Công dụng thuốc Nasacort

Nasacort là thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị các triệu chứng liên quan đến dị ứng mũi hoặc một số trường hợp khác khi có chỉ định của bác sĩ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin liên quan đến công dụng, liều dùng và cách sử dụng chi tiết loại thuốc này.

1. Nasacort là thuốc gì?

Nasacort là thuốc kê đơn có tác dụng điều trị các triệu chứng dị ứng mũi, giúp làm giảm chứng viêm, đỏ, sưng, ngứa, kích thích đường mũi.

Thuốc hoạt động bằng cách ngăn ngừa tình trạng viêm xảy ra với các phản ứng dị ứng.

2. Liều dùng và cách dùng Nasacort

2.1. Liều dùng của thuốc xịt mũi Nasacort

  • Với người lớn hoặc trẻ em trên 12 tuổi: Sử dụng với liều 1 lần/ngày, xịt 2 lần vào mỗi khoang mũi đồng thời hít vào nhẹ nhàng. Sau khi dùng thuốc và nhận thấy triệu chứng dị ứng được cải thiện, bạn có thể giảm liều xuống còn 1 lần xịt vào mỗi khoang mũi.
  • Trẻ em từ 6 đến 12 tuổi: Sử dụng với liều 1 lần/ngày, xịt vào mỗi khoang mũi 1 lần đồng thời hít vào nhẹ nhàng. Trong trường hợp nhận thấy triệu chứng dị ứng không cải thiện, bạn có thể tăng lên 2 lần vào mỗi khoang mũi mỗi ngày. Sau khi dùng thuốc và nhận thấy triệu chứng dị ứng được cải thiện, bạn có thể giảm liều xuống còn 1 lần xịt vào mỗi khoang mũi.
  • Trẻ em từ 2 đến dưới 6 tuổi: Dùng dưới sự giám sát của người lớn, xịt cho trẻ 1 lần/ngày vào mỗi khoang mũi đồng thời hít vào nhẹ nhàng.

2.2. Cách dùng thuốc Nasacort

Để thuốc Nasacort phát huy hiệu quả tốt nhất, bạn cần sử dụng sản phẩm đúng cách với hướng dẫn cụ thể như sau:

  • Làm sạch mũi bằng cách hỉ nhẹ nhàng để loại bỏ tạp chất.
  • Cầm chai xịt trên tay, lắc chai và tháo nắp ra.
  • Giữ chặt chai và chèn đầu xịt vào một lỗ mũi trong khi bịt lỗ mũi khác bằng ngón tay và nghiêng nhẹ đầu về phía trước để phun về phần sau của lỗ mũi.
  • Ấn thật nhanh vòi phun xuống và hít nhẹ nhàng vào và nghiêng đầu trong vài giây.
  • Dùng khăn sạch để làm sạch vòi phun rồi đóng nắp lại. Nếu muốn rửa sạch kỹ hơn, bạn tháo nắp và nhẹ nhàng kéo đầu xịt ra khỏi chai rồi rửa nắp và đầu phun bằng nước ấm. Sau khi để khô ráo, bạn lắp ráp các bộ phận lại.
  • Với trường hợp đầu phun bị tắc, bạn có thể làm sạch bằng cách lặp lại các bước này, tuyệt đối không thông đầu phun bằng kẹp ghim hay vật cứng.

3. Tác dụng phụ

Trong quá trình sử dụng Nasacort, người bệnh có nguy cơ gặp phải một số tác dụng phụ sau đây:

  • Ngứa, rát hoặc đôi khi xuất hiện chảy máu mũi.
  • Hắt hơi, chảy nước mắt ngay sau khi sử dụng thuốc.
  • Đau họng, ho, nghẹt mũi.
  • Đau đầu, buồn nôn hoặc nôn, vị giác khó chịu.

Nếu bạn có bất kỳ phản ứng phụ nào sau đây, hãy ngưng sử dụng thuốc ngay lập tức:

  • Suy nhược cơ thể, có cảm giác mệt mỏi, buồn nôn, ăn mất ngon, giảm cân đột ngột.
  • Sốt, ớn lạnh, đau cơ, xuất hiện những triệu chứng cảm cúm.
  • Dễ bị bầm tím chân tay hoặc chảy máu, yếu bất thường;
  • Xuất hiện vệt trắng hoặc vết loét tại khu vực bên trong mũi, miệng hoặc trên môi.
  • Phản ứng dị ứng nghiêm trọng bao gồm phát ban, nổi mẩn, ngứa, khó thở, co thắt ngực, sưng miệng/mặt/môi hoặc lưỡi.

Ngoài ra, người bệnh có thể xuất hiện một số tác dụng phụ khác khi dùng thuốc xịt mũi này. Do đó nếu nhận thấy bất cứ phản ứng nào, bạn cần liên hệ bác sĩ để được tư vấn.

4. Tương tác thuốc

Sử dụng Nasacort cùng với một số loại thuốc khác có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác hoặc tăng nguy cơ gây ra tác dụng phụ.

Cụ thể một số loại thuốc có thể tương tác với Nasacort gồm có Cyclosporin (Neoral, Gengraf); Sirolimus (Rapamune); Tacrolimus (Prograf); Basiliximab (Simulect); Efalizumab (Raptiva); Muromonab-cd3 (Orthoclone); Mycophenolate mofetil (Cellcept)...

5. Thận trọng khi sử dụng thuốc

Cẩn thận khi sử dụng thuốc cho những đối tượng đặc biệt như:

  • Người dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc Nasacort không được sử dụng.
  • Phụ nữ mang thai, cho con bú chỉ dùng thuốc Nasacort khi có chỉ định.
  • Người có tiền sử phẫu thuật mũi, chấn thương mũi chưa lành, nhiễm trùng mắt, tăng nhãn áp hoặc đục thủy tinh thể cẩn trọng khi dùng thuốc.

Trên đây là một số thông tin về thuốc Nasacort. Do đây là thuốc kê đơn, thế nên người bệnh cần tuân thủ việc sử dụng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan