Công dụng thuốc Naomy

Thuốc Naomy có chứa thành phần hoạt chất chính là Dextromethorphan, Chlorpheniramine, Amoni clorid và Glyceryl guaiacolate. Thuốc Naomy có tác dụng làm giảm các dấu hiệu triệu chứng ho do cảm lạnh, cảm cúm, dị ứng, hút nhiều thuốc lá hay ho khan,...

1. Thuốc Naomy là thuốc gì?

Naomy là thuốc điều trị ho phối hợp giữa các hoạt chất Dextromethorphan hydrobromide, Chlorpheniramine maleate, Amoni clorid và Glyceryl guaiacolate.

Hoạt chất Dextromethorphan hydrobromid, có tác dụng:

  • Công dụng giảm ho theo cơ chế tác động lên trung tâm ho ở hành não. Đặc biệt là hoạt chất không có tác dụng giảm đau và rất ít an thần. Đây là ưu điểm so với các loại thuốc khác, nếu có thành phần an thần sẽ có nguy cơ dẫn đến buồn ngủ, đặc biệt là đối với trẻ em.
  • Được sử dụng trong điều trị ho mãn tính, ít có tác dụng với ho có đờm.

Hoạt chất Clorpheniramin maleat kháng Histamin có tác dụng thông qua phong bế cạnh tranh các thụ thể H1. Đối kháng các đáp ứng dị ứng cụ thể như giãn mạch, tăng độ thấm thành mạch, tăng tiết chất nhầy của mô mũi. Hoạt chất này thường được sử dụng để giảm tiết nước mũi và dịch nhầy ở đường hô hấp trên.

Hoạt chất Glyceryl Guaiacolate có tác dụng giãn mạch, làm loãng dịch hô hấp và kích thích bài xuất chúng ra ngoài.

Hoạt chất Amoni clorid có công dụng làm tăng tiết dịch, giảm khô và đau rát đường hô hấp. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng làm loãng đờm, giúp dễ tống xuất đờm ra ngoài.

2. Thuốc Naomy điều trị bệnh gì?

Thuốc Naomy được sử dụng trong những trường hợp như sau:

  • Điều trị ho khan; ho do cảm lạnh, cảm cúm, dị ứng.
  • Điều trị ho nguyên nhân do hút nhiều thuốc lá, hít phải chất gây kích ứng.
  • Điều trị sổ mũi, chảy nước mắt và mẩn ngứa trên da.

3. Cách dùng và liều lượng của thuốc Naomy

Cách sử dụng thuốc

  • Thuốc Naomy sử dụng theo đường uống.
  • Rót thuốc siro Naomy ra thìa hoặc cốc chia vạch để xác định liều.

Tùy thuộc vào độ tuổi, bạn có thể sử dụng 3 - 4 lần/ ngày với liều điều trị như sau:

  • Liều điều trị với người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: 15ml/ lần.
  • Liều điều trị với trẻ em từ 7 đến 12 tuổi: 10ml/ lần.
  • Liều điều trị trẻ em từ 2 đến 6 tuổi: 5ml/ lần.
  • Liều điều trị trẻ sơ sinh 1.25 – 2.5ml/ lần.

Trường hợp quên/ quá liều thuốc:

  • Trong trường hợp quên liều thuốc Naomy, bỏ qua liều điều trị đã quên và dùng thuốc như bình thường. Bạn tuyệt đối không sử dụng gấp đôi với mục đích bù liều.
  • Trong trường hợp quá liều, trẻ sơ sinh và trẻ em có thể dẫn đến co giật hoặc sốt cao, người lớn gặp tình trạng buồn ngủ, kích động, nhịp tim nhanh, run rẩy, giật cơ và co giật với các cơn động kinh. Khi gặp phải những dấu hiệu, triệu chứng quá liều cần phải ngừng sử dụng thuốc ngay và đến cơ sở y tế gần nhất.

4. Tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc Naomy

Khi sử dụng thuốc Naomy có thể gặp một số tác dụng phụ sau:

  • Buồn ngủ.
  • Khô miệng, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, nhịp tim đập nhanh, nổi mề đay.

Nếu mức độ của các dấu hiệu trên trở nên nghiêm trọng, liên lạc ngay với bác sĩ điều trị hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời và đúng cách.

5. Tương tác của thuốc Naomy

Naomy có thể gây ra tương tác với các thuốc như sau:

  • Thuốc ức chế IMAO kéo dài và tăng tác dụng của hoạt chất Clorpheniramin maleat.
  • Dùng đồng thời thuốc Naomy với hoạt chất Phenytoin có thể làm giảm chuyển hóa gây độc cho cơ thể.
  • Ethanol và các thuốc an thần gây ngủ có thể làm tăng tác dụng ức chế thần kinh của hoạt chất Clorpheniramin maleat trong thuốc Naomy.
  • Khi dùng đồng thời Naomy với các thuốc ức chế thần kinh trung ương có thể làm tăng tác dụng của chúng.
  • Quinidin có thể làm giảm chuyển hóa thuốc Naomy ở gan. Do đó, việc sử dụng làm tăng nồng độ thuốc Naomy trong huyết thanh và tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ.

Để tránh tương tác giữa Naomy với các thuốc khác gây ra ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, bạn cần chủ động thông báo cho bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ về các loại thuốc đang sử dụng.

6. Một số chú ý khi sử dụng thuốc Naomy

Không sử dụng thuốc Naomy trong các trường hợp sau:

  • Người bị hen suyễn, suy hô hấp.
  • Người bị glôcôm góc hẹp.
  • Người bị thiểu niệu nguyên nhân do rối loạn niệu đạo – tuyến tiền liệt.
  • Người đang sử dụng các thuốc ức chế Monoamine oxidase.
  • Người nhạy cảm hay mẫn cảm với các thành phần của thuốc.

Sử dụng thuốc đối với phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú:

  • Đối với phụ nữ có thai: Không khuyến cáo sử dụng thuốc Naomy ở những đối tượng này. Nguyên nhân là do hiện vẫn chưa xác định được sự an toàn của thuốc Naomy đối với mẹ và thai nhi. Chỉ sử dụng thuốc Naomy khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Đối với bà mẹ cho con bú: Hoạt chất Clorpheniramin trong thuốc Naomy có thể tiết qua sữa mẹ gây ra một số tác dụng không mong muốn với trẻ và làm giảm tiết sữa. Nên thận trọng khi sử dụng thuốc Naomy, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng.

Đối với những người vận hành máy móc hay lái xe:

  • Thuốc Naomy có tác dụng không mong muốn là buồn ngủ và chóng mặt. Do đó, thuốc có thể gây ra những ảnh hưởng đến khả năng lái xe, vận hành máy móc hay những công việc có liên quan đến sự tập trung. Bạn cần chú ý cân nhắc kỹ trước khi sử dụng thuốc Naomy.

Bài viết đã cung cấp thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Naomy. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Naomy theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

75.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan