Công dụng thuốc Hepagold

Thuốc Hepagold là dung dịch tiêm truyền, giúp bổ sung các loại amino axit thiết yếu cho cơ thể người bị thiếu hụt chất dinh dưỡng sau chấn thương hoặc phẫu thuật,... Để việc điều trị bằng thuốc Hepagold an toàn và hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ mọi chỉ dẫn mà bác sĩ đưa ra, bao gồm cả liều dùng cũng như cách sử dụng thuốc.

1. Thuốc Hepagold là gì?

Hepagold thuộc nhóm thuốc đường tiêu hoá, giúp bổ sung amino axit cho những bệnh nhân bị thiếu hụt các dưỡng chất sau khi phẫu thuật, gặp chấn thương hoặc mất thể lực,... Thuốc Hepagold được sản xuất bởi Choongwae Pharma Corp – Hàn Quốc, bào chế dưới dạng dung dịch tiêm truyền và được chứa trong túi polypropylen hàm lượng 250ml hoặc 500ml.

Trong mỗi 250ml dung dịch tiêm Hepagold có chứa các thành phần sau:

  • L-lsoleucine: Hàm lượng 2,25g;
  • L-Leucine: Hàm lượng 2,75g;
  • L-Histidine: Hàm lượng 0,6g;
  • L-Lysine Acetate: Hàm lượng 2,15g;
  • L-Proline: Hàm lượng 2,0g;
  • L-Methionine: Hàm lượng 0,25g;
  • L-Serine: Hàm lượng 1,25g;
  • L-Phenylalanine: Hàm lượng 0,25g;
  • Glycine: Hàm lượng 2,25g;
  • L-Threonine: Hàm lượng 1,125g;
  • L-Valin: Hàm lượng 2,1g;
  • L-Cystine HCL: Hàm lượng 0,05g;
  • L-Alanine: Hàm lượng 1,925g;
  • L-Arginine: Hàm lượng 1,5g;
  • L-Tryptophan: Hàm lượng 0,165g;
  • Các tá dược khác vừa đủ 250ml.

2. Thuốc Hepagold có tác dụng gì?

2.1 Công dụng của thuốc Hepagold

Với sự kết hợp của các amino axit trong cùng 1 công thức đã giúp thuốc Hepagold mang đầy đủ các tác dụng mà những hoạt chất này mang lại. Các amino axit sẽ được hấp thu vào cơ thể, giúp bổ sung nguồn dưỡng chất thiết yếu khi cơ thể bị thiếu hụt lượng protein hoặc bị mất máu quá nhiều. Có thể nói, những hoạt chất này đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể, giúp người bệnh duy trì các hoạt động sống thường ngày.

Thành phần L-Lysine trong thuốc Hepagold là 1 axit amin quan trọng đối với cơ thể con người. Theo nghiên cứu, L-Lysine giúp nâng cao khả năng hấp thu canxi của cơ thể. Đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình tạo collagen giúp gân và sụn khớp phát triển bền vững.

2.2 Chỉ định sử dụng thuốc Hepagold

Thuốc Hepagold thường được bác sĩ kê đơn sử dụng cho các trường hợp dưới đây:

  • Bệnh nhân mắc phải tình trạng suy dinh dưỡng hoặc thường xuyên có cảm giác mệt mỏi.
  • Hỗ trợ cải thiện tình trạng loãng xương, yếu cơ và suy giảm khối lượng xương.
  • Tăng cường axit amin và protein cho những bệnh nhân bị thiếu hụt các chất này, bao gồm: Người bị giảm khả năng hấp thu protein, người bị suy dinh dưỡng hoặc người bệnh trước, trong và sau giai đoạn phẫu thuật đường tiêu hoá.
  • Dùng để bổ sung protein cho người gặp phải chấn thương gây mất nhiều máu.

2.3 Chống chỉ định sử dụng thuốc Hepagold

Không sử dụng dung dịch tiêm truyền Hepagold cho những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn với các hoạt chất, tá dược hay phụ liệu có trong thuốc.
  • Người bị vô niệu hoặc có khuyết tật bẩm sinh về khả năng chuyển hóa axit amin.
  • Người bị suy tim, rối loạn chuyển hoá nước và chất điện giải.
  • Người bệnh có liên quan đến chuỗi chuyển hoá axit amin phân nhánh, chẳng hạn như bệnh rối loạn chuyển hoá axit Isovaleric hoặc bệnh Siro niệu.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Hepagold

3.1 Liều lượng sử dụng thuốc Hepagold

Liều dùng cho trẻ em:

Liều lượng sử dụng thuốc Hepagold cho trẻ em sẽ được tính bằng gam axit amin/ kg thể trọng/ ngày. Đối với trẻ sơ sinh sẽ cần khoảng 2 – 3g/ kg thể trọng cùng với một lượng calo phù hợp để đáp ứng được đầy đủ nhu cầu protein và giúp thúc đẩy sự cân bằng chuyển hoá nitơ.

Dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch ngoại vi bằng thuốc Hepagold cho trẻ không được phép vượt quá 2 lần mức áp suất thẩm thấu huyết thanh bình thường, cụ thể là 718 mOsmol/ L. Tốc độ truyền thuốc ban đầu dành cho trẻ nên chậm, sau đó có thể tăng dần lên 60 – 125ml / giờ.

Đối với những bệnh nhi không thể tiêm truyền tĩnh mạch trung tâm hoặc những người có khả năng thu nạp đầy đủ lượng calo bằng đường ruột. Thuốc Hepagold sẽ được bác sĩ tiến hành truyền tĩnh mạch ngoại vi bao gồm hoặc không bao gồm calo từ carbohydrate. Thuốc Hepagold sẽ được pha loãng cùng với nước vô khuẩn hoặc dung dịch Dextrose 5 – 10%. Khi truyền tĩnh mạch ngoại vi bằng thuốc Hepagold cần bổ sung đầy đủ lượng calo cho trẻ. Ngoài ra, áp suất dung dịch muối không nên vượt quá 2 lần áp suất thẩm thấu huyết thanh bình thường.

Liều cho người cao tuổi và bệnh nhân suy thận nhẹ:

Cần thận trọng khi xác định liều truyền thuốc Hepagold cho người cao tuổi. Tốt nhất, dung dịch thuốc nên được truyền bắt đầu với liều thấp nhất, có thể dựa trên mức độ suy giảm lớn nhất của các chức năng tim mạch, gan hoặc thận, những bệnh kèm theo hoặc các thuốc khác mà người bệnh đang sử dụng.

Thuốc Hepagold có thể bài tiết qua thận và dễ dẫn đến ngộ độc ở những bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận, đặc biệt là người cao tuổi. Những đối tượng này cần thận trọng khi lựa chọn liều thuốc và phải thường xuyên kiểm soát chức năng thận.

3.2 Hướng dẫn sử dụng thuốc Hepagold

Thuốc Hepagold được sử dụng qua đường truyền tĩnh mạch với tốc độ truyền khuyến cáo theo bác sĩ là từ 80 – 130 giọt/ phút. Thực tế, cách sử dụng cũng như liều dùng thuốc Hepagold sẽ được xác định dựa trên tình trạng sức khoẻ của từng bệnh nhân và có thể được điều chỉnh trong quá trình tiêm truyền thông qua độ thiếu hụt axit amin của người bệnh.

Để đạt được hiệu quả điều trị cao, trong suốt thời gian dùng thuốc, bệnh nhân nên duy trì chế độ ăn uống hợp lý với nhiều trái cây và rau củ, nhất là những thực phẩm giúp cung cấp nguồn vitamin B lớn cho cơ thể. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần nói “không” với các chất kích thích hoặc đồ uống chứa cồn khi điều trị bằng thuốc Hepagold.

4. Những tác dụng phụ có nguy cơ xảy ra khi sử dụng thuốc Hepagold

Thuốc Hepagold có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoại ý dưới đây cho bệnh nhân trong quá trình tiêm truyền như:

  • Phù nề;
  • Tăng urê huyết;
  • Hạ natri huyết;
  • Suy tư thế vận động;
  • Sốt;
  • Nhiễm khuẩn tại vị trí tiêm truyền;
  • Viêm tĩnh mạch lan từ vị trí tiêm truyền;
  • Huyết khối tĩnh mạch;
  • Thoát mạch;
  • Tăng thể tích tuần hoàn;
  • Suy giảm quá trình oxy hoá các mô;
  • Thiếu máu tan máu cấp tính;
  • Hạ canxi máu với các triệu chứng như chuột rút, cơn tetany hoặc kích thích cơ quá mức.

Trong trường hợp nhận thấy có bất kỳ phản ứng bất lợi nào khi sử dụng thuốc Hepagold, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ để ngưng truyền dịch, đồng thời đánh giá sớm tình trạng của người bệnh, từ đó đưa ra biện pháp xử trí thích hợp. Bên cạnh đó, phần dung dịch truyền còn lại sẽ được cất giữ để kiểm tra lúc cần thiết.

5. Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Hepagold

5.1 Cần thận trọng điều gì khi tiêm truyền thuốc Hepagold?

Dưới đây là một số điều mà bệnh nhân cần thận trọng trong suốt quá trình sử dụng thuốc Hepagold:

  • Chỉ được phép sử dụng Hepagold dưới hình thức tiêm truyền, do đó bệnh nhân tuyệt đối không được uống hay dùng thuốc cho mục đích khác.
  • Luôn kiểm tra kỹ lưỡng hạn sử dụng, độ đục và trong của dung dịch Hepagold trước khi tiêm truyền.
  • Báo cho bác sĩ biết các tình trạng sức khỏe hiện có hoặc các loại thuốc đang sử dụng trước khi tiến hành tiêm truyền Hepagold.
  • Hepagold có chứa Natri bisulfit, có nguy cơ gây phản ứng dị ứng với những triệu chứng phản vệ hoặc cơn hen cho bệnh nhân có cơ địa nhạy cảm.
  • Khi áp dụng liệu pháp truyền kéo dài, bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm nhằm giúp bác sĩ theo dõi được những thay đổi của nồng độ điện giải, cân bằng dịch và axit base. Nếu xảy ra sự chênh lệch đáng kể, bệnh nhân sẽ được bổ sung điện giải.
  • Hiện chưa có bất kỳ thông tin nào về việc dùng thuốc Hepagold có nguy cơ gây hại cho thai nhi hoặc ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ. Tốt nhất, phụ nữ đang có thai chỉ nên tiêm truyền Hepagold khi thực sự cần thiết.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Hepagold cho phụ nữ nuôi con bú.

5.2 Tương tác của thuốc Hepagold với các thuốc khác

Hiện nay chưa có dữ liệu nào cho thấy thuốc Hepagold tương tác với các dược phẩm khác trên thị trường. Nhằm ngăn ngừa tối đa nguy cơ xảy ra phản ứng tương tác ngoài ý muốn giữa các loại thuốc, người bệnh cần báo cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc đang sử dụng trong thời điểm hiện tại, bao gồm cả thực phẩm chức năng, thảo dược tự nhiên hoặc vitamin,...

Bài viết đã cung cấp thông tin thuốc Hepagold có tác dụng gì, liều dùng và lưu ý khi sử dụng. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Hepagold theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Bảo quản thuốc Hepagold ở nơi khô thoáng, nhiệt độ không quá 30 độ C và tránh xa tầm với của trẻ nhỏ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan