường xuyên nếu dùng kéo dài.
  • Sử dụng liều cao và kéo dài thuốc paracetamol có thể làm tăng nhẹ tác dụng chống đông máu của coumarin và các thuốc thuộc dẫn chất Indandion.
  • Các thuốc chống co giật (Phenytoin, Barbiturat, Carbamazepin...) làm tăng chuyển hóa Paracetamol thành những chất độc hại cho gan, có thể làm tăng độc tính trên gan của Paracetamol.
  • Dùng đồng thời với thuốc Isoniazid cũng có thể làm tăng độc tính trên gan của Paracetamol.

Thuốc Pantracet F chỉ nên sử dụng khi các biện pháp giảm đau thông thường không hiệu quả và dùng dưới chỉ định của bác sĩ. Trong quá trình dùng thuốc nếu có bất thường bạn cần thông báo ngay với bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

162 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan