Công dụng thuốc Nobesta

Thuốc Nobesta là thuốc kê đơn, được chỉ định điều trị chứng ho trong cảm lạnh, ho gà, ho do kích thích họng. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng thuốc Nobesta, người bệnh cũng cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời tham khảo thêm nội dung thông tin về những công dụng thuốc Nobesta trong bài viết dưới đây.

1. Công dụng thuốc Nobesta là gì?

1.1. Thuốc Nobesta là thuốc gì?

Thuốc Nobesta thuộc nhóm thuốc tác dụng lên đường hô hấp bao gồm các thành phần:

  • Dextromethorphan hydrobromide hàm lượng 10mg.
  • Clorpheniramin maleat hàm lượng 2mg.
  • Guaifenesin hàm lượng 50mg.
  • Tá dược: Glycerin, Sucrose, dung dịch Sorbitol, Sodium citrate, Saccharin sodium, Disodium edetate, Sodium benzoate, Sodium chloride, Acid citric, Menthol, Sunset Yellow FCF, Beta Cyclodextrin, hương cam ngọt, nước tinh khiết.

Thuốc được bào chế dưới dạng siro uống hương cam, dung tích 60ml, hộp 1 lọ. Thuốc Nobesta khuyến cáo sử dụng cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên và người trưởng thành.

1.2. Thuốc Nobesta có tác dụng gì?

Dextromethorphan HBr là thuốc giảm ho dùng để giảm ho do kích thích nhẹ ở họng và phế quản như cảm lạnh thông thường hay hít phải các chất kích thích. Đặc biệt hiệu quả nhất trong điều trị ho mãn tính, không có đờm. Theo đó, thuốc thường được phối hợp với nhiều chất khác trong điều trị triệu chứng viêm đường hô hấp trên.

Chlorpheniramine là thuốc kháng Histamin thuộc thế hệ thứ nhất, có tác dụng an thần trung bình đặc biệt ở trẻ nhỏ. Thuốc được dùng trong điều trị triệu chứng các bệnh dị ứng như: viêm mũi dị ứng, mày đay, phù mạch, dị ứng, ngứa.

Guaifenesin có tác dụng long đờm, làm tăng hiệu quả của phản xạ ho và tạo điều kiện thuận lợi để tống đờm ra ngoài hơn. Đặc biệt Guaifenesin không làm mất phản xạ ho như các thuốc chống ho khác. Thuốc được sử dụng điều trị triệu chứng ho có đờm đặc, quánh, khó khạc do cảm lạnh và viêm đường hô hấp trên nhẹ. Guaifenesin không dùng đơn lẻ mà thường được kết hợp với các thuốc chống sung huyết mũi, thuốc giãn phế quản, kháng Histamin hoặc thuốc chống ho kiểu opiat.

Thuốc Nobesta kết hợp 3 thành phần trên được kê đơn chỉ định trong các trường hợp:

  • Điều trị triệu chứng ho do cúm, cảm lạnh, trong bệnh lao, viêm phế quản, viêm phổi, bệnh hen suyễn, sởi, ho gà, viêm mũi dị ứng, viêm hầu họng, viêm thanh quản, viêm phế quản và phế quản, kích thích màng phổi.

Chống chỉ định:

  • Bệnh nhân dị ứng với thành phần chính Dextromethorphan, Guaifenesin, Chlorpheniramine hay bất kỳ thành phần tá dược nào được liệt kê trên đây của thuốc
  • Bệnh nhân suy hô hấp.
  • Bệnh nhân đang dùng các chất ức chế Monoamine oxidase.
  • Bệnh nhân có bệnh về gan
  • Đang có cơn hen cấp.
  • Nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt.
  • Glôcôm góc hẹp.
  • Tắc cổ bàng quang.
  • Loét dạ dày, tắc môn vị và tá tràng.

2. Cách sử dụng của thuốc Nobesta

2.1. Cách dùng thuốc Nobesta

  • Thuốc Nobesta dùng đường uống, có thể uống khi đói hoặc no đều được, riêng trẻ em thì nên uống xa bữa ăn.
  • Dùng dụng cụ chia liều có sẵn kèm trong chai thuốc để uống, không dùng thìa, cốc khác không đảm bảo được đúng lượng thuốc cần uống.
  • Sử dụng thuốc đúng với liều lượng bác sĩ chỉ định để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, không tự ý thêm hay bớt liều dùng mà không được sự đồng ý của bác sĩ điều trị.

2.2. Liều dùng của thuốc Nobesta

  • Trẻ sơ sinh: dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ và cần được giám sát trong quá trình uống.
  • Trẻ nhỏ từ 2 đến 6 tuổi: uống 5ml mỗi lần (tương đương với 1 thìa cà phê), ngày uống 3 đến 4 lần.
  • Trẻ nhỏ từ 6 đến 12 tuổi: uống 10m mỗi lần (tương đương 2 thìa cà phê), ngày uống 3 đến 4 lần.
  • Trẻ từ 12 tuổi trở lên và người trưởng thành: uống 15ml mỗi lần (tương đương 3 thìa cà phê), ngày uống 3 đến 4 lần. Có thể chuyển sang dùng dạng viên uống cho thuận tiện.

Xử lý khi quên liều: Uống ngay liều Nobesta khi nhớ ra. Nếu đã gần đến thời gian uống liều tiếp theo thì bỏ qua liều đã bỏ lỡ và chờ đến thời gian đúng theo lịch trình của liều tiếp theo. Không dùng liều gấp đôi liều Nobesta để bù cho liều đã quên.

Xử trí khi quá liều:

Triệu chứng:

  • Dextromethorphan: buồn nôn, nôn, ảo giác, nhìn mờ, rung giật nhãn cầu, bí tiểu, suy hô hấp, co giật.
  • Clorpheniramin: loạn thần, rối loạn hệ thần kinh trung ương, rối loạn tim mạch, cơn động kinh, thậm chí ngừng thở.

Xử trí:

  • Cần gây nôn ngay cả khi bệnh nhân có thể nôn một cách tự phát. Nếu thực hiện gây nôn mà bệnh nhân không nôn trong vòng 15 phút, nên lặp lại liều lượng siro Ipeca.
  • Do việc gây nôn có thể khiến tắc nghẽn đường hô hấp nên cần áp dụng những biện pháp bảo vệ hô hấp, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.
  • Sau khi gây nôn, có thể dùng hỗn hợp sệt của nước với than hoạt tính để hấp phụ phần thuốc còn sót lại trong dạ dày.
  • Nếu gây nôn không thành công hoặc bị chống chỉ định với một số trường hợp: cần tiến hành rửa dạ dày; dung dịch rửa thường chọn là nước muối sinh lý, đặc biệt trong trường hợp quá liều ở trẻ em.
  • Thuốc tẩy muối có thể hữu hiệu trong việc hòa tan nhanh chóng các chất được đưa vào trong ruột. Hiện chưa rõ thuốc có thẩm phân được hay không?
  • Sau khi gây nôn, người bệnh nên cần được theo dõi về mặt y khoa cẩn thận, do có nguy cơ mất cân bằng nước – điện giải, thậm chí nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.
  • Hỗ trợ chức năng sống và điều trị triệu chứng, cần đặc biệt chú ý đến chức năng hô hấp, gan, thận, tim và cân bằng nước, điện giải.
  • Nếu gặp trường hợp hạ huyết áp và loạn nhịp, người bệnh cần được tiến hành điều trị tích cực.
  • Có thể điều trị co giật bằng tiêm tĩnh mạch Phenytoin hoặc Diazepam.

3. Lưu ý khi dùng thuốc Nobesta

Trong quá trình dùng thuốc Nobesta, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau đây:

  • Cần thận trọng khi dùng Nobesta trong 3 tháng đầu thai kỳ.
  • Hoạt chất Clorpheniramin có thể làm tăng nguy cơ bí tiểu đặc biệt ở nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt, tắc môn vị tá tràng, tắc đường niệu và làm trầm trọng thêm nhược cơ.
  • Tác dụng an thần của clorpheniramin tăng lên khi bệnh nhân uống rượu trong khi dùng thuốc và khi dùng đồng thời với các thuốc an thần khác.
  • Có nguy cơ biến chứng ở đường hô hấp, suy giảm hô hấp và ngừng thở khi dùng cho người bị bệnh tắc nghẽn phổi, thở ngắn, khó thở hay trẻ nhỏ. Nên thận trọng khi dùng Nobesta cho những đối tượng này.
  • Thuốc có thể gây tác dụng phụ chóng mặt, hoa mắt, ngủ gà, nhìn mờ và suy giảm tâm thần vận động ở một số người bệnh nên có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lái xe hay vận hành máy. Bởi vậy tránh dùng thuốc cho những đối tượng này.
  • Không dùng thuốc Nobesta khi đã quá hạn sử dụng, niêm phong lọ thuốc bị hở, thuốc đổi màu, có mùi lạ.

4. Tác dụng phụ của thuốc Nobesta

Tác dụng phụ của thuốc Nobesta có thể xảy ra với tần suất như sau:

  • Thường gặp: Buồn nôn, nôn, bồn chồn, chóng mặt, nhức đầu, đánh trống ngực, biếng ăn, táo bón, đỏ bừng, nổi mẩn, đổ mồ hôi, hạ huyết áp.
  • Ít gặp: Rối loạn tiêu hóa, buồn ngủ nhẹ. Khi dùng liều quá cao có thể xảy ra ngộ độc gây hành vi kỳ quặc, ức chế thần kinh trung ương và suy hô hấp.

5. Tương tác thuốc Nobesta

  • Các thuốc ức chế MAO làm kéo dài thời gian tác dụng và tăng tác dụng chống tiết Acetylcholin của thuốc các kháng Histamin (Clorpheniramin), nên chống chỉ định dùng chung các thuốc này.
  • Không uống rượu hoặc thuốc an thần gây ngủ khi đang dùng Nobesta.
  • Hoạt chất Clorpheniramin trong Nobesta gây ức chế quá trình chuyển hóa Phenytoin, khiến tăng nồng độ thuốc này trong máu và gián tiếp gây tăng nguy cơ ngộ độc.
  • Quinidin dùng chung với Nobesta làm giảm chuyển hóa và tăng tần suất xuất hiện các tác dụng không mong muốn của thuốc.

Thời gian bảo quản thuốc Nobesta là 48 tháng kể từ ngày sản xuất. Lọ thuốc sau khi được mở nắp, chỉ nên dùng trong vòng 14 ngày. Bảo quản sản phẩm thuốc ở nhiệt độ phòng phù hợp dưới 30 độ C, không để thuốc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, các vị trí có nguồn nhiệt cao như cạnh bên tủ lạnh, máy sưởi hoặc tivi dễ dẫn đến việc viên thuốc bị biến đổi. Tránh xa khỏi tầm với của trẻ đề phòng đổ vỡ hay trẻ uống nhầm.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

90 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan