Công dụng thuốc Labestdol

Labestdol thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm không Steroid. Thuốc được chỉ định điều trị các trường hợp giúp hạ sốt, giảm đau ở trẻ em. Tuân thủ chỉ định, liều dùng thuốc Labestdol sẽ giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị và tránh được những tác dụng phụ không mong muốn.

1. Labestdol là thuốc gì?

Labestdol chứa thành phần chính là Paracetamol hàm lượng 160mg trong mỗi gói 5ml và các tá dược khác vừa đủ do nhà sản xuất cung cấp. Dạng bào chế của thuốc ở dạng hỗn dịch uống, cách thức đóng gói dạng hộp 10 gói, 12 gói, 15 gói, 20 gói và 24 gói, mỗi gói có thể tích 5ml.

Thành phần Paracetamol có tác dụng giảm đau hạ sốt. Thuốc tác động lên trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi gây hạ nhiệt, tăng tỏa nhiệt do giãn mạch và tăng lưu lượng máu ngoại biên làm giảm thân nhiệt ở người bệnh bị sốt, nhưng hiếm khi làm giảm thân nhiệt bình thường. Hoạt chất này giúp người bệnh giảm đau bằng cơ chế nâng ngưỡng chịu đau lên.

Ở liều điều trị, hiệu quả của paracetamol giúp hạ sốt, giảm đau tương đương với thuốc Aspirin nhưng ít tác động đến hệ tim mạch và hệ hô hấp, không tác động đến mức cân bằng acid - base trong cơ thế. Đồng thời không gây kích ứng và chảy máu dạ dày.

Paracetamol hấp thu nhanh và chủ yếu qua đường uống. Thời gian bán thải của thuốc là từ 1,25 - 3 giờ. Thuốc được chuyển hóa chủ yếu ở gan và thải trừ qua thận.

2. Thuốc Labestdol có tác dụng gì?

Thuốc Labestdol được chỉ định điều trị trong các trường hợp dưới đây:

  • Giúp giảm đau, hạ sốt cho trẻ trong các trường hợp bệnh lý như cảm, cúm, sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn, sốt siêu vi, mọc răng, sốt sau tiêm chủng, sau phẫu thuật, viêm họng hoặc viêm phổi...

Ngoài ra, thuốc Labestdol chống chỉ định trong các trường hợp:

  • Người bệnh dị ứng với hoạt chất paracetamol hoặc các thành phần tá dược khác có trong thuốc.
  • Người bệnh bị suy tế bào gan.
  • Người bệnh bị thiếu máu nhiều lần không rõ nguyên nhân.
  • Người bệnh mắc một số bệnh lý liên quan về tim mạch, phổi, thận hoặc gan.
  • Người bệnh bị thiếu hụt men G6PD.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Labestdol

3.1. Cách dùng

Thuốc Labestdol được bào chế ở dạng hỗn dịch nên người bệnh dùng bằng đường uống. Khi uống, thuốc nên được hòa tan trong 1 cốc nước sôi để nguội cho đến khi bọt không sủi lên nữa. Labestdol có thể uống trước hoặc sau ăn vì thức ăn không làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu của thuốc.

3.2. Liều dùng

Dựa vào cân nặng của trẻ để tính toán liều dùng thích hợp.

Liều dùng khuyến cáo là 60mg/ kg/ ngày, được chia làm 4 - 6 lần dùng mỗi ngày, khoảng 10 - 15mg/ kg/ lần trong mỗi 4 - 6 giờ.

  • Trẻ từ 0 đến 3 tháng tuổi: Dùng với liều 1⁄2 gói/ lần.
  • Trẻ từ 4 đến 11 tháng tuổi: Dùng với liều 1 gói/ lần.
  • Trẻ từ 1 tuổi đến dưới 6 tuổi: Dùng với liều 1 gói/ lần, ngày 3 - 4 lần.
  • Trẻ từ 6 đến 12 tuổi: Dùng với liều 2 gói/ lần, ngày 3 - 4 lần.

Lưu ý:

  • Liều dùng tối đa trong 24 giờ không nên vượt quá 5 lần/ ngày.
  • Không nên kéo dài việc dùng thuốc này mà nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trong các trường hợp như có thêm các triệu chứng mới xuất hiện, sốt cao (trên 39,5 độ C) và kéo dài hơn 3 ngày hoặc tái phát. Người bệnh cảm thấy đau nhiều và kéo dài hơn 5 ngày.

Lưu ý: Người bệnh chỉ nên tham khảo liều dùng khuyến cáo ở trên của nhà sản xuất. Tùy vào từng tình trạng bệnh lý để bác sĩ kê đơn liều dùng thuốc thích hợp cho mỗi người bệnh. Vì vậy, cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ trước khi dùng thuốc.

4. Tác dụng phụ của thuốc Labestdol

Bác sĩ luôn xem xét giữa lợi ích mà Labestdol đem lại cho bệnh nhân và nguy cơ có thể xảy ra các tác dụng phụ để chỉ định dùng thuốc thích hợp. Thuốc Labestdol dung nạp khá tốt, ít xảy ra các tác dụng phụ trên người bệnh. Một số tác dụng không mong muốn được ghi nhận như sau:

Ít gặp:

  • Nổi ban da, rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, chướng bụng, bệnh thận, gây ra độc tính ở thận khi lạm dụng thuốc dài ngày.
  • Giảm số lượng bạch cầu loại trung tính, giảm hồng cầu và thiếu máu.

Hiếm gặp:

  • Phản ứng quá mẫn.

Lưu ý: Ngoài những tác dụng phụ được liệt kê ở trên đây, thuốc Labestdol có thể gây ra cho người bệnh những tác dụng không mong muốn khác mà chưa được xác định đầy đủ. Khi phát hiện bất kỳ triệu chứng nghi ngờ liên quan đến dùng thuốc, người bệnh cần báo ngay với bác sĩ điều trị.

5. Tương tác thuốc Labestdol

Một số tương tác thuốc đã được ghi nhận khi dùng phối hợp giữa thuốc Labestdol và các thuốc khác như sau:

  • Uống thuốc Labestdol với liều cao trong thời gian dài có thể làm tăng nhẹ tác dụng chống đông máu của Coumarin và dẫn chất Indandion.
  • Có thể tăng nguy cơ gây hạ sốt nghiêm trọng ở người bệnh dùng đồng thời Phenothiazin và liệu pháp hạ nhiệt.
  • Nguy cơ gây độc tính cho gan khi dùng phối hợp với các thuốc chống co giật (như Phenytoin, Barbiturat và Carbamazepin), Isoniazid và các thuốc chống lao.
  • Người bệnh nghiện rượu khi dùng thuốc Labestdol có thể gây ngộ độc cho gan nếu tiếp tục dùng trong quá trình điều trị bằng thuốc này.

Ngoài ra, trong quá trình dùng có thể xảy ra những tương tác khi dùng kết hợp với các thuốc khác hoặc các thực phẩm dùng hàng ngày. Người bệnh nên thông báo cho bác sĩ biết các thuốc đang dùng điều trị bao gồm cả thực phẩm chức năng và thuốc nam,...

6. Các lưu ý khi dùng thuốc Labestdol

Một số lưu ý khi người bệnh dùng thuốc Labestdol như sau:

  • Thận trọng khi bắt đầu dùng thuốc này cho người bệnh có rối loạn chức năng thận, gan.
  • Trong trường hợp người bệnh uống nhiều rượu hoặc bị thiếu máu, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc này.
  • Đối với người bệnh bị phenylceton - niệu và người bệnh hạn chế lượng phenylalamin đưa vào cơ thể nên tránh dùng Labestdol với thuốc hoặc thực phẩm có chứa Aspartame.
  • Một số trường hợp người bệnh có phản ứng quá mẫn (như bệnh hen) nên tránh dùng thuốc này với các thuốc khác hoặc thực phẩm có chứa sulfite.
  • Bác sĩ cần cảnh báo với người bệnh về các dấu hiệu của phản ứng trên da nghiêm trọng như hội chứng Steven - Johnson (SJS), hội chứng hoại tử da do nhiễm độc (TEN) hay hội chứng Lyell.
  • Người bệnh không nên ngưng dùng thuốc nếu thấy các triệu chứng đã cải thiện. Dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng, thời gian dùng thuốc để tăng hiệu quả điều trị cũng như hạn chế những tác phụ không mong muốn có thể xảy ra. Tránh việc tăng giảm liều để đẩy nhanh thời gian điều trị.
  • Kiểm tra hạn dùng thuốc trước khi dùng có ghi cụ thể trên bao bì thuốc. Thuốc đã hết hạn không nên dùng vì các thành phần của thuốc bị biến đổi có thể gây nguy hại cho người bệnh. Nếu thấy các dấu hiệu như đổi màu, biến dạng, chảy nước thì không nên dùng thuốc đó nữa.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú: Chưa có đầy đủ bằng chứng khẳng định về mức độ an toàn khi dùng thuốc Labestdol cho nhóm đối tượng này. Khi được chỉ định dùng thuốc cho mục đích điều trị, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích của người mẹ và nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra cho thai nhi và trẻ bú mẹ. Vì vậy, trước khi dùng thuốc người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ để được tư vấn đầy đủ.

7. Làm gì khi quên liều, quá liều thuốc Labestdol?

  • Khi người bệnh quên dùng thuốc Labestdol, hãy dùng ngay khi nhớ ra. Thuốc này có thể uống sau 1 - 2 giờ so với chỉ dẫn trên đơn thuốc của bác sĩ có thể không gây ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả điều trị. Có thể xảy ra tình trạng quá liều nếu người bệnh tự ý dùng bù với liều gấp đôi vào liều đã quên. Người bệnh có thể không dùng liều đã quên nếu đã gần đến thời điểm dùng liều tiếp theo. Không nên bỏ qua 2 liều dùng thuốc liên tiếp.
  • Trường hợp quá liều thuốc Labestdol có thể do dùng một liều độc duy nhất hoặc do uống lặp lại liều lớn (như 7,5 - 10g mỗi ngày, trong 1 - 2 ngày) hoặc có thể do dùng thuốc dài ngày. Một số dấu hiệu khi xảy ra quá liều trên người bệnh như buồn nôn, nôn, đau bụng, xanh tím da, niêm mạc và móng tay. Trường hợp xuất hiện các dấu hiệu như trên cần thông báo ngay cho bác sĩ để được tham khảo ý kiến. Khi bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu ngộ độc nặng như kích thích nhẹ, kích động và mê sảng, ức chế hệ thần kinh trung ương, lú lẫn, hạ thân nhiệt, mệt lả, thở nhanh và nông, mạch nhanh, yếu, không đều, huyết áp thấp và suy tuần hoàn. Trong trường hợp này nên đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời. Khi đi nhớ mang theo tất cả các loại thuốc mà người bệnh đã dùng ở nhà để bác sĩ nhanh chóng chẩn đoán và xử trí phù hợp.

Những thông tin liên quan về cách sử dụng, công dụng, liều dùng và một số lưu ý khi sử dụng thuốc Labestdol đã được cập nhật ở bài viết trên. Hy vọng người bệnh đã có những thông tin hữu ích trong quá trình dùng thuốc này. Lưu ý, Labestdol là thuốc chỉ được dùng khi có kê đơn của bác sĩ, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc khi chưa được thăm khám và chẩn đoán bác sĩ điều trị.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan