Công dụng thuốc Gintarin

Gintarin thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa, có công dụng giảm sự hấp thu cholesterol và được sử dụng để làm tan sỏi mật ở bệnh nhân như một biện pháp thay thế cho thủ thuật phẫu thuật để loại bỏ sỏi mật.

1. Tác dụng của thuốc Gintarin

Gintarin có thành phần chính là Acid Ursodeoxycholic, Taurin, dịch chiết nhân sâm trắng, Thiamine nitrate, Inositol. Thuốc thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa, được sử dụng trong việc điều trị các bệnh như:

  • Điều trị bệnh gan mật mạn tính, đặc biệt là các triệu chứng viêm xơ đường dẫn mật, chứng xơ gan mật nguyên phát; bệnh gan mắc phải do chứng bệnh nhầy nhớt.
  • Điều trị bệnh sỏi túi mật cholesterol: Sỏi túi mật nhỏ hoặc sỏi túi mật không triệu chứng, không cản quang, có đường kính dưới 15mm, ở các bệnh nhân có sỏi nhưng không phù hợp chỉ định dùng phương pháp phẫu thuật.
  • Ngoài ra, thành phần Thiamine nitrate có trong thuốc còn được sử dụng để điều trị và phòng bệnh thiếu thiamin, hội chứng Wernicke và Korsakoff, viêm đa dây thần kinh, người có rối loạn đường tiêu hóa.

Cơ chế tác dụng:

Gintarin tác dụng lên chu trình gan - ruột của các acid mật nội sinh: Làm tăng tiết dịch mật, giảm tái hấp thu các dịch mật bằng cách ức chế và làm giảm nồng độ các acid mật nội sinh trong máu.

2. Liều lượng và cách dùng thuốc Gintarin

Cách dùng: Thuốc được bào chế dưới dạng viên nang mềm và sử dụng qua đường uống. Có thể uống 1 liều duy nhất vào buổi tối hoặc là chia thành 2 đợt, sáng 1 lần và tối 1 lần.

Thời gian điều trị: Thời gian điều trị sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh. Chẳng hạn như bệnh sỏi mật thông thường thời gian dùng thuốc sẽ kéo dài trong khoảng 6 tháng, tuy nhiên nếu sỏi có kích thước lớn hơn 1cm thì thời gian điều trị với Gintarin có thể kéo dài đến 1 năm.

Liều lượng:

  • Liều thông thường người bệnh có thể sử dụng với liều 1 viên x 2 lần/ngày.
  • Trong ngăn ngừa bệnh sỏi mật dùng liều lượng thuốc là 300mg x 2 lần/ngày.
  • Để làm tan sỏi mật dùng liều 8-12 mg/kg/ngày chia 2-3 lần.
  • Trong điều trị bệnh xơ gan mật nguyên phát dùng liều lượng 10-15mg/kg/ngày, chia 2-4 lần.
  • Trong điều trị sỏi túi mật cholesterol: Sử dụng liều có tác dụng từ 5 - 10mg/kg/ngày, với những người có thể trạng tốt hơn có thể dùng liều trung bình khuyến cáo là 7,5mg/kg/ngày.
  • Đối với người bệnh mắc bệnh béo phì, liều khuyên dùng là 10mg/kg/ngày, tùy theo thể trọng mà liều dùng từ 2 - 3 viên/ngày.
  • Đối với trường hợp điều trị bệnh gan mật mạn tính: Dùng liều điều trị từ 13 – 15mg/kg/ngày. Thời gian đầu nên dùng từ liều 200mg/ngày, sau đó tăng liều dần dần để đạt được hiệu quả cao nhất.
  • Đối với trường hợp điều trị bệnh gan mật mắc phải do bệnh nhầy nhớt, liều điều trị tối ưu là 20mg/kg/ngày.

Chống chỉ định:

  • Không dùng cho người bệnh có tiền sử dị ứng với thành phần Ursodeoxycholic Acid hoặc với bất kỳ thành phần khác của thuốc.
  • Không dùng thuốc Gintarin với các trường hợp bệnh nhân bị mắc bệnh viêm đại tràng và ruột non.
  • Người bệnh có tiền sử bị dị ứng với thuốc kháng acid.
  • Người bệnh mắc bệnh gan mãn tính và bệnh viêm loét dạ dày.
  • Người bệnh đang mắc bệnh sỏi mật bị vôi hóa và sắc tố, túi mật không hoạt động.

3. Tác dụng phụ thuốc Gintarin

Các phản ứng phụ mà người bệnh có thể gặp trong thời gian điều trị bằng Gintarin bao gồm có:

  • Tiêu chảy: Phản ứng này khá ít gặp do các thành phần của thuốc như acid ursodeoxycholic không gây kích ứng màng nhầy ruột.
  • Thời gian đầu điều trị gan ứ mật bệnh nhân có thể gặp phản ứng phụ như ngứa ngáy, mề đay. Do đó để tránh tình trạng này xảy ra, bác sĩ sẽ khuyến cáo liều khởi đầu bệnh nhân nên bắt đầu là 200mg/ngày.
  • Phản ứng ít gặp khác bao gồm: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, ngứa da, sỏi mật vôi hóa, đi ngoài phân lỏng, phát ban.

4. Thận trọng khi dùng thuốc Gintarin

  • Đối với các trường hợp bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị trong thời gian dài thì nên thường xuyên theo chức năng của trực tràng.
  • Trong trường hợp người bệnh điều trị bệnh sỏi túi mật cholesterol thì nên kiểm tra hiệu quả điều trị sau 6 tháng
  • Trong thời gian dùng thuốc điều trị bệnh gan mật mạn tính, bao gồm có xơ gan, suy giảm chức năng tế bào gan hoặc ứ mật với hàm lượng bilirubin huyết trên 200 micromol/L cần phải được theo dõi thường xuyên về hiệu quả điều trị.
  • Với phụ nữ có thai: Các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy khả năng gây quái thai, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Mặc dù chưa có nghiên cứu lâm sàng đầy đủ chứng minh kết quả trên người nhưng đối với thai phụ, bác sĩ vẫn khuyến cáo không nên sử dụng thuốc.
  • Lưu ý trong thời kỳ cho con bú: Thuốc có thể bài tiết qua sữa mẹ và gây tác động không tốt đến quá trình phát triển của trẻ sơ sinh.Tốt nhất các bệnh nhân đang cho con bú không nên hoặc hạn chế dùng thuốc trong thời kỳ cho con bú. Nếu cần thiết thì nên ngừng cho con bú trong trường dùng thuốc.

5. Tương tác thuốc

  • Abciximab, Axit acetylsalicylic: Tăng nguy cơ hoặc làm tăng mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ.
  • Acenocoumarol, Alteplase: Nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của tình trạng chảy máu và bầm tím có thể tăng lên khi 2 loại thuốc trên kết hợp với axit Ursodeoxycholic.
  • Aluminium phosphat, Clorua nhôm: Aluminium phosphat có thể gây giảm hấp thu axit Ursodeoxycholic dẫn đến giảm nồng độ trong huyết thanh và có khả năng làm giảm hiệu quả điều trị.
  • Bezafibrate: Hiệu quả điều trị của Ursodeoxycholic acid có thể giảm khi dùng kết hợp với Bezafibrate.
  • Capmatinib: Nồng độ trong huyết thanh của Capmatinib có thể giảm khi nó được kết hợp với axit Ursodeoxycholic.
  • Clindamycin: Sự chuyển hóa của Clindamycin có thể được tăng lên khi kết hợp với axit Ursodeoxycholic.
  • Clofibrate: Hiệu quả điều trị của Ursodeoxycholic acid có thể giảm khi dùng kết hợp với Clofibrate.
  • Daunorubicin: Axit ursodeoxycholic có thể làm giảm tốc độ bài tiết của Daunorubicin dẫn đến nồng độ Daunorubicin trong huyết thanh cao hơn.
  • Cholestyramin: Công dụng của thuốc acid ursodeoxycholic sẽ bị giảm do gắn kết với cholestyramin. Do vậy mà khi dùng 2 loại thuốc này với nhau thì nên chia thời gian dùng thuốc ra, cách nhau khoảng 5 giờ.

Những thông tin cơ bản về thuốc Gintarin trong bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo. Vì đây là thuốc kê đơn nên người bệnh không tự ý sử dụng, mà cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để có đơn kê phù hợp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

49 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan