Công dụng thuốc Glamivir

Thuốc Glamivir được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Lamivudin. Thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh viêm gan B mãn tính.

1. Thuốc Glamivir có tác dụng gì?

Mỗi viên thuốc Glamivir có thành phần chính là Lamivudin 100mg cùng các tá dược khác. Lamivudin là thuốc ức chế enzyme phiên mã ngược nhóm nucleoside với cấu trúc tương tự cytosine, có hoạt tính kháng retrovirus. Lamivudin được biến đổi nội bào trở thành triphosphat. Chất này sẽ làm ngưng quá trình tổng hợp ADN của retrovirus, kể cả HIV bằng cách ức chế cạnh tranh enzyme phiên mã ngược và hợp chất vào ADN của virus. Ngoài ra, Lamivudin cũng có hoạt tính trên virus viêm gan B (HBV).

Chỉ định sử dụng thuốc Glamivir: Người lớn và trẻ em trên 2 tuổi bị viêm gan B mạn tính, có bằng chứng HBV đang nhân rộng:

  • Bệnh gan bù có bằng chứng nhân lên của virus, nồng độ ALT trong máu tăng cao liên tục, kết quả sinh thiết cho thấy gan đang bị viêm, xơ hóa;
  • Kết hợp với thuốc khác không kháng chéo với Lamivudin nhằm điều trị bệnh gan bù.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Glamivir với người bệnh quá mẫn với thành phần, hoạt chất của thuốc và bệnh nhân có độ thanh thải creatinin dưới 50ml/phút.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Glamivir

Cách dùng: Đường uống. Người bệnh có thể uống thuốc cùng hoặc không dùng bữa ăn.

Liều dùng:

  • Người lớn: Dùng liều 100mg/lần/ngày. Nên điều trị kết hợp với thuốc khác không có sự đề kháng chéo với Lamivudin ở người bệnh gan mất bù để giảm nguy cơ kháng thuốc, ngăn chặn sự phát triển nhanh chóng của virus;
  • Trẻ em trên 2 tuổi: Dùng liều 3mg/kg, ngày 1 lần. Liều tối đa là 100mg/ngày;
  • Trẻ em dưới 3 tháng tuổi: Chưa có đầy đủ dữ liệu để quyết định liều dùng phù hợp;
  • Bệnh nhân suy thận: Giảm liều ở người bệnh từ 16 tuổi trở lên, có độ thanh thải creatinin giảm:
    • Độ thanh thải creatinin 30 - 49ml/phút: Nếu điều trị viêm gan B mạn tính thì ngày đầu tiên dùng 100mg/lần, những ngày sau dùng 50mg/lần/ngày. Nếu điều trị nhiễm virus HIV thì ngày đầu tiên dùng 150mg/lần, những ngày sau dùng 150mg/lần/ngày;
    • Độ thanh thải creatinin 15 - 29ml/phút: Nếu điều trị viêm gan B mạn tính thì ngày đầu tiên dùng 100mg/lần, những ngày sau dùng 25mg/lần/ngày. Nếu điều trị nhiễm virus HIV thì ngày đầu tiên dùng 150mg/lần, những ngày sau dùng 100mg/lần/ngày;
    • Độ thanh thải creatinin 5 - 14ml/phút: Nếu điều trị viêm gan B mạn tính thì ngày đầu tiên dùng 35mg/lần, những ngày sau dùng 15mg/lần/ngày. Nếu điều trị nhiễm virus HIV thì ngày đầu tiên dùng 150mg/lần, những ngày sau dùng 50mg/lần/ngày;
    • Độ thanh thải creatinin dưới 5ml/phút: Nếu điều trị viêm gan B mạn tính thì ngày đầu tiên dùng 35mg/lần, những ngày sau dùng 10mg/lần/ngày. Nếu điều trị nhiễm virus HIV thì ngày đầu tiên dùng 50mg/lần, những ngày sau dùng 25mg/lần/ngày;
  • Bệnh nhân suy gan: Dữ liệu nghiên cứu trên người bị suy gan mức độ trung bình đến nặng cho thấy Lamivudin không gây ảnh hưởng tới hoạt động của gan nên không cần điều chỉnh liều dùng của thuốc, trừ trường hợp đồng thời bị suy thận.

Quá liều: Hiện thông tin về việc sử dụng thuốc Glamivir quá liều cấp ở người vẫn còn hạn chế, không có triệu chứng lâm sàng đặc trưng sau khi dùng thuốc quá liều. Hiện tại không có thuốc giải độc đặc hiệu cho thuốc. Nếu xảy ra quá liều, nên theo dõi người bệnh và áp dụng các biện pháp điều trị hỗ trợ thông thường.

3. Tác dụng phụ của thuốc Glamivir

Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Glamivir gồm:

  • Rất thường gặp: Nồng độ ALT cao;
  • Thường gặp: Ngứa da, phát ban, chuột rút, tăng CPK, đau cơ;
  • Hiếm gặp: Phù mạch bạch huyết;
  • Rất hiếm gặp: Nhiễm acid lactic;
  • Tác dụng phụ khác: Ở những bệnh nhân bị nhiễm HIV, người bệnh có thể bị rối loạn hệ thần kinh ngoại vi (chứng dị cảm) hoặc bị viêm tuyến tụy. Nên thông báo cho bác sĩ nếu xuất hiện triệu chứng hoặc kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh bị viêm tụy.

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Glamivir, người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ để nhận được lời khuyên về biện pháp can thiệp xử trí thích hợp.

4. Thận trọng khi dùng thuốc Glamivir

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Glamivir:

  • Lamivudin (thành phần chính của thuốc Glamivir) không khuyến cáo dùng đơn trị liệu;
  • Đã có trường hợp bị viêm tuyến tụy khi dùng Lamivudin. Nên kiểm tra tuyến tụy khi người bệnh bị đau bụng, buồn nôn, ói mửa hoặc có các xét nghiệm sinh hóa bất thường. Ngưng sử dụng Lamivudin cho tới khi chẩn đoán viêm tụy được loại trừ;
  • Ở trẻ em có tiền sử viêm tụy hoặc có dấu hiệu nguy cơ phát triển viêm tụy thì nên sử dụng Lamivudin thận trọng, chỉ dùng khi không có những biện pháp điều trị thay thế thích hợp. Nên ngưng điều trị Lamivudin ngay lập tức nếu người bệnh có triệu chứng viêm tuyến tụy;
  • Ở bệnh nhân suy thận từ trung bình đến nặng thì thải trừ huyết tương của Lamivudin tăng do độ thanh thải giảm. Do đó, nên điều chỉnh liều dùng thuốc, có thể thay thế bằng một dạng bào chế hoặc liều dùng phù hợp nhằm giảm liều dùng ở người bệnh có độ thanh thải dưới 30ml/phút;
  • Nhiều khảo sát cho thấy bệnh nhân viêm gan B có thể tái phát bệnh trở lại nếu ngưng dùng Lamivudin, hậu quả có thể trầm trọng hơn ở người bị viêm gan bù. Nếu ngưng sử dụng Lamivudin ở người bệnh đồng nhiễm HIV và HBV thì cần định kỳ kiểm tra chức năng gan, xem xét các dấu hiệu của việc sao chép HBV;
  • Tình trạng tích lũy chất béo, bao gồm vùng eo mập lên, tăng vòng ngực, tăng nồng độ đường trong máu, tăng lipid trong huyết thanh,... có thể xảy ra ở bệnh nhân kết hợp dùng thuốc Glamivir với thuốc kháng virus;
  • Khi sử dụng thuốc Lamivudin đơn độc hoặc kết hợp, bệnh nhân có thể bị nhiễm acid lactic và gan nhiễm mỡ nặng. Phần lớn các trường hợp này đều gặp ở phụ nữ. Các triệu chứng của nhiễm acid lactic gồm suy nhược, biếng ăn, giảm cân đột ngột không rõ lý do, triệu chứng liên quan tới đường hô hấp và dạ dày - ruột. Nên thận trọng khi dùng thuốc Lamivudin ở người bệnh có nguy cơ mắc bệnh gan. Nên tạm ngưng dùng thuốc Lamivudin cho người bệnh có dấu hiệu phát triển hoặc kết quả xét nghiệm cho thấy nhiễm acid lactic;
  • Ở bệnh nhân bị nhiễm HIV, khi dùng thuốc Lamivudin có thể gia tăng tình trạng suy giảm miễn dịch, dẫn tới tăng phản ứng viêm hoặc nhiễm khuẩn cơ hội;
  • Đã có một số trường hợp bị hoại tử xương ở bệnh nhân nhiễm HIV tiến triển đang điều trị với thuốc Lamivudin. Người bệnh nên báo cho bác sĩ nếu bị đau nhức khớp, khó khăn trong vận động,...;
  • Vi Lamivudin qua được nhau thai nên cần xem xét kỹ lưỡng khi dùng thuốc ở phụ nữ có thai, chỉ sử dụng nếu lợi ích điều trị lớn hơn hẳn nguy cơ;
  • Lamivudin được bài tiết trong sữa mẹ nên phụ nữ nhiễm HIV đang dùng Lamivudin không được nuôi con bằng sữa mẹ;
  • Lamivudin có thể gây chóng mặt nên không lái xe, vận hành máy móc, làm việc trên cao,... nếu bạn không thể thực hiện những việc này một cách an toàn.

5. Tương tác thuốc Glamivir

Một số tương tác thuốc của Glamivir gồm:

  • Sự bài tiết qua thận của Lamivudin (thành phần chính của thuốc Glamivir) bị ức chế bởi các thuốc khác được thải trừ chủ yếu bằng sự bài tiết chủ động qua thận (ví dụ Trimethoprim);
  • Nồng độ trong huyết tương của Zidovudin bị tăng nhẹ khi dùng chung với Lamivudin. Mặc dù không có tương tác có ý nghĩa lâm sàng nhưng tình trạng thiếu máu nặng đôi khi có thể xảy ra ở những bệnh nhân sử dụng đồng thời Lamivudin với Zidovudin;
  • Trimethoprim, sulfamethoxazole làm tăng khoảng 40% nồng độ Lamivudin trong huyết tương. Tuy nhiên, không cần phải điều chỉnh liều dùng thuốc trừ khi người bệnh đã có suy thận;
  • Lamivudin có thể ức chế quá trình phosphoryl nội bào của thuốc emtricitabine nếu sử dụng đồng thời 2 loại thuốc này. Bên cạnh đó, hiệu quả điều trị khi kết hợp 2 loại thuốc này bị giới hạn. Do vậy, không khuyến cáo dùng kết hợp Lamivudin với emtricitabine.

Khi sử dụng thuốc Glamivir, người bệnh nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ, sẵn sàng liên hệ tư vấn nếu có bất kỳ câu hỏi nào. Điều này đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất và tránh được một số sự cố không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

63 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan