Công dụng thuốc Pamlonor

Với những bệnh lý tim mạch, trên thị trường có rất nhiều thuốc được sử dụng trong điều trị như Pamlonor 5mg, Amlodipin 5mg SANOFI, Normodipine 5mg, Tenox 5 mg. Tuy nhiên với mỗi bệnh nhân khác nhau thì lại phù hợp với từng thuốc khác nhau. Để hiểu rõ hơn công dụng của thuốc Pamlonor là gì? Các tác dụng phụ của thuốc Pamlonor? Cách uống thế nào là đúng? Những điểm gì cần phải lưu ý khi sử dụng? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thuốc Pamlonor.

1. Thuốc Pamlonor là thuốc gì?

Thuốc Pamlonor được sản xuất bởi Công ty Pharmaceutical Works Polfa – Ba Lan và có thành phần chính là Amlodipine. Thuốc Pamlonor cũng được chỉ định để điều trị tăng huyết áp, sử dụng một mình hoặc phối hợp thêm các thuốc điều trị tăng huyết áp khác, điều trị thiếu máu cơ tim và phòng ngừa nguy cơ đau thắt ngực ở người bệnh đau thắt ngực ổn định, đau thắt ngực có yếu tố co mạch.

Thuốc Pamlonor được bào chế ở dưới dạng viên nén. Hộp sẽ gồm 3 vỉ x 10 viên.

1.1. Dược lực học

Amlodipin chính là một chất đối kháng calci thuộc nhóm dihydropyridin. Thuốc này ức chế dòng calci đi qua màng vào tế bào cơ tim và cơ trơn của thành mạch máu bằng cách ngăn chặn những kênh calci chậm của màng tế bào. Nhờ tác dụng của thuốc mà trương lực cơ trơn của các mạch máu giảm và qua đó làm giảm sức kháng ngoại biên kéo theo hạ huyết áp.

Amlodipin chống đau thắt ngực chủ yếu là bởi giãn các tiểu động mạch ngoại biên và giảm hậu tải tim. Sự tiêu thụ năng lượng và nhu cầu oxygen của cơ tim bị giảm vì thuốc không gây phản xạ nhịp tim nhanh. Amlodipin cũng làm giãn mạch vành (động mạch và tiểu mạch) ở vùng bình thường lẫn vùng thiếu máu dẫn đến làm tăng cung cấp oxygen cho cơ tim.

1.2. Dược động học

Hấp thu

Sinh khả dụng của amlodipin khi uống là vào khoảng 60 – 80% và không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Thời gian bán thải từ 30 đến 40 giờ. Nồng độ ổn định trong huyết tương sẽ đạt được 7 – 8 ngày sau khi uống thuốc mỗi ngày 1 lần.

Phân bố

Thể tích phân bố xấp xỉ 21l/kg thể trọng và thuốc cũng liên kết với protein – huyết tương cao (trên 98%).

Chuyển hóa và thải trừ

Thuốc chuyển hóa chủ yếu qua gan. Các chất chuyển hóa bị mất hoạt tính và bài tiết qua nước tiểu. Đối với người suy gan cần giảm liều hoặc kéo dài thời gian giữa các liều dùng.

2. Công dụng thuốc Pamlonor là gì?

  • Đây chính là chất có khả năng đối kháng ion calci và cản trở dòng ion Calci đi vào tế bào cơ tim và cơ trơn. Thông qua đó sẽ làm giãn cơ tim và cơ trơn gây hạ huyết áp và giảm cơn đau thắt ngực.
  • Tác dụng hạ huyết áp của hoạt chất này chính là nhờ vào việc làm giãn cơ trơn mạch máu, do đó làm giảm hậu gánh.
  • Bên cạnh đó, tác dụng giúp làm giảm đau thắt ngực có thể do:

+ Hạ mức tiêu thụ năng lượng của cơ tim và giảm nhu cầu cung cấp oxy nhờ vậy mà sẽ giảm tải hoạt động của tim.

+ Đồng thời, chính sự giãn các động mạch vành và tiểu động mạch vành chính cũng sẽ làm tăng lượng oxy cho cơ tim.

  • Thuốc Pamlonor 5mg được sử dụng trong các trường hợp dưới đây:

- Điều trị tăng huyết áp, sử dụng một mình hoặc là phối hợp thêm các thuốc điều trị tăng huyết áp khác.

  • Điều trị thiếu máu cơ tim.
  • Phòng ngừa nguy cơ đau thắt ngực đối với người bệnh đau thắt ngực ổn định.
  • Đau thắt ngực cũng có yếu tố co mạch.

3. Tác dụng phụ của thuốc Pamlonor

Amlodipin thường được dung nạp tốt. Trong những nghiên cứu lâm sàng có kiểm chứng thu nhận những người bệnh cao huyết áp hoặc đau thắt ngực, những tác dụng phụ thường gặp nhất là nhức đầu, phù, hay mệt mỏi, buồn ngủ, buồn nôn, đau bụng, cơn bừng đỏ, hồi hộp và choáng váng. Trong những nghiên cứu lâm sàng này cũng không có những thay đổi đáng kể về mặt lâm sàng trên những xét nghiệm thường quy do dùng thuốc.
Trong quá trình sử dụng rộng rãi amlodipin, ngoài những tác dụng phụ nói trên còn gặp thay đổi hoạt động tiêu hóa, đau khớp, suy nhược, khó thở, khó tiêu, tăng sản lợi, chứng to vú đàn ông, tiểu tiện nhiều lần, thay đổi tính khí, đau cơ, ngứa, nổi mẩn, loạn thị giác, hiếm gặp hồng ban đa dạng.
Rất hiếm gặp vàng da và chủ yếu liên quan đến ứ mật – hoặc tăng enzym gan. Trong một số trường hợp phải nhập viện, nhưng quan hệ nhân quả gần như cũng không chắc chắn.
Cũng như đối với những thuốc chẹn kênh calci khác thì rất hiếm gặp những tác dụng phụ sau đây và không thể phân biệt được với bệnh cơ bản: nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim (kể cả là nhịp tim nhanh thất và rung nhĩ), đau ngực.Tác dụng phụ có thể không giống nhau tùy vào cơ địa mỗi người. Hãy thông báo ngay cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi dùng thuốc.

4. Tương tác thuốc:

Các thuốc gây mê sẽ làm tăng tác dụng chống tăng huyết áp của amlodipin và có thể làm huyết áp giảm mạnh hơn.

Lithi: Khi dùng cùng với amlodipin, có thể gây độc thần kinh, buồn nôn, nôn, ỉa chảy.

Thuốc chống viêm không steroid, đặt biệt là indomethacin có thể làm giảm tác dụng chống tăng huyết áp của amlodipin do ức chế tổng hợp prostaglandin và/ hoặc giữ natri và dịch.

Các thuốc liên kết cao với protein (như dẫn chất coumarin, hydantoin...) phải dùng thận trọng với amlodipin, vì amlodipin cũng liên kết cao với protein nên nồng độ của các thuốc nói trên ở dạng tự do (không liên kết) có thể thay đổi trong huyết thanh.

5. Cách sử dụng thuốc Pamlonor hiệu quả

5.1. Cách sử dụng

  • Dùng thuốc theo đường uống, tránh bẻ hay nhai viên có thể làm giảm tác dụng của thuốc.
  • Khi dùng cần uống nhiều nước.
  • Bệnh nhân không nên tự ý ngưng thuốc hay thay đổi liều dùng khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Với người cao huyết áp cần điều chỉnh chế độ ăn khoa học cùng, lối sống kết hợp với việc sử dụng thuốc. Cần có kiến kiến thức để xử trí khi tăng huyết áp đột ngột.

5.2. Liều dùng

Liều dùng có thể thay đổi tùy theo đáp ứng của từng bệnh nhân. Liều khuyến cáo:

  • Cao huyết áp:

+ Liều khởi đầu 5mg/lần/ngày, tối đa có thể dùng 10mg/lần/ngày.

+ Khi tình trạng sức khỏe kém, người bị suy giảm chức năng gan hoặc đang dùng cùng với các thuốc hạ huyết áp khác thì khởi đầu với liều 2.5mg/ngày.

  • Đau thắt ngực: 5 -10 mg/ngày, trường hợp nặng dùng 10mg/ngày.

5.3. Cách xử trí khi quên liều, quá liều

Quên liều: Tốt nhất nên dùng thuốc đúng và đủ liều để mang lại hiệu quả điều trị. Khi quên dùng thuốc phải bổ sung ngay khi nhớ ra càng sớm càng tốt. Không nên dùng gấp đôi liều để bù liều.

Quá liều:

+ Triệu chứng: Giãn mạch ngoại vi quá mức, hạ huyết áp toàn thân.

+ Xử trí: Các biện pháp hỗ trợ tim mạch như kiểm tra thường xuyên chức năng tim và hô hấp, theo dõi thể tích dịch tuần hoàn, nước tiểu. Trong trường hợp khẩn cấp hãy đến cơ sở y tế gần nhất hoặc liên hệ bác sĩ để có biện pháp can thiệp kịp thời.

6. Lưu ý khi sử dụng thuốc và cách bảo quản

6.1. Sử dụng trên phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú

Phụ nữ có thai: Có thể gây ức chế cơn co tử cung. Tuy nhiên, chưa chứng minh được tác dụng bất lợi của thuốc đến quá trình sinh đẻ. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi lựa chọn.

Phụ nữ cho con bú: Độ an toàn của thuốc trên phụ nữ cho con bú chưa được thiết lập. Chỉ sử dụng khi lợi ích điều trị cao hơn nhiều so với rủi ro. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

6.2. Những người lái xe và vận hành máy móc

Thuốc có thể gây hoa mắt, nhức đầu, suy giảm thị lực, ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc. Phải thận trọng khi dùng thuốc Pamlonor 5mg cho nhóm đối tượng này.

6.3. Lưu ý đặc biệt

  • Bệnh nhân có chức năng gan suy giảm, hẹp động mạch chủ và suy tim sau nhồi máu cơ tim cấp cần thận trọng khi sử dụng.
  • Phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
  • Đồng thời, phải thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học.

6.4. Điều kiện bảo quản

  • Để thuốc nơi khô ráo, thoáng mát.
  • Nhiệt độ dưới 30 độ C.
  • Xem kỹ hạn sử dụng trước khi dùng.
  • Phải hủy bỏ nếu thuốc có dấu hiệu hư hỏng, mốc, chuyển màu.
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
  • Để xa tầm tay trẻ em.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan