Công dụng thuốc Ipalzac

Acid mefenamic là một kháng viêm không steroid ít được sử dụng. Hoạt chất này có trong thuốc Ipalzac. Vậy thuốc Ipalzac có tác dụng gì và có điểm khác biệt nào giữa Acid mefenamic so với các NSAID khác hay không?

1. Thuốc Ipalzac là thuốc gì?

Thuốc Ipalzac thuộc nhóm hoạt chất chống viêm không Steroid (NSAID), bào chế dưới dạng viên nén và đóng gói mỗi hộp 2 vỉ x 10 viên. Thành phần chính của thuốc Ipalzac là Mefenamic acid hàm lượng 250mg. Sản phẩm thuốc Ipalzac được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Dược phẩm và Dịch vụ Y tế Khánh Hội (KHAHOPHARMA).

2. Thuốc Ipalzac có tác dụng gì?

Thuốc Ipalzac có tác dụng gì? Mefenamic acid trong thuốc Ipalzac là hoạt chất kháng viêm không steroid, có tác dụng giảm đau trên cơ quan vận động hoặc hệ tiết niệu - sinh dục. Acid mefenamic bản chất là một fenamate và có những tác dụng bao gồm giảm đau, kháng viêm và ức chế quá trình tổng hợp các prostaglandin trong cơ thể.

Mefenamic acid trong thuốc Ipalzac có tác dụng chủ yếu trong những trường hợp cần giảm đau đầu, đau răng, đau dây thần kinh hoặc sau chấn thương và phẫu thuật. Bên cạnh đó thuốc Ipalzac còn có khả năng giảm đau bụng kinh hiệu quả.

Sau khi uống thuốc Ipalzac, Acid Mefenamic được hấp thu nhanh và đạt nồng độ tối đa trong huyết tương sau hơn 2 giờ dùng thuốc. Các mức nồng độ trong huyết tương được ghi nhận tỷ lệ với liều dùng và không có hiện tượng tích lũy thuốc Ipalzac trong cơ thể.

Thời gian bán hủy trong huyết tương của Mefenamic Acid giao động 2 đến 4 giờ. Sau khi hấp thu thuốc Ipalzac được khuếch tán đầu tiên đến gan và thận trước khi đến các mô khác, đáng chú ý hoạt chất này qua được hàng rào nhau thai và bài tiết qua sữa mẹ dưới dạng vết.

Ở người bình thường, khoảng 67% liều dùng thuốc Ipalzac được bài tiết qua nước tiểu, chủ yếu dưới dạng chất chuyển hóa liên hợp và một tỷ lệ thấp (khoảng 6%) dưới dạng acid mefenamic liên hợp. Có khoảng 10 đến 20% liều dùng thuốc Ipalzac bài tiết qua phân sau 3 ngày, dưới dạng dẫn xuất carboxyl.

3. Chỉ định, chống chỉ định của thuốc Ipalzac

Chỉ định của thuốc Ipalzac:

  • Ðiều trị triệu chứng đau mức độ nhẹ đến trung bình, bao gồm đau đầu, đau răng...
  • Giảm đau ở bộ máy vận động;
  • Giảm đau bụng kinh sau khi đã xác định được nguyên nhân;
  • Điều trị rong kinh chức năng.

Chống chỉ định của thuốc Ipalzac:

  • Chống chỉ định tuyệt đối:
    • Tiền sử xác định dị ứng với Acid mefenamic, Aspirin và các thuốc kháng viêm không steroid khác;
    • Bệnh nhân mắc bệnh loét dạ dày tá tràng đang tiến triển;
    • Người suy chức năng gan nặng;
    • Bệnh nhân suy thận nặng;
    • Phụ nữ mang thai từ tháng thứ 6 trở đi;
  • Chống chỉ định tương đối kết hợp thuốc Ipalzac với các thuốc kháng viêm không steroid khác (bao gồm cả Aspirin liều cao), thuốc kháng đông đường uống, heparin dạng tiêm, lithium, methotrexate liều cao và Ticlopidine.

4. Liều dùng, cách dùng thuốc Ipalzac

Liều dùng thuốc Ipalzac khuyến cáo cho người trưởng thành và trẻ em trên 12 tuổi:

  • Ðiều trị triệu chứng đau: 0.75-1.5g/ngày (tương đương 3 đến 6 viên thuốc Ipalzac 250mg), chia làm 3 lần uống. Lưu ý cần giảm liều ở người bệnh lớn tuổi để hạn chế tác dụng phụ;
  • Ðiều trị đau bụng kinh: Liều khuyến cáo là 1.5g/ngày (tương đương 6 viên thuốc Ipalzac 250mg), chia làm 3 lần uống;
  • Ðiều trị rong kinh chức năng: Liều 1.5g/ngày (tương đương 6 viên thuốc Ipalzac 250mg) chia làm 3 lần uống, bắt đầu ở ngày đầu tiên của chu kỳ cho đến khi kinh nguyệt bình thường trở lại và lưu ý không dùng thuốc Ipalzac quá 5 ngày.

Cách sử dụng thuốc Ipalzac: Sản phẩm này bào chế dạng viên nén dùng đường uống, người bệnh nên uống thuốc với một ly nước trong các bữa ăn mỗi ngày.

5. Tác dụng phụ của thuốc Ipalzac

Tác dụng ngoại ý của thuốc Ipalzac trên dạ dày ruột:

  • Những biểu hiện bất thường hay gặp của Ipalzac bao gồm tiêu chảy, buồn nôn kèm theo nôn ói hoặc không, đau thượng vị... và một số trường hợp bệnh nhân phải ngưng thuốc;
  • Chán ăn, ợ nóng, đầy hơi, táo bón, loét đường tiêu hóa có xuất huyết hoặc không. Những trường hợp xuất huyết xảy ra thường xuyên hơn khi dùng thuốc Ipalzac liều cao;
  • Để hạn chế tác dụng phụ trên dạ dày ruột, người bệnh nên uống thuốc trong bữa ăn. Tần suất và tỷ lệ xảy ra tác dụng ngoại ý của thuốc Ipalzac liên quan đến liều dùng. Do đó khi giảm liều thì tác dụng phụ trên dạ dày ruột cũng sẽ giảm và có thể biến mất ngay sau khi ngưng thuốc.

Phản ứng quá mẫn của thuốc Ipalzac:

  • Biểu hiện trên da như phát ban, nổi mẩn kèm ngứa...;
  • Biểu hiện trên đường hô hấp: Khởi phát cơn hen phế quản, đặc biệt nguy cơ cao hơn ở người có tiền sử dị ứng với Aspirin và các thuốc kháng viêm không steroid khác.

Tác dụng ngoại ý trên thận của thuốc Ipalzac:

  • Suy chức năng thận kèm theo hoại tử nhú thận đã ghi nhận ở một số bệnh nhân lớn tuổi có đi kèm tình trạng mất nước;
  • Hiếm gặp hơn là tình trạng tiểu máu và khó đi tiểu.

Tác dụng ngoại ý của thuốc Ipalzac trên cơ quan tạo máu:

  • Một số ít bệnh nhân thiếu máu tán huyết do tự miễn đã được ghi nhận sau khi sử dụng Acid mefenamic liên tục trên 12 tháng, tuy nhiên hầu hết sẽ tự hồi phục khi ngưng thuốc Ipalzac;
  • Một số bệnh nhân dùng thuốc Ipalzac ghi nhận tình trạng giảm hematocrit máu khoảng 2-5% khi điều trị kéo dài;
  • Một số biểu hiện bất thường khác bao gồm giảm bạch cầu, tăng bạch cầu ái toan, ban xuất huyết tiểu cầu, mất bạch cầu hạt, giảm toàn bộ huyết cầu hoặc giảm sản tủy.

Tác dụng phụ của thuốc Ipalzac trên hệ thần kinh trung ương với các biểu hiện chóng mặt, ngủ gật, thần kinh căng thẳng, đau đầu hoặc rối loạn thị giác.

Một số tác dụng phụ khác của thuốc Ipalzac:

  • Ngứa mắt;
  • Đau tai;
  • Ra nhiều mồ hôi;
  • Bất thường chức năng gan mức độ nhẹ;
  • Tăng nhu cầu về insulin ở bệnh nhân đái tháo đường;
  • Đánh trống ngực;
  • Khó thở;
  • Mất khả năng nhìn màu (có thể hồi phục khi ngưng thuốc Ipalzac).

6. Tương tác thuốc của Ipalzac

Thuốc Ipalzac làm gia tăng đáp ứng của cơ thể với các thuốc chống đông máu dạng uống bằng cách liên kết vị trí gắn với protein của Warfarin.

Một số bệnh nhân uống thuốc Ipalzac đôi khi cho kết quả dương tính khi thử nghiệm bilirubin trong nước tiểu, nguyên nhân có thể do chất chuyển hóa của Acid mefenamic ảnh hưởng đến tiến trình xét nghiệm.

Thuốc Ipalzac thuộc nhóm hoạt chất chống viêm không Steroid (NSAID). Đây là loại thuốc được chỉ định giảm đau trong một số trường hợp. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan