Công dụng thuốc Pantogut

Thuốc Pantogut 40mg có chứa hoạt chất pantoprazol với hàm lượng 40mg. Thuốc có tác dụng điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng, dự phòng loét, trào ngược dạ dày - tá tràng, Zollinger - Ellison.

1. Pantogut là thuốc gì?

Thuốc Pantogut có chứa hoạt chất pantoprazol với hàm lượng 40mg, được bào chế dạng bột đông khô pha tiêm.

Pantoprazole nằm trong nhóm thuốc được gọi là chất ức chế bơm proton. Pantoprazol hoạt động bằng cách giảm lượng axit được tạo ra trong dạ dày. Sau khi tiêm thuốc, tùy thuộc vào liều tác dụng của pantoprazol có thể kéo dài trong 24 giờ.

Ngoài ra, thuốc Pantogut còn có thể kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori (hay còn được gọi là vi khuẩn HP) đối với bệnh nhân viêm thực quản trào ngược có nhiễm khuẩn, loét dạ dày- tá tràng.

Thuốc tiêm Pantogut được sử dụng như một phương pháp điều trị ngắn hạn để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD; một tình trạng trong đó dòng chảy ngược của axit từ dạ dày gây ra chứng ợ nóng và có thể gây tổn thương thực quản- ống giữa cổ họng và dạ dày) ở những người đã bị tổn thương thực quản và không thể dùng pantoprazole bằng đường uống.

Ngoài ra, thuốc Pantogut cũng được sử dụng để điều trị các tình trạng trong đó dạ dày sản xuất quá nhiều axit, chẳng hạn như hội chứng Zollinger-Ellison (các khối u trong tuyến tụy và ruột non gây tăng sản xuất axit trong dạ dày).

2. Thuốc Pantogut được sử dụng như thế nào?

Thuốc tiêm Pantogut có dạng bột được trộn với chất lỏng và được bác sĩ hoặc y tá tại cơ sở y tế tiêm vào tĩnh mạch .

Đối với điều trị GERD, thuốc Pantogut thường được tiêm một lần mỗi ngày trong 7 đến 10 ngày.

Đối với điều trị các tình trạng dạ dày tạo ra quá nhiều axit, thường tiêm Pantogut sau mỗi 8 đến 12 giờ.

Thuốc Pantogut được dùng ở dạng thuốc tiêm nên thường được dùng tại cơ sở y tế với những cán bộ y tế có chuyên môn nên cũng hạn chế trường hợp quên liều.

3. Những tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Pantogut

Thuốc Pantogut có thể gây ra tác dụng phụ. Hãy cho bác sĩ của bạn nếu bất kỳ triệu chứng nào nghiêm trọng hoặc không biến mất thường gặp như đau đầu, nôn mửa, đau khớp, tiêu chảy, chóng mặt, đau, đỏ hoặc sưng gần nơi thuốc được tiêm.

Một số tác dụng phụ ít gặp hơn như: da phồng rộp, bong tróc hoặc chảy máu; vết loét trên môi, mũi, miệng hoặc bộ phận sinh dục; viêm tuyến; khó thở; sốt, buồn nôn, chán ăn...

Thuốc Pantogut có thể gây ra các tác dụng phụ khác ngoài những triệu chứng được liệt kê ở trên. Gọi cho bác sĩ nếu bạn có bất kỳ vấn đề bất thường nào trong quá trình điều trị bằng Pantogut.

Những người dùng thuốc ức chế bơm proton như pantoprazole có thể dễ bị gãy cổ tay, hông hoặc cột sống hơn những người không dùng một trong những loại thuốc này. Những người dùng thuốc ức chế bơm proton cũng có thể phát triển polyp tuyến đáy vị (fundic gland polyp- một loại phát triển trên niêm mạc dạ dày). Những rủi ro này cao nhất khi sử dụng thuốc ức chế bơm proton ở những người dùng liều cao hoặc dùng trong một năm hoặc dùng trong thời gian dài. Trao đổi với bác sĩ về những rủi ro khi dùng Pantogut.

4. Lưu ý trước khi sử dụng thuốc Pantogut?

Thông báo với dược sĩ hay bác sĩ biết nếu bạn có tiền sử dị ứng với hoạt chất pantoprazol hay bất kỳ các tá dược có trong thành phần của thuốc, hay bất cứ thuốc nào đã sử dụng trước đây.

Thận trọng dùng Pantogut ở những bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh gan, người bệnh gan cấp và mạn tính, người bệnh suy thận, người cao tuổi.

Chưa có nghiên cứu lâm sàng đầy đủ chứng minh độ an toàn khi dùng pantoprazol ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, một số nghiên cứu trên động vật đã chứng minh pantoprazol có thể qua được hàng rào nhau thai, nhưng chưa ghi nhận được tác dụng gây quái thai. Sử dụng liều 15 mg/kg làm chậm phát triển xương ở thai.

Pantoprazol có thể bài tiết vào sữa mẹ. Nên bác sĩ sẽ cân nhắc về lợi ích và nguy cơ khi sử dụng thuốc Pantogut cho phụ nữ cho con bú.

Đáp ứng có triệu chứng với thuốc Pantogut có thể che dấu các triệu chứng của bệnh ác tính dạ dày và có thể trì hoãn chẩn đoán. Trong quá trình điều trị bằng thuốc Pantogut, nếu có bất kỳ triệu chứng báo động nào (ví dụ như sụt cân đáng kể không chủ ý, nôn mửa tái phát, khó nuốt, nôn ra máu, thiếu máu hoặc melaena) nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn kịp thời.

Hy vọng rằng, bài viết trên đây đã giúp các bạn nắm rõ hơn những thông tin liên quan đến thuốc Pantogut. Lưu ý, Pantogut là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và được thực hiện dưới sự giám sát của cán bộ y tế có chuyên môn, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

471 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan