Công dụng thuốc Klotacef

Klotacef là thuốc kháng sinh, được sử dụng phổ biến để điều trị tình trạng nhiễm khuẩn trong cơ thể như viêm mũi, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn da hay ổ bụng, nhiễm khuẩn thận và nhiễm khuẩn đường tiết niệu,... Việc sử dụng thuốc cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh gặp phải những tác dụng phụ ngoài ý muốn.

1. Thuốc Klotacef có tác dụng gì?

Thuốc Klotacef có chứa thành phần chính là hoạt chất Ceftriaxone (dưới dạng Ceftriaxone natri) 1g. Đây vốn là kháng sinh có công dụng kháng viêm, thường được dùng để tiêm vào cơ thể bằng đường tĩnh mạch hoặc ở cơ bắp, cho khả năng hấp thụ kém qua đường tiêu hóa.

2. Chỉ định và chống chỉ định

Klotacef được chỉ định sử dụng trong những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân bị nhiễm trùng hô hấp, tai - mũi - họng, thận - tiết niệu sinh dục, nhiễm trùng máu hoặc bị viêm màng não mủ.
  • Sử dụng trong điều trị dự phòng các vấn đề như nhiễm trùng hậu phẫu, nhiễm trùng xương khớp, da, vết thương và mô mềm, viêm đường mật, viêm phúc mạc, viêm túi mật và nhiễm trùng tiêu hóa.
  • Ngoài ra, thuốc Klotacef chống chỉ định với bệnh nhân mẫn cảm với Ceftriaxone hoặc Cephalosporin và Penicillin.

3. Liều lượng và cách dùng

Klotacef có thể sử dụng theo đường tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp với liều dùng tham khảo như sau:

  • Người lớn & trẻ > 12 tuổi: Sử dụng liều dùng 1 - 2g/ ngày; trường hợp nặng dùng với liều 4g/ ngày.
  • Trẻ em 15 ngày tuổi đến 12 tuổi: Sử dụng với liều 20 - 80mg/ kg.
  • Trẻ nhỏ 14 ngày tuổi: Sử dụng thuốc với liều dùng 20 - 50mg/ kg/ ngày.
  • Viêm màng não: Sử dụng với liều dùng 100mg/ kg x 1 lần/ ngày, tuy nhiên lưu ý chỉ dùng tối đa với liều 4g.
  • Lậu: Sử dụng qua đường tiêm tĩnh mạch liều duy nhất 250mg.
  • Dự phòng trước phẫu thuật: Sử dụng với liều từ 1 - 2g tiêm 30 - 90 phút trước khi mổ.

4. Tác dụng phụ

Trong quá trình dùng thuốc Klotacef, bệnh nhân có thể sẽ gặp phải một số tác dụng phụ sau đây:

  • Xuất hiện tình trạng viêm sưng tại nơi tiêm.
  • Rối loạn huyết học hoặc có dị ứng trên da;
  • Buồn nôn hoặc có thể gây nôn mửa ở mức độ nặng.
  • Đau bụng hoặc tiêu chảy.

Những tác dụng phụ trên chưa phải là toàn bộ triệu chứng mà người bệnh có thể sẽ gặp phải. Tác dụng ngoài ý muốn của thuốc có thể tùy thuộc vào những yếu tố như cơ địa, thể trạng của mỗi người. Do đó, khi xuất hiện bất cứ tác dụng phụ nào, người bệnh cũng đều cần phải báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa biết để tránh gây ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày.

5. Tương tác thuốc

Klotacef có thể tương tác với một số loại thuốc khác gây ảnh hưởng đến khả năng hoạt động, nồng độ của nhau hoặc sản sinh ra những loại hóa dược khác gây hại cho sức khỏe của người sử dụng. Do đó, người bệnh cần tránh dùng Klotacef với các thuốc như dung dịch có chứa Ca, thuốc Chloramphenicol, Aminoglycosid, Aminosid, Furosemid, Axit ethacrynic và Probenecid.

Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa khi có ý định kết hợp Klotacef với những loại thuốc khác. Khi đó, các bác sĩ (hoặc chuyên viên y tế) sẽ đưa ra những lời khuyên, chỉ dẫn để phòng tránh tình trạng tương tác thuốc.

6. Thận trọng khi dùng

Một số trường hợp sau cần cân nhắc trước khi dùng hoặc thận trọng trong suốt quá trình sử dụng Klotacef gồm.

  • Phụ nữ có thai hoặc đang trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ cẩn thận khi dùng Klotacef.
  • Bệnh nhân bị suy thận hoặc những người bị suy giảm chức năng gan và thận.

Ngoài ra, người bệnh cũng cần lưu ý sử dụng thuốc đúng liều lượng khuyến cáo của chuyên gia. Trong trường hợp sử dụng thuốc quá liều khuyến cáo thì người dùng cần theo dõi tình trạng sức khỏe của mình. Nếu nhận thấy xuất hiện những triệu chứng khác lạ, hãy đến gặp bác sĩ để được xử lý kịp thời.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Klotacef, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Klotacef là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

34 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan