Công dụng thuốc Hwadox Inj

Hwadox Inj có thành phần chính Cefepim (dưới dạng Cefepime Hydrochloride), là thuốc kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 4 có phổ tác dụng rộng hơn các Cephalosporin thế hệ thứ 3. Cùng tìm hiểu thuốc Hwadox công dụng gì qua bài viết dưới đây.

1. Hwadox Inj là thuốc gì?

Hwadox Inj có thành phần chính Cefepim (dưới dạng Cefepime Hydrochloride), là thuốc kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 4 có phổ tác dụng rộng hơn các Cephalosporin thế hệ thứ 3. Thuốc được chỉ định để điều trị nhiều loại bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn bằng tác dụng diệt khuẩn thông qua cách ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Hwadox Inj được bào chế dưới dạng lọ bột pha tiêm, hàm lượng mỗi lọ chứa 1g Cefepim.

2. Thuốc Hwadox Inj chỉ định trong trường hợp nào?

Thuốc được dùng điều trị trong những trường hợp nhiễm khuẩn rất nặng, nhạy cảm với Cefepim:

  • Nhiễm trùng nặng đường tiết niệu có biến chứng.
  • Viêm thận bể thận.
  • Viêm phổi bệnh viện, viêm phổi nặng mắc phải tại cộng đồng.
  • Nhiễm khuẩn nặng ở da và tổ chức dưới da.
  • Viêm màng não.
  • Nhiễm trùng huyết.
  • Nhiễm trùng ổ bụng có biến chứng (hay phối hợp với Metronidazol tiêm tĩnh mạch).
  • Người lớn, trẻ em trên 2 tháng tuổi có sốt kèm theo giảm bạch cầu trung tính.

3. Chống chỉ định của thuốc Hwadox Inj

Tuyệt đối không sử dụng thuốc Hwadox Inj ở những người bệnh mẫn cảm với Cefepime hoặc bất kỳ thành phần nào khác của thuốc hay kháng sinh nhóm Cephalosporin khác; người bệnh đã có tiền sử dị ứng, quá mẫn với Penicillin hoặc Beta-lactam khác.

4. Liều dùng và cách sử dụng của thuốc Hwadox Inj

4.1. Cách sử dụng thuốc Hwadox Inj

Hwadox Inj được sản xuất dưới dạng lọ bột pha tiêm, truyền. Lưu ý, Hwadox Inj là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tuyệt đối không được tự ý pha thuốc, tiêm truyền tại nhà mà cần đến cơ sở y tế chất lượng để thăm khám và có y - bác sĩ thực hiện y lệnh thuốc. Thuốc Hwadox Inj được sử dụng đường tiêm, truyền tĩnh mạch hoặc tiêm bắp.

Tùy thuộc vào tình trạng nhiễm khuẩn của người bệnh mà Hwadox Inj được chỉ định dùng theo đường tiêm bắp sâu, tiêm tĩnh mạch chậm trong 3 - 5 phút dung dịch chứa 100mg/ ml hoặc tiêm truyền tĩnh mạch ngắt quãng trong khoảng thời gian 30 phút. Chỉ tiêm bắp Hwadox Inj đối với trường hợp nhiễm khuẩn nhẹ và vừa hoặc khi thấy đường dùng tiêm bắp phù hợp với người bệnh hơn.

4.2. Liều dùng thuốc Hwadox Inj

Liều dùng của thuốc Hwadox Inj có thể thay đổi phụ thuộc vào các yếu tố như là: Độ tuổi, cân nặng, tình trạng nhiễm trùng của người bệnh, tiền sử dùng thuốc, những trường hợp đặc biệt (bệnh nhân suy thận, phụ nữ có thai và cho con bú). Do đó, người bệnh sử dụng liều thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ, không được tự ý tăng giảm liều thuốc. Tham khảo liều dùng dưới đây:

Người lớn

  • Nhiễm trùng ổ bụng nặng: Tiêm tĩnh mạch 2g/ lần x 2 lần/ ngày (mỗi lần tiêm cách nhau 12 giờ), dùng kéo dài trong 7 - 10 ngày. Thường kết hợp với kháng sinh Metronidazol để điều trị (Metronidazol tiêm truyền đường riêng).
  • Viêm phổi bệnh viện: Liều dùng 1 - 2g/ lần x 2-3 lần/ ngày (mỗi lần tiêm cách nhau từ 8 - 12 giờ). Thời gian điều trị có thể thay đổi từ 7 - 21 ngày và thường điều trị kéo dài nếu người bệnh nhiễm Pseudomonas.
  • Viêm phổi mắc phải tại cộng đồng: Liều dùng 1 - 2g/ lần x 2 lần/ ngày (mỗi lần tiêm cách nhau 12 giờ), dùng thuốc kéo dài trong 10 ngày.
  • Nhiễm khuẩn da và tổ chức dưới da (chưa có biến chứng): Dùng liều tiêm tĩnh mạch 2g/ lần x 2 lần/ ngày (mỗi lần tiêm cách nhau 12 giờ), dùng thuốc kéo dài trong 10 ngày.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu (có hoặc không có biến chứng): Trường hợp tình trạng bệnh từ nhẹ đến vừa, dùng đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch liều 0,5 - 1g/ lần x 2 lần/ ngày ( mỗi lần tiêm cách nhau 12 giờ), dùng kéo dài trong 7 - 10 ngày. Trường hợp bệnh thể nặng: Tiêm tĩnh mạch liều 2g/ lần x 2 lần/ ngày (mỗi lần tiêm cách nhau 12 giờ), dùng thuốc kéo dài trong 10 ngày.
  • Viêm màng não mủ và tổn thương thần kinh trung ương do các vi khuẩn nhạy cảm: Truyền tĩnh mạch liều 2g/ lần x 3 lần/ ngày (mỗi lần tiêm cách nhau 8 giờ). Thời gian điều trị phụ thuộc vào sự đáp ứng của từng bệnh nhân. Đối với nhiễm khuẩn do H. Influenzae, N. meningitidi thì thời gian điều trị nên là 7 ngày, do vi khuẩn S. pneumoniae thời gian là từ 10 - 14 ngày và do vi khuẩn Gram âm yếm khí là 21 ngày.
  • Sốt có giảm bạch cầu trung tính (đơn trị liệu): Tiêm tĩnh mạch liều 2g/ lần x 3 lần/ ngày (mỗi liều tiêm cách nhau 8 giờ), dùng thuốc kéo dài trong 7 ngày hoặc tới khi xét nghiệm máu hết giảm bạch cầu trung tính.
  • Áp xe não, ngăn ngừa nhiễm khuẩn sau phẫu thuật thần kinh: Liều dùng 2g/ lần x 3 lần/ ngày (mỗi liều tiêm cách nhau 8 giờ), thường dùng kết hợp với kháng sinh Vancomycin ( liều 500mg/ lần, cách 8 giờ dùng một lần).

Trẻ em:

  • Nhiễm khuẩn da và tổ chức dưới da (chưa có biến chứng) và viêm phổi: Tiêm tĩnh mạch liều 50mg/ kg/ lần x 2 lần/ ngày (mỗi lần tiêm cách nhau 12 giờ), thời gian dùng thuốc kéo dài trong 10 ngày.
  • Sốt có giảm bạch cầu trung tính: Tiêm tĩnh mạch liều 50mg/ kg/ lần x 3 lần/ ngày (mỗi liều tiêm cách nhau 8 giờ), dùng thuốc kéo dài trong 7 ngày hoặc tới khi xét nghiệm máu hết giảm bạch cầu trung tính.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có hoặc không có biến chứng: Dùng đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch liều 50mg/ kg/ lần x 2 lần/ ngày (mỗi liều tiêm cách nhau 12 giờ), dùng thuốc kéo dài trong 7 - 10 ngày.
  • Viêm màng não mủ và tổn thương thần kinh trung ương do các vi khuẩn nhạy cảm: Trẻ em trên 2 tháng tuổi đến 15 tuổi thì dùng liều thuốc là 50mg/ kg/ lần x 3 lần/ ngày, (mỗi liều tiêm cách nhau 8 giờ), dùng thuốc kéo dài trong 7 - 10 ngày. Thời gian điều trị dựa vào đáp ứng điều trị của từng bệnh nhân. Đối với nhiễm khuẩn do H. Influenzae, hoặc N. meningitidis thì thời gian điều trị được khuyến cáo là 7 ngày, do S. pneumoniae là từ 10 - 14 ngày và do vi khuẩn gram âm yếm khí là 21 ngày.

Đối tượng khác:

Bệnh nhân suy thận: Cần phải điều chỉnh liều thuốc theo độ thanh thải Creatinin (ClCr).

  • Bệnh nhân suy thận có độ thanh thải creatinin (ClCr) 30 - 60ml/ phút: Dùng liều ban đầu bằng liều cho người có chức năng thận bình thường.
  • Bệnh nhân suy thận có độ thanh thải creatinin (ClCr) 10 - 30 ml/ phút: Liều trong 24 giờ bằng 50% liều thường dùng.
  • Bệnh nhân suy thận có độ thanh thải creatinin (ClCr) < 10ml/ phút: Liều trong 24 giờ bằng 25% liều thường dùng.
  • Bệnh nhân đang thẩm tách máu dùng liều đầu tiên 1g Hwadox Inj một lần/ ngày, sau đó dùng liều 500mg một lần mỗi ngày để điều trị các nhiễm khuẩn thông thường hoặc dùng 1g/ lần mỗi ngày đối với nhiễm khuẩn ở người bệnh có sốt kèm theo giảm bạch cầu trung tính.

5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Hwadox Inj

Người bệnh khi sử dụng thuốc Hwadox Inj có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn như sau:

  • Trên da và phản ứng toàn thân: Kích ứng tại chỗ tiêm, ngứa, ngoại ban, nổi ban dát sẩn, sốt, phù Quincke ( phù mặt, phù nề họng và dây thanh). Hiếm gặp: Hội chứng Steven-Johnson, hoại tử da nhiễm độc.
  • Hệ tiêu hóa: Nấm Candida ở miệng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, viêm đại tràng giả mạc. Trên gan: tăng men gan.
  • Hệ thần kinh: Loạn cảm, run, kích thích thần kinh - cơ, chóng mặt, lú lẫn, ảo giác, co giật, đau nhức đầu.
  • Máu và hệ bạch huyết: Viêm tắc tĩnh mạch (nếu tiêm tĩnh mạch), tăng bạch cầu ưa acid, giảm bạch cầu hạt, tăng lympho bào, có thể xét nghiệm Coombs trực tiếp dương tính mà không có tan máu thật sự.
  • Hệ thận - tiết niệu và sinh dục: Tăng chỉ số Ure và Creatinin máu, viêm âm đạo, giảm độ thanh thải Creatinin (ClCr).

6. Những thận trọng khi sử dụng thuốc Hwadox Inj

Khi sử dụng thuốc Hwadox Inj cần thận trọng những điều dưới đây:

  • Do có phản ứng chéo giữa Penicilin với Cephalosporin, do đó, người bệnh cần phải thông báo cho bác sĩ biết về tiền sử dị ứng của mình với thuốc kháng sinh Penicillin hoặc bất kỳ thuốc nào khác nếu có, và những thuốc người bệnh hiện đang sử dụng trước khi bắt đầu điều trị bằng Hwadox Inj.
  • Cần phải giảm liều thuốc Hwadox Inj ở người bệnh suy thận do thuốc có thể làm giảm mức lọc cầu thận.
  • Cần kiểm tra bằng mắt các dung dịch thuốc Hwadox Inj trước khi tiêm xem có kết tủa ở dây truyền hoặc bơm tiêm hay không.
  • Khi người bệnh sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài, trong đó có Hwadox Inj có thể gây tình trạng bội nhiễm vi khuẩn, nhiễm nấm hoặc tăng sinh nhiễm khuẩn, bao gồm nhiễm Clostridium difficile liên quan đến tình trạng tiêu chảy và viêm đại tràng giả mạc.
  • Thận trọng khi sử dụng Hwadox Inj ở bệnh nhân có bệnh lý tâm - thần kinh do một số kháng sinh Cephalosporin (trong đó có Hwadox Inj) có khả năng gây động kinh, co giật, đặc biệt trên bệnh nhân có chức năng thận suy giảm mà không được điều chỉnh giảm liều Hwadox Inj.
  • Thận trọng khi dùng Hwadox Inj ở đối tượng bệnh nhân có tiền sử bị co giật, đặc biệt ở bệnh nhân suy thận vì có thể tăng nguy cơ co giật. Trong quá trình điều trị bằng Hwadox Inj nếu người bệnh xuất hiện co giật nên ngừng thuốc Hwadox Inj ngay lập tức và sử dụng các thuốc điều trị động kinh thích hợp.
  • Hiện chưa xác định được tác dụng và tính an toàn của thuốc Hwadox Inj ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tháng tuổi.
  • Đối với phụ nữ có thai: Các nghiên cứu trên động vật thí nghiệm không thấy Hwadox Inj có ảnh hưởng độc cho thai. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu đầy đủ và kiểm soát chặt chẽ về sử dụng Hwadox Inj cho người mang thai, do vậy, chỉ dùng thuốc Hwadox Inj cho phụ nữ mang thai khi có chỉ định của bác sĩ với lợi ích đem lại lớn hơn nguy cơ khi sử dụng thuốc Hwadox Inj.
  • Đối với phụ nữ đang cho con bú: Thuốc Hwadox Inj bài tiết một lượng nhỏ vào sữa mẹ, gây tác dụng phụ không mong muốn cho trẻ. Do vậy, nên dừng cho con bú ở mẹ đang dùng thuốc Hwadox Inj.
  • Đối với người đang lái xe hoặc vận hành máy móc: Cẩn trọng khi sử dụng Hwadox Inj cho người lái xe, vận hành máy móc hoặc khi làm công việc cần sự tỉnh táo vì thuốc Hwadox Inj có thể gây tác dụng phụ như chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi.

Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp người bệnh nắm rõ hơn về công dụng và những vấn đề gặp phải khi sử dụng thuốc Hwadox Inj. Lưu ý, Hwadox Inj là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý tiêm truyền thuốc tại nhà. Nếu người bệnh có bất kỳ thắc mắc nào về thuốc Hwadox Inj, bạn có thể liên hệ đến Vinmec để nhận được những tư vấn từ đội ngũ bác sĩ, dược sĩ chuyên môn cao.

60 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan