Công dụng thuốc Pantin 40

Mỗi viên thuốc Pantin 40 chứa 40mg pantoprazole dưới dạng pantoprazol natri sesquihydrat. Hoạt chất pantoprazole là một chất ức chế bơm proton, được chỉ định điều trị các bệnh lý trong đường tiêu hoá như bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng Zollinger-Ellison...

1. Pantin 40 là thuốc gì?

  • Pantin 40 chứa hoạt chính pantoprazole với hàm lượng 40mg, là một chất ức chế bơm proton làm giảm lượng acid được sản xuất trong dạ dày.
  • Pantin 40mg được sử dụng để điều trị viêm loét thực quản (tổn thương thực quản do acid dạ dày gây ra bởi bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hoặc GERD), hội chứng Zollinger-Ellison và các tình trạng khác liên quan đến dư thừa acid dạ dày.

2. Công dụng của thuốc Pantin 40

Pantin 40 mg được chỉ định để sử dụng cho người lớn và thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên trong các trường hợp sau:

3. Sử dụng thuốc Pantin 40mg như thế nào?

  • Hãy dùng thuốc Pantin chính xác theo chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn của dược sĩ.
  • Sử dụng liều điều trị thấp nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất cần thiết để điều trị tình trạng của bạn.
  • Viên nén Pantin 40mg được dùng bằng đường uống, dùng cùng hoặc không cùng thức ăn. Thuốc uống nên được thực hiện trước bữa ăn 30 phút.
  • Không làm vỡ, bẻ, nhai hay nghiền nát viên thuốc. Nuốt toàn bộ viên thuốc.
  • Sử dụng thuốc Pantin 40mg trong khoảng thời gian theo chỉ định của bác sĩ điều trị, ngay cả khi các triệu chứng của bạn nhanh chóng cải thiện.
  • Gọi cho bác sĩ nếu các triệu chứng không cải thiện hoặc chúng trở nên tồi tệ hơn trong khi bạn đang sử dụng thuốc Pantin 40.
  • Hoạt chất pantoprazole có thể gây ra kết quả sai với các xét nghiệm y tế nhất định. Ngoài ra, hoạt chất này cũng có thể ảnh hưởng đến xét nghiệm nước tiểu sàng lọc ma túy và có thể có kết quả sai. Cho bác sĩ hoặc kỹ thuật viên phòng thí nghiệm biết rằng bạn đang sử dụng thuốc Pantin 40mg.

4. Liều lượng của thuốc Pantin với từng chỉ định

Liều người lớn thông thường cho bệnh viêm loét thực quản:

  • Liều 40mg x 1 lần/ngày, tối đa 8 tuần.
  • Tuy nhiên, đối với những trường hợp bệnh nhân chưa lành sau đợt điều trị ban đầu thì có thể cân nhắc thêm 8 tuần.
  • Chưa có nghiên cứu lâm sàng xác định được tính an toàn và hiệu quả sau 16 tuần điều trị.

Liều thông thường đối với người lớn cho bệnh trào ngược dạ dày thực quản:

  • Liều 40mg x 1 lần/ngày, dùng trong thời gian ngắn (lên đến 8 tuần).
  • Tuy nhiên, đối với những trường hợp bệnh nhân chưa lành sau đợt điều trị ban đầu thì có thể cân nhắc thêm 8 tuần.
  • Chưa có nghiên cứu lâm sàng xác định được tính an toàn và hiệu quả sau 16 tuần điều trị.

Điều trị loét do H. pylori phối hợp với kháng sinh:

  • Liều Pantin 40mg x 2 lần/ngày.
  • Phối hợp với kháng sinh trong điều trị ở những bệnh nhân loét do nhiễm H. pylori, nên uống viên Pantin thứ hai trước bữa ăn tối 1 giờ. Điều trị kết hợp được thực hiện trong 7 ngày nói chung và có thể kéo dài thêm 7 ngày nữa với tổng thời gian lên đến hai tuần. Để đảm bảo chữa lành các vết loét, có thể chỉ định điều trị thêm với Pantin 40mg, thì nên xem xét các khuyến cáo về liều dùng cho loét dạ dày và tá tràng.

Các tình trạng tăng tiết bệnh lý và hội chứng Zollinger-Ellison:

  • Để kiểm soát lâu dài các tình trạng tăng tiết bệnh lý và hội chứng Zollinger-Ellison, bệnh nhân nên bắt đầu điều trị với liều hàng ngày 80 mg (2 viên Pantin 40 mg).
  • Sau đó, liều có thể được điều chỉnh tăng hoặc giảm khi cần thiết bằng cách sử dụng các phép đo tiết acid dạ dày để định hướng. Nên chia liều và dùng hai lần mỗi ngày đối với liều trên 80 mg/ngày. Có thể tăng liều tạm thời trên 160mg Pantin nhưng không nên áp dụng lâu hơn mức cần thiết để kiểm soát acid đầy đủ.
  • Thời gian điều trị trong các tình trạng tăng tiết bệnh lý và hội chứng Zollinger-Ellison, không bị giới hạn và cần được điều chỉnh tùy theo nhu cầu lâm sàng.

Suy gan:

  • Không được vượt quá liều hàng ngày 20mg Pantin ở những bệnh nhân suy gan nặng.
  • Không được sử dụng Pantin trong điều trị phối hợp để tiệt trừ H. pylori ở những bệnh nhân bị rối loạn chức năng gan từ trung bình đến nặng vì hiện tại chưa có dữ liệu về hiệu quả và độ an toàn của Pantin khi điều trị phối hợp cho những bệnh nhân này.

Suy thận:

  • Đối với những bệnh nhân suy giảm chức năng thận thì không cần điều chỉnh liều.
  • Không được sử dụng Pantin trong điều trị phối hợp để tiệt trừ H. pylori ở những bệnh nhân suy giảm chức năng thận vì hiện tại không có dữ liệu về hiệu quả và độ an toàn của Pantin khi điều trị phối hợp cho những bệnh nhân này.

Trẻ em dưới 12 tuổi:

  • Không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi vì dữ liệu hạn chế về tính an toàn và hiệu quả ở nhóm tuổi này.

5. Làm gì khi quên liều?

Dùng ngay khi nhớ ra, nhưng nếu gần đến thời điểm dùng liều tiếp theo thì bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp như chỉ định. Tuyệt đối không dùng gấp đôi liều cùng một lúc.

6. Làm gì khi quá liều?

Trong trường hợp quá liều với các dấu hiệu lâm sàng, ngoài điều trị triệu chứng và hỗ trợ, không có khuyến cáo điều trị cụ thể nào được đưa ra.

Hãy liên hệ đến trung tâm y tế gần nhất để được xử trí và điều trị.

Tóm lại, thuốc Pantin được chỉ định điều trị các bệnh lý đường tiêu hoá như viêm thực quản trào ngược, loét dạ dày và tá tràng.... Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm, vì vậy người bệnh nên dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan