Công dụng thuốc Gluphakaps

Thuốc Gluphakaps có thành phần chính là Metformin 850mg nên được bác sĩ chỉ định điều trị bệnh tiểu đường. Việc tuân thủ theo đúng hướng dẫn, liều lượng sẽ tăng hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn.

1. Công dụng thuốc Gluphakaps

Thuốc Gluphakaps là một loại thuốc điều trị tiểu đường, được bào chế dưới dạng viên nén bao phim với thành phần chính trong mỗi viên thuốc là Metformin 850mg.

Metformin là một loại thuốc chống đái tháo đường thuộc nhóm biguanid, nó có cơ chế tác dụng khác với các thuốc điều trị đái tháo đường nhóm sulfonylure. Metformin không có tác dụng kích thích giải phóng insulin từ các tế bào beta tuyến tụy. Bên cạnh đó, nó cũng không gây hạ đường huyết ở người không bị đái tháo đường.

Ở bệnh nhân đái tháo đường, metformin sẽ có tác dụng làm giảm sự tăng đường huyết nhưng không gây ra tai biến hạ đường huyết (trừ trường hợp bệnh nhân nhịn đói hoặc phối hợp thuốc hiệp đồng tác dụng).

Trước đây cả nhóm biguanid và nhóm sulfonylure đều được coi là thuốc hạ đường huyết. Nhưng dựa trên cơ chế tác dụng của thuốc thì nhóm thuốc biguanid như metformin phải được gọi là thuốc chống tăng đường huyết mới thích hợp.

Metformin có tác dụng làm giảm nồng độ glucose trong huyết tương, khi đói và sau bữa ăn ở bệnh nhân đái tháo đường typ II (không phụ thuộc insulin). Cơ chế tác dụng ngoại biên của metformin đó là làm tăng mức sử dụng glucose ở các tế bào, cải thiện mối liên kết của insulin với các thụ thể và có khả năng có cả tác dụng sau thụ thể, gây ức chế tổng hợp glucose ở gan và giảm hấp thu glucose ở ruột.

Ngoài tác dụng chống đái tháo đường, metformin phần nào cũng có ảnh hưởng tốt trên chuyển hóa lipoprotein, quá trình chuyển hóa này thường bị rối loạn ở người bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin. Trái với các thuốc nhóm sulfonylure, thể trọng của người bệnh được điều trị bằng metformin có xu hướng ổn định hoặc có thể hơi giảm một chút.

Sử dụng metformin đơn trị liệu có thể đạt được hiệu quả tốt đối với những bệnh nhân không đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng một phần với thuốc sulfonylure hoặc những người không còn đáp ứng với sulfonylure. Ở những bệnh nhân này, nếu sử dụng metformin đơn trị liệu mà lượng đường huyết vẫn không được kiểm soát theo yêu cầu thì cần phối hợp metformin với thuốc sulfonylure có thể gây tác dụng hiệp đồng. Bởi vì cả hai thuốc có tác dụng cải thiện dung nạp glucose bằng các cơ chế khác nhau nhưng lại bổ sung cho nhau.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Gluphakaps

2.1. Chỉ định

Thuốc Gluphakaps được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin (typ II): Có thể sử dụng đơn trị liệu, khi không thể kiểm soát được lượng glucose huyết bằng chế độ ăn đơn thuần.
  • Trong trường hợp khi đã áp dụng chế độ ăn cùng với sử dụng metformin hoặc sử dụng một thuốc sulfonylurea đơn thuần mà không đạt được hiệu quả kiểm soát đường huyết thì có thể sử dụng kết hợp thuốc metformin với một thuốc sulfonylurea.

2.2. Chống chỉ định

Thuốc Gluphakaps chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân có trạng thái dị hóa cấp tính, đang bị nhiễm khuẩn, chấn thương. Các trường hợp này phải được điều trị đái tháo đường bằng insulin.
  • Giảm chức năng thận do bệnh thận, hoặc rối loạn chức năng thận, hoặc có thể do các tình trạng bệnh lý như nhồi máu cơ tim cấp tính, trụy tim mạch và nhiễm khuẩn huyết gây ra.
  • Người quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Người bị nhiễm acid chuyển hóa cấp tính hoặc mạn tính, có hoặc không có hôn mê (bao gồm cả nhiễm acid – ceton do đái tháo đường).
  • Bệnh gan nặng
  • Bệnh tim mạch nặng
  • Bệnh hô hấp nặng với giảm oxygen huyết.
  • Suy tim sung huyết, nhồi máu cơ tim cấp tính, trụy tim mạch.
  • Bệnh phổi thiếu oxygen mạn tính.
  • Nhiễm khuẩn nặng, nhiễm khuẩn huyết.
  • Các trường hợp mất bù chuyển hóa cấp tính, như trường hợp nhiễm khuẩn hoặc hoại thư.
  • Phụ nữ đang mang thai cần phải điều trị bằng insulin, không dùng metformin.
  • Phải ngừng tạm thời metformin cho bệnh nhân chiếu chụp X-quang tiêm các chất cản quang có iod vì sử dụng các chất này có thể ảnh hưởng cấp tính chức năng thận.
  • Hoại thư
  • Nghiện rượu
  • Thiếu dinh dưỡng.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Gluphakaps

Thuốc Gluphakaps được sử dụng bằng đường uống. Liều lượng thuốc Gluphakaps cần tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, liều thuốc tham khảo cho các trường hợp cụ thể như sau:

  • Người lớn:
    • Sử dụng liều khởi đầu 850mg/lần, ngày 1 lần, uống thuốc vào bữa ăn sáng. Có thể tăng liều thuốc thêm 1 viên mỗi ngày, mỗi tuần tăng 1 lần, tới liều tối đa là 2.500 mg/ngày.
    • Liều thuốc duy trì thường dùng là 850mg/lần, ngày 2 lần, uống thuốc vào các bữa ăn sáng và tối. Một số bệnh nhân có thể dùng liều 850mg/lần, ngày 3 lần, vào các bữa ăn.
  • Người cao tuổi: Liều bắt đầu và liều duy trì thuốc Gluphakaps cần thực hiện từ từ, vì có thể có suy giảm chức năng thận. Nói chung, những bệnh nhân cao tuổi không nên điều trị tới liều tối đa của metformin.
  • Chuyển từ các thuốc chống đái tháo đường khác sang Gluphakaps: Hầu hết không cần có giai đoạn chuyển tiếp, trừ khi chuyển từ thuốc clorpropamid sang. Khi chuyển từ thuốc clorpropamid sang dùng Gluphakaps, cần thận trọng trong 2 tuần đầu vì sự tồn lưu của clorpropamid kéo dài trong cơ thể, điều này có thể dẫn đến sự cộng tác dụng của thuốc và có thể gây hạ đường huyết.
  • Ðiều trị đồng thời bằng Gluphakaps và thuốc sulfonylure uống: Nếu bệnh nhân không đáp ứng với điều trị trong vòng 4 tuần ở liều tối đa metformin trong liệu pháp đơn, sẽ cần thêm dần một thuốc sulfonylure uống trong khi tiếp tục sử dụng metformin với liều tối đa. Cho dù là trước đó đã có sự thất bại nguyên phát hoặc thứ phát với một thuốc sulfonylure. Khi điều trị phối hợp với liều tối đa của cả 2 thuốc mà bệnh nhân không đáp ứng trong 1 – 3 tháng thì thường phải ngừng việc điều trị bằng thuốc uống và bắt đầu sử dụng insulin.

Khi sử dụng quá liều thuốc Gluphakaps: Không thấy giảm đường huyết sau khi uống 85g metformin, mặc dù hiện tượng nhiễm toan acid lactic đã xảy ra trong trường hợp đó. Metformin trong máu có thể thẩm phân được với hệ số thanh thải lên tới 170 ml/phút.

Nếu bạn quên một liều thuốc Gluphakaps, hãy sử dụng nó càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu đã gần với thời điểm dùng liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều thuốc đã quên và sử dụng liều thuốc kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Lưu ý không được sử dụng thuốc Gluphakaps gấp đôi liều đã quy định.

4. Tác dụng phụ của thuốc Gluphakaps

Trong quá trình sử dụng thuốc Gluphakaps, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ của thuốc.

Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc Gluphakaps bao gồm:

Các tác dụng phụ ít gặp của thuốc Gluphakaps bao gồm:

Loạn sản máu

Các tác dụng phụ hiếm gặp của thuốc Gluphakaps bao gồm:

  • Các phản ứng trên da như ban đỏ, ngứa, mày đay.

Các tác dụng phụ hiếm gặp của thuốc Gluphakaps bao gồm:

  • Xét nghiệm chức năng gan bất thường
  • Viêm gan đòi hỏi phải ngưng điều trị.

5. Tương tác thuốc Gluphakaps với các loại thuốc khác

Các thuốc có xu hướng gây tăng glucose huyết khi sử dụng cùng Gluphakaps làm giảm tác dụng của thuốc bao gồm:

Khi sử dụng Gluphakaps cùng Furosemid sẽ làm tăng nồng độ tối đa của metformin trong máu, nhưng không làm thay đổi hệ số thanh thải thận của metformin.

Các loại thuốc cationic (như là amilorid, digoxin, procainamid, quinidin, morphin, quinin, triamteren, ranitidin, trimethoprim, và vancomycin) được thải trừ bằng cách bài tiết qua ống thận có thể có khả năng tương tác với metformin bằng cách cạnh tranh với các hệ thống vận chuyển thông thường ở ống thận.

Cimetidin làm tăng (60%) nồng độ đỉnh của metformin trong huyết tương và trong máu toàn phần, do đó cần tránh dùng phối hợp metformin với cimetidin.

Thuốc Gluphakaps có thành phần chính là Metformin 850mg nên được bác sĩ chỉ định điều trị bệnh tiểu đường. Việc tuân thủ theo đúng hướng dẫn, liều lượng sẽ tăng hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan